(1) Thời điểm phải đối đầu với các tranh chấp ở phía trước. Phó Tổng Thư ký Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, La Viện cho biết có một số ý kiến bắt nguồn sâu sa từ trong suy nghĩ của người Trung Quốc: hiện đang là thời bình, Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế và ổn định là yếu tố rất quan trọng trong đó phát triển được đặt lên trên hết. Cải cách là một vấn đề phải được xem xét rất cẩn trọng trong mọi lĩnh vực. Lấy thí dụ từ quân sự, đầu quá trình cải cách và mở cửa, cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đặt ra nguyên tắc phát triển quân sự cần được kiềm chế để tạo thuận lợi cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sau khi Mỹ dẫn đầu khối NATO ném bom Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Belgrade năm 1999, Trung Quốc nhận ra rằng nếu việc xây dựng quân sự tụt hậu quá xa kinh tế thì Trung Quốc sẽ rất dễ bị tổn thương trước những cuộc tấn công. Một số nước phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc về việc tăng tỷ lệ chi tiêu quốc phòng lên hai con số trong những năm gần đây nhưng họ lại bỏ qua thực tế phát triển quân sự của Trung Quốc đã bị kiềm chế trong vài thập kỷ qua. Ngoại giao Trung Quốc cũng cần cải cách. Một số người đã bảo vệ cho việc thiếu sự thay đổi trong nền ngoại giao Trung Quốc dưới nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Tuy nhiên, đó không phải là chiến lược mà chỉ là chiến thuật thực hiện trong bối cảnh liên bang Xô Viết cũ tan rã. Sự phát triển nguyên tắc này của Đặng Tiểu Bình đã góp phần nối lại quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thời điểm đó, tranh chấp Trung - Nhật tại biển Hoa Đông vẫn chưa được giải quyết vì vậy ông Đặng Tiểu Bình mới đề xuất để lại vấn đề cho thế hệ sau giải quyết. Nhưng thật không may, thế hệ kế tiếp lại cho rằng những gì chúng ta cần làm là tránh vấn đề dưới cái khiên bảo vệ của nguyên tắc Đặng Tiểu Bình và thể hiện cả trong tranh chấp tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông. Trung Quốc cần phải xác định rõ về tư tưởng rằng việc gác tranh chấp cùng khai thác không được một vài nước chấp nhận trong tranh chấp biển hiện nay. Các nước này chưa sẵn sàng gác tranh chấp lãnh thổ trong khi vẫn tiến hành khác thác chung nhưng không cùng với Trung Quốc. Trung Quốc cần thông dịch chính sách ngoại giao Đặng Tiểu Bình từ tầm nhìn lịch sử và cập nhật các chính sách phù hợp với điều kiện mới để bảo đảm lợi ích của Trung Quốc.

(2) Linh hoạt là chìa khóa của an ninh. Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại, Đại học Thanh Hoa Yan Xuetong cho rằng một chiến lược bất khả chiến bại là có thể thay đổi liên tục phù hợp với tình hình mới. Kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, cải cách đã được thúc đẩy triển khai trong hầu hết mọi lĩnh vực của Trung Quốc trừ ngoại giao. Lý do chính là Trung Quốc đã thực sự thay đổi nguyên tắc ban đầu trong đấu tranh giai cấp với nhân tố then chốt là ngoại giao khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1972. Đã có một vài hệ quả do việc thiếu cải cách ngoại giao, chủ yếu liên quan tới việc thiếu kiên quyết trong điều chỉnh các chính sách mới. Việc đưa ra khái niệm cải cách ngoại giao có thể củng cố khả năng thay đổi chính sách. Trung Quốc lâu nay vẫn kiên trì đi theo khẩu hiểu “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, điều này rõ ràng mâu thuẫn với việc đảm đương nhiều trách nhiệm quốc tế hơn. Quan hệ Mỹ - Trung là nhân tố quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao Trung Quốc nhưng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thách thức Mỹ sẽ là thực tế không tránh khỏi. Trung Quốc đã chỉ trích nền ngoại giao phương Tây vì sự định hướng bởi ý thức hệ nhưng hiện nay khi Trung Quốc đang phát triển mạnh về kinh tế thì Trung Quốc có thể mang lại gì cho thế giới? Trung Quốc cần các nguyên tắc ngoại giao mới để chứng tỏ cho thế giới về một Trung Quốc công bằng và đạo đức.

(3) Chủ nghĩa thực dụng thúc đẩy cải cách. Theo ông Jin Canrong, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc vẫn chưa cải cách ngoại giao trong vài thập kỷ qua. Có một vài lý do nhưng ngoại giao về bản chất vẫn mang tính bảo thủ. Một cường quốc đã trưởng thành thường có các chính sách ngoại giao, quân sự và quốc phòng khá ổn định và cộng đồng quốc tế cũng hy vọng về khả năng đoán được của chính sách ngoại giao các nước thành viên. Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục tính kế thừa trong nhiều năm qua, đặc biệt trong chính sách đối với Mỹ. Nhưng ngoại giao Trung Quốc phải cải cách trong tương lai cho dù chúng ta có nhấn mạnh đến từ cải cách hay không. Cải cách thực sự là sử dụng các biện pháp mới để giải quyết vấn đề và sau đó mới thể chế hóa các biện pháp này. Trung Quốc phải đối mặt với 3 thách thức lớn trong tương lai: (1) Cạnh tranh tái cơ cấu kinh tế trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, (2) Giải quyết các xung đột xã hội ngày càng gia tăng do sự suy giảm quyền lực chính trị và (3) Thực hiện chính sách ngoại giao trong giai đoạn trỗi dậy. Trung Quốc hoàn toàn đang ở thế bị động trong cộng đồng quốc tế. Các nước liên quan đang tăng cường chống Trung Quốc trong khi yêu cầu Trung Quốc có thêm nhiều trách nhiệm quốc tế. Nhưng khi Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế thì nhiều nước lại cảm thấy lo sợ. Những nhóm lợi ích trong trật tự quốc tế hiện nay và các nước láng giềng của Trung Quốc thực tế đã tạo một mặt trận chống Trung Quốc mặc dù vẫn chưa tạo thành khối. Một số nước láng giềng vừa sợ sự phát triển của Trung Quốc và vừa ghen tị với sự trỗi dậy đó sẽ trở thành lực lượng mâu thuẫn và chống Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc phải có điều chỉnh về ngoại giao phù hợp./.

Theo Thời báo Hoàn Cầu (ngày 24/4)

Quang Lê (gt)