Tóm tắt

Bài viết nghiên cứu tác động của Trung Quốc đến các thị trường dầu khí toàn cầu và nêu bật những ý nghĩa đối với chính sách và ngành công nghiệp này.

Lập luận chính

Sự biến đổi của Trung Quốc thành một siêu cường về năng lượng có nghĩa là các chiến lược và mục tiêu của nước này giờ đây có những ý nghĩa sâu rộng. Sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc từ lâu đã có những tác động lớn đến các thị trường và giá cả dầu lửa thế giới. Nhưng gần đây, xu thế lớn của nước này mở rộng sử dụng khí đốt tự nhiên đã bắt đầu tăng thêm những tác động khu vực và thậm chí toàn cầu quan trọng đối với các thị trường khí đốt và khí hóa lỏng. Công cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng đang tiếp diễn do đó đang đẩy nhanh sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Những quyết định của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến đường lối trong nước của nước này mà còn cả triển vọng khu vực và toàn cầu về nguồn cung năng lượng sẵn có, an ninh môi trường và địa chính trị. Những xu hướng này đang làm phức tạp thêm những gì vốn đã là một bức tranh toàn cầu kết nối với nhau cao độ về an ninh năng lượng và môi trường. Chúng đang nâng cao tầm quan trọng của các mối quan hệ chiến lược và kinh tế của Trung Quốc với các nước láng giềng và các nước sản xuất lớn khi nước này tìm cách thúc đẩy an ninh nguồn cung và khi các cường quốc khác tìm cách thích nghi với sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc như một bên tham gia chiến lược và kinh tế then chốt.

Những ý nghĩa chính sách

Gần như tất cả tiêu thụ dầu lửa gia tăng của Trung Quốc sẽ cần phải được nhập khẩu, và sự gia tăng như vậy chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của mình ở nước ngoài. Cuối cùng, điều này sẽ đẩy nhanh hơn nữa sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu, nhưng cũng tăng thêm những tình thế khó xử và thách thức về ngoại giao của nước này.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các nguồn cung dầu lửa trên biển sẽ là một “yếu tố bổ sung” cổ vũ thêm sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nó cũng sẽ làm gia tăng sự chú ý đến những câu hỏi liên quan đến sự kiểm soát các tuyến năng lượng trên biển sống còn của châu Á. Những vấn đề này có khả năng gây bất đồng sâu sắc, và sự tập trung cao vào chúng sẽ mang đến những câu hỏi mới cho các nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang tăng mạnh tiêu thụ khí đốt trong nước của mình, nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc phụ thuộc vào nhập khẩu cho khoảng một nửa lượng khí đốt nước này cần. Xu hướng này đang khiến Trung Quốc mở rộng nhanh chóng tầm với năng lượng trên khắp Trung Á và ngày càng sang Nga thông qua các thỏa thuận đường ống dẫn lớn mà sẽ kết nối Trung Quốc với các nhà cung cấp này trong dài hạn. Do đó, khí đốt cũng đang thúc đẩy sức mạnh và tầm ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc.

***

Sự biến đổi mang tính lịch sử của Trung Quốc từ một bên tham gia nhỏ trong các thị trường năng lượng toàn cầu thành một siêu cường năng lượng có nghĩa là những chiến lược và mục tiêu của nước này giờ đây có những ý nghĩa sâu rộng. Sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc từ lâu đã có những tác động lớn đến các thị trường và giá cả dầu lửa thế giới. Nhưng gần đây hơn, xu thế lớn của nước này mở rộng sử dụng khí đốt tự nhiên đã bắt đầu có những ý nghĩa khu vực và thậm chí toàn cầu quan trọng đối với các thị trường khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Khi dấu ấn toàn cầu của Trung Quốc trong các thị trường dầu khí tiếp tục mở rộng, những quyết định của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ tới đường lối trong nước của nước này mà còn cả những triển vọng của khu vực và toàn cầu về nguồn cung năng lượng sẵn có, an ninh môi trường và hoạt động địa chiến lược. Những xu hướng này đang làm phức tạp thêm những gì vốn đã là một bức tranh toàn cầu kết nối với nhau cao độ về an ninh năng lượng và môi trường. Chúng cũng đang gia tăng tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược và kinh tế của Trung Quốc với các nước láng giềng và các nước sản xuất lớn khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy an ninh nguồn cung và khi các cường quốc khác tìm cách thích nghi với sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc với tư cách là một bên tham gia chiến lược và kinh tế then chốt.

Với những điều đó, bài viết này nghiên cứu tác động của Trung Quốc đến các thị trường dầu khí toàn cầu và nêu bật những ý nghĩa đối với chính sách và ngành công nghiệp này.

Phần một nghiên cứu ngắn gọn những sự tương đồng và khác biệt trong tác động của Trung Quốc đối với hai thị trường năng lượng riêng biệt này. Phần hai sau đó nghiên cứu những triển vọng dầu lửa của Trung Quốc, làm nổi bật những kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu liên tục và rút ra những ý nghĩa về các lợi ích chiến lược và năng lượng của Trung Quốc cũng như quốc tế. Tiếp theo, phần ba nghiên cứu vai trò ngày càng quan trọng của khí đốt tự nhiên trong tính toán an ninh năng lượng của Trung Quốc và thảo luận những ý nghĩa đối với các thị trường và giá cả khí đốt khu vực và toàn cầu, cũng như đối với sự hiện diện địa chính trị đang mở rộng của Trung Quốc. Phần bốn đặt ra những câu hỏi sẽ ngày càng quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách liên quan đến các xu hướng nhu cầu dầu khí của Trung Quốc. Bài viết kết luận với một thảo luận về những ý nghĩa địa chính trị rộng hơn của nhu cầu dầu khí đang bùng nổ của Trung Quốc.

Những thực tế dầu khí của Trung Quốc

Những tác động tương ứng của các thực tế thị trường dầu khí ngày càng phát triển đến tư duy ở Bắc Kinh có thể được coi là hai mặt của một đồng xu. Đầu tư vào cả hai thị trường được thúc đẩy bởi khao khát của Trung Quốc muốn gia tăng cảm giác an toàn năng lượng và liên quan đến một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ khu vực và toàn cầu mà chắc chắn sẽ khiến nước này mở rộng tầm với địa chính trị của mình. Tuy nhiên những đặc điểm riêng của các thị trường dầu lửa và khí đốt cũng tác động đến Trung Quốc theo những cách rất khác nhau.

Về mặt dầu lửa, tốc độ nhanh chóng và quy mô to lớn của nhu cầu dầu lửa và gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc là một động cơ trung tâm trong các thị trường dầu lửa toàn cầu và địa chính trị của dầu lửa. Trung Quốc là một trong những nhân tố lớn đằng sau việc giá dầu toàn cầu tăng lên và những mối lo ngại gia tăng ở các nước xuất khẩu lớn về một tương lai tiềm tàng những nguồn cung dầu lửa rất căng thẳng và không ổn định. Trong khi đó, dầu lửa cũng đã là một động lực chính cho sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Điều này phần lớn là vì sức mua và các đầu tư dầu lửa lớn mới của nước này chắc chắn đi kèm với những nỗ lực củng cố quan hệ ngoại giao với các nhà cung cấp năng lượng lớn và những nước mà các công ty dầu lửa quốc gia (NOC) của Trung Quốc có đầu tư lớn. Do đó, triển vọng về nhu cầu dầu lửa ở Trung Quốc chắc chắn có liên hệ với triển vọng khu vực và toàn cầu của nước này và vì thế có những ý nghĩa quan trọng đối với các thị trường năng lượng cũng như địa chính trị toàn cầu. 

Theo cách khác, Trung Quốc từng là một nhân tố khiêm tốn hơn nhiều trong các thị trường khí đốt tự nhiên khu vực và toàn cầu cho tới 5 năm trước đây. Tuy nhiên, sự quan tâm theo truyền thống có giới hạn của nước này đối với các nguồn cung khí đốt đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc đã phát hiện ra khí đốt tự nhiên vừa là một nguồn thay thế trong nước sạch hơn cho việc sử dụng than đá hủy hoại môi trường, vừa là một nguồn đa dạng hóa nguồn cung mà có thể củng cố an ninh năng lượng. Bắc Kinh có những kế hoạch đầy tham vọng để phát triển các nguồn cung khí đốt trong nước của riêng mình, nhưng như chuyên gia Damien Ma và những người khác đã lưu ý, có những hạn chế đáng kể đối với tiềm năng ngắn hạn của các dự án này. Chẳng hạn, chính phủ gần đây đã giảm những mục tiêu năm 2020 đầy tham vọng của mình về sản xuất khí đá phiến, trong khi nâng mục tiêu tiêu thụ khí đốt tự nhiên và tỷ lệ của nó trong tổng lượng sử dụng năng lượng. Sự thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm nâng cao vai trò của khí đốt tự nhiên trong tổng hợp năng lượng của Trung Quốc đang nhanh chóng dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu trên quy mô lớn. Khi Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Trung Á và hướng tới Nga, Úc, Qatar và các nước khác ở Trung Đông để đảm bảo các nguồn cung tương lai, nhiệm vụ này đang nâng cao hơn nữa vị thế ngoại giao của Trung Quốc trong các thị trường năng lượng khu vực và toàn cầu vì nước này có động lực phát triển và làm sâu sắc hơn các quan hệ quốc tế của mình.

Có thể thấy 3 sự tương đồng quan trọng từ cái nhìn tổng quan này. Thứ nhất, bất chấp thực tế rằng Trung Quốc có những nguồn dầu khí lớn trong nước, triển vọng về nhu cầu tiêu thụ của nước này đối với cả hai loại nhiên liệu sẽ ngày càng vượt quá những gì trong nước có thể sản xuất. Thứ hai, mức độ ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với các thị trường toàn cầu là rất to lớn, xét đến tác động này đã được cảm nhận trong các thị trường dầu lửa và có thể tăng lên trong tương lai gần đối với các thị trường khí đốt. Điều này cho thấy rằng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ là một cân nhắc quan trọng không chỉ đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh mà còn ngày càng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo ở Washington, Tokyo và Doha. Cuối cùng, như sẽ được thảo luận ở phần sau, có một mối quan hệ qua lại phức tạp giữa nhu cầu thị trường của Trung Quốc về dầu khí với các mối quan hệ chiến lược và chính trị của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác. Do đó, với những điểm này, các phần sau sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn những triển vọng dầu khí của Trung Quốc, trước khi rút ra những kết luận rõ ràng hơn cho cả hai.

Những triển vọng dầu lửa của Trung Quốc

Như đã được nêu ở trên, triển vọng nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với triển vọng chiến lược khu vực và toàn cầu của nước này. Trung Quốc là nguồn làm gia tăng nhu cầu dầu lửa toàn cầu quan trọng nhất trong thập kỷ qua do sự mở rộng công nghiệp, đô thị hóa và cơ giới hóa. Từ năm 2000 đến 2012, nước này chiếm 40% lượng gia tăng, thêm gần 5 triệu thùng mỗi ngày trong nhu cầu mới đối với thị trường dầu lửa toàn cầu. Về mặt tương đối, Trung Quốc góp phần gia tăng nhu cầu tương đương với nhiều hơn lượng tiêu thụ dầu lửa hàng năm của Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ dầu lửa lớn thứ ba thế giới.

Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu dầu lửa này, kết hợp với tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong sản xuất dầu lửa nội địa, đã khiến nước này ngày càng nhanh chóng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Từ năm 2000 đến 2012, nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc đã tăng 4 lần, từ 1,5 lên 6 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, sự phụ thuộc vào nhập khẩu của nước này đã tăng từ 31% lên 60%. Để tìm ra những nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu này, Trung Quốc đã chứng kiến sự phụ thuộc của mình vào các nguồn cung Trung Đông tăng lên 50% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Hơn nữa, các nguồn cung trên biển hiện nay chiếm hơn 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc, được vận chuyển qua các tuyến đường biển nhạy cảm trên Ấn Độ Dương, Eo biển Malacca, Biển Đông và biển Hoa Đông, trong số các tuyến đường khác.

Xem xét lại tính độc lập trong một bối cảnh toàn cầu

Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có truyền thống tập trung vào khả năng độc lập như là một khía cạnh then chốt của an ninh năng lượng và tài nguyên, việc nhanh chóng gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu đã có một tác động to lớn đối với định hướng chính sách của Bắc Kinh. Đầu những năm 2000, việc Trung Quốc miễn cưỡng công nhận sự phụ thuộc không thể tránh khỏi của mình vào các thị trường toàn cầu đã thúc đẩy một chiến lược “tiến ra ngoài” hỗ trợ cho sự mở rộng toàn cầu của ba NOC Trung Quốc nhằm gia tăng vai trò và ảnh hưởng của nước này trong sự phát triển nguồn cung. Những khoản đầu tư lớn vào các mỏ dầu ở nước ngoài, kết hợp với các hợp đồng cung cấp dầu thô mới với tất cả các nhà xuất khẩu dầu lửa lớn, đã thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp thế giới xuất khẩu năng lượng. Được hỗ trợ bằng nguồn tài chính phong phú của các ngân hàng nhà nước và một nền ngoại giao năng lượng tích cực, Trung Quốc và các NOC của mình đã trở thành một nhân tố lớn hơn ở Trung Đông, Trung Á, châu Phi, Nam Mỹ và Bắc Mỹ.

Chiến lược này cũng đem đến những thách thức và rắc rối mới cho Trung Quốc và các NOC của nước này. Những nỗ lực đầu tư vào mỏ dầu của Mỹ đã chịu nhiều chỉ trích về mặt chính trị và làm tăng thêm những căng thẳng song phương. Chẳng hạn, nỗ lực của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) để mua Unocal năm 2005 đã dẫn tới một loạt tranh cãi ở Washington và cuối cùng đề xuất này bị rút lại. Thậm chí trong năm 2012, đã có lo ngại chính trị to lớn khi CNOOC mua lại một số cơ sở ở Mỹ như một phần trong việc mua lại Nexen của Canada, và việc đầu tư này chỉ được chấp thuận với những giới hạn quan trọng đối với các hoạt động ở Mỹ của CNOOC. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào một số “nước cùng khổ” ở Trung Đông và châu Phi đã đưa Bắc Kinh vào những cuộc tranh chấp ngoại giao không mong muốn, kéo theo sự chỉ trích, khiến Trung Quốc phải đứng trước bạo lực và bất ổn chính trị đe dọa các khoản đầu tư của nước này và sự an toàn của các công dân Trung Quốc. Khi cuộc nổi dậy Libya dẫn tới bạo lực lan rộng và ngày càng tồi tệ hơn, Bắc Kinh đã tổ chức di tản 35.000 người Trung Quốc. Cuối cùng, sự phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung dầu mỏ trên biển đi qua Eo biển Malacca và Biển Đông đặt xương sống năng lượng của Trung Quốc vào tầm ngắm sức mạnh hải quân của Mỹ. Đây là điều mà các nhà lập kế hoạch Trung Quốc coi là một điểm dễ bị tổn thương nghiêm trọng tiềm tàng nếu có một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Do đó, họ coi sự phụ thuộc vào các tuyến đường biển nhạy cảm là một nguồn gây căng thẳng tiềm tàng không định trước mà cần phải được xử lý.

Dầu lửa trong tổng hợp năng lượng của Trung Quốc đến năm 2040

Nhìn vào tương lai, cả tầm ảnh hưởng do dầu lửa thúc đẩy lẫn tình thế khó xử về nguồn cung của Bắc Kinh dường như đều có thể sâu sắc thêm. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ là nước nhập khẩu tịnh dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm 2013 mặc dù phần lớn dự báo cho thấy rằng gia tăng nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc sẽ có phần chậm lại khi nền kinh tế Trung Quốc đang dần tái định hình thành một nền kinh tế được thúc đẩy bởi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi sự gia tăng nhu cầu được dự đoán chậm lại đến 3-4% mỗi năm (gần một nửa tốc độ trước đây là 5-7%), tiêu thụ dầu lửa vẫn được cho là sẽ tăng về tổng thế. Từ năm 2013 đến năm 2035, tiêu thụ dầu lửa được tính toán tăng từ 10 lên 16-17 triệu thùng mỗi ngày, với việc cơ giới hóa tiếp quản ngành công nghiệp này với tư cách là động cơ của sự gia tăng nhu cầu dầu lửa. Cho tới năm 2014, Trung Quốc là thị trường phương tiện hạng nhẹ lớn nhất thế giới tính theo doanh số hàng năm, và bất chấp một loạt chính sách gần đây nhằm giảm tốc độ gia tăng cơ giới hóa và hướng người tiêu dùng sang các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhu cầu dầu lửa do xăng dầu thúc đẩy tiếp tục tăng mạnh. Hướng tới năm 2040, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản dự báo rằng số phương tiện hạng nhẹ của Trung Quốc có thể tăng gần 4 lần, từ 94 triệu năm 2011 lên 363 triệu phương tiện năm 2040.

Trong khi sản lượng dầu lửa trong nước có thể gia tăng một cách khiêm tốn, gần như tất cả tiêu thụ dầu lửa tăng thêm của Trung Quốc sẽ cần phải được nhập khẩu để đáp ứng sự gia tăng phi thường được mô tả ở trên. Điều này cho thấy rằng vào năm 2040, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu nhập khẩu sẽ tăng lên khoảng 70%, với lượng nhập khẩu đạt 12-13 triệu thùng mỗi ngày. Ít nhất 2/3 nhu cầu nhập khẩu này sẽ có thể được đáp ứng bằng các nguồn cung trên biển và ít nhất một nửa sẽ tới từ Trung Đông.

Trong chừng mực mà Trung Quốc tiếp tục quỹ đạo này, sự gia tăng nhu cầu dầu lửa dường như có thể đẩy mạnh tác động của nước này lên các thị trường dầu lửa. Sự gia tăng như vậy chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc mở rộng sự hiện diện của mình ở nước ngoài, đẩy nhanh sự trỗi dậy của nước này với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu khi nước này mua lại, phát triển và đầu tư vào các lựa chọn cung cấp mới. Xu hướng này cũng sẽ làm sâu sắc thêm những thế tiến thoái lưỡng nan và thách thức về ngoại giao, khi nó khuyến khích Trung Quốc mở rộng hoạt động ngoại giao của mình ở các khu vực xuất khẩu dầu lửa chính của thế giới – quan trọng nhất là ở Trung Đông nhưng cũng còn ở Trung Á, châu Phi, Nam Mỹ và thậm chí cả Bắc Mỹ. Cũng quan trọng không kém, các khu vực địa lý hỗ trợ cho sự gia tăng này cho thấy rằng công cuộc tìm kiếm dầu lửa của Trung Quốc sẽ là một nhân tố chính trong quan hệ Trung-Mỹ khi mỗi bên tác động đến nhau trong khi theo đuổi an ninh năng lượng và các mục tiêu chiến lược của mình. Trung Đông và Vùng Vịnh sẽ có khả năng là một khu vực hoặc hợp tác hoặc cạnh tranh chính. Trung Quốc cũng sẽ trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng trong sự quản lý năng lượng toàn cầu do mức độ ảnh hưởng và tầm với của nước này. Trong tất cả những chiều hướng này, Trung Quốc đơn thuần đang trở nên lớn đến mức không thể đứng bên ngoài.

Một kỷ nguyên vàng mới cho khí đốt?

Khí đốt tự nhiên trong lịch sử chiếm một phần rất nhỏ trong tổng hợp năng lượng của Trung Quốc, vốn bị chi phối bởi việc sử dụng than đá trong lĩnh vực điện lực. Khoảng 5 năm trước, khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 4% tổng lượng sử dụng năng lượng, trong khi than đá chiếm 2/3. Nhưng khi an ninh năng lượng đã nâng cao trong nghị trình chiến lược của ban lãnh đạo Trung Quốc cùng lúc ô nhiễm không khí và khí thải cácbon, phần lớn do tiêu thụ than đá và điện, đã trở thành những vấn đề then chốt, vai trò của khí đốt tự nhiên trong tổng hợp năng lượng của Trung Quốc đang thay đổi. Những lợi ích môi trường và chiến lược của việc mở rộng sử dụng khí đốt tự nhiên đã trở nên hết sức rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo.

Với sự hỗ trợ của chính sách, tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian 4 năm, từ 80 triệu mét khối năm 2008 lên 144 triệu mét khối năm 2012. Khí đốt hiện tại chiếm 7% tổng hợp năng lượng của Trung Quốc, tỷ lệ dù vẫn rất thấp so với các nước khác trên thế giới nhưng gần gấp đôi 5 năm trước. Phát điện bằng khí đốt hiện nay đang được khuyến khích ở những khu vực mà các nguồn cung khí đốt sẵn có như một cách để làm chậm lại sự gia tăng tiêu thụ than đá và giảm ô nhiễm không khí. Đây là trường hợp xung quanh các thành phố ở phía Đông vốn có cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên và còn cả dọc ba tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn từ phía Tây sang phía Đông. Ba đường ống lớn này đã được xây dựng để đưa khí đốt từ phía Tây Trung Quốc sang các thành phố ven biển phía Đông và sẽ cho phép mở rộng khả năng tiếp cận ra khắp đất nước. Sản xuất khí đốt trong nước cũng đã tăng đáng kể, tăng 33% từ năm 2008 đến 2012 để đạt 107 triệu mét khối, nhưng tiêu thụ đã nhanh chóng vượt quá sản lượng. Do đó, Trung Quốc đã chứng kiến khí đốt nhập khẩu ngày càng tăng, chiếm 25% lượng khí đốt sử dụng trong năm 2012.

Sự hăng hái tìm kiếm khí đốt của Trung Quốc

Trung Quốc vì thế bận rộn thực hiện một công cuộc “hăng hái tìm kiếm khí đốt” lớn. Những kế hoạch nhằm nhanh chóng gia tăng tiêu thụ khí đốt để giảm sức ép môi trường đồng nghĩa với khí đốt nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng, điều sẽ tạo ra những tác động lan tỏa trên khắp các thị trường khu vực. Kế hoạch khí đốt tự nhiên năm 2011 của Trung Quốc nhắm mục tiêu tiêu thụ về cơ bản tăng gấp 3 lần từ 107 triệu mét khối lên 220 triệu mét khối năm 2015 và 330 triệu mét khối năm 2020. Giữa năm 2014, mục tiêu cho năm 2020 được nâng lên thành 420 triệu mét khối, tạo thành một mức tăng gấp 4 lần đầy kinh ngạc chỉ trong 10 năm. 

Trong khi sản lượng khí đốt trong nước cũng được dự báo tăng mạnh, phần lớn nhu cầu tăng thêm được dự đoán trước vẫn cần phải được đáp ứng bằng nhập khẩu vì những giới hạn đối với các lựa chọn trong nước. Trung Quốc đang trên đà đạt đúng chỉ tiêu tăng sản lượng khí đốt truyền thống và phi truyền thống trong nước lên đáng kể, nhưng triển vọng vẫn không rõ ràng do sự thiếu chắc chắn về phát triển nguồn cung dài hạn và việc định giá khí đốt trong nước. Mặc dù Trung Quốc có tiềm năng sở hữu nguồn tài nguyên khí đá phiến lớn nhất thế giới, việc phát triển các nguồn tài nguyên đó sẽ đòi hỏi phải xử lý thành công vấn đề địa chất phức tạp, tiếp tục phát triển công nghệ, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đường ống dẫn mới và giải quyết một loạt trở ngại ngắn hạn khác. Với mục tiêu sử dụng khí đốt trên 420 triệu mét khối trong năm 2020, khí đốt nhập khẩu sẽ có thể chiếm 40-50% lượng sử dụng khí đốt của Trung Quốc vào năm 2025, phụ thuộc vào những diễn biến trong sản xuất khí đốt trong nước.

Tâm niệm điều này, Trung Quốc đã phát triển một nhóm tài nguyên tiềm tàng giàu có và đa dạng để đáp ứng nhu cầu gia tăng về khí đốt nhập khẩu. Thứ nhất, 3 đường ống lớn đã được xây dựng từ Trung Á để đưa nguồn cung khí đốt của Turkmenistan đến biên giới phía Tây của Trung Quốc và tiếp tục đến các thị trường phía Đông, và một đường ống thứ 4 đã được lên kế hoạch. Khí đốt từ Kazakhstan và Uzebkistan sẽ được bổ sung để tăng sản lượng do 4 đường ống này cung cấp. Kế hoạch hiện tại là 65 triệu mét khối khí đốt từ Trung Á đến Trung Quốc vào năm 2020, với tiềm năng mở rộng lên đến 100 triệu mét khối. Thứ hai, một đường ống dẫn khí đốt mới đã được xây dựng để đưa 12 triệu mét khối khí đốt từ Myanmar đến miền Nam Trung Quốc. Thứ ba, Trung Quốc hiện nay có 7 trạm tiếp nhận LNG dọc bờ biển phía Đông của mình, và nhiều trạm tiếp nhận khác đã được lên kế hoạch, điều có thể nâng lượng LNG nhập khẩu lên 60-70 triệu mét khối vào năm 2020. Cuối cùng, sau một thập kỷ đàm phán, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt vào tháng 5/2014. Thỏa thuận này đưa 38 triệu mét khối khí đốt từ vùng Viễn Đông của Nga đến Đông Bắc Trung Quốc vào năm 2023, đa dạng hóa hơn nữa các lựa chọn khí đốt nhập khẩu của nước này.

Những diễn biến như vậy và sự mở rộng khổng lồ khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đang bắt đầu có những tác động quan trọng đến thương mại khí đốt khu vực của châu Á, các thị trường LNG và việc định giá khí đốt. Trung Quốc hiện đã trở thành một nhân tố lớn trong việc kết nối lại với nhau một cách tiềm tàng thương mại khí đốt phân tán của đại lục Âu-Á khi nước này thu hút các nguồn cung lớn từ Trung Á, Nga và Myanmar. Cuối cùng những nguồn cung trên bộ này có thể kết nối với các nguồn cung LNG nhập khẩu dọc bờ biển Trung Quốc và trở thành điểm tựa để định giá khí đốt trên khắp khu vực. Các nhà cung cấp và các nhà phát triển LNG ở Qatar, Úc, Nga, ngoài khơi Đông Phi, và ngay cả Mỹ và Canada cũng đang mong đợi LNG nhập khẩu quy mô lớn của Trung Quốc để giúp hỗ trợ cho giá LNG cao, có liên hệ với dầu lửa của châu Á trong tương lai. Theo cách khác, sự cạnh tranh để có một chỗ trong thị trường khí đốt của Trung Quốc có thể là một động lực chính làm giảm giá LNG và khí đốt đường ống cao của châu Á. Trong một thập kỷ, Trung Quốc có thể cạnh tranh với Nhật Bản làm nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Địa chính trị khí đốt mới nổi của Trung Quốc

Về mặt địa chính trị, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong các thị trường khí đốt đang khiến nước này mở rộng những nỗ lực ngoại giao và phát triển trên khắp đại lục Âu-Á. Chẳng hạn, lượng khí đốt nhập khẩu khổng lồ từ Trung Á đang củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực đó. Công cuộc tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới cũng tạo nền tảng cho quan hệ gần gũi hơn với Nga bằng việc mang lại một thị trường cho khí đốt Viễn Đông của Nga và tạo một cơ sở nhu cầu khiến LNG và khí đốt xuất khẩu từ vùng Viễn Đông của Nga sang Đông Bắc Á khả thi hơn về thương mại. Một đường ống dẫn khí đốt đến phía Tây Trung Quốc dựa trên những nguồn cung khí đốt Tây Siberia hiện tại dường như cũng đang được xây dựng. Sau những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu và sức ép đòi giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga giữa cuộc khủng hoảng Ukraine, các thỏa thuận về đường ống dẫn với Trung Quốc đem đến cho Nga một thị trường khí đốt thay thế chủ chốt, bổ sung thu nhập xuất khẩu khí đốt và cho phép Tổng thống Vladimir Putin thể hiện rằng Nga có những lựa chọn khác cho xuất khẩu năng lượng của mình. Nhưng những thỏa thuận này là một con dao hai lưỡi. Việc Trung Quốc tiến vào Trung Á đã làm giảm đáng kể sự kiểm soát của Nga đối với các nguồn cung khí đốt Trung Á (đặc biệt là ở Turkmenistan) và làm xói mòn ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Do đó, khí đốt tự nhiên đã trở thành một thành phần chính trong tính toán an ninh năng lượng của Trung Quốc cũng như là một yếu tố quan trọng của những nỗ lực nhằm đa dạng hóa tổng hợp năng lượng và đưa đất nước đến một tương lai bền vững về môi trường hơn. Sản lượng khí đốt được dự đoán sẽ tăng mạnh, mặc dù tốc độ và quy mô tăng trưởng chắc chắn vẫn không ổn định. Các nguồn tài nguyên khí đá phiến trong nước khổng lồ có thể thay đổi đáng kể triển vọng năng lượng của Trung Quốc, nhưng là trong khung thời gian dài hơn sau năm 2020. Trong khi đó, khí đốt đang trở thành một nhân tố chính trong dấu ấn địa chiến lược khu vực và toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc theo những cách tương tự với tác động của dầu lửa đối với hoạt động địa chính trị của nước này.

Những câu hỏi chính cho các nhà hoạch định chính sách

Nhập khẩu các nguồn cung dầu khí ngày càng tăng của Trung Quốc có những ý nghĩa to lớn cả với những thị trường khu vực lẫn địa chính trị. Những đầu tư khí đốt ra nước ngoài của các NOC Trung Quốc, các hợp đồng dầu khí, các khoản cho vay dựa trên dầu lửa, các kết nối đường ống đến Trung Á và Nga, và đòi hỏi phải bảo vệ các công dân Trung Quốc trên thực địa tất cả sẽ chèo lái sự hiện diện ngoại giao của Trung Quốc ở những khu vực chính. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ ngày càng chiếm nhiều không gian chiến lược hơn so với những gì Mỹ đang chiếm lĩnh hiện nay. Chẳng hạn, hai nước sẽ ngày càng đối đầu với nhau ở những nơi như Iran, Ả Rập Saudi và Iraq như là kết quả của công cuộc tìm kiếm dầu lửa của Trung Quốc.

Đối với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, triển vọng này đặt ra một số câu hỏi ngày càng quan trọng. Liệu hai nước xử lý những lợi ích giao nhau của họ một cách hợp tác hay cạnh tranh? Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tìm ra điểm chung về việc xử lý các thách thức chính trị và sự bất ổn ở Vịnh Persian? Một câu hỏi chính khác là liệu mối quan hệ giữa Trung Quốc và các NOC của nước này có tiếp tục theo đuổi mô hình trọng thương kiểu “Liên hợp Năng lượng Trung Quốc” hay phát triển thành một cách tiếp cận được thúc đẩy bởi thị trường nhiều hơn mà có thể làm giảm đi những sự nhạy cảm và rắc rối ngoại giao thường đi kèm với các khoản đầu tư nước ngoài của các NOC Trung Quốc. Mỗi câu hỏi này đều có những ý nghĩa đối với hoạt động địa chính trị ở những khu vực xuất khẩu dầu lửa chính cũng như đối với quan hệ song phương Trung-Mỹ.

Ngoài ra, sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các nguồn cung dầu lửa trên biển cũng sẽ là một “yếu tố bổ sung” cổ vũ sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi có thể có những nguồn tài nguyên dầu khí đáng kể. Nó cũng sẽ gia tăng sự chú ý đến những câu hỏi liên quan đến sự kiểm soát các tuyến đường năng lượng trên biển sống còn của châu Á. Những vấn đề này vốn đã gây bất đồng cao độ, và sự tập trung cao hơn vào chúng cũng sẽ đem theo những câu hỏi mới. Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể tìm thấy điểm chung trong việc bảo vệ các tuyến đường năng lượng trên biển sẽ mang tính sống còn đối với sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc và cũng mang tính then chốt đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo dòng dầu đáng tin cậy đến các thị trường toàn cầu cũng như giá dầu ổn định? Liên quan đến câu hỏi này, Trung Quốc sẽ tiếp cận vấn đề lớn hơn về quản lý năng lượng toàn cầu như thế nào? Bắc Kinh cho tới nay đã thờ ơ trước ý tưởng về việc cộng tác với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nước này coi IEA là một nhóm do Mỹ chi phối phản ánh những lợi ích của phương Tây và Mỹ thay vì của những nước nhập khẩu dầu lửa mới như Trung Quốc và Ấn Độ. Có những nhận định rằng Bắc Kinh có thể ưu tiên ý tưởng quản lý năng lượng toàn cầu thông qua Nhóm 20 (G-20) hay các tổ chức khu vực không có Mỹ, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Về mặt quản lý năng lượng toàn cầu, Trung Quốc đang ngày càng là một nhân tố trung tâm trong việc hợp tác hoặc chia rẽ.

An ninh năng lượng của Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn sẽ được củng cố nếu Mỹ và Trung Quốc có thể tìm ra điểm chung về những cách thức hợp tác hơn để đảm bảo quyền tiếp cận đáng tin cậy các nguồn cung năng lượng cho khu vực. Sự ổn định ở Trung Đông, các tuyến đường năng lượng trên biển an toàn từ Trung Đông đến châu Á, và sự quản lý năng lượng toàn cầu hiệu quả đều là những lợi ích sống còn đối với cả hai nước. Cho tới nay, những công ích quan trọng này phần lớn được Mỹ và các thể chế do Mỹ dẫn đầu cung cấp. Nhưng Trung Quốc hiện tại là một nhân tố năng lượng toàn cầu lớn đến mức không thể đứng ngoài cuộc. Một mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp ích cho an ninh năng lượng của châu Á và toàn cầu, nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải có ngoại giao khôn ngoan và một tầm nhìn chung về tương lai năng lượng.

Kết luận

Công cuộc tìm kiếm dầu khí ngày càng mở rộng của Trung Quốc để đáp ứng những nhu cầu năng lượng tương lai khổng lồ của nước này đang đẩy nhanh và tái định hình sự hiện diện cũng như ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của nước này. Công cuộc tìm kiếm này sẽ là một động lực chính cho sức hút ngày càng tăng của dấu ấn kinh tế và ngoại giao đang mở rộng của Trung Quốc. Nhưng điều đó cũng sẽ làm phức tạp ngoại giao Trung Quốc và đem đến những rắc rối mới ở những nơi mà Trung Quốc chưa bao giờ can dự vào. Ngoài ra, công cuộc tìm kiếm này sẽ có những tác động lớn đối với tương lai của giá dầu toàn cầu cũng như đối với giá khí đốt tự nhiên và LNG ở châu Á.

Sự phát triển chiến lược năng lượng của Trung Quốc có thể hỗ trợ cho sự hợp tác lớn hơn với các cường quốc châu Á và Âu-Á cũng như Mỹ trên những thị trường năng lượng thống nhất, cạnh tranh hơn và một cách tiếp cận hiệu quả, đa phương hơn về an ninh năng lượng. Lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc trong sự ổn định của các thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận tải an toàn sẽ đem lại cho nước này những động lực mạnh mẽ để phối hợp với các nước nhập khẩu và nước sản xuất khác trong việc bảo đảm các nguồn cung dầu khí ổn định và giá cả cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu lớn hơn của Trung Quốc về các nguồn cung dầu khí cũng có tiềm năng dẫn đến cạnh tranh. Nếu Trung Quốc, Mỹ và các nước nhập khẩu và cung cấp lớn khác lựa chọn coi các tuyến đường năng lượng trên biển, các nguồn cung năng lượng an toàn và sự kiểm soát các tuyến đường ống dẫn là các yếu tố của một nền tảng dân tộc chủ nghĩa, trọng thương cho sự cạnh tranh chính trị và kinh tế, thì có nguy cơ lớn sẽ dẫn đến một kết cục được mất ngang nhau. Ngoại giao năng lượng của cả Mỹ lẫn Trung Quốc và khả năng hoặc sự bất lực của họ trong việc cộng tác sẽ là yếu tố then chốt để xác định lựa chọn đi theo con đường nào.

Theo Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR), Mỹ

Trần Quang (gt)