“Con đường tơ lụa” gợi lên một quá khứ rực rỡ của việc liên kết thương mại giữa các cảng biển và người dân, các thành phố và các nền văn hóa. Giờ đây Trung Quốc đang theo đuổi một kế hoạch đầy tham vọng trong tương lai nhằm khôi phục quan hệ thương mại cổ xưa với các nước láng giềng của họ, trải dài từ phía Nam đến phía Bắc, mở rộng ra tới tận phía Đông Địa Trung Hải. 

Cách đây một năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi khôi phục “Con đường tơ lụa” trên đất liền có từ cách đây 2000 năm và “Con đường tơ lụa” trên biển cũng được lập ra sau đó – một phần trong tầm nhìn của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” về một đất nước Trung Quốc phục hưng. 

Trong hai tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư tài chính để hậu thuẫn các kế hoạch này, trong đó có việc thiết lập một ngân hàng và một quỹ tài chính mới. Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư nhiều tỷ USD vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng và hợp tác công nghiệp, tài chính với các thị trường mới nổi nằm dọc theo những tuyến đường này. “Con đường tơ lụa” sẽ đi xuyên qua Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iran và cuối cùng kết thúc ở Áo. Trong khi đó, “Con đường tơ lụa” trên biển sẽ kết nối các cảng biển của Trung Quốc tới tận cảng Antwerp của Bỉ. 

Các kế hoạch mang tên “Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay ở khắp khu vực Trung Á và Nam Á. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã nói rằng hai khối hợp tác kinh tế mới này – nếu như ý tưởng này “cất cánh” – sẽ bao trùm hơn 60% dân số thế giới và một phần ba kinh tế thế giới. 

Về mặt lý thuyết, ý tưởng này có vẻ như hấp dẫn Trung Quốc, các công ty Trung Quốc và các nước láng giềng khát đầu tư của Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khả năng có những sự va chạm mạnh và những con đường vòng trong những tuyến đường vừa được giới thiệu do những nghi ngờ về tham vọng chính trị của Trung Quốc và tình cảm dân tộc của các nước có những tuyến đường đó đi qua. Cũng không thể phớt lờ vòng cung lớn hơn của sự thù địch địa chính trị. 

Đối với Trung Quốc, các chuyên gia phân tích coi sáng kiến này là một biện pháp để họ tận dụng tình trạng dư thừa sản xuất nghiêm trọng và đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ trong khi theo đuổi việc tìm kiếm ảnh hưởng chính trị trong khu vực. Ông Phương Quang Hoa, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc của Trung Quốc đồng thời là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Con đường tơ lụa của trường đại học này, nói rằng “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” này sẽ giúp Trung Quốc sử dụng tốt hơn và gia tăng giá trị dự trữ ngoại hối trị giá gần 4.000 tỷ USD của họ, và cung cấp sự đầu tư rất cần thiết cho nhiều quốc gia. 

Kế hoạch Marshall nguyên bản là một chương trình hỗ trợ tài chính năm 1948 được Mỹ bảo trợ nhằm củng cố các nền kinh tế Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó được đặt tên theo tên Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là George Marshall. Ông Phương Quang Hoa nói rằng Trung Quốc cần những lĩnh vực mới cho đầu tư bởi vì nhiều khu vực của Trung Quốc Đại lục đang đạt đến ngưỡng phát triển. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trong nhiều năm, các quốc gia Trung Á và Arập đã bị các nhà đầu tư phớt lờ, vì thế có không gian lớn cho việc cung cấp tài chính và phát triển”.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng các quan chức từ các nước như Kazakhstan, Campuchia và Lào ủng hộ kế hoạch của Bắc Kinh. Ông Phương Quang Hoa nhấn mạnh kinh tế khu vực Trung Á ngày nay tương đương với kinh tế của Trung Quốc cách đây 30 năm. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Á và thương mại quốc tế đang gia tăng đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ hội trong các lĩnh vực kinh doanh. 

Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ với 20 quốc gia khác nhằm thiết lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để cung cấp tài chính cho những nhu cầu về cơ sở hạ tầng của khu vực. Sự hấp dẫn của sáng kiến này là các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong khu vực, và hai nước láng giềng đối kháng hơn nữa của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Philippines và Việt Nam, cũng nằm trong số 20 quốc gia đã ký bản ghi nhớ này. 

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố phần đóng góp trị giá 40 tỷ USD của Trung Quốc vào “Quỹ Con đường tơ lụa mới” được thành lập cho các dự án giúp kết nối các quốc gia trong sáng kiến này. 

Ông Lý Lập Phàm, một chuyên gia nghiên cứu về khu vực Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói rằng chiến lược này cho thấy Trung Quốc đã chuyển lập trường của họ từ không liên kết sang ngoại giao “láng giềng hữu hảo”. Chuyên gia Lý Lập Phàm phân tích: “Vành đai Con đường tơ lụa mới sẽ kết nối các quốc gia Tây Âu và Đông Á, những nơi vốn đã giàu có. Tuy nhiên, ở giữa toàn bộ khu vực này có ‘vùng trũng’, nơi vẫn bất ổn chính trị và yếu kém về mặt kinh tế, nhưng lại có tiềm năng to lớn”. 

Chuyên gia Lý Lập Phàm nhấn mạnh thêm rằng tuyến đường mới cũng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng ở các khu vực nghèo nằm ở phía Tây Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Tân Cương. Ông Lý Lập Phàm nêu rõ: “Tân Cương sẽ trở thành một đầu cầu quan trọng bởi vì một phía có các quốc gia như Nga và Kazakhstan, những nơi có kết nối về mặt văn hóa với Tân Cương, trong khi phía kia là những khu vực giàu có ở phía Đông của Trung Quốc”. 

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích đã hoài nghi về sự dễ dàng của việc thiết lập những mối liên kết giữa các nước láng giềng khu vực Trung Á. Ông Trương Hồng Châu, một chuyên gia nghiên cứu trong Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, nói rằng do mức độ tin tưởng cực thấp giữa các quốc gia này, nên một cách tiếp cận đa phương có thể không diễn ra thuận lợi. Ông Trương Hồng Châu viết trong một bài báo tháng trước: “Thay vì tập trung vào các dự án lớn cần sự tham gia của nhiều quốc gia, Trung Quốc nên thực hiện một cách tiếp cận song phương để hợp tác với các quốc gia riêng lẻ. Tốt hơn hết là đầu tiên tạo lực đẩy với các dự án nhỏ hơn và tìm kiếm cơ hội kết nối những điểm rải rác sau đó”. 

Ông Trương Hồng Châu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thừa nhận những lợi ích của Nga, bởi vì khu vực Trung Á – bất chấp ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc – được coi là một phần sân sau của Nga. 

Những người khác lo ngại về sự chi phối đang gia tăng của Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg dẫn lời Giáo sư Nargis Kassenova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kimep ở thủ đô Almaty của Kazakhstan, nhấn mạnh: “Trung Quốc quá hùng mạnh và chúng tôi sợ việc bị lấn át… Thật khó từ chối những gì Trung Quốc có thể đưa ra, nhưng chúng tôi phản đối việc hoàn toàn cam chịu trước sức mạnh của Trung Quốc. Chúng tôi chỉ đang cố gắng hưởng lợi về mặt kinh tế”. 

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc không lùi bước. Họ đang lao vào giành giật các cơ hội mới, bất chấp nguy cơ vấp phải sự kháng cự từ các cộng đồng địa phương. Ông Trương Kiệt, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cầu đường Beixin ở Tân Cương, một công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, nói rằng doanh nghiệp này đang tích cực và chủ động tham gia các dự án được hỗ trợ bởi AIIB và Quỹ “Con đường tơ lụa”. 

Beixin, doanh nghiệp đã tham gia việc xây dựng dự án đầu tiên ở nước ngoài vào năm 2003, hiện đang xây dựng các con đường và các tòa nhà ở 7 quốc gia, trong đó có Mông Cổ, Tajikistan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Campuchia. 

Ông Trương Kiệt cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc đẩy mạnh phát triển ở các quốc gia láng giềng sẽ giúp cải thiện sự ổn định xã hội ở Tân Cương, và đã nêu quan điểm này với Bộ Thương mại với hi vọng cùng chia sẻ những lợi ích của kế hoạch quốc gia này”. 

Với doanh thu hàng năm khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ nhân dân tệ từ các dự án nước ngoài, tập đoàn Beixin trông đợi kiếm được nhiều hơn với những dự án như vậy. Ông Trương Kiệt cho biết thêm: “Có tiềm năng to lớn bởi vì những quốc gia này có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, ở mức độ của Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỷ trước”. 

Hoa Vĩ, tập đoàn có trụ sở ở tỉnh Quảng Đông, đã xâm nhập thị trường Trung Á cách đây 17 năm và là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn ở khu vực này. Tập đoàn này nói rằng là một công ty tư nhân làm ăn kinh doanh trên toàn cầu, Hoa Vĩ sẽ không được hưởng lợi trực tiếp từ kế hoạch đầu tư nói trên của Chính phủ Trung Quốc nhưng những sự phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ của họ. 

Ông Triệu Hiểu Bân, Giám đốc phụ trách truyền thông tại chi nhánh Hoa Vĩ khu vực Trung Á và Caucasus cho biết: “Đầu tư của Trung Quốc ở khu vực này, và sự thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ cải thiện sự phát triển kinh tế và trao đổi giữa Trung Quốc và các quốc gia ở khu vực này. Tiến trình phát triển mới sẽ tạo ra nhu cầu mới về thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin liên lạc. Sẽ có nhiều cơ hội ở đó cho Hoa Vĩ trong tương lai”. Ông Triệu Hiểu Bân nhấn mạnh mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 6% của châu Á trong 5 năm qua là mức tăng trưởng hơn gấp đôi tăng trưởng kinh tế trung bình của thế giới, với sự ổn định chính trị là yếu tố thiết yếu cho việc duy trì sự thịnh vượng về kinh tế. 

Trong số những bên tham gia lớn nhiều khả năng trở thành những người chiến thắng từ kế hoạch này là Công ty Cổ phần Công trình Quốc tế Trung Quốc, Công ty Công trình Quốc tế Sinoma và Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc. 

Ông Kiều Thành Hổ, Giám đốc Chi nhánh Kazakhstan của Công ty Công nghệ Công trình Dầu mỏ Trung Quốc Hà Nam, nói rằng có thêm nhiều công ty Trung Quốc đang thành lập ở nước này, trong đó có các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đường bộ và các nhà máy điện, khai thác mỏ và thăm dò dầu khí. Ông Kiều Thành Hổ lạc quan rằng công ty của ông, một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực kho chứa xăng dầu và đường ống dẫn khí đốt, sẽ được hưởng lợi “bởi vì có một thị trường lớn do ngành công nghiệp này vẫn đang trong giai đoạn ban đầu”. Ông Kiều Thành Hổ nói thêm: “Với việc có nhiều khoản đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc dẫn đầu trong tương lai, về mặt tự nhiên sẽ có thêm nhiều mỏ dầu hơn, và do đó có thêm nhiều cơ hội xây dựng các đường ống dẫn dầu”. 

Tuy nhiên, giống như một số người khác, ông Kiều Thành Hổ quan ngại về việc siết chặt các quy định của địa phương, vốn hầu hết là những sự hạn chế được đặt ra đối với việc thuê công nhân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài. Ông Kiều Thành Hổ nói rõ: “Việc xin thị thực cho các công nhân Trung Quốc rất khó khăn, trong khi chúng tôi thấy các công nhân địa phương thường nóng tính và không đủ khả năng thực hiện công việc với những tiêu chuẩn cần thiết. Điều không thể tránh khỏi là xảy ra những cuộc xung đột giữa các công nhân”. 

Holley Metering, một doanh nghiệp chế tạo dụng cụ đo đạc thông minh ở Hàng Châu, đã thiết lập liên doanh đầu tiên của họ tại Uzbekistan từ cách đây 10 năm. Jeffrey Guo, Chủ tịch công ty này, cho biết mặc dù thiết lập được một thị trường đáng kể và đã thành lập được liên doanh thứ hai trong thập kỷ qua, nhưng hoạt động trao đổi tiền vẫn là một trở ngại đối với việc tăng cường mở rộng hoạt động làm ăn của doanh nghiệp này vào khu vực Trung Á. 

Ông Jeffrey Guo khẳng định: “Những hạn chế đổi nghiêm ngặt về việc đổi tiền có nghĩa là chúng tôi phải chờ đợi tới một năm để đổi tiền Uzbekistan lấy đồng USD”. Doanh nhân này nói rằng các công ty tư nhân như Holley Metering chưa chắc sẽ giành được những hợp đồng lớn. Ông nhấn mạnh: “Mặc dù các công ty tư nhân thường linh hoạt hơn và có khả năng kinh doanh ở nước ngoài, nhưng chúng tôi hiếm khi giành được những hợp đồng mà các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được nhận”. 

Beixin, một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở Tân Cương, cũng phải đối mặt với một vấn đề tương tự. Ông Trương Kiệt nói rằng mặc dù Beixin có một lợi thế trong việc có chung nền văn hóa, môi trường và đồ ăn với các quốc gia được kết nối bởi “Con đường tơ lụa mới”, nhưng đối với một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở Tân Cương, việc cạnh tranh với một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở cấp quốc gia là điều rất khó khăn. 

Ông Trương Kiệt nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước cấp quốc gia là những doanh nghiệp đầu tiên được thưởng cho những hợp đồng có lợi và chúng tôi phải đợi họ đẩy cho chúng tôi những hợp đồng phụ trong công việc của họ. Tất cả những gì chúng tôi mong muốn là chính quyền trung ương trao những cơ hội tương tự cho tất cả các doanh nghiệp, cho dù chúng được kiểm soát trực tiếp bởi chính quyền trung ương hay là bởi một chính quyền địa phương, giống như chúng tôi”. 

Dường như không phải tất cả những người đi du lịch bằng các “Con đường tơ lụa mới” đều sẽ tìm thấy cảm giác êm ả và suôn sẻ, ngay cả trong trường hợp điểm đến là một nơi tuyệt vời.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng

Văn Cường (gt)