"Giấc mộng Trung Hoa" về "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" đã trở thành điểm nổi bật trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của Tập Cận Bình kể từ khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012. Ý tưởng chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là khôi phục sự vĩ đại và ảnh hưởng của Trung Quốc trước thế kỷ 19 nhằm biến nước này trở thành một "quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh, văn hóa tiên tiến và hài hòa". Đề xuất làm hồi sinh một tuyến đường thương mại vĩ đại mà hai nghìn năm trước đây là cầu nối các nền văn hóa Đông-Tây trên khắp lục địa Á-Âu có thể giúp thực hiện mục tiêu này.

Ý tưởng về một "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" mới, được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố trong chuyến công du của ông tới các nước cộng hòa Trung Á hồi tháng 10/2013, sẽ chủ yếu được định hình dọc theo các tuyến đường sắt kết nối nhiều thành phố ở miền Tây Trung Quốc tới châu Âu qua Trung Á, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Balkan và Caucasus trên khắp lục địa Á-Âu dài 11.000 km. Các nhà chức trách Trung Quốc coi cơ sở hạ tầng giao thông này là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra một "hành lang kinh tế" Á-Âu, theo đó cho phép sự phát triển của các nền kinh tế Trung Á không tiếp giáp biển, cũng như sự hội nhập trong tương lai của các nước này với các thị trường châu Âu và châu Á. Giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng tự do hóa thương mại và hợp tác tiền tệ được củng cố giữa các nền kinh tế được kết nối bởi mạng lưới đường sắt, cuối cùng sẽ dẫn đến một hình thức mới của cộng đồng kinh tế khu vực mà theo ngôn từ của Chủ tịch Tập Cận Bình là sẽ gia tăng "một cảm giác về vận mệnh chung" giữa các nước láng giềng của Trung Quốc. Con đường tơ lụa mới cũng sẽ vươn tới khắp Đông Nam Á và có một thành tố hàng hải mở rộng qua Ấn Độ Dương đến Vịnh Persian và Địa Trung Hải.

Trên tất cả, tầm nhìn của Trung Quốc về Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa được học giả Trung Quốc gọi là "một vành đai, một con đường" bao phủ khu vực có dân số 4,4 tỷ người với tổng GDP là 21.000 tỷ USD (chiếm một phần ba GDP toàn cầu), cũng như liên kết với các thị trường đang nổi lên có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc đã có sự liên kết chặt chẽ với các nước dọc theo tuyến đường này nhờ vào hợp tác kinh tế và thương mại hiện có. Tuy nhiên, nước này hy vọng sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông và tạo ra các trung tâm kết nối khu vực mới cũng như các cụm khu công nghiệp khổng lồ. Mạng lưới cơ sở hạ tầng theo tầm nhìn của Trung Quốc, cuối cùng sẽ liên kết các quốc gia này với ba lục địa bằng hệ thống đường sắt, đường ống và đường bộ, làm sống lại các tuyến đường thương mại trên đất liền và trên biển. Sau cùng, nếu tầm nhìn này được thực hiện thì rõ ràng tất cả các tuyến đường đó sẽ dẫn tới Bắc Kinh.

Đối với các công dân toàn cầu của thế kỷ 21, việc xây dựng đường sắt xuyên lục địa có vẻ đã lỗi thời, cách xa kỷ nguyên mạng hiện nay, và thay vào đó làm người ta gợi nhớ về các dự án đường sắt xuyên Siberia hay xuyên Mỹ vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các tuyến đường sắt vẫn là một động lực quan trọng cho sự thay đổi. Các tuyến đường sắt được xây dựng trên lãnh thổ Mỹ trong thời kỳ vàng son đã biến một quốc gia nông thôn trở thành một đất nước công nghiệp hùng cường. Xe lửa và đường sắt đã chuyển đổi các vùng lãnh thổ hoang vu, chắp vá thành một quốc gia thống nhất. Khi chi phí vận chuyển giảm, các sản phẩm chế tạo mới tràn về vùng sâu vùng xa, cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được tạo ra, nhiều cải tiến kỹ thuật được thực hiện, đồng thời các phương pháp quản lý hiện đại phát triển. Một mô hình phát triển tương tự có thể sẽ diễn ra ở sân sau của Trung Quốc khi Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới được hoàn thành. Như sự thật 150 năm về trước, sự kết nối xuyên lục địa lớn hơn qua hệ thống đường sắt đã có thể thúc đẩy thương mại, kích thích phát triển công nghệ và làm thay đổi bối cảnh chiến lược.

Đối với Trung Quốc, Con đường tơ lụa mới được đưa ra, cùng với các mục tiêu khác, chính là một công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nội địa quan trọng. Chính phủ Trung Quốc gần đây được biết đã cam kết cung cấp tới 1000 tỷ USD cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó một phần được thực hiện tại các tỉnh miền Trung và miền Tây, nơi sẽ trở thành cửa ngõ dẫn vào Con đường tơ lụa. Ngoài ra, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thực hiện một "chuyến công du ngoại giao đường sắt" quốc tế trong năm 2014. Gần đây vào tháng 12/2014, ông đã tuyên bố thành lập một quỹ đầu tư 3 tỷ USD cho các nước Trung và Đông Âu nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, trong đó có các kế hoạch xây dựng "một hành lang kết nối mới". Các hợp đồng và trợ cấp cho nhà sản xuất ô tô ray quốc gia của Trung Quốc sẽ gia tăng vị thế của hãng trong mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh nước ngoài, đồng thời giúp nó có được lợi thế trên thị trường quốc tế. Bắc Kinh sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước có tuyến đường sắt này đi qua và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc cho họ, mà trong nhiều trường hợp việc trả nợ được thực hiện theo hình thức qua các nguồn tài nguyên của địa phương.

Các tính toán về an ninh nội địa cũng là một động lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực. Năm 2000, ông Hồ Cẩm Đào, người sau đó làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã quyết định rằng Khu vực tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - một khu vực thường xuyên rung chuyển bởi bạo lực sắc tộc và bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cấp tiến tôn giáo của một bộ phận dân cư - cần phải gắn kết chặt chẽ hơn với phần còn lại của Trung Quốc. Quyết định này đã dẫn tới việc triển khai một chương trình lớn nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt kết nối các khu vực xa xôi và nghèo nàn với các khu vực năng động hơn của miền Đông Trung Quốc. Bắc Kinh tin tưởng chắc chắn rằng những căng thẳng chính trị và sắc tộc ở Tân Cương có thể giảm bớt nếu có sự phát triển kinh tế. Vì lý do này, Trung Quốc đã và đang đầu tư ồ ạt vào nền kinh tế và cơ sở hạ tầng địa phương. Mười lăm năm sau đó, một lôgích tương tự hiện đang được áp dụng đối với "vùng lân bang" của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện hướng tới mục tiêu xây dựng các tuyến đường sắt, theo đó sẽ kết nối khu vực Tân Cương với các nước láng giềng Kazakhstan và Kyrgyzstan của nó, và tiếp đó là hướng về phía Tây đến Trung Đông và châu Âu với hy vọng rằng phát triển kinh tế do xây dựng cơ sở hạ tầng mang lại sẽ tăng cường ổn định chính trị tại các khu vực này.

"Ngoại giao cơ sở hạ tầng" của Trung Quốc cũng phản ánh một động cơ ngoại giao nhằm tăng cường các mối quan hệ dọc theo vùng ngoại vi đất liền của nước này ở vào thời điểm mà các tranh chấp lãnh thổ đã gây căng thẳng quan hệ với các nước láng giềng có biển. Phát triển mối quan hệ tốt với các nước láng giềng một lần nữa lại được đặt vào vị trí trung tâm trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình xác định nó là một ưu tiên tại một cuộc họp vào tháng 10/2013. Trong bối cảnh các mối quan hệ bên sườn hàng hải phía Đông của mình xấu đi, Trung Quốc hiện muốn xây dựng các quan hệ hợp tác và ổn định bên sườn đất liền phía Tây. Đây là khu vực mà sự hiện diện của Mỹ không được mạnh mẽ như ở vùng biển Đông Á, nơi Washington đang theo đuổi chính sách "tái cân bằng", theo đó chủ yếu dựa vào các đồng minh truyền thống của mình (phần lớn là các cường quốc biển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia), đồng thời tìm cách phát triển các mối quan hệ đối tác mới với các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Myanmar. Khi Mỹ giảm sự hiện diện của mình ở Afghanistan, Trung Quốc đang cân nhắc can dự kinh tế, tương tự như điều mà nước này đã làm ở Trung Á trong hơn một thập kỷ, trong đó có xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng về đường ống, khai thác khoáng sản, giao thông và thông tin liên lạc. Bắc Kinh hy vọng sẽ giữ sân sau của mình ổn định nhất có thể và tiếp tục dựa vào sự ổn định của các chế độ chuyên quyền thế tục ở Trung Á, nguồn dầu mỏ và khí đốt phong phú, để bảo đảm một phần cho nguồn cung năng lượng của Trung Quốc và ngăn chặn chủ nghĩa cấp tiến trong bộ phận dân cư Hồi giáo của mình.

Rõ ràng, khi Trung Quốc tập trung hơn vào Trung Á, nước này sẽ phải đối mặt với sự hiện diện và ảnh hưởng của Nga. Tuy nhiên, thay vì cọ xát, Con đường tơ lụa mới được đề xuất có mục đích nhằm tạo ra sự hợp tác lớn hơn giữa Bắc Kinh và Moskva, thậm chí lớn hơn nữa khi mối quan hệ giữa Nga và châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng, đẩy Tổng thống Vladimir Putin không có nhiều lựa chọn về sự hậu thuẫn và các đối tác. Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa được đề xuất có mục đích hội nhập các nước láng giềng của Trung Quốc vào gần hơn nền kinh tế của nước này, nắm giữ chúng trong một mạng lưới các quan hệ thương mại, liên kết giao thông cũng như các thể chế khu vực đa phương, theo đó sẽ đặt Trung Quốc ở vị trí trung tâm, gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước yếu và nghèo hơn xung quanh. Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập hồi tháng 10/2014 ở Bắc Kinh là một thể chế như vậy. Nó sẽ trợ giúp tài trợ một số dự án là một phần của Con đường tơ lụa mới.

Cuối cùng, ngoại giao cơ sở hạ tầng được Bắc Kinh khởi xướng còn có một động cơ chiến lược quan trọng. Trong hơn một thập kỷ, các nhà chức trách Trung Quốc đã cố tìm cách phá vỡ thế "tiến thoái lưỡng nan Malacca" bằng việc tìm kiếm các cách thức nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào eo biển Đông Nam Á này, nơi hiện có 80% nguồn cung năng lượng của Trung Quốc được vận chuyển qua từ Trung Đông và Tây Phi. Cơ sở hạ tầng theo kế hoạch, trong đó có hệ thống đường ống, đường bộ và đường sắt, sẽ cải thiện năng lực của Trung Quốc trong việc vận chuyển các nguồn năng lượng tối cần thiết từ các nhà cung cấp ở Trung Á và Trung Đông. Nỗi lo sợ về một sự phong tỏa hàng hải do Mỹ tiến hành khi xảy ra một cuộc xung đột ở Đông Á, đã làm các nhà chiến lược của Trung Quốc tìm kiếm các con đường nhằm tránh các tuyến đường biển do hải quân Mỹ thống trị. Về khía cạnh này, tầm nhìn Con đường tơ lụa mới cung cấp một lựa chọn "trở về quê hương" cho Trung Quốc, quốc gia trong lịch sử đã đặt ưu tiên vào đất liền rộng lớn phải trả giá bằng việc mở rộng ra biển của mình.

Con đường tơ lụa mới được Bắc Kinh chủ trương thực hiện không chỉ là một mạng lưới đường sắt mở rộng trên khắp lục địa Á-Âu mà hơn thế nó mở ra một loạt các cơ hội kinh tế và chiến lược mới. Chính phủ Trung Quốc hy vọng cuối cùng nó sẽ dẫn tới một tình huống mà châu Âu trở thành một bán đảo thuần túy tại điểm kết thúc của châu Á, lục địa đã hội nhập kinh tế và phụ thuộc vào đầu máy kinh tế Trung Quốc, trong khi Mỹ tụt xuống vị trí là một hòn đảo xa xôi, trôi nổi giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Sự ra đời của một hành lang kinh tế xuyên lục địa theo tầm nhìn của Chính phủ Trung Quốc, có thể thay đổi bối cảnh toàn cầu, chuyển dịch trọng tâm của chiến lược và thương mại tới vùng đất liền rộng lớn Á-Âu từ các vùng biển bao quanh Trung Quốc, đồng thời giảm tầm quan trọng của ưu thế vượt trội về hải quân của Mỹ. Hành lang này có thể tăng cường hơn nữa sự phân tán trong nội bộ châu Âu về chính sách châu Á, gây ra sự khác biệt sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu của mình, đồng thời làm nổi bật sự cạnh tranh về thương mại. Nếu châu Âu ngày càng quay về châu Á thay vì nhìn qua Đại Tây Dương, và nếu Trung Quốc thành công trong việc kết nối nước này gần hơn với Nga, Trung Á, Đông Âu và Trung Đông, thì khi đó các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể buộc phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận truyền thống của họ đối với các khu vực này và thực sự là đối với cả thế giới.

Tác giả Nadège Rolland, cựu cố vấn cấp cao Bộ Quốc phòng Pháp, hiện là Giám đốc Dự án các vấn đề chính trị và an ninh tại Cơ quan chuyên nghiên cứu về châu Á của Mỹ. Bài viết đăng trên “NBR” (ngày 12/2).

Mỹ Anh (gt)