Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (Công ước)[1] thiết lập khung pháp lý cho việc quản lý và sử dụng biển. Tất cả các quốc gia ven biển tại Biển Đông - Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam - đều là thành viên của Công ước[2]. Đài Loan, cũng là một bên trong tranh chấp Biển Đông, đã có những bước điều chỉnh nội luật của mình phù hợp với Công ước[3].

Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam là các bên yêu sách về chủ quyền đối với các đảo tại Biển Đông. Công ước không có các điều khoản giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ. Các điều khoản của Công ước chỉ bao gồm các quyền tài phán có từ chủ quyền lãnh thổ.

Các quốc gia ven biển có yêu sách chồng lấn về quyền tài phán trên biển tại Biển Đông. Các tranh chấp biển này cũng ngang tầm quan trọng như các tranh chấp lãnh thổ và có lẽ còn quan trọng hơn. Theo như quy định của Công ước các vùng biển chỉ được tạo ra từ lãnh thổ đất liền bao gồm cả các đảo[4]. Công ước bao gồm các quy định về đường cơ sở để từ đó tính chiều rộng các vùng biển[5]. Công ước thiết lập chiều rộng các vùng biển mà quốc gia có thể yêu sách[6] cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác có được tại các vùng biển đó. Công ước cũng bao gồm các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa các bên đối với việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước[7].

Do đó, mặc dù Công ước không có các điều khoản quy định về yêu sách chủ quyền lãnh thổ, nhưng nó bao gồm các điều khoản mở rộng về phạm vi các vùng biển có thể được phép yêu sách và các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến các yêu sách đó.

Bài viết này đặt ra giả thuyết là nếu như tất cả các bên yêu sách tại Biển Đông tuân thủ một cách trung thực các điều khoản áp dụng trong Công ước thì các tranh chấp biển sẽ được làm sáng tỏ và sẽ tạo được cơ sở cho các bên gác tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo và hợp tác tại các khu vực có yêu sách biển chồng lấn. Ngược lại nếu như một hay nhiều quốc gia tại Biển Đông yêu sách các vùng biển không phù hợp với Công ước, các quốc gia khác sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc được quy định trong Công ước để có được phán quyết ràng buộc về mặt pháp lý đối với các yêu sách.

I. TỔNG QUAN VỀ CÁC TRANH CHẤP

Biển Đông là biển nửa kín bao quanh biên giới phía tây của Việt Nam, phía đông của Philippines, Malaysia, Brunei, phía nam với Indonesia và Malaysia và phía bắc với Trung Quốc và Đài Loan. Chiều rộng của Biển Đông khoảng 550-650 hải lý và chiều dài khoảng hơn 1.200 hải lý.

Biển Đông nằm trên trục đường hàng hải quốc tế chính giữa Ấn Độ Dương và Đông Bắc Á bao gồm các cảng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga[8]. Các tàu bè từ Ấn Độ Dương đi qua eo biển Malacca và Singapore (giữa Indonesia, Malaysia và Singapore) hay eo biển Sunda (giữa các đảo Java của Indonesia và Sumatra) và đi qua Biển Đông theo hướng qua eo biển Đài Loan hoặc eo biển Luzon (giữa Đài Loan và Philippines).

Quần đảo Trường Sa nằm phía đông của Biển Đông, phía tây của quần đảo Palawan của Philippines và tây bắc của phần phía bắc đảo Borneo, bao gồm Brunei và các bang phía đông Malaysia của Sabah và Sarawak. Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 140 các đảo, đá và bãi chìm trải dài trên diện tích hơn 410.000 km2[9]. Một số thực thể hoàn toàn hoặc thỉnh thoảng chìm dưới mặt nước và một số khác luôn nổi trên mặt nước. Ít hơn bốn mươi thực thể là đảo theo như định nghĩa của Điều 121(1) của Công ước mà theo đó định nghĩa đảo “là đất liền được hình thành tự nhiên bao bọc bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao.”[10] Tổng diện tích của 13 đảo lớn nhất của Trường Sa nhỏ hơn 1,7 km2[11] (so sánh, Công viên Trung tâm Manhattan là 3,41 km2). Các thực thể còn lại hoặc hoàn toàn chìm dưới mặt nước hoặc chỉ nổi lên trên mặt nước khi thủy triều thấp. Do có số lượng các đá chìm dưới mặt nước và các thực thể lúc nổi lúc chìm, quần đảo Trường Sa được đánh giá là “khu vực nguy hiểm” trên bản đồ hàng hải[12]. Các đảo này nằm ở phía đông tuyến đường hàng hải quốc tế.

Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan yêu sách tất cả quần đảo Trường Sa. Nhiều thực thể của quần đảo Trường Sa thuộc vào Nhóm đảo Kalayaan (KIG) do Philippines yêu sách. Thêm vào đó, Malaysia cũng yêu sách một số thực thể và trong đó có một đá nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.

Theo ước tính các bên yêu sách đã chiếm đóng khoảng 60 thực thể của quần đảo Trường Sa[13]. Đảo Ba Bình, đảo lớn nhất và là đảo duy nhất có nguồn nước tự nhiên hiện đang do Đài Loan chiếm đóng. 12 đảo còn lại do Việt Nam hoặc Philippines chiếm đóng. Theo một báo cáo khác thì có tổng số 44 thực thể đã bị các bên chiếm đóng và xây dựng công trình tại các thực thể này. Số lượng chiếm đóng như sau: Việt Nam chiếm 25 thực thể, Philippines chiếm 8 thực thể, Trung Quốc chiếm 7 thực thể, Malaysia chiếm 3 thực thể và Đài Loan chiếm 1 thực thể[14].

Quần đảo Hoàng Sa là nhóm đảo thứ hai đang có tranh chấp lãnh thổ. Hoàng Sa nằm tại góc đông bắc của Biển Đông, có khoảng cách tương đương từ bờ biển Việt Nam cho đến đảo Hải Nam. Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều có yêu sách với Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974[15], và kể từ đó cho đến nay Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa. Trung Quốc không chấp nhận có tranh chấp chủ quyền đối với Hoang Sa[16]. Tuy nhiên, tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo này vẫn đang gây ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt tại khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị bắt giữ[17].

Quần đảo Hoàng Sa bao gồm khoảng 35 đảo nhỏ, bãi cạn, dải cát và đá với tổng diện tích khoảng 15.000 km2 diện tích mặt nước biển[18]. Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa có diện tích khoảng 2,1 km2 tương đương với tổng diện tích của 13 đảo lớn nhất của Trường Sa[19]. Thành phố Tam Sa được đặt tại đảo Phú Lâm, đây là thành phố tương đương cấp quận được Trung Quốc thành lập vào tháng 6 năm 2012 làm trung tâm hành chính cho các yêu sách tại Biển Đông[20].

Bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Bãi Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag hay Bajo de Masinlóc) là thực thể có tranh chấp khác tại Biển Đông. Bãi Scarborough nằm cách khoảng 124 hải lý từ tỉnh Zambles của Philippines[21]. Cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều có yêu sách chủ quyền đối với Bãi Scarborough. Bãi Scarborough là đảo san hô vòng và có diện tích nước khoảng 150 km2 được bao quanh bởi đá[22]. Hầu hết các đá đều hoặc là hoàn toàn chìm dưới mặt nước hoặc chỉ nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp. Tuy nhiên, Bãi Scarborough cũng bao gồm nhiều đá nhỏ nổi hoàn toàn trên mặt nước kể cả khi thủy triều lên cao[23]. Bãi Scarborough là nơi đã diễn ra nhiều xung đột giữa tàu Philippines và Trung Quốc trong nhiều tháng trời năm 2012.

Hai thực thể ở phía đông bắc của Biển Đông do duy nhất chỉ Trung Quốc và Đài Loan yêu sách. Thực thể đầu tiên là quần đảo Pratas (Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa) nằm tại phía bắc của Biển Đông, cách Hồng Kông khoảng 200 hải lý về phía Tây Nam. Quần đảo Pratas hiện đang do Đài Loan chiếm đóng. Thực thể thứ hai là Bãi Macclesfield (Trung Quốc dọi là quần đảo Trung Sa), đảo san hô vòng lớn hoàn toàn chìm dưới mặt nước thậm chí cả khi thủy triều xuống thấp[24]. Bãi Macclesfield nằm phía bắc của Biển Đông, phía nam của quần đảo Pratas, phía đông của quần đảo Hoàng Sa và phía tây của Bãi Scarborough.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Robert Beckman là Giám đốc Trung tâm Luật pháp Quốc tế và Phó Giáo sư, Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết được đăng trên tạp chí The American Journal of International Law, Số 107. Đọc bản gốc tiếng Anh tại đây.

Thái Giang (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)

 



[1] Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển được ký kết vào 10/12/1982.

ILM 1261 (1982) [sau đây gọi là Công ước]. Công ước có hiệu lực vào ngày 16/11/1994. Vào 8/10/2012, 163 quốc gia và Liên Minh Châu Âu đã là thành viên của Công Ước. Xem Công ước tại: http://www.un.org/Depts/los/index.htm.

[2] Các quốc gia phê chuẩn Công ước như sau: Brunei, 5/11/1996; Trung Quốc, 7/6/1996; Malaysia, 14/10/1996; Philippines, 8/5/1984; và Việt Nam, 25/7/1994. Xem Tuyển tập các Hiệp định tại http://treaties.un.org/pages/ParticipationStatus.aspx. Nếu như Vịnh Thái Lan được coi như là một cánh tay của Biển Đông thì Campuchia và Thái Lan sẽ là các quốc gia vùng biên nhưng do hai quốc gia này không liên quan đến tranh chấp trên biển nên không được đề cập đến với tư cách là quốc gia vùng biên trong bài nghiên cứu này.

[3] Tham khảo việc Đài Loan thông qua luật về yêu sách các vùng biển được quy định trong Công ước cũng như so sánh quan điểm của Đài Loan và Trung Quốc, xemSong Yann-Huei & Zou Keyuan, Maritime Legislation of

Mainland China and Taiwan: Developments, Comparison, Implications, and Potential Challenges for the United States,

31 OCEAN DEV. & INTL L. 303, 310 –12 (2000).

[4] Nói chung, theo như Công ước các quốc gia ven biển có thể yêu sách lãnh hải và vùng tiếp giáp (Phần II) vùng đặc quyền kinh tế (Phần V) và thềm lục địa (Phần VI)

[5] Xem Công ước, như đã trích dẫn ở trích dẫn số 1. Điều 5-14, 47. Các vùng nước phía bên trong đường cơ sở là nội thủy hoặc trong trường hợp quốc gia quần đảo thì là vùng nước quần đảo.

[6] Xem Công ước, chú thích 1. Điều 3 (lãnh hải) 33(2) (vùng tiếp giáp), 57 (vùng đặc quyền kinh tế), 76 (thềm lục địa ).

[7] Xem Công ước, chú thích số 1. Phần XV.

 

[8] Clive Schoeld, Vùng nước nguy hiểm: Tổng quan địa lý của Biển Đông, an ninh và chính trị quốc tế của Biển Đông (Sam Batemen & Ralf Emmers eds., 2009).

[9] Xem bản đồ 107 AJIL 95 (2013) [sau đây được gọi là bản đồ Biển Đông].

[10] Tập hợp dựa trên bản đồ Biển Đông, trích dẫn số 9 cũng như các thông tin cung cấp tại David Hancox & Victor Prescott, A Geographical Description Of The Spratly Islands And An Account Of Hydrographic Surveys Amongst Those Islands (1995).

[11] Thông tin phân tích được lấy tại HANCOX & PRESCOTT, trích dẫn số 10.

[12] Schoeld, trích dẫn số 8, tr. 7- 25.

[13] Bản Đồ Biển Đông, đã trích dẫn tại trích dẫn số 3.

[14] Daniel J. Dzurek, The Spratly Islands: Who’s On First? (Tạp chí Nghiên cứu Biên giới quốc tế, Durham, 1996), tr. 56-57.

[15] Stein Tonnesson, “Why are Disputes in the South China Sea so Intractable? A Historical Approach” (2002) 30:3 AJSS 570, tr. 574.

[16] Xem ví dụ, trả lời của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về câu hỏi Việt Nam phản đối các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn trả lời “như tất cả đã biết, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa và các đảo nhỏ liền kề. Trung Quốc và Việt Nam không có tranh chấp lãnh thổ với quần đảo này”. Họp báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (ngày 27/11/2007), tại http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t385091.htm.

[17] Ví dụ vào tháng 3/2010, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam và 12 ngư dân tại khu vực Hoàng Sa; xem Leszek Buszynski, “The South China Sea: Oil, Maritime Claims and U.S-China Strategic Rivalry”, (2012) 35:2 Tạp chí The Washington Quarterly số 139, tr. 143.

[18] Bản đồ Biển Đông, xem trích dẫn số 3.

[19] Hancox & Prescott, xem trích dẫn số 10.

[20] Bộ Nội Vụ Trung Quốc thông báo thành lập thành phố Tam Sa vào ngày 21/6/2012. Xem Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, Tân Hoa Xã, tại địa chỉ: http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-07/24/c_131734893.htm; người phát ngôn Trung Quốc xác nhận thông tin – xem Họp báo thường kỳ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi ngày 25/6/2012, tại http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/2511/t945654.htm.

[21] Nước Cộng hòa Philippines, Bộ Ngoại giao, Lập trường của Philippines về Bãi Scarborough và các vùng nước liền kề (28/4/2012), tại: http://dfa.gov.ph/main/index.php/newsroom/dfa-releases/5216-philippine-position-on-bajo-de-masinloc-and-the-waters-within-its-vicinity.

[22] Zou Keyuan, “Scarborough Reef: A new Flashpoint in Sino-Philippine Relations?” (Tạp chí Nghiên cứu Biên giới Quốc tế, 1999) Bản tin Biên giới và An ninh số 71, tr. 71.

[23] Xem Zou Keyuan, tài liệu đã trích dẫn ở trên; Lập trường của Philippines về Bãi Scarborough, tài liệu đã trích dẫn tại trích dẫn số 14, tr. 2.

[24] Xem Bản đồ Biển Đông 4508 do Cơ Quan Địa lý Vương quốc Anh sửa và tái bản biểu đồ INT số 508 (ngày 25/9/1987).