Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải xử lý nhiều vấn đề khó khăn trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ông Tập Cận Bình đang dành nhiều nỗ lực cho chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn ở trong nước và đầu tư về chính sách ngoại giao để nâng cao hình ảnh của Trung Quốc như một nước lớn và nhà lãnh đạo trong khu vực.

Nhiệm vụ của ông Tập Cận Bình, từng được nhấn mạnh nhiều lần sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là thực hiện "giấc mơ Trung Hoa", hồi sinh mạnh mẽ dân tộc Trung Hoa bằng việc xây dựng một quốc gia mạnh mẽ, giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc. Trung Quốc cũng đang tiến hành xây dựng một quân đội hùng mạnh xứng tầm với vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, kiên quyết bảo vệ nguồn tài nguyên biển và xây dựng một cường quốc biển.

Nhiệm vụ trên đòi hỏi ông Tập Cận Bình phải duy trì một sự cân bằng cực kỳ tinh tế giữa hợp tác quốc tế và một chính sách đối ngoại theo đường lối cứng rắn. Tuy nhiên, một khi ưu tiên của Trung Quốc vẫn là trở thành một siêu cường, thì việc tăng cường quốc phòng và bảo vệ tài nguyên sẽ được ưu tiên. Đã 10 năm kể từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và từ đó đến nay, Bắc Kinh đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự. 

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc ngày càng khẳng định những lợi ích cốt lõi của họ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nước này đang có tranh chấp trên biển với Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc đã thay đổi đường lối ngoại giao thụ động trước đây, điều đó được thể hiện rõ trong quan hệ của nước này với Nhật Bản. Trung Quốc đã có lập trường ngoại giao cực kỳ cứng rắn trong vụ va chạm với Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2010. Sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này năm 2012, thái độ cứng rắn của Trung Quốc càng được thể hiện công khai hơn. 

Tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự quốc tế thế kỷ 21 đã được ông Tập Cận Bình đề cập rõ ràng hơn trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 6/2013. Ông Tập Cận Bình đã đề xuất thiết lập mối quan hệ đặc biệt của nhóm 2 siêu cường (G-2) và tuyên bố rằng "tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có đủ không gian cho cả Trung Quốc và Mỹ". Ông Obama chưa đưa ra bất kỳ phát biểu nào về vấn đề này, nhưng Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu thực hiện đề xuất trên. 

Tuy nhiên, có một nghịch lý là Trung Quốc càng nhấn mạnh về "mô hình Trung Quốc" và thuyết "Trung Quốc duy nhất" thì họ càng xung đột với những khái niệm phổ quát được chấp nhận rộng rãi trong xã hội quốc tế. Dường như thế giới sẽ chỉ chấp nhận "mô hình Trung Quốc" và thuyết "Trung Quốc duy nhất" nếu Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về kinh tế và quân sự. Nếu Trung Quốc chấp nhận thực tế và đồng ý phát triển trật tự quốc tế hiện nay, chứ không phải cố gắng hết sức để tạo ra một trật tự quốc tế mới, thì quốc tế sẽ hoan nghênh. Bản thân Trung Quốc cũng đang bày tỏ quan điểm rằng cần có một cấu trúc như vậy. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã khẳng định "việc sử dụng vũ lực không tạo ra một thế giới tươi đẹp".

Điều này phù hợp với quan điểm của Trung Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác quốc tế. Trong luận điểm này, ông Hồ Cẩm Đào ủng hộ một chiến lược quốc tế, trong đó Trung Quốc có thể đóng góp từ khía cạnh phổ quát, chứ không phải từ khía cạnh của thuyết "Trung Quốc duy nhất". Nếu Trung Quốc muốn đứng đầu trật tự quốc tế mới, được các nước khác chấp nhận và tôn trọng, họ cần thực hiện tiêu chí đầu tiên là trở thành một nhà lãnh đạo thế giới thực sự. 

Theo "Diễn đàn Đông Á

Mỹ Anh (gt)