Về vấn đề Biển Đông: Gác tranh chấp cùng khai thác 

Có phóng viên đề cập, tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển giữa một số quốc gia xung quanh với Trung Quốc đang tăng lên, bên cạnh đó lo lắng của một số quốc gia xung quanh đối với sức mạnh tổng hợp và thái độ ngoại giao của Trung Quốc cũng đang tăng lên. Trả lời về việc đánh giá thế nào về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, cũng như biện pháp giải quyết những tranh chấp nêu trên, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lấy “láng giềng thân thiện, làm yên láng giềng, làm giàu cho láng giềng” để khái quát chính sách ngoại giao xung quanh mà Trung Quốc theo đuổi. “Có một số quốc gia xung quanh lo lắng sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc lớn mạnh, tôi cảm giác họ đang lo lắng về tốc độ phát triển của Trung Quốc chậm lại”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì giải thích, gần đây nhất tôi đến thăm một số quốc gia châu Á, họ đều hy vọng kinh tế Trung Quốc duy trì tình hình phát triển tốt đẹp như hiện nay, điều này có lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại song phương và hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực khác. “Thế giới này là một thế giới rất không cân bằng, có người đang cầm chiếc kèn đồng lớn, có người chỉ có chiếc kèn đồng nhỏ, có người không có kèn đồng, nhưng tôi luôn cho rằng con số quan trọng hơn chiếc kèn đồng”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì dẫn chứng số liệu cho rằng Trung Quốc hiện nay đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của đại đa số các quốc gia xung quanh, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các quốc gia châu Á năm 2011 đã vượt 1.000 tỷ USD, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực châu Á đạt gần 20 tỷ USD, hợp tác trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tài chính, năng lượng, cơ sở hạ tầng đều đạt được những thành tựu chưa từng có cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đối với một số mâu thuẫn và bất đồng tồn tại giữa một bộ phận các quốc gia xung quanh với Trung Quốc, họ bày tỏ vẫn sẽ ra sức thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết hoà bình tranh chấp, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tôn trọng lợi ích chính đáng của Trung Quốc, đồng hành cùng với phía Trung Quốc, tránh những lời nói và hành động có thể khiến cục diện thêm phức tạp. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đặc biệt đề cập đến vấn đề Biển Đông hiện nay đang bị dư luận đặc biệt chú ý. Ông nói căn cứ chuẩn tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, các nước liên quan trực tiếp nên thông qua đàm phán giải quyết ổn thỏa tranh chấp Biển Đông. Trước khi giải quyết tranh chấp Biển Đông, có thể “gác tranh chấp, cùng khai thác”, Trung Quốc cùng các nước liên quan đạt được một loạt nhận thức chung quan trọng về giải quyết hoà bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác thực chất Biển Đông, ví dụ như “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” của các quốc gia Đông Nam Á. “Tóm lại, Trung Quốc và các nước xung quanh có năng lực, có trí tuệ xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông, cùng nhau bảo vệ hoà bình và ổn định khu vực Biển Đông”. 

Về quan hệ Trung-Mỹ: thiết thực tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc 

Trả lời câu hỏi về việc đánh giá và ứng phó thế nào đối với việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á? Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho biết quan hệ giao lưu Trung-Mỹ đã được lịch sử cho thấy rõ nét, nếu hoà hai bên đều có lợi, nếu đối đấu hai bên đều tổn thất. Trung Quốc kiên trì xuất phát từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài để xử lý quan hệ Trung-Mỹ, nắm bắt chắc chắn phương hướng lớn quan hệ đối tác hợp tác hai nước. Đồng thời, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nhấn mạnh hai bên cần trước sau như một kiên trì nguyên tắc của 3 Thông cáo chung và Tuyên bố chung Trung-Mỹ, thiết thực tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm thiết thân quan trọng của nhau. “Phía Mỹ đặc biệt tuân thủ lời hứa, thận trọng, xử lý ổn thoả các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tập trung nhất lợi ích đen xen giữa Trung Quốc và Mỹ, tìm kiếm hoà bình, mưu cầu phát triển, thúc đẩy hợp tác là xu thế lớn của khu vực này. Mọi con đường của Trung Quốc đều thông ra châu Á-Thái Bình Dương, mọi con đường đều thông ra thế giới. Các bên liên quan đều cần dốc sức cho hoà bình, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “chúng tôi hy vọng, đồng thời hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò mang tính xây dựng tại khu vực này, đương nhiên, chúng tôi cũng hy vọng Mỹ tôn trọng lợi ích và mối quan tâm thiết thân của Trung Quốc”. 

Về quan hệ Trung-Nga: tăng cường ủng hộ lẫn nhau về chính trị 

Đối với kết quả bầu cử Tổng thống Nga hiện nay, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gửi điện chúc mừng Thủ tướng Putin đắc cử Tổng thống, chúc nhân dân Nga giành được những thành tích lớn hơn nữa trên con đường quốc gia giàu mạnh và chấn hưng dân tộc. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã khái quát quan hệ Trung-Nga năm 2011 là “một trung tâm, năm trọng điểm”. “Một trung tâm” là phải toàn diện quán triệt thực hiện quy hoạch phát triển quan hệ Trung-Nga 10 năm tới. “Năm trọng điểm” bao gồm: phải làm tốt tiếp xúc và thăm viếng cấp cao song phương năm nay; phải gia tăng ủng hộ lẫn nhau về chính trị; thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các mặt kinh tế thương mại, năng lượng, khoa học kỹ thuật, địa phương và cơ sở hạ tầng; tăng cường giao lưu nhân văn song phương, đặc biệt là phải làm tốt “Năm du lịch Liên bang Nga”; hợp tác mật thiết song phương trên các vấn đề quốc tế và khu vực. 

Về quan hệ Trung-Nhật: hy vọng Nhật Bản lấy lịch sử làm bài học 

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì bày tỏ hy vọng Nhật Bản nhận thức đầy đủ tính phức tạp và tính nhạy cảm của một số vấn đề như lịch sử, đảo Điếu Ngư (Senkaku), vì đây là đại cục liên quan đến cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Nhật và đại cục quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì hy vọng Nhật Bản thật sự lấy lịch sử làm bài học, hướng tới tương lai, thiết thực xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, xử lý tốt những vấn đề hết sức nhạy cảm trên. 

Về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Láng giềng hữu nghị, quy hoạch tương lai 

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì giới thiệu Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm nay tổ chức tại Trung Quốc, chủ đề là “sâu sắc hoá láng giềng hữu nghị, quy hoạch tương lai của tổ chức”. Chương trình nghị sự chủ yếu chia làm 3 mục: Phải sâu sắc hoá các biện pháp hợp tác hữu nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải; triển khai hợp tác thực chất giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là phải xây dựng cơ chế bảo đảm hợp tác đa phương; tiến hành thảo luận tình hình khu vực và quốc tế, đặc biệt là phải thảo luận hoàn thiện các biện pháp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đối phó với các mối đe doạ an ninh, ổn định và hòa bình khu vực. Cuối cùng, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã giới thiệu trọng điểm công tác ngoại giao của Trung Quốc năm 2012. Ông nói “chúng ta hết sức tin tưởng rằng chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu của chúng ta, nhưng cũng phải có phán đoán hết sức khách quan đối với tình hình và con đường chúng ta phải đi. Chúng ta không tự coi nhẹ mình, cũng không làm thầy của người khác”. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tiếp tục khẳng định “Trung Quốc sẽ kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao hoà bình độc lập tự chủ, kiên trì đi theo con đường phát triển hoà bình, kiên trì chiến lược mở cửa cùng hưởng lợi, cùng thắng, kiên trì cùng các nước xây dựng thế giới hài hoà hoà bình lâu dài, cùng phồn vinh”. 

 Theo Tân Hoa xã (ngày 7/3)

Mỹ Anh (gt)