Từ đầu năm 2011 tới nay, khủng hoảng tài chính quốc tế có dấu hiệu phục hồi chậm chạp nhưng các nhân tố khó lường tăng lên nhiều; những tiếng nói nghi ngờ và cảnh giác đề phòng đối với Trung Quốc trên trường quốc tế cũng tăng lên; sau khi quan hệ Trung-Mỹ trải qua những trắc trở, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang được điều chỉnh tích cực. Trong 5 năm tới, môi trường bên ngoài của Trung Quốc sẽ ra sao, đặc biệt là liệu thời kỳ cơ hội chiến lược có những thay đổi lớn hay không sẽ ảnh hưởng trên mức độ rất lớn tới việc mở màn và thực thi Kế hoạch 5 năm lần thứ 12. 

Điểm tựa của thời kỳ cơ hội chiến lược 

Thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc là một phán đoán chiến lược lớn có liên quan tới môi trường bên ngoài được Trung Quốc đưa ra trong những năm đầu thế kỷ mới và đã được trình bày rõ tại Đại hội 16 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc được đưa ra dựa trên cơ sở phán đoán tổng hợp hai môi trường trong nước và quốc tế khi đó. 

Ngày 11/12/2001, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, đẩy mạnh hơn nữa mức độ mở cửa với bên ngoài, Trung Quốc ngày càng hội nhập tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, chia sẻ những thành quả phát triển của thế giới, và đây sẽ là một xu thế lâu dài. Song song với xu thế toàn cầu hóa kinh tế là xu thế đa cực hóa thế giới ngày một rõ rệt hơn, các nước đang phát triển mới nổi ngày càng trỗi dậy, vị trí bá chủ thế giới của Mỹ vấp phải ngày càng nhiều trở ngại lớn. Đặc biệt sau sự kiện 11/9, Chính quyền Bush bắt đầu từng bước dịch chuyển trọng tâm chiến lược an ninh sang chống khủng bố toàn cầu, đưa ra kế hoạch cải tạo dân chủ Đại Trung Đông lấy toàn bộ khu vực Trung Đông làm trọng tâm địa chiến lược của Mỹ, và do vậy lần lượt phát động chiến tranh Ápganixtan và chiến tranh Irắc. 

Việc Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược trên toàn cầu đã khiến nước này giảm bớt sự kiềm chế chiến lược và mức độ phòng ngừa đối với các nước lớn khác, trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, sự nhờ vả chiến lược và lệ thuộc vào Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu và các nước lớn khác tăng lên, điều này làm cho Trung Quốc có thể có được môi trường chiến lược về tổng thể có lợi của bên ngoài trong thời gian tương đối dài. Qua hơn 20 năm phát triển nhanh, Trung Quốc đã có được thực lực phát triển hùng hậu. Xét chặng đường phát triển của các nền kinh tế mới nổi khác như Nhật Bản, Xinhgapo, khi một quốc gia ở vào giai đoạn lên cao, chặng đường phát triển với tốc độ cao của nước đó ít nhất phải kéo dài 30-40 năm. Trong tình hình lúc bấy giờ, không gian phát triển và tiềm lực phát triển của Trung Quốc vẫn hết sức to lớn, vì vậy tiến trình phát triển này ít nhất phải tiếp tục vài chục năm nữa. 

Chính xuất phát từ những toan tính toàn diện về hai bối cảnh trong nước và quốc tế, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những phán đoán quan trọng trong bối cảnh lớn hòa bình và phát triển đã trở thành chủ đề của thời đại, thế giới không xảy ra các cuộc chiến lớn, sự phát triển hòa bình của Trung Quốc ít nhất sẽ đón được thời kỳ cơ hội chiến lược 20 năm nữa. 

Thời kỳ cơ hội chiến lược tiếp tục tồn tại 

Năm 2011 là năm Trung Quốc đi được “quá nửa” chặng đường của thời kỳ cơ hội chiến lược, phán đoán thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc liệu có những thay đổi căn bản hay không còn cần xuất phát từ hai bối cảnh trong nước và quốc tế. Xét bối cảnh quốc tế, toàn cầu hóa kinh tế tuy gặp trắc trở và phải điều chỉnh do xảy ra khủng hoảng kinh tế, một số nước xuất hiện khuynh hướng bảo hộ thương mại nhưng xu thế phát triển của toàn cầu hóa không thay đổi. Các nước lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin phục hồi trước tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Sự trỗi dậy của khối các nước lớn mới nổi đang làm thay đổi xu thế cục diện thế giới, thúc đẩy tiến trình đa cực hóa thế giới, điều này đã tạo ra môi trường chiến lược bên ngoài có lợi cho sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nhân cơ hội khủng hoảng tài chính, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, thay đổi phương thức phát triển kinh tế, bồi dưỡng điểm tăng trưởng kinh tế mới, trọng điểm phát triển các ngành mới nổi như năng lượng mới, kinh tế xanh, phát huy lợi thế phát triển sau, tạo điều kiện có lợi hơn để phát triển theo phương thức nhảy vọt. 

Mỹ trong thời gian tương đối dài vẫn là người anh cả trên toàn cầu, là nhân tố bên ngoài có khả năng ảnh hưởng nhất tới những thay đổi của môi trường bên ngoài của Trung Quốc và có khả năng kiềm chế ngăn chặn Trung Quốc nhất. Chính quyền Obama tuy đã kết thúc nhiệm vụ tác chiến ở Irắc theo đúng thời hạn, đồng thời đề xuất sự bố trí chiến lược rút quân khỏi Ápganixtan, nhưng trong 5 năm thậm chí 10 năm tới Mỹ sẽ không kiềm chế toàn diện đối với Trung Quốc, Trung Quốc và Mỹ sẽ không đi tới đối kháng toàn diện. Có hai lý do sau: 

Một là, trong vài năm tới Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khu vực Trung Đông. Obama đề xuất muốn bắt đầu rút quân khỏi Ápganixtan và Pakixtan vào năm 2011, nhưng liệu có thể thực hiện được việc này, và phải mất bao lâu mới có thể hoàn toàn rút khỏi cũng còn là một ẩn số. Hiện e rằng cục diện Ápganixtan khó có thể ổn định trong thời gian ngắn. Cho dù Mỹ đã thực hiện việc rút quân khỏi Ápganixtan thì cũng không có nghĩa là Mỹ có thể hoàn toàn rút khỏi khu vực Đại Trung Đông. Vấn đề hạt nhân Iran có lẽ sẽ là trọng tâm chiến lược thứ ba của Mỹ ở Trung Đông tiếp sau Irắc và Ápganixtan, thậm chí vấn đề này có khả năng kéo dài tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, trở thành mục tiêu chủ yếu của tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Trong khi đó từ đầu năm 2011 tới nay, cục diện chính trị ở nhiều nước Bắc Phi Tây Á tiếp tục rối ren, thách thức lợi ích chiến lược và khả năng kiểm soát của Mỹ ở khu vực Trung Đông, sẽ buộc Mỹ phải tập trung sức chú ý ngoại giao nhiều hơn ở khu vực Bắc Phi Tây Á. Vì vậy, Đại Trung Đông vẫn sẽ là trọng tâm chiến lược của Mỹ, trong thời gian ngắn chẳng có cách nào hoàn toàn dịch chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Hai là, cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế chưa hẳn sáng sủa trong thời gian ngắn. Phán đoán thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc và chiến lược ngoại giao của Mỹ không những cần xét từ chiến lược an ninh mà còn cần xem xét chiến lược kinh tế của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế xảy ra hồi cuối năm 2008 có những tác động không nhỏ đối với Mỹ, sau khi trải qua sự phục hồi chốc lát năm 2010, Mỹ lại đứng trước rủi ro đình trệ mới. Cho dù kinh tế Mỹ có thể có chuyển biến tốt trong năm 2011, kinh tế thế giới từng bước được hồi phục, nhưng sợ rằng nó cũng phải trải qua thời kỳ điều trị vết thương thoát khỏi khó khăn mất vài năm. Trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi toàn diện và đi tới phát triển nhanh, Mỹ sẽ đặt vấn đề kinh tế ở vị trí ngày càng nổi bật hơn, sự nhờ vả và lệ thuộc đối với Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Việc Tổng thống Obama bổ nhiệm Bộ trưởng thương mại Gary Locke làm đại sứ tại Trung Quốc đã cho thấy mong muốn bức thiết mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc của Chính phủ Mỹ. 

Xét về môi trường trong nước, Trung Quốc đã trải qua hơn 30 năm cải cách mở cửa, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên nhanh chóng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ và những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc đã đặt cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thời kỳ cơ hội chiến lược. Mặt khác, Trung Quốc vẫn có không gian và tiềm lực phát triển rất lớn. Mức độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn chưa tới 50%, chỉ tương đương với mức bình quân của thế giới, so với mức 80%-90% của các nước phát triển, thậm chí so với các nền kinh tế mới nổi khác vẫn có không gian phát triển tương đối lớn. Trung Quốc vẫn có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực rất lớn, khu vực nông thôn của Trung Quốc vẫn tồn tại tiềm lực phát triển lớn, biên giới và vùng biên giới xa xôi của Trung Quốc vẫn có thị trường rất lớn, hai khu vực lớn này sẽ là động lực quan trọng nâng đỡ Trung Quốc phát triển lâu dài từ nay về sau. Mấy năm gần đây, Trung Quốc lần lượt đưa ra chiến lược xây dựng nông thôn mới và khai thác khu vực biên giới xa xôi, điều này sẽ giúp thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục phát triển hơn nữa. 

Tính mềm dẻo của thời kỳ cơ hội chiến lược được tăng cường 

Mặc dù môi trường bên trong và bên ngoài của thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc chưa có những thay đổi căn bản, nhưng so với 10 năm trước, tình hình trong nước và ngoài nước của thời kỳ cơ hội chiến lược lại xuất hiện những thay đổi mới, kiểu thay đổi này biểu hiện ở thách thức tăng lên nhiều, áp lực tăng mạnh, các cơ hội cùng lúc xuất hiện cũng tăng nhiều. Việc có thể tháo gỡ một cách có hiệu quả những thách thức mới và sức ép mới sẽ trở thành điểm mấu chốt để thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc có thể được tiếp tục, củng cố thậm chí kéo dài. 
Thứ nhất, tính phức tạp của môi trường quốc tế tăng lên. Về tổng thể, tuy chủ đề thời đại hòa bình và phát triển không thay đổi nhưng các đặc trưng như những rối ren lớn của nền kinh tế thế giới, những điều chỉnh lớn của hệ thống quốc tế, những cải cách lớn của cục diện quốc tế càng nổi rõ. Trong thời kỳ rối ren thay đổi, việc Trung Quốc có nắm được cơ hội, đón đợi thách thức, vượt qua khó khăn đi lên hay không sẽ trở thành những nhân tố quan trọng khảo nghiệm thời kỳ cơ hội chiến lược 10 năm tới. Trong nền kinh tế thế giới đầy rẫy rối ren, chỉ khi Trung Quốc đi cùng con đường với cộng đồng quốc tế, cùng thúc đẩy kinh tế thế giới sớm ổn định, duy trì liên tục và phát triển đồng đều, mới có thể tạo ra môi trường kinh tế tốt đẹp để phát triển đất nước; trong hệ thống quốc tế được điều chỉnh mạnh mẽ, chỉ khi Trung Quốc không ngừng nâng cao quyền phát ngôn quốc tế và quyền xây dựng sáng tạo hệ thống của mình thì mới có thể tạo ra môi trường hệ thống tốt đẹp cho đất nước phát triển; trong cục diện quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, chỉ khi Trung Quốc nâng cao sức mạnh tổng hợp của mình, hoạch định ổn thỏa mối quan hệ với các nước lớn, mới có thể tạo ra môi trường nước lớn có lợi để phát triển. 

Thứ hai, việc điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ đứng trước những nhân tố không xác định. Những ảnh hưởng của sự kiện 11/9 đang dần nhạt đi, chiến lược chống khủng bố của Mỹ đứng trước những điều chỉnh mới, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đứng trước sự định vị mới. Trong bối cảnh như vậy, tính không xác định trong chiến lược đối với Trung Quốc và trên toàn cầu của Mỹ tăng lên. Trung Quốc được coi là nền kinh tế thứ hai thế giới, làm thế nào xử lý ổn thỏa mối quan hệ với Mỹ trở nên ngày càng nhạy cảm, cũng ngày càng phức tạp. Chỉ khi Trung Quốc xử lý ổn thỏa mối quan hệ với Mỹ, chỉ khi không ngừng tạo ra nhiều lợi ích chung cho hai nước, mới có thể tránh khỏi việc Mỹ chĩa mũi nhọn chiến lược về phía Trung Quốc trong thời kỳ điều chỉnh chiến lược. 

Thứ ba, sự phát triển trong nước Trung Quốc ở vào thời kỳ then chốt. Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế làm cho các nước đều đang suy ngẫm lại mô hình và con đường phát triển của mình, cải thiện cơ cấu kinh tế đất nước, thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Trong các cuộc khủng hoảng lớn thường manh nha sự phát triển lớn, cơ hội lớn. Có thể nói, các nước trên thế giới đều ở trong thời kỳ then chốt “chuyển hướng nhận thức”. Trong bối cảnh lớn như vậy, liệu Trung Quốc có thể thực hiện và kéo dài thời kỳ cơ hội chiến lược hay không không những được quyết định bởi không gian phát triển và tiềm lực phát triển trong nước mà ngày càng được quyết định bởi việc liệu Trung Quốc có nắm được thời cơ, thực hiện việc “vượt qua đối thủ” hay không. Mô hình phát triển của Trung Quốc tuy đã thể hiện sức sống và sức bền dưới những tác động của cuộc khủng hoảng lần này, nhưng những vấn đề và tệ nạn tồn tại cũng không ít, phương thức tăng trưởng quá lệ thuộc vào xuất khẩu cần được điều chỉnh, mô hình tăng trưởng theo lối quảng canh chưa được thay đổi triệt để, sự chênh lệch giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn đang không ngừng mở rộng, quyền chủ động của các ngành nghề mới và các cuộc cách mạng kỹ thuật mới vẫn chưa vững chắc. 

Đúng như Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ, “phán đoán tổng hợp tình hình trong nước và quốc tế, sự phát triển của Trung Quốc vẫn ở vào thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng có thể phát huy hết tài năng của mình, vừa đứng trước những cơ hội lịch sử hiếm có, vừa đứng trước nhiều thách thức rủi ro có thể dự đoán và khó có thể dự đoán.” Trong bối cảnh lịch sử mới, các nhân tố mới ảnh hưởng tới thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc tăng lên nhiều, cơ hội và thách thức ở trong và ngoài nước mà Trung Quốc phải đối mặt đều đang tăng lên, cơ hội nếu xử lý không tốt có thể biến thành thách thức. Trong tương lai, liệu thời kỳ cơ hội chiến lược của Trung Quốc có thể củng cố cũng như có thể kéo dài hay không, vừa được quyết định bởi các nhân tố khách quan bên trong và bên ngoài phức tạp, vừa được quyết định bởi những nỗ lưc chủ động của chính bản thân Trung Quốc./.

  Theo Tạp chí “Thế giới đương đại” (Trung Quốc)

 Lê Sơn (gt)