China__s_whitebook.jpg

1.“Bốn bảo vệ”: Sứ mệnh quân đội là nhiệm vụ cơ bản và trách nhiệm trọng đại mà quân đội phải gánh vác trong một thời kỳ lịch sử tương đối dài. Sứ mệnh quân đội thời kỳ lịch sử mới mà Sách Trắng lần này đưa ra là kiên quyết bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chế độ Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển quốc gia, kiên quyết bảo vệ thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng trong phát triển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình thế giới và khu vực, đảm bảo sự kiên cường để xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Theo nhà nghiên cứu Triệu Đức Hỷ thuộc Ban nghiên cứu chiến lược quân sự, Viện Khoa học quân sự, “Bốn bảo vệ” này từng bước mở rộng chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ lịch sử mới của quân đội Trung Quốc, quy định phương hướng phát triển xây dựng quân đội trong tình hình mới, thể hiện tầm cao mới, ranh giới mới về nhận thức sứ mệnh lịch sử của quân đội.

2. “Năm thích ứng”: Thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia, quán triệt quan điểm an ninh quốc gia tổng thể, đưa ra yêu cầu mới đối với đổi mới phát triển chiến lược quân sự, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sứ mệnh quân đội. Sách Trắng nêu rõ phải thích ứng với yêu cầu mới về bảo vệ lợi ích phát triển và an ninh quốc gia, phát triển tình hình an ninh quốc gia, cách mạng quân sự mới trên thế giới, phát triển lợi ích chiến lược quốc gia, cải cách sâu rộng toàn diện quốc gia. 

Chuyên gia Trần Châu - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc phòng Viện Khoa học quân sự - cho rằng “Năm thích ứng” tập trung phản ánh yêu cầu mới đối với đổi mới chiến lược quân sự trong thay đổi phát triển an ninh quốc gia, là phương diện quan trọng cần phải chú trọng cao độ trong vận dụng và xây dựng lực lượng quân sự trong tương lai. 

3. “Một trọng điểm”: Sách Trắng nêu rõ sẽ đưa trọng điểm chuẩn bị đấu tranh quân sự vào đánh thắng chiến tranh cục bộ thông tin hóa, nhấn mạnh chuẩn bị đấu tranh quân sự trên biển và đấu tranh quân sự, kiểm soát hữu hiệu khủng hoảng lớn, ứng phó thỏa đáng với phản ứng dây chuyền, kiên quyết bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Chuyên gia Diêm Văn Hổ thuộc Cơ quan nghiên cứu trên cho rằng xác định trọng điểm chuẩn bị đấu tranh quân sự có lợi cho việc xác định tính chất, hình thức và đặc điểm của chiến tranh tương lai. Việc xác định này là phán đoán quan trọng được đưa ra căn cứ vào diễn biến hình thái chiến tranh và phát triển tình hình an ninh quốc gia, phù hợp với thực tế phát triển xây dựng quân đội Trung Quốc, có lợi cho việc xây dựng, cải cách quân đội và chuẩn bị đấu tranh quân sự. 

4. “Tám nhiệm vụ chiến lược”: Sách Trắng nêu rõ quân đội Trung Quốc chủ yếu chịu trách nhiệm ứng phó với các mối đe dọa quân sự và các sự kiện xảy ra bất ngờ, bảo vệ hữu hiệu chủ quyền lãnh thổ, không phận, hải phận và an ninh quốc gia; kiên quyết bảo vệ sự thống nhất Tổ quốc; bảo vệ lợi ích và an ninh trong lĩnh vực mới; bảo vệ an ninh lợi ích hải ngoại; duy trì uy hiếp chiến lược, tổ chức hành động phản kích hạt nhân; tham gia vào hợp tác an ninh quốc tế và khu vực, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới; tăng cường đấu tranh chống khủng bố, chống ly khai, chống thâm nhập, bảo vệ ổn định xã hội và an ninh chính trị quốc gia; gánh vác nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an ninh và chi viện xây dựng xã hội kinh tế quốc gia.

Chuyên gia Diêm Văn Hổ cho rằng “Tám nhiệm vụ chiến lược” tập trung phản ánh yêu cầu mới của “Năm thích ứng”, xem xét lợi ích an ninh và phát triển quốc gia, lĩnh vực an ninh truyền thống và lĩnh vực an ninh mới, thể hiện nhu cầu an ninh cốt lõi giai đoạn then chốt trong phát triển quốc gia.

5. “Chín nguyên tắc lớn”: Sách Trắng cho rằng thực hiện phương châm chiến lược quân sự phòng ngự tích cực trong tình hình mới cần phải kiên trì chín nguyên tắc sau: Phục tùng, phục vụ mục tiêu chiến lược quốc gia; tạo ra ưu thế chiến lược có lợi cho phát triển hòa bình quốc gia; duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ chủ quyền và bảo vệ ổn định; nỗ lực giành lấy sự chủ động chiến lược trong đấu tranh quân sự; vận dụng linh hoạt cơ động chiến thuật chiến lược; ứng phó vững vàng với tình huống khó khăn nhất, phức tạp nhất; phát huy đầy đủ ưu thế chính trị đặc hữu của quân đội nhân dân; phát huy sức mạnh tổng thể của chiến tranh nhân dân; tích cực mở rộng không gian hợp tác an ninh quân sự.

Nhà nghiên cứu Lý Dục thuộc Viện Khoa học quân sự cho rằng chín nguyên tắc chỉ đạo chiến lược này là các chuẩn tắc cơ bản quán triệt phương châm chiến lược quân sự cần phải tuân thủ, là một bộ phận cấu thành quan trọng của phương châm chiến lược quân sự.

Mạng "Tin tức" (Trung Quốc)

Thùy Anh (gt)