Một đặc trưng chủ yếu của chính trị phương Tây năm 2016 là ngả sang phái hữu. Nước Anh đã tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù giới tinh hoa của hai đảng lớn (Đảng Bảo thủ và Công đảng) đều mong muốn Anh ở lại EU, nhưng người dân lại bỏ phiếu phản đối. Donald Trump, một doanh nhân giàu có ở Mỹ, đã thành công và trở thành tổng thống Mỹ, làm cho những người hoạch định chính sách liên tục bất ngờ. Cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp ở Italy thất bại, đã củng cố mạnh mẽ sức mạnh của Đảng 5 sao theo phái hữu. Cho dù đảng này không thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử toàn quốc, nhưng đã có đầy đủ sức mạnh để kiềm chế lực lượng cánh tả.

Xu hướng ngả sang cánh hữu có thể trở nên rõ ràng hơn vào năm 2017. Đầu tiên là cuộc bầu cử ở Pháp. Cho dù là nhân tố nội tại như không chấn hưng được nền kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, phân hóa xã hội hay là nhân tố bên ngoài, thì sức mạnh của Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) theo phái hữu tiếp tục lớn mạnh. Về chính trị, phe tả đã bị loại bỏ, phe trung gian cũng buộc phải dựa vào phái hữu. Đức hiện nay là bức tường kiên cường nhất của dân chủ tự do ở phương Tây, nhưng Thủ tướng Merkel cũng đang tích cực điều chỉnh con đường chính trị của bà, buộc phải thỏa hiệp với phái hữu để duy trì ưu thế chính trị, chẳng hạn như điều chỉnh nhiều chính sách dân tị nạn mà ban đầu bà đã giữ vững. 
Nếu FN giành thắng lợi thì rất có thể Pháp sẽ theo bước chân của Anh, tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi EU. EU đã chịu đựng được việc ly khai của Anh, nhưng không thể chịu đựng nổi sự ra đi của Pháp hoặc Italy. Nếu Pháp rời khỏi EU, tổ chức này có thể sụp đổ. EU là dự án chính trị lớn nhất của phái tả tiến bộ ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. EU sụp đổ sẽ tạo ra cục diện thay đổi lớn ở châu Âu và thế giới. 

Ngả sang phái hữu có ý nghĩa gì? Việc ngả sang phái hữu về chính trị ở phương Tây hiện nay có nguyên nhân lịch sử và thực tế của nó. Phái tả ở phương Tây luôn đại diện cho lực lượng tiến bộ và cải cách, còn phái hữu bị coi là chủ thể của lực lượng bảo thủ. Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai có thể coi là lực lượng tiến bộ đánh bại lực lượng phái hữu. Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nền chính trị xoay quanh phe tả và phe hữu đã có sự thay đổi rất lớn. Sự thay đổi của phe tả rất rõ ràng, lập trường của họ dường như không có khác biệt lớn với phe hữu. Chẳng hạn như Công đảng ở Anh, đã đi theo “con đường thứ ba” trong thời gian dài. 

Đồng thời, rất nhiều chính đảng phái hữu cũng dựa vào phái trung gian, có thể dung nạp lợi ích của tầng lớp công nhân lao động. Hiện tượng xích lại gần nhau giữa phái tả và phái hữu về ý thức hệ chính trị và chính sách thực tế chủ yếu là do sự đông đảo của tầng lớp trung lưu ở phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cho dù đảng nào cầm quyền thì đều phải quan tâm đến lợi ích của họ. Trong tình hình tầng lớp trung lưu đông đảo, các đảng thuộc phái tả hoặc phái hữu không đi theo hướng cực đoan. 

Tuy nhiên, trong cục diện toàn cầu hóa từ những năm 80 của thế kỷ 20 đến nay, cho dù là đảng thuộc phái tả hay phái hữu thì đều trở thành “đảng tư bản”, đều phục tùng lợi ích tư bản, kết quả là kinh tế đã phát triển, nhưng các đảng phái lại xa rời nghiêm trọng thực tế xã hội. Toàn cầu hóa đã đem lại của cải vật chất lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng cũng dẫn đến sự chênh lệch thu nhập và phân hóa cao chưa từng có trong xã hội. Các đảng thuộc phái tả và hữu cũng đều có lợi ích, bận rộn chia sẻ tài sản do toàn cầu hóa đem lại, mà quên mất tầng lớp dưới trong xã hội, quên thị trấn nhỏ và nông thôn. Không những lợi ích của tầng lớp dưới, đặc biệt là các nhóm người thiểu số bị coi nhẹ, lợi ích của người da trắng, chủ thể của xã hội phương Tây, cũng bị coi nhẹ. Đây là nguyên nhân xã hội khiến chủ nghĩa dân túy theo phái hữu hiện nay trỗi dậy. 

Chính trị theo phái cực hữu đã nhiều lần xuất hiện trong lịch sử châu Âu, phái cực hữu điển hình nhất là chủ nghĩa dân túy ở Đức và chủ nghĩa phát xít ở Italy, Mỹ cũng có chủ nghĩa McCarthy trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tất cả nền chính trị cực hữu có một đặc trưng quan trọng, đó chính là về đối nội kiểm soát lực lượng đối lập, về đối ngoại thì xâm lược và bảo hộ thương mại, thậm chí là chủ nghĩa đế quốc. Nhật Bản ở châu Á trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai cũng có lịch sử như vậy. 

Mặc dù thời đại đã thay đổi, nhưng mọi người không có bất kỳ lý do nào để coi nhẹ tác động do nền chính trị cực hữu hiện nay gây ra. Xem xét từ khi Donald Trump tranh cử tổng thống đến những thông tin được công bố hiện nay, có thể thấy mọi lĩnh vực đều có tính chất khó lường lớn. Người Mỹ chỉ trích nền chính trị của các quốc gia như Trung Quốc là bất ổn và coi nền chính trị của Mỹ là điển hình của tính chắc chắn và ổn định. Người Mỹ hiện nay cảm thấy lo sợ về Trump, một tâm lý bất an chưa từng có trong lịch sử nước này. 

Tai họa đối với Mỹ và thế giới 

Về mặt đối nội, mọi người không phủ nhận nguyện vọng tốt đẹp muốn chấn hưng nước Mỹ của Trump, nhưng ít người tin tưởng ông sẽ làm được. Vấn đề mà Mỹ và các nước phương Tây hiện tại phải đối mặt là sự thay đổi cơ cấu kỹ thuật và sản phẩm kết hợp của toàn cầu hóa. Trí tuệ nhân tạo và robot do tiến bộ kỹ thuật tạo ra đã làm giảm số lượng việc làm. Toàn cầu hóa lại thúc đẩy dòng tiền và kỹ thuật vượt qua chủ quyền quốc gia, lưu động trên phạm vi toàn cầu. Nền chính trị phái hữu của Trump làm thế nào để thay đổi cơ cấu kỹ thuật này? Làm thế nào để kiểm soát dòng tiền mà toàn cầu hóa thay đổi và định hướng? Điều mà mọi người lo ngại hơn là tuyên bố của Trump đã vi phạm quan niệm giá trị mà người Mỹ luôn duy trì như bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người thiểu số, tầng lớp dưới, tự do thương mại... 

Nội các của Trump bao gồm những tỷ phú, tướng lĩnh và chính khách diều hâu. Nếu những phát biểu của Trump chỉ là diễn kịch, không trở thành hiện thực thì tình hình không tồi tệ như vậy. Tuy nhiên, nếu Trump chuyển toàn bộ những điều ông nói thành sự thật, không những là tai họa với Mỹ bởi vì việc làm này sẽ phá hoại, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn rất nhiều lợi ích cốt lõi của Mỹ, mà còn có thể là tai họa đối với thế giới vì có thể gây ra biến động lớn về trật tự địa chính trị. 

Biện pháp của Trump cho dù là phát triển ở trong nước hay về ngoại giao đều có thể gây ảnh hưởng lớn đối với Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu Trump thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại hoặc đánh thuế cao sản phẩm của Trung Quốc hoặc thông qua điều chỉnh thuế hoặc chính sách tiền tệ để thu hút dòng tiền trở về Mỹ, sẽ có tác động chưa từng có đối với kinh tế Trung Quốc. Nếu Trump muốn thay đổi chính sách “một Trung Quốc” mà Chính phủ Mỹ đã duy trì mấy chục năm qua, hoặc tiếp tục gây ra sự cố ở vùng Biển Đông, môi trường quốc tế có thể trở nên nghiêm trọng hơn. 

Trung Quốc làm thế nào để ứng phó? Câu nói trước kia của Đặng Tiểu Bình để ứng phó với sự thay đổi và biến động của tình hình thế giới vẫn phù hợp đến ngày nay, đó là “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, làm nên công tích”. Về đối nội, Trung Quốc phải không ngả sang phái tả hoặc phái hữu, tiếp tục đi theo con đường cải cách từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay đã xác lập. Về đối ngoại, Trung Quốc không cần lo sợ trước những lời hứa hoặc đe dọa của Trump, càng không được cho rằng “sai lầm mang tính đảo lộn hoàn toàn” mà Trump phạm phải sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc. 

Đối với tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc, xây dựng nội bộ vẫn là quan trọng nhất. Mỹ và phương Tây đã xuất hiện chính trị cực hữu bởi vì xã hội đã có vấn đề và khủng hoảng nghiêm trọng. Adolf Hitler của Đức và Mussolini của Italy cũng thông qua biện pháp dân chủ để cầm quyền. Bởi vì xã hội đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn, mọi người cảm thấy tuyệt vọng, mong muốn xuất hiện một vị cứu tinh. Tình hình hiện tại ở phương Tây trong đó có Mỹ cũng như vậy. 

Lực lượng dân túy của Trung Quốc trên thực tế cũng không nhỏ, họ thông qua các phương thức khác nhau để không ngừng bày tỏ thái độ. Chẳng hạn như thái độ căm thù quan chức và người giàu có, chủ nghĩa dân tộc cực đoan về đối ngoại, sự xuất hiện của làn sóng tư tưởng cực đoan, sự kiện bất thường trên mạng Internet liên tục xảy ra... Một số quan chức lãnh đạo đảng và chính quyền ở địa phương cũng bắt đầu thích thú với việc chấp nhận chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo cũng ý thức được hiệu quả thực tế rất hạn chế của chủ nghĩa dân túy với các hình thức khác nhau. Vấn đề của Trung Quốc vẫn phải thông qua phát triển để giải quyết. Trung Quốc đang phát triển nên tất cả vấn đề đều là vấn đề đang phát triển. Nếu sự phát triển ngừng lại, vấn đề sẽ mang tính lâu dài hơn. Kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn suy giảm, một khi bùng nổ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng trên các lĩnh vực khác cũng có thể nổ ra. 

Do đó, Đại hội đại biểu lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể là một cơ hội. Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy, nhưng cần phải chuyển từ mô hình phong trào sang mô hình pháp chế và pháp trị. Điều cần thiết hơn là sửa chữa hiện tượng mở rộng không thỏa đáng của một số địa phương trong quá trình chống tham nhũng. Ở một số địa phương, giữa cán bộ xảy ra đấu tố lẫn nhau theo mô hình của Cách mạng Văn hóa. Trong quá trình chống tham nhũng, một số cán bộ địa phương đã công khai hóa thù hằn cá nhân, liên lụy đến hàng loạt doanh nghiệp, đồng thời lại sử dụng phương thức đứng trên pháp luật để đối xử với các nhà doanh nghiệp. Việc làm này đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế ở địa phương. 

“Một số nguyên tắc sinh hoạt chính trị trong đảng tình hình mới” và “Điều lệ giám sát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc” mà Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị trung ương 6 khóa 18) thông qua đã tăng cường thực chất quy chế hóa phương hướng chống tham nhũng và quản lý đảng. Việc thành lập Ủy ban giám sát có thể tăng cường điều chỉnh cơ cấu chống tham nhũng quá phân tán trước kia để phát huy vai trò có hiệu quả hơn. 

Cần phải làm gì?

Việc tập trung quyền lực sau Đại hội 18 rất cần thiết, bởi vì thiết kế thượng tầng, chống tham nhũng, phân chia lại lợi ích hiện tại... đều cần quyền lực. Trên cơ sở cuộc khủng hoảng lãnh tụ xuất hiện trên phạm vi thế giới vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc tiếp tục thiết lập khái niệm hạt nhân, là một nhu cầu của tập thể lãnh đạo mạnh, là nhu cầu vận hành hiệu quả thể chế, cũng là nhu cầu của cơ chế trách nhiệm chính trị. Không có cơ chế trách nhiệm chính trị thì vận hành bất kỳ thể chế nào cũng xuất hiện vấn đề lớn. Hạt nhân hiện tại đã xác lập thì có thể xử lý một cách lý trí mối quan hệ giữa hạt nhân lãnh đạo và việc đảm báo tính dân chủ trong đảng, giữa hạt nhân và lãnh đạo tập thể trong nội bộ đảng. Không có ai phủ nhận từ thời Mao Trạch Đông đến nay, sự nghiệp của đảng cầm quyền là kết quả nỗ lực của tập thể lãnh đạo qua nhiều thế hệ. 

Việc thực hiện chính sách cần động viên bốn lực lượng kinh tế chủ yếu là chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Họ là lực lượng chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay, hiện nay vẫn vậy. Không có tính tích cực của họ, nền kinh tế khó chuyển biến tốt. Mặc dù một số cán bộ và nhà doanh nghiệp cũng đã phạm sai lầm, nhưng phải tạo điều kiện về cơ chế và pháp lý để cho phép họ bỏ bớt gánh nặng, thoải mái tiến về phía trước, tiếp tục đóng góp cho sự tiến bộ của đất nước. 

Về phương diện này, các cấp lãnh đạo phải duy trì nhận thức tỉnh táo. Hiện tại, chủ nghĩa dân túy chống xây dựng thể chế lan rộng, cho dù là báo chí hoặc các nhóm xã hội đều có ấn tượng mạnh, đó là quan chức của đảng và chính quyền không có sự liêm chính, nhà doanh nghiệp nào cũng tệ hại. Chính sách của chính phủ cũng thường bị chủ nghĩa dân túy trói buộc và dẫn dắt. Một số người thực sự rất tệ hại, nhưng rất nhiều hiện tượng tệ hại đều là sản phẩm của cơ chế không kiện toàn trong quá trình lịch sử. Điều cần phải xây dựng là cơ chế chứ không phải trừng phạt đơn thuần những kẻ tham nhũng. Nếu cơ chế tiếp tục không kiện toàn, tham nhũng vẫn có thể tiếp diễn trong tương lai. Lịch sử hàng nghìn năm đã chứng minh vấn đề này. 

Về chính sách ngoại giao, Trung Quốc có thể bất chấp tất cả để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, đặc biệt là lợi ích chủ quyền, bao gồm Đài Loan, Biển Đông, Hoa Đông... Đài Loan rất quan trọng bởi vì vùng lãnh thổ này chứng tỏ Trung Quốc vẫn ở trạng thái chia cắt. Do đó, một khi nhà lãnh đạo Đài Loan đánh giá sai tình hình, phạm phải “sai lầm mang tính đảo ngược” chẳng hạn như thực hiện Đài Loan độc lập, Trung Quốc cũng không thể từ bỏ cơ hội theo đuổi thống nhất đất nước. Trong nhiều năm, “một Trung Quốc” là nhận thức chung tối thiểu, một khi nhà lãnh đạo Đài Loan đã từ bỏ nhận thức chung đó, hiện trạng hai bờ khó được duy trì. 

Cho dù là nhà lãnh đạo Đài Loan hay là Mỹ phá vỡ hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, Trung Quốc có thể đưa ra chính sách Đài Loan mới, gia tăng mức độ của “củ cà rốt” và “cây gậy”. Đối với sự thống nhất quốc gia, mọi người ngày càng không ảo tưởng. Về Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm địa vị chủ đạo, Trung Quốc có thể kiềm chế Mỹ, làm suy yếu sức mạnh của Mỹ. Trung Quốc không có bất kỳ kế hoạch nào đuổi Mỹ khỏi châu Á, mà chỉ yêu cầu Mỹ đóng vai trò tích cực ở châu Á, chứ không phải là kẻ gây rối. 

Trên vũ đài quốc tế, Trung Quốc có thể tiếp tục phản đối bảo hộ thương mại, tích cực thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa mới. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... không thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, cũng không có ý nghĩa thực chất. Trung Quốc không thể đánh giá thấp sức mạnh của thị trường, bởi vì quyền phát ngôn thường đến từ thực lực của thị trường. Quyền phát ngôn của phương Tây chiếm địa vị chủ đạo bởi sức mạnh thị trường của họ. Trung Quốc có thể tiếp tục thông qua sử dụng có hiệu quả sức mạnh thị trường của nước mình để thiết lập quyền phát ngôn. Hơn nữa, sức ép của chủ nghĩa bảo hộ từ phương Tây cũng không hoàn toàn tiêu cực. 

Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc nỗ lực mở rộng thị trường trong nước và thị trường các nước đang phát triển, đã có những tiến bộ thực chất. Trước chủ nghĩa bảo hộ thương mại của phương Tây, Trung Quốc có năng lực thúc đẩy một làn sóng mới về toàn cầu hóa và thương mại tự do. Việc làm này phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, cũng phù hợp với lợi ích của kinh tế thế giới. 

Do đó, xem xét từ góc độ khác, cực hữu hóa về chính trị ở phương Tây có phải là thời kỳ cơ hội mới của Trung Quốc hay không? Nếu Trung Quốc khắc phục và thay thế một cách lý trí thái độ sợ hãi, lo ngại, tự cao tự đại thì đó là cơ hội. Nhưng nếu Trung Quốc làm ngược lại thì đó là nguy cơ.

Theo báo Liên hợp Buổi sáng

Hoàng Lan (gt)