Tháng 8/2011 là tháng bận rộn của ứng cử viên chức Chủ tịch nước và Thủ tướng tương lai của Trung Quốc. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người có khả năng kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã đứng ra đón tiếp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 19/8. Trong thời gian đó, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ thay Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cũng có chuyến thăm hiếm thấy đến Hồng Công. 

Phát biểu trên Chương trình Tiêu điểm châu Á-Thái Bình Dương của Kênh truyền hình "Australia Network" của ABC đầu tuần này, Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở ở Xítni Linda Jakobson nhận xét đây không chỉ là cơ hội để Trung Quốc giới thiệu cho thế giới biết đôi chút về hai vị lãnh đạo tương lai của nước này, mà cũng là để hai ông trải nghiệm và tiếp xúc với cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, theo Giáo sư thỉnh giảng John Lee thuộc Đại học Xítni, mục đích của những hoạt động trên nhằm tạo ra một bước chuyển tiếp quyền lực nhịp nhàng trước công luận. 

Nói cách khác, sự kiện trên là sự khởi đầu cho một chương trình kế nhiệm được sắp đặt kỹ lưỡng. Sau gần một thập niên nắm quyền, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ rời khỏi các vị trí trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới và các chức vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng vào năm 2013. Từ nay tới đó, những người kế nhiệm tương lai sẽ tăng cường xuất hiện và từng bước cho thế giới cái nhìn rõ hơn về thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc. 

Trong hai thập niên gần đây, có thể thấy chính trường Trung Quốc có sự ủng hộ và nâng đỡ đối với thế hệ "thái tử" là con cháu của các lão thành cách mạng. Ông Tập Cận Bình, 58 tuổi, được đánh giá là hòa đồng và thực tế nhất so với các "thái tử" khác nên ông được tin tưởng là có khả năng hợp nhất các phe phái trong Đảng Cộng sản. Theo Giáo sư Yang Zhaohui thuộc Đại học Bắc Kinh, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có nhiều tiếng nói khác nhau, gồm cả cánh tả, cánh hữu, bảo thủ và cấp tiến, vì vậy, mâu thuẫn rất căng thẳng. Trong bối cảnh đó, một nhà lãnh đạo như ông Tập Cận Bình là phù hợp vì dường như phe nào cũng chấp nhận ông.

Ông Lý Khắc Cường đã từng theo học tại Đại học Bắc Kinh và giao du với nhiều nhân vật cấp tiến cũng như tham gia vào hiệp hội sinh viên. Mặc dù vậy, giới phân tích đánh giá ông Lý Khắc Cường và Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình sẽ khó có thể thực hiện bất cứ cải cách chính trị nào. Giáo sư J. Lee nhận xét: "Điểm chung là cả hai ông cùng tin tưởng vào việc tiếp tục cai trị bằng quyền lực và duy trì đơn đảng tại Trung Quốc. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi". 

Giáo sư Willy Lam New footing for Beijing, tác giả của 5 quyển sách nổi tiếng về Trung Quốc, hiện đang giảng dạy tại khoa Trung Quốc học, Đại học Quốc tế Akita, Nhật Bản cho hay: “Những người kế nhiệm đã được chọn lựa một cách cẩn thận để thay thế những lãnh đạo hiện tại vì họ đáng tin cậy, bảo thủ và có thể đảm bảo đầu tàu quốc gia không bị nghiêng ngả”. Giáo sư Lam khẳng định họ không hề được chọn vì thành tích đổi mới hay mong muốn có một “đất nước Trung Hoa khác”. 

Nhẹ tay hơn với trí thức tự do 

Tuy nhiên, theo bà Linda Jakobson, có thể có vài thay đổi trong giới hạn nhất định. Đảm bảo ổn định tại Trung Quốc là nhiệm vụ tối cao của đảng Cộng sản và đó cũng là lý do việc đàn áp không nương tay đối với những cuộc bạo động của người thiểu số sẽ còn tiếp diễn dưới sự lãnh đạo mới. Dù vậy, những nhà hoạt động chính trị tại Bắc Kinh sẽ được nương nhẹ hơn vì những lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn một cuộc nổi dậy mạnh mẽ hơn. Bà Linda Jakobson nói: “Tôi nghĩ rằng ông Lý Khắc Cường sẽ nương nhẹ hơn đối với những người có tư tưởng khác biệt và trí thức tự do”. 

Chính sách ngoại giao cứng rắn 

Về chính sách ngoại giao, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Lý Khắc Cường có thể thay đổi đường lối hiện nay. Được biết, con gái của ông Lý Khắc Cường hiện đang theo học tại Đại học Harvard và ông cũng là người mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Thế nhưng, Quân giải phóng nhân dân (PLA) có thể quả quyết rằng việc tăng cường ảnh hưởng đối với chính sách ngoại giao sẽ làm hạn chế vai trò lãnh đạo nhân dân. Giáo sư John Lee nhận định: “Vấn đề ở chỗ PLA ngày càng có ảnh hưởng hơn và thế hệ lãnh đạo mới có thể sẽ càng có ít tiếng nói hơn trong việc ngăn chặn những tướng tá PLA chứng tỏ bản thân mình. Như vậy, viễn cảnh về một quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Trung Quốc không có vẻ sáng sủa lắm”. 

Ông Willy Lam cũng cho rằng chính sách ngoại giao của ông Hồ Cẩm Đào và kế hoạch phô diễn sức mạnh đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ được tiếp tục. Ông nói: “Với việc hai hay ba tàu sân bay nữa được sản xuất trong thập niên tiếp theo, tôi nghĩ chính sách quân đội, kinh tế và an ninh của Trung Quốc sẽ còn ‘hiếu chiến’ hơn”. Theo ông, cạnh tranh và bất đồng có thể sẽ còn bị đẩy lên cao hơn, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, Philíppin, Việt Nam … Bên cạnh đó, rất có thể mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ xấu đi vì những kế hoạch tăng cường sức mạnh của thế hệ lãnh đạo mới. 

“Buông rèm nhiếp chính”? 

Sau khi trao lại chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông Hồ Cẩm Đào vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương, thống lĩnh tối cao các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Giáo sư Lam giải thích rằng sự sắp đặt này nhằm đảm bảo các chính sách được tiếp tục thực hiện và xét cho cùng, ông Hồ Cầm Đào đã có 19 năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị nên là người dày dặn kinh nghiệm. Tuy vậy, theo ông, quan hệ của ông Hồ với những tướng lĩnh cao cấp trong PLA không được mật thiết bằng ứng viên chủ tịch Tập Cận Bình nên có khả năng ông Tập sẽ nhận được sự ủng hộ của các tướng lĩnh kỳ cựu và khiến ông Hồ rời khỏi Quân ủy Trung ương sau một vài năm ông này rời Bộ Chính trị. Giáo sư Lam kết luận: “Vì vậy, có vẻ là ông Tập Cận Bình sẽ là người toàn quyền quyết định về chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc./.

  Theo Radioaustralianews (ngày 29/8)

 Viết Tuấn (gt)