Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn khẳng định sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc không tạo bất cứ mối đe dọa nào với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang trở thành cường quốc kinh tế và ngoại giao quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều động thái thể hiện sức mạnh kinh tế đang góp phần giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và tăng sự thống trị mềm.

Trước sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, nhiều quốc gia đặc biệt là các nước láng giềng của Trung Quốc đang có xu hướng ngày càng nghi ngờ đối với những động thái và sự khẳng định phát triển hòa bình của Trung Quốc. Do đó, các quốc gia này đang dần từng bước thực hiện các biện pháp nhằm tự bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc không thực sự mang lại hòa bình cho tất cả các nước.

Những quan ngại ngày càng tăng đối với Bắc Kinh có thể nhận thấy ở hầu hết mọi nơi nhưng rõ ràng nhất là tại các quốc gia Đông và Nam Á. TTh Mỹ Obama đã thấy rõ việc mở rộng nhanh chóng quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Australia, và Hàn Quốc đã có ảnh hưởng rất quan trọng, thậm chí có những tác động về mặt ngoại giao không tích cực đối với Mỹ.

Trong suốt chuyến thăm khu vực này vào tháng 11/2010, TTh Obama đã nhận thấy thậm chí một đồng minh lâu năm của Mỹ là Hàn Quốc cũng tỏ ra thờ ơ với bất cứ đề xuất chính sách nào của Mỹ mà Seoul lo ngại có thể làm Bắc Kinh không hài lòng. Sự thận trọng này diễn ra đúng thời điểm Hàn Quốc rất tức giận trước việc Trung Quốc từ chối ủng hộ biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên sau khi có vụ chìm tàu hải quân Hàn Quốc và pháo kích qua hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.

TTh Obama cũng gặp phải sự thận trọng tương tự ở Indonesia và Ấn Độ. Dường như thái độ thận trọng đã lan tỏa trong tầng lớp lãnh đạo của các quốc gia này khi họ cho rằng sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng trong khi Mỹ đang suy yếu và việc cần tránh đối kháng với Bắc Kinh đã trở thành nhu cầu cấp thiết trong chính sách đối ngoại.

Đôi khi Trung Quốc phô trương thế mạnh khá tinh vi với nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư với các nước ASEAN. Những thỏa thuận như vậy thường mang lợi ích cho cả hai bên nhưng nhiều điều khoản dường như ngày càng có lợi cho Bắc Kinh. Tương tự, hiệp định gần đây mà chấm dứt tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Tajikistan, một tranh chấp nhỏ phát sinh từ thời Liên Xô cũ, cũng không hoàn toàn đem lại lợi ích một phía. Hiệp định này đã giúp Bắc Kinh có chủ quyền đối với diện tích 1.000 km2 đất. Đổi lại rõ ràng đối với chính quyền Tajik, sự mở rộng quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc phụ thuộc vào vấn đề nhượng bộ lãnh thổ.

Sự sẵn sàng thể hiện sức mạnh quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đã không thể không gây sự chú ý của các nước láng giềng hoặc Mỹ. Không thể ngẫu nhiên khi cả Tokyo và Seoul quyết định chôn vùi những hằn thù tồn tại kể từ khi thực dân Nhật cai trị bán đảo này đầu thế kỷ 20 để chấp nhận hợp tác an ninh song phương ở mức độ chưa từng có. Sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không chỉ thể hiện sự lo ngại của hai nước đối với vấn đề Bắc Triều Tiên mà sâu xa hơn là lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các nước Đông Á khác cũng củng cố lực lượng quân sự, ít nhất là để tạo cân bằng với Trung Quốc. Các nước tại khu vực Đông Á thường tập trung vào mua bán vũ khí phòng không và hệ thống tàu biển hoặc những vũ khí liên quan đến việc ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc đang hành xử theo cách mà các cường quốc khác trong lịch sử khi trỗi dậy thường làm, đó là thể hiện ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực và ép các nước yếu hơn phải nhượng bộ. Do đó, theo truyền thống, các nước láng giềng cố gắng điều chỉnh để ứng phó với cường quốc đang trỗi dậy và tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi một cách tốt nhất. Vấn đề cốt yếu hiện nay là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước những chống đối chủ nghĩa đế quốc “mềm” Trung Quốc.

 

Theo Cato 

Trần Quang (gt)

 

Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ