Từ lâu Bắc Kinh vẫn thường xuyên kịch liệt phản đối các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ với lý do các chương trình đó sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc, do đó Bắc Kinh không theo đuổi các khả năng tương tự. Nhưng đáng tiếc, trong khi các quan chức Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Mỹ tiến hành các nghiên cứu và các hoạt động liên quan đến chương trình phòng thủ tên lửa, Trung Quốc đã và đang phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa riêng của họ.

Thực tế, trong 3 năm qua Bắc Kinh đã tiến hành 2 vụ thử phương tiện đánh chặn của chương trình phòng thủ tên lửa và các nhà phân tích Trung Quốc đã đề xuất một số phương hướng phát triển chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Ngày 11/1/2010, các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã tiến hành thử thành công phương tiện đánh chặn đầu tiên của chương trình phòng thủ tên lửa. Trong cuộc họp báo ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa của Trung Quốc đã đạt được mục tiêu như đã định.

Để phân biệt vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa lần thứ nhất với vụ thử vũ khí chống vệ tinh (ASAT) tháng 1/2007 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm: vụ thử phương tiện đánh chặn của chương trình phòng thủ tên lửa đã không để lại bất cứ mảnh vỡ nào trong không gian hoặc đe dọa sự an toàn của các con tàu vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo. Kế hoạch truyền thông chiến lược của Bắc Kinh sau vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa tháng 1/2010 rõ ràng là một phát triển mới so với sự lúng túng và im lặng của Bắc Kinh sau vụ thử ASAT tháng 1/2007, nhưng các tuyên bố chính thức và không chính thức của Trung Quốc vẫn đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời.

Sau vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa lần 2 được tiến hành tháng 1/2013, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc chỉ đưa tin tóm tắt và xác nhận vụ thử đã được thực hiện. Bên cạnh đó, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ tiết lộ một số ít thông tin về kết quả và hầu như không nhắc đến lý do Trung Quốc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa. Theo bản tuyên bố, Trung Quốc “một lần nữa tiến hành vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa giữa hành trình có căn cứ trên mặt đất trên lãnh thổ Trung Quốc”. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định bản chất của vụ thử chỉ là phòng thủ, không nhằm vào bất cứ nước nào và đạt được mục tiêu đã định. Một chủ đề đáng quan tâm trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc là tính phức tạp về kỹ thuật của các vụ thử của chương trình phòng thủ tên lửa Trung Quốc. Như một bản tin của Tân Hoa Xã cho hay, các vụ thử thể hiện công nghệ rất phức tạp trong việc phát hiện, theo dõi và phá hủy một tên lửa đạn đạo đang bay trong không gian vũ trụ”. Bản tin khẳng định vụ thử chống tên lửa thành công cùng với hàng loạt tiến bộ của các thiết bị quân sự khác, trong đó có vụ thử hàng không mẫu hạm đầu tiên trên biển của Trung Quốc và chuyến bay thử nghiệm của một máy bay vận tải lớn, tất cả phản ánh sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông còn lên tiếng ca ngợi Trung Quốc tiết lộ các vụ thử như một dấu hiệu cho thấy “tính minh bạch về các vấn đề quân sự ngày càng tăng” của Trung Quốc. Nhưng thực tế các báo cáo chính thức của Bắc Kinh không hề đề cập đến lý do chiến lược mà Trung Quốc đã và đang đầu tư vào công nghệ phòng thủ tên lửa và các kế hoạch thử nghiệm trong tương lai của quân đội Trung Quốc hoặc ý đồ của Bắc Kinh trong việc triển khai hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Mặc dù Trung Quốc công khai loan báo các vụ thử của hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng không hề đưa ra bất cứ lời giải thích chính thức nào về động cơ của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, hoặc kế hoạch triển khai các khả năng phòng thủ tên lửa trong tương lai. Do đó, các tuyên bố chính thức của Trung Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn trả lời. Nhưng các quan sát viên hiểu biết về Trung Quốc nhận định Bắc Kinh có thể theo đuổi ít nhất 3 con đường trong tương lai: Tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ phòng thủ tên lửa đồng thời hạn chế triển khai các hệ thống tác chiến; triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nhằm bảo vệ toàn bộ đất nước, ít nhất khỏi một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo quy mô nhỏ như hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ hiện nay; triển khai một số phương tiện đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ các mục tiêu chiến lược như các ICBM hoặc các trung tâm chỉ huy và kiểm soát chiến lược.

Đối với con đường thứ nhất, học giả nổi tiếng về chiến lược hạt nhân và kiểm soát vũ khí của Trung Quốc Li Bin cho rằng Bắc Kinh có thể tập trung nỗ lực phát triển công nghệ nhằm “đánh giá các khả năng” chứ không phải đang đề ra kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Hơn nữa, các vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa năm 2010 và 2013 của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã đạt được công nghệ “tìm diệt”, nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc có một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể tiêu diệt các tên lửa đang trên đường bay tới Trung Quốc từ nước khác”. Li Bin cho rằng trong bối cảnh Mỹ-Trung Quốc hiện nay, việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để chống lại lực lượng hạt nhân tấn công của Mỹ sẽ không hiệu quả. Nếu Trung Quốc muốn sử dụng một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để hạn chế thiệt hại do tên lửa chiến lược của Mỹ gây nên, Bắc Kinh cần phát triển các phương tiện đánh chặn nhiều hơn Mỹ. Nhưng Trung Quốc phải tiêu tốn tiền của nhiều hơn Mỹ để xây dựng khả năng của mình. Hơn nữa, một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy, nếu có đủ các phương tiện đánh chặn, cũng sẽ tiêu tốn các khoản chi phí rất lớn và sẽ tác động tiêu cực tương tự hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hiện nay của Mỹ hiện đang ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược Mỹ-Trung.

Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tác chiến, một hệ thống phòng thủ điểm nhằm bảo vệ một số khu vực chống lại cuộc tấn công tên lửa đạn đạo sẽ là cách tiếp cận hợp lý hơn. Đối với Trung Quốc, một hệ thống phòng thủ điểm sẽ là lựa chọn thích hợp hơn nhiều một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia nếu Bắc Kinh quyết định phát triển công nghệ “tìm diệt” thành một hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo Li Bin, một hệ thống phòng thủ điểm có thể được sử dụng để bảo vệ các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc, vì vậy nó sẽ đảm bảo các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc tồn tại trước một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để chỉ đạo một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa đối phương. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể sử dụng hệ thống phòng thủ như vậy để bảo vệ một số vũ khí hạt nhân chiến lược và tăng khả năng tồn tại của chúng. Thực tế, trước đó Li Bin nhấn mạnh khả năng các hệ thống phòng thủ điểm có thể tăng khả năng tồn tại của các ICBM đặt dưới hầm ngầm của Trung Quốc.

Đề cập tới những tác động gây mất ổn định rất lớn của một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia rộng lớn hơn, Li Bin cho biết hệ thống phòng thủ điểm sẽ giúp khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc tin cậy hơn và bảo đảm sự ổn định chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác. Đánh giá này dường như phù hợp với các tuyên bố sau hai vụ thử của các sĩ quan quân đội Trung Quốc cho rằng khả năng phòng thủ sẽ cải thiện khả năng tồn tại của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Mặc dù các tuyên bố không chỉ rõ vai trò chính xác của các phương tiện đánh chặn tên lửa giữa hành trình của Trung Quốc, nhưng dường như phù hợp với việc triển khai của chúng nhằm thực hiện vai trò bảo vệ các ICBM của Trung Quốc. Hiện nay, khoảng 20 tên lửa ICBM đặt dưới hầm ngầm của Trung Quốc có thể là các ứng cử viên thích hợp nhất cho mục đích này. Thực tế Trung Quốc nhận thấy các tên lửa ICBM dễ bị tổn thương trước một cuộc tiến công đánh đòn phủ đầu nhiều hơn các tên lửa ICBM cơ động trên đường. Ngoài ra, sử dụng phòng thủ tên lửa trong vai trò này có thể ít khó khăn và ít tốn kém hơn các nỗ lực triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hạn chế. Li Bin cho biết so với một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, hệ thống phòng thủ điểm sẽ đòi hỏi kỹ thuật đơn giản hơn và chi phí thấp hơn nhiều. Nếu theo đuổi kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, Bắc Kinh cần các phương tiện đánh chặn đặt căn cứ trên mặt đất nhiều hơn nữa. Ngoài ra, các nhà phân tích Trung Quốc còn chỉ rõ Bắc Kinh cũng cần có các khả năng bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa như các vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo.

Hiện nay, Trung Quốc đang thiếu các vệ tinh cảnh báo sớm như Chương trình Hỗ trợ Phòng thủ của Mỹ (DSP) và các vệ tinh Hệ thống Tia hồng ngoại Đặt Căn cứ trong Không gian (SBIRS). Về các tác động lớn hơn của chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, các nhà phân tích của Trung Quốc khẳng định chương trình phòng thủ tên lửa sẽ tăng cường chứ không làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược. Thực tế, mặc dù tiếp tục phản đối các hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ coi là nhân tố gây mất ổn định chiến lược, nhưng Bắc Kinh dường như không nhận thấy hệ thống phòng thủ tên lửa của họ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Đặc biệt, các nhà phân tích Trung Quốc dường như không quan tâm tới việc phát triển chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang. Chừng nào Trung Quốc còn hạn chế các kế hoạch triển khai phòng thủ tên lửa nhằm thực hiện vai trò phòng thủ điểm, tiếp tục tuân thủ chính sách truyền thống “Không Sử dụng Đòn hạt nhân Đầu tiên” (NFU) và duy trì sức mạnh của lực lượng hạt nhân theo hướng trả đũa, thì tư tưởng này còn không mâu thuẫn với quan điểm rộng lớn hơn của Trung Quốc về phòng thủ tên lửa.

Vì vậy, Bắc Kinh có thể cho rằng chương trình phòng thủ tên lửa của họ không mâu thuẫn với lập luận cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng phủ nhận sự răn đe chiến lược của một kẻ thù đang gây mất ổn định, đặc biệt khi kết hợp với học thuyết và khả năng phát động đòn tiến công đầu tiên. Đề cập tới mức độ phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa của Bắc Kinh gắn với các chương trình vũ khí chiến lược khác của Trung Quốc, một số nhà phân tích Trung Quốc mô tả chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc như một sức mạnh răn đe chiến lược mới nổi. Ví dụ, sau vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa tháng 1/2013, Đại tá Shao Yongling của trường Cao đẳng trực thuộc Bộ chỉ huy Lực lượng Pháo binh II của PLA tuyên bố với các phương tiện truyền thông rằng phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa giữa hành trình của Trung Quốc chứng tỏ hệ thống răn đe chiến lược của Trung Quốc đang thay đổi từ chỗ chỉ dựa vào vũ khí tấn công sang các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ. Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục duy trì một số vũ khí hạt nhân để gia tăng khả năng phòng thủ của Trung Quốc. Chừng nào có đủ các loại vũ khí hạt nhân để phát động các cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu, Trung Quốc còn có thể tiến hành trả đũa hạt nhân chống lại những kẻ tấn công.

Do đó, khả năng phòng thủ mạnh mẽ có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Rõ ràng, trước hai vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa của Trung Quốc, các nhà phân tích của Mỹ cũng như các nước trên thế giới và khu vực không thể không quan tâm và lo ngại trước những phát triển của chương trình phòng thủ tên lửa mang đặc điểm Trung Quốc.

Theo Jamestown Foundation

Văn Cường (gt)