_pek03_32523519.jpg

 
Trịnh Vĩnh Niên, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á, Singapore cho rằng Trung Quốc cần "đi ra ngoài", chỉ có "đi ra ngoài" mới có thể trở thành nước lớn, và cũng chỉ có "đi ra ngoài" mới có thể thực hiện trách nhiệm nước lớn. Nói về “Con đường tơ lụa”, nó không phải là một vấn đề mang tính quy phạm "cần phải như thế nào?", mà là một vấn đề thực tế, đó là Trung Quốc phải làm gì? Để trả lời câu hỏi "cần phải làm gì?", trước tiên phải làm rõ một số vấn đề chiến lược lớn cần lưu ý. Nếu không có một khái niệm chiến lược lớn, rất khó để thực hiện “Con đường tơ lụa” một cách hiệu quả. Cần đưa “Con đường tơ lụa” trở thành một chiến lược lớn, ít nhất cần phải xem xét vấn đề dưới các phương diện chủ yếu sau.
 

Điều quan trọng nhất là vấn đề địa chính trị mà Trung Quốc đang gặp phải. Ở phía Đông của Trung Quốc đang có sự tồn tại của liên minh Mỹ-Nhật. Những năm gần đây, quan hệ Trung-Nhật đã rơi xuống mức thấp nhấp do liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Mỹ - đồng minh của Nhật Bản - đã công khai đứng về phía Nhật Bản. Trung Quốc đương nhiên không từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, song mọi người cần phải đưa ra vấn đề như thế này, đó là Thái Bình Dương có vai trò quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc? Quả thực, Thái Bình Dương có vai trò hết sức quan trọng, song trên thực tế nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng hơn là thực chất. Vươn ra Thái Bình Dương tất nhiên là một biểu tượng sức mạnh của Trung Quốc. Nhưng muốn vươn ra Thái Bình Dương thì cần phải làm gì? Trung Quốc không có ý định thách thức Mỹ, tranh bá thế giới, Trung Quốc không đi ra Thái Bình Dương để cạnh tranh với Mỹ. Bất luận xem xét từ góc độ văn hóa tinh thần hay khả năng thực tế, rất khó để Trung Quốc có thể giống Mỹ, coi mọi nơi trên thế giới đều ảnh hưởng đến lợi ích địa chiến lược của mình, Trung Quốc sẽ không thể vượt Thái Bình Dương đến châu Mỹ để ảnh hưởng đến lợi ích địa chính trị của Mỹ.

Qua đó có thể nói, ở phía Đông, Trung Quốc ở vào thế phòng thủ, chỉ cần bảo đảm lợi ích địa chính trị của mình là đủ. Bối cảnh địa chính trị khách quan này đã cho thấy rõ tính quan trọng của “Con đường tơ lụa trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển”. Mặc dù Trung Quốc đã trở thành quốc gia thương mại lớn, nhưng để duy trì vị thế là nước thương mại lớn và hỗ trợ sự phát triển bền vững trong nước, cần phải tìm ra không gian kinh tế thương mại mới. Không gian mới này có thể được tìm thấy ở chiến lược “một vành đai” (khu vực rộng lớn ở Trung Á và Trung Đông), và "một con đường" (khu vực rộng lớn từ Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương và châu Phi).

Rõ ràng, về phương diện “Con đường tơ lụa trên bộ”, Trung Quốc cần xử lý tốt quan hệ lợi ích địa chính trị với Nga. Nga và Trung Quốc đều có lợi ích địa chính trị của riêng mình. Trong lịch sử, Nga từng xâm phạm lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Ngày nay, Trung Quốc và Nga đã giải quyết xong các vấn đề biên giới. Tuy nhiên, không thể nói rằng hai nước sẽ không xảy ra xung đột tiềm tàng về địa chính trị. Chẳng qua hiện hai nước có không gian hợp tác rất lớn, nên đã chuyển các nguy cơ xung đột tiềm tàng về địa chính trị thành các cơ hội hợp tác. Giống như Trung Quốc, Nga cũng đang đứng trước áp lực địa chính trị rất lớn từ phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Nếu hai nước có thể quan tâm đến lợi ích địa chiến lược của nhau, thì quan hệ hai bên sẽ tiếp tục có sự phát triển rất lớn.

“Con đường tơ lụa trên bộ” chính là “một vành đai” kết nối khu vực rộng lớn trải dài từ Trung Á, Trung Đông tới châu Phi. Vành đai này thường là trung tâm các lợi ích địa chính trị của Nga. Hơn 100 năm trước, nhà địa lý người Anh Mackinder đã coi Trung Á là trung tâm của thế giới, cho rằng ai muốn kiểm soát thế giới trước hết cần phải kiểm soát Trung Á. Đế quốc Anh từng cho mình là đế quốc toàn cầu, sau đó Mỹ nổi lên và cũng muốn tranh bá thế giới, vì vậy họ đều rất tin vào lý thuyết của Mackinder. Người Mỹ ngày nay vẫn tin vào điều này, bởi vì họ vẫn muốn duy trì quyền bá chủ toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã nhanh chóng hợp tác với các đồng minh châu Âu để kết nạp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á, mở rộng lợi ích địa chính trị của Mỹ và phương Tây đến sân sau của Nga, điều này đã xâm phạm rất lớn đến lợi ích địa chính trị của Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga bị trì trệ trong một thời gian dài, Mỹ và phương Tây đã tranh thủ cơ hội này để mở rộng phạm vi chiến lược của mình. Tuy nhiên, sau khi khôi phục sức mạnh của mình, Nga đã cố gắng lấy lại những lợi ích địa chiến lược đã mất. Tình hình đang xảy ra ở Ukraine ngày nay có thể là sự phản kích của Nga trước sự xâm phạm địa chiến lược quá mức mà Mỹ và phương Tây đã thực hiện.

Trung Quốc cần hợp tác với Nga và các nước Trung Á

Có thể nói rằng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện “Con đường tơ lụa trên bộ”, Trung Quốc cần hợp tác với Nga và các nước Trung Á. Về phương diện này, Trung Quốc đã có một cơ chế tương đối hiệu quả, đó là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). SCO tập trung vào các vấn đề và các nước liên quan đang phải đối mặt, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố và không nhằm vào bên thứ ba. Trong quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện “Con đường tơ lụa”, Trung Quốc có thể tận dụng SCO. Tất nhiên, “Con đường tơ lụa trên bộ” không chỉ giới hạn ở các nước Trung Á, mà nó còn được mở rộng về phía Tây tới châu Âu. Nhưng ít nhất có liên quan đến SCO trong khu vực ở Trung Á.

Khi xử lý “Con đường tơ lụa trên bộ”, cũng cần phải ý thức tới môi trường văn hóa khác nhau mà “Con đường tơ lụa trên bộ” truyền thống và “Con đường tơ lụa trên bộ” hiện đại phải đối mặt. Về mặt truyền thống, “Con đường tơ lụa” là sự giao thương giữa Trung Quốc với thế giới Arập. Văn hóa Arập về cơ bản là một nền văn hóa kinh doanh. Thế giới Arập hiện nay chủ yếu là người Hồi giáo, chỉ có điều văn hóa kinh doanh của người Hồi giáo rất mạnh mẽ. Song vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt là thế giới Hồi giáo hóa. Kể từ thời cận đại, bản thân thế giới Hồi giáo không còn thích ứng tốt với nền văn minh công nghiệp và thương mại quy mô lớn, đồng thời dưới áp lực của thế giới phương Tây, một số người dần có xu hướng cực đoan. Tương tự như vậy, thế giới Hồi giáo ngày nay không thể thích ứng với môi trường toàn cầu hóa dẫn tới việc xuất hiện nhiều phân tử cấp tiến, càng không thiếu văn hóa tôn giáo cực đoan.

Giống như các nền văn hóa và văn minh lớn khác trên thế giới, chủ thể của nền văn hóa Hồi giáo là nền văn hóa hòa bình, song tư tưởng cực đoan trong một số người Hồi giáo đã trở thành hiện thực. Điều này khiến cho việc mở rộng về phía Tây hay thực hiện chiến lược “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc đứng trước các mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định và an ninh quốc gia. Các nhân tố ở khu vực này hết sức phức tạp đã cho thấy rõ tính khó khăn trong việc thực hiện “Con đường tơ lụa trên bộ”. Nếu trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện con đường tơ lụa mà coi nhẹ sự thật về việc chủ nghĩa khủng bố đang hiện hữu thì sẽ phạm phải một sai lầm chính sách rất lớn.

“Con đường tơ lụa trên biển” đồng thời cũng đứng trước những thách thức về địa chính trị. Đầu tiên là vấn đề Biển Đông. Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc sẽ cảm thấy hết sức lo ngại Trung Quốc, thậm chí xem Trung Quốc là một mối đe dọa, vì vậy rất mong muốn có sự tham gia của Mỹ. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc chủ yếu muốn giải quyết quan hệ với các nước ASEAN. Về mặt này, Trung Quốc cần phải có đủ lý trí và sự kiên nhẫn. Các nước Đông Nam Á đều là những nước nhỏ vốn lo ngại trước các nước lớn.

Trung Quốc cần đứng trên lập trường các nước nhỏ để xem xét vấn đề, có như vậy mới có thể giải quyết tốt mối quan hệ với các nước này. Thứ hai, “Con đường tơ lụa trên biển” còn liên quan đến địa chính trị của Ấn Độ. Trung Quốc cần phải thông qua khu vực Đông Nam Á để đi tới châu Phi đến Ấn Độ Dương, và như vậy Ấn Độ được coi là điểm then chốt. Là một nước lớn, Ấn Độ cũng đặt lợi ích địa chính trị của mình lên trên. Sự trỗi dậy và “đi ra ngoài” của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại lớn cho Ấn Độ. Đồng thời, hiện Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu xử lý tốt vấn đề, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ giải quyết được tranh chấp lợi ích địa chính trị, mà còn tìm thấy cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa. Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng chung sống với nhau hàng nghìn năm, đồng thời là hai nền kinh tế lớn, song không có xung đột lớn. Vấn đề mà cả hai nước phải đối mặt hiện nay đều là di sản do chủ nghĩa đế quốc phương Tây để lại. “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc hướng tới châu Phi, nếu để ý tới lợi ích địa chính trị của Ấn Độ, sẽ có thể tìm thấy không gian hợp tác rộng lớn. Bất luận là với Trung Đông hay châu Phi, Ấn Độ luôn giữ một vai trò then chốt.
Trung Quốc cần xây dựng sức mạnh ngôn ngữ cho “Con đường tơ lụa”

Tương tự như vậy, Trung Quốc phải xây dựng sức mạnh ngôn ngữ cho “Con đường tơ lụa”. Sức mạnh ngôn ngữ này rất quan trọng, bởi nó là quyền lực mềm trong nền chính trị quốc tế. Bất kỳ quốc gia nào cũng cần có quyền lực mềm, và nước lớn càng phải như vậy. Đế quốc Anh và Mỹ đều đã xác lập quyền lực mềm để phản ánh quan niệm giá trị hạt nhân của mình, ví dụ đối với Anh là “tự do hàng hóa”, còn đối với Mỹ là “tự do dân chủ”. Liên Xô khi mới thành lập cũng có ý định xác lập quyền lực mềm của mình, đó là chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có điều, Chủ nghĩa cộng sản Liên Xô sau đó không chỉ không thành công ở trong nước, mà còn thất bại trong việc truyền bá ra bên ngoài. Trong quá trình trỗi dậy kể từ sau cải cách mở cửa, Trung Quốc trên thực tế cũng đã chú ý tới vấn đề xây dựng sức mạnh ngôn ngữ. Trong những năm 1990, Trung Quốc lần lượt đưa ra các khái niệm “trỗi dậy hòa bình” và “phát triển hài hòa” trong việc xây dựng đất nước. Trung Quốc trước hết sử dụng khái niệm “trỗi dậy hòa bình”, song sau đó thấy rằng khái niệm này còn tương đối nhạy cảm nên đã sử dụng cụm từ ít nhạy cảm hơn là “phát triển hài hòa”. Trong một thời gian, cụm từ “phát triển hài hòa” thực sự đã mang lại ảnh hưởng rất tích cực cho quan hệ quốc tế của Trung Quốc, ít nhất đã truyền đi thông điệp với thế giới bên ngoài về mong muốn chủ quan trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi bước vào thế kỷ mới, cùng với sự trỗi dậy tiến thêm một bước của Trung Quốc, phương Tây và các nước láng giềng ngày càng lo ngại về sức mạnh của Trung Quốc. Khái niệm "thế giới hài hòa" được Trung Quốc đưa ra sau đó đã không mang lại những tác động tích cực cần thiết đối với thế giới. Bất luận là "trỗi dậy hòa bình" hay "phát triển hài hòa", Trung Quốc cần phải cho thế giới thấy được tính chất hòa bình trong sự trỗi dậy của mình. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc sử dụng phương thức nào để đảm bảo hòa bình? Trung Quốc luôn nhấn mạnh tính chất hòa bình trong nền văn hóa và văn minh, điều này không có gì đáng nói. Chỉ có điều đối với thế giới bên ngoài, dù việc nhấn mạnh tính chất hòa bình của nền văn hóa là sự thực thì cũng rất mang tính trừu tượng. Mọi người vẫn muốn biết thêm tại sao nền văn hóa và văn minh của Trung Quốc lại là hòa bình? Tức là cần phải nói rõ rốt cuộc trước kia Trung Quốc sử dụng phương thức nào để trở thành một nước lớn hòa bình? Bây giờ họ sử dụng phương thức nào để có thể trở thành một nước lớn hòa bình? Từ góc độ này, “Con đường tơ lụa” có thể giúp xây dựng sức mạnh ngôn ngữ cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Hoặc có thể nói, “Con đường tơ lụa” có cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, trao đổi mậu dịch không chỉ là trao đổi về vật chất mà còn là sự giao lưu và tương tác về văn hóa. Dù là hệ thống triều cống hay “Con đường tơ lụa”, chúng đều là cách thức được Trung Quốc sử dụng để tổ chức các quan hệ quốc tế của mình, phương pháp này phản ánh tính chất hòa bình của nền văn hóa Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc khởi động lại “Con đường tơ lụa”, việc đầu tiên là cần phải nhấn mạnh đến tính hòa bình của “Con đường tơ lụa” này, coi nó là một phương thức cho sự trỗi dậy hòa bình. “Con đường tơ lụa” có thể trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng cho sức mạnh mềm của Trung Quốc. Mấy năm trước, một số học sinh và nghiên cứu sinh của Trung Quốc còn chưa lưu ý tới vấn đề này, thường “chiến lược hóa” các hoạt động kinh tế, thường sử dụng khái niệm “chiến lược”, thậm chí là “chiến lược quân sự” để miêu tả sách lược kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Các khái niệm này bao gồm “Hành lang lớn chiến lược Tây Nam”, “Điểm đầu cầu”, “Tây tiến”... Rõ ràng các chính quyền địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc muốn kinh doanh về mặt kinh tế (ví dụ mậu dịch và đầu tư), song đã nâng cấp nó lên thành cấp độ về chiến lược quân sự, đưa thứ mới đầu chỉ là sức mạnh mềm trở thành sức mạnh cứng. Thực ra, nếu mọi người để ý một chút về mặt lịch sử thì họ sẽ không làm như vậy, bởi các khái niệm kiểu như vậy từng được người Nhật Bản sử dụng trong thời kỳ trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Rất dễ để thấy rằng các khái niệm này tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Ví dụ, Ấn Độ rất cảnh giác đối với “Hành lang lớn chiến lược Tây Nam”, lo ngại Trung Quốc có thể làm tổn hại đến lợi ích địa chính trị của mình. Các nước Đông Nam Á rất cảnh giác đối với “Điểm đầu cầu” vì khái niệm này mang tính chất quân sự rất nhiều. Trong khi đó, Nga rất lo ngại trước chính sách “Tây tiến” của Trung Quốc. Về mặt lịch sử, cốt lõi của “Con đường tơ lụa” là mậu dịch, nên tính chất của nó là hòa bình. Điểm này đã tạo nền tảng văn hóa và lịch sử cho Trung Quốc khởi động lại “Con đường tơ lụa”. Vì vậy, các học giả và quan chức Trung Quốc không nên sử dụng từ ngữ “chiến lược hóa” cho “Con đường tơ lụa”, nếu không điều này sẽ tạo ra những trở ngại không cần thiết.

Theo “Liên hợp buổi sáng”