Theo đánh giá mới đây của nhóm nghiên cứu IHS, chủ biên tạp chí Jane’s Defence, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng đều đặn trong những năm tới, từ 119,8 tỉ USD năm 2011 lên 238,2 tỉ USD năm 2015, tức là tăng trung bình 18,75% mỗi năm.

Thực lực của quân đội Trung Quốc hiện nay 

Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội một cách rất mạnh mẽ, với tham vọng được Bắc Kinh khẳng định là thu hẹp sự chậm tiến 20 - 30 năm hiện nay. Dư luận đang chờ đợi một sự đầu tư ồ ạt cho nhiều chương trình vũ trang quan trọng trong quân đội Trung Quốc, kể cả dự án phát triển các loại máy bay chiến đấu kiểu như Thành Đô J-10B hoặc hiện đại hơn là J-20, một máy bay chiến đấu có cấu hình tương tự F-22 của Mỹ. Tên lửa, đặc biệt là loại đối không tầm xa, cũng nằm trong diện được ưu tiên hàng đầu. Theo tiết lộ, Bắc Kinh đang rất nỗ lực cải thiện các khả năng không gian cho loại tên lửa này. Về hải quân, Bắc Kinh đang tiến hành hiện đại hóa khả năng tốc độ cho các tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân (PLA). Mục tiêu tối thượng là trang bị bằng được ít nhất một tàu sân bay thực thụ và điều này có vẻ nằm trong khả năng của Trung Quốc, bởi PLA hiện đang nắm trong tay chiếc Varyag, một tàu sân bay chưa hoàn thiện mua lại của Ucraina năm 1998. Trung Quốc đang dồn toàn bộ khả năng để tái chế tàu này thành một tàu sân bay. Ngoài ra, PLA còn có thêm một chiếc thứ hai thuộc dạng "made in China " 100%. Dự kiến tàu này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian từ nay đến năm 2015. Hiện nay, đã có một số chuyên gia quân sự đề cập nhiều đến sự suy yếu của Mỹ và mối đe dọa đối với ưu thế của siêu cường thế giới này tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo đánh giá của IHS, suy yếu này chỉ mang tính tương đối, bởi trong số rất nhiều lý do, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba số tiền Mỹ chi cho lĩnh vực này tính đến thời điểm năm 2015, cho dù Lầu Năm Góc đang bị cắt giảm ngân sách rõ rệt. Về hải quân, kể cả ưu tiên số một là phát triển hạm đội, Trung Quốc chưa có nhiều để so sánh với Mỹ trong thời gian trung hạn. Về số lượng tàu chiến, hải quân Mỹ nắm trong tay một lực lượng ngang bằng với số tàu chiến của cả Trung Quốc và Nga cộng lại, tức là 203 so với 205 chiếc. 11 tàu sân bay và 10 tàu chở thiết bị bay của Mỹ được tính bằng tổng số tương đương của 9 cường quốc về hải quân trên thế giới, trong đó Mỹ sử dụng tổng cộng 980 máy bay cho các tàu của mình. Hiện tại, Trung Quốc không đả động gì đến tương quan lực lượng này. Bắc Kinh hiểu rằng cần phải mất nhiều năm nữa để Trung Quốc có thể xây dựng các hạm đội đủ khả năng cạnh tranh với hải quân Mỹ. Về không quân, các lực lượng của Trung Quốc mới chỉ tiến hành hiện đại hóa một phần. Hai phần ba số 1.600 máy bay mà PLA triển khai vẫn dựa vào các trụ cột là số máy bay Mig-19 và Mig-21 cũ kỹ có từ những năm 1950-1960, và gần một phần tư số máy bay chiến đấu của PLA thuộc thế hệ thứ tư. 

Tập Cận Bình và quốc phòng Trung Quốc 

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo số một tương lai của Trung Quốc, sẽ thay đổi xu hướng hiện nay? Rất ít khả năng, bởi nhà lãnh đạo này đang có rất nhiều lợi ích cần quan tâm trong khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, trong đó sức mạnh quân sự chắc chắn là một khía cạnh không thể tách rời, để có thể bảo đảm sự ủng hộ quý báu tại Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra vào mùa Thu tới. Mặc dù nhận được sự đón tiếp trọng thị của Oasinhtơn trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi, Tập Cận Bình vẫn không thể che giấu những bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Cho dù có rất nhiều lần kêu gọi hợp tác, nhưng Tập Cận Bình vẫn gợi lại sự tức giận của Bắc Kinh trước việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Trong vai trò Phó Chủ tịch quân ủy trung ương, Tập Cận Bình đã cảnh báo Mỹ về việc tăng cường can thiệp thô bạo vào các vấn đề quân sự tại châu Á. Học thuyết quân sự mới của Mỹ rõ ràng hướng tới khu vực này. "Chúng ta cần tăng cường sự hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương, và việc cắt giảm ngân sách sẽ không liên quan đến khu vực này", Tổng thống Mỹ đã khẳng định như vậy vào đầu năm nay. Dư luận quốc tế đã được chứng kiến hành động đi kèm của Mỹ khi Oasinhtơn quyết định tăng cường sự hiện diện về quân sự tại phía Bắc Ốxtrâylia cũng như tại các hòn đảo chiến lược của Mỹ như đảo Guam. Hành động tăng cường này đã khiến Bắc Kinh không khỏi lo ngại về một chiến lược bao vây của Mỹ. Trong một diễn văn tại Mỹ, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng hai quốc gia "cần tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau bằng cách tăng cường sự tin cậy và hợp tác trong một loạt vấn đề". Nhà lãnh đạo này muốn nhấn mạnh tới sự tồn tại của một ranh giới mà Mỹ không nên vượt qua trong các thảo luận với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề độc lập của

Đài Loan và Tây Tạng

Tháng 3/2010, với thái độ không khoan nhượng, Bắc Kinh thậm chí còn đánh tiếng cho các quan chức cấp cao Mỹ biết rằng Trung Quốc coi Biển Đông là một vấn đề lợi ích quốc gia, tựa như vấn đề Đài Loan hay Tây Tạng vậy. Biển Đông là một khu vực sống còn, bởi Trung Quốc đang có những mâu thuẫn to lớn về lãnh hải với các nước láng giềng. Bắc Kinh coi đây là một "lợi ích cốt lõi" vì những lý do lịch sử và chiến lược, và cũng vì một phần lớn giao thương của Trung Quốc phải qua khu vực này. Gần đây đã xảy ra nhiều xích mích nghiêm trọng, chẳng hạn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, các vùng biển khác cũng là chủ thể của nhiều xung đột. Tháng 9/2010, một va chạm đã xảy ra tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở ngoài khơi phía Đông Trung Quốc. Va chạm này đã dẫn đến những căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Tôkyô bất chấp việc hai nước là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Phụ thuộc về kinh tế không có nghĩa là không có xung đột quân sự. Kết quả là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc đã khiến Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn về khía cạnh quân sự. Philíppin hoặc Xinhgapo cũng theo cùng một xu hướng. Hơn nữa, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như Mỹ và Nhật Bản, đã được củng cố và tăng cường như các cuộc diễn tập hải quân định kỳ đã chứng minh. Trong một bối cảnh như vậy, Trung Quốc có rất nhiều lợi ích để duy trì ổn định chính trị tại Bắc Triều Tiên nhằm giữ cho được một vùng đệm trước sự hiện diện quân sự của Mỹ. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã phải ra sức bảo đảm ổn định cho quá trình chuyển giao quyền lực của Bình Nhưỡng nhằm tránh tái diễn những xung đột từng xảy ra giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc năm 2010. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng Kim Châng Un sẽ không phát động những khiêu khích mới (bắn tên lửa, ném bom, thậm chí thử hạt nhân) để chứng tỏ quyền lực và đạt được những nhượng bộ từ phương Tây. Như vậy, các nhân tố căng thẳng tại Đông Á, từ bán đảo Triều Tiên đến Biển Đông, sẽ không có xu hướng hòa dịu. Ngân sách quốc phòng bùng nổ của Trung Quốc, với kết quả là trang thiết bị vũ khí ngày càng được tăng cường về số lượng và mức độ hiện đại, chỉ có thể khiến tình hình trầm trọng hơn, nhất là khi sự bất cân xứng về lực lượng có thể kéo theo sức ép từ Trung Quốc đối với các nước láng giềng. 

Động lực tiêu cực gây bất ổn tiềm tàng 

Đánh giá về chính sách của Bắc Kinh, báo "Le Monde" mới đây có bài viết cho rằng ngoài vấn đề ngân sách còn có hai yếu tố cần tính đến trong các phân tích về xu hướng tăng cường các khả năng quân sự liên tục của PLA. Yếu tố đầu tiên là sự "đan xen rất chặt chẽ" giữa các ngành công nghiệp dân sự và quốc phòng, cho phép huy động toàn bộ các nguồn lực về nghiên cứu cũng như các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực công nghệ cao của công nghiệp dân sự vào phục vụ phát triển các khả năng quân sự. Yếu tố thứ hai nằm ở tư duy cường quốc và thái độ tiêu cực của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trước các yêu cầu về minh bạch trong chi tiêu quốc phòng. Cho dù thấp hơn các đánh giá của nước ngoài, ngân sách quốc phòng năm 2011 (91,5 tỉ USD) được Bắc Kinh chính thức công bố vẫn cho thấy Trung Quốc đứng ở hàng thứ hai thế giới về chi tiêu quân sự, sau Mỹ một khoảng cách khá xa nhưng lại dẫn trước toàn bộ các nước láng giềng châu Á một đoạn dài, kể cả Nhật Bản, Nga và tất nhiên ngày càng vượt xa các cường quốc quân sự ở châu Âu. Nỗ lực của Trung Quốc là rất đáng lưu ý và quan trọng hơn, việc tăng cường sức mạnh quân sự này chưa bao giờ kèm theo sự minh bạch cả về số liệu công bố cũng như chiến lược tổng thể mà các nước láng giềng kết luận là hiếu chiến. Dấu hiệu của tiến triển nhạy cảm trên xuất hiện từ cuối những năm 2000, khi Trung Quốc không từ bỏ khái niệm "lợi ích cốt lõi" hiện đã được mở rộng ra không gian Biển Đông mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt quyền kiểm soát. Cho dù không thuộc chủ quyền của mình, Trung Quốc vẫn có những thách thức qua việc liên tục đưa ra tuyên bố yêu sách, gia tăng hành động gây hấn và diễn tập quân sự trên biển, khiến không chỉ toàn bộ các nước láng giềng Đông Á mà ngay cả các cường quốc, kể cả Mỹ, quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do qua lại trong khu vực không khỏi lo ngại. Những yêu sách dân tộc chủ nghĩa, cho dù trong diễn văn chính thức luôn nói về việc bảo vệ các tuyến giao thương và toàn cầu hóa mối quan tâm và vai trò cường quốc của Trung Quốc trên trường quốc tế, đang vẽ nên tấm bản đồ về tham vọng của Bắc Kinh và những nhiệm vụ mới mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã giao cho PLA năm 2004. Đó chính là những yếu tố xác định các nỗ lực mà Trung Quốc phải thực hiện trên phương diện phát triển khả năng quân sự cường quốc của mình. 

Nhưng trên thực tế, động thái hiếu chiến này vừa trái ngược, vừa tương ứng với tình cảm bấp bênh gia tăng rõ rệt đang đè nặng lên chế độ Trung Quốc. Trước hết là những bấp bênh trong nước mà muốn ứng phó, Bắc Kinh sẽ phải dành ngân sách cho an ninh nhiều hơn cho quốc phòng. Tiếp đến là những bấp bênh đối với bên ngoài, khi Bắc Kinh phải lo đối mặt với chiến lược trở lại châu Á của Mỹ, một siêu cường đang đáp lại mong chờ của hầu hết các nước trong khu vực. Trước sự trở lại của Mỹ, và đồng thời để có thêm không gian hành động trong vấn đề Đài Loan trong trường hợp cần thiết, Bắc Kinh đã lựa chọn chiến lược răn đe không đối xứng, với mục tiêu buộc Oasinhtơn phải "trả giá thêm" nếu can thiệp vào châu Á. Do mục tiêu này còn quá xa vời nên Trung Quốc buộc phải tập trung phần lớn nỗ lực ngân sách cho việc phát triển các khả năng quân sự. Ngoài ra, cũng cần tính tới vai trò của các nhân vật dân tộc chủ nghĩa nhất trong giới lãnh đạo Đảng và Quân đội, cũng như của các nhóm lợi ích, bởi đây cũng là những yếu tố có ảnh hưởng đến xu hướng gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Trước những diễn biến tiêu cực này, dư luận đang được chứng kiến một hình thức chạy đua vũ trang mới, hoặc ít nhất là chạy đuổi, tại châu Á mà mục tiêu đầu tiên là ứng phó xứng đáng với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Đó là trường hợp của Việt Nam, hoặc của Ấn Độ, nơi "nhân tố Trung Quốc" đang trở thành một động lực quan trọng cho các nỗ lực ngân sách quốc phòng của Niu Đêli. Đối với Ấn Độ, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao củng cố khả năng đánh chặn hạt nhân trước Trung Quốc trong khi vẫn bảo đảm được vị thế cường quốc lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương. Các nỗ lực mà Niu Đêli phải thực hiện là rất đáng kể bởi mục tiêu quốc phòng của Ấn Độ chỉ tạm dừng ở quy mô tiểu vùng. Nếu như tất cả các nước đang trỗi dậy (BRICS) đều quyết định dành một phần ngân sách ngày càng tăng để đầu tư cho các khả năng quân sự, thì tại châu Á – với những vận động diễn ra xung quanh sức mạnh gia tăng của Trung Quốc – đang tồn tại một động lực tiêu cực gây bất ổn tiềm tàng và đáng lo ngại cho toàn cầu./.

Theo Affaires-strategiques và Lemonde

Viết Tuấn (gt)