ASEANCHINA.jpg

Trong những tháng sắp tới, Tòa Trọng tài Thường trực sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện mà Philippines khởi xướng vào tháng 1/2013. Vụ kiện đã được bàn tán công khai, sôi nổi ở Philippines cũng như trên toàn thế giới, không chỉ về những đặc điểm riêng liên quan đến vụ kiện, các quyền trên biển và quyền của các quốc gia ven biển theo UNCLOS 1982 mà theo nghĩa rộng hơn, người ta bàn đến các nguyên tắc củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là nguyên tắc pháp trị, tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa trong quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Vụ kiện của Philippines không nhằm phản đối một cách vô cớ Trung Quốc. Ngược lại, đó là một biện pháp hòa bình, không bạo lực, minh bạch và hợp pháp do Philippines lựa chọn để đáp lại những hành động quyết đoán đơn phương của Trung Quốc nhằm củng cố các yêu sách đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Mặc dù vụ kiện nhằm bảo vệ các quyền lợi biển của Philippines, nhưng nó còn có ý nghĩa quan trọng mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Đây là một nỗ lực để đề cao nguyên tắc pháp trị trong giải quyết những tranh chấp trên thế giới. Động cơ của Philippines đã được thể hiện rõ ràng và liên tục trước sau như một, đã được toàn thế giới hiểu và ủng hộ.

Việc Bắc Kinh từ chối tham gia vào vụ kiện có lẽ là một cơ hội bị đánh mất lớn nhất trong thời gian qua khi xây dựng một trật tự khu vực dựa trên cơ sở luật pháp và nguyên tắc, nơi mà quyền, thay vì sức mạnh, cần chiếm ưu thế bởi được tất cả các nước công khai ủng hộ. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của chúng ta - xuất phát điểm cho sự tăng trưởng của thế giới và tâm điểm địa chính trị trong thế kỷ 21 - hiện đang thay đổi liên tục.

Chính vì thế các quốc gia phải có nhiệm vụ kiên nhẫn theo đuổi một tương lai mà chúng ta hình dung đối với cấu trúc an ninh khu vực: nó phải ổn định và có thể đoán biết được, cho phép người dân sống trong hòa bình và thịnh vượng ở nơi mà ý chí chứ không phải quyền lực thắng thế và nguyên tắc luật pháp được tuân thủ theo nghĩa đầy đủ nhất.

Điều đó cũng bắt nguồn từ Hiến pháp của Philippines là bảo vệ lợi ích dân tộc, hành động hòa bình và phù hợp với luật pháp của Philippines cùng với nghĩa vụ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều 2 khoản 2 trong Hiến pháp của Philippines có nêu rõ “phản đối dùng chiến tranh như một phương tiện trong chính sách quốc gia, chúng ta chấp nhận các nguyên tắc được luật quốc tế chấp nhận rộng rãi, coi đó như một phần của luật trong nước, và tuân theo chính sách hòa bình, công bằng, hợp tác và bằng hữu với tất cả các dân tộc”.

Trong phát biểu trước Tòa Trọng tài thường trực ngày 7/7/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines lúc đó là Albert Del Rosario nói Philippines đã tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo UNCLOS với thiện ý thực sự. Trên thực tế Philippines đã ký UNCLOS vào ngày Công ước được ký kết, và là một trong những quốc gia đầu tiên đệ trình các biện pháp phê chuẩn.

Theo các quy định trong Công ước, Philippines và Indonesia đã ký Hiệp định phân định vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) vào tháng 5/2014. Thỏa thuận của Philippines với Indonesia cho thấy một thực tế là các bên liên quan chấp thuận sử dụng UNCLOS để giải quyết hòa bình các vấn đề về biển. Nguyên tắc pháp trị đã trở thành một trong những định hướng quan trọng mà Philippines ủng hộ tích cực trong quan hệ với cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, coi đó như là một lời tuyên bố dứt khoát về Luật biển. Điều này sẽ có tác động tích cực đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và làm giảm căng thẳng trên Biển Đông mặc dù còn thiếu chế tài thực thi đối với phán quyết. Philippines sẽ tuân theo phán quyết, Trung Quốc cũng nên làm như vậy để chứng minh ý nghĩa của “sự trỗi dậy hòa bình” của họ.

Tuy nhiên phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ không chấm dứt các tranh chấp vì không có phán quyết nào liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hay vấn đề phân định biển. Các nước có yêu sách trên Biển Đông phải đối phó với một chặng đường còn dài trước mặt để dẫn đến giải pháp ổn định cuối cùng cho các tranh chấp. Hy vọng cuộc bàn thảo trong khuôn khổ ASEAN và Trung Quốc về Tuyên bố Ứng xử của các bên trên biển (DOC) và bộ quy tắc ứng xử ASEAN (COC) sẽ phát triển theo hướng đó sau khi có phán quyết.

Philippines hoàn toàn không có mong muốn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh công bằng và bền vững cho khu vực, sự tham gia của Trung Quốc là rất quan trọng và lợi ích của Trung Quốc cũng sẽ được các quốc gia khác tôn trọng, chừng nào họ không phủ nhận quyền lợi của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Điều Philippines mong mỏi sau khi Tòa ra phán quyết là một sự khởi đầu mới mẻ cho một cơ chế dựa trên pháp luật trên Biển Đông và một đối tác Trung Quốc chân thành trong sự nghiệp xây dựng Biển Đông thành một khu vực an toàn hơn, ổn định, thịnh vượng và hòa bình./.

Theo “Strait times of Singapore

Mỹ Anh (gt)