Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN chính thức được thành lập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) không ngừng phát triển, cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên do Trung Quốc chủ đạo đã ra “Tuyên bố chung 19/9” năm 2005… đều đánh dấu quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực và các quốc gia láng giềng đang bước vào thời kỳ mới mật thiết hơn và cùng có lợi. Nhưng năm 2011 lại là một năm mà chính sách ngoại giao “láng giềng hòa thuận” của Trung Quốc chịu nhiều áp lực nhất. Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên bị trì hoãn 3 năm đến nay vẫn chưa thể tái khởi động, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ngoài chống khủng bố, cũng khó có thể đóng vai trò thúc đẩy các lĩnh vực an ninh và kinh tế khu vực phát triển, Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN chính thức đi vào hoạt động, song cũng không thể làm giảm nhiệt tình hình tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin trong vấn đề Biển Đông! Cộng thêm Chính quyền Obama lên giọng tuyên bố “quay trở lại châu Á”, khiến tình hình xung quanh Trung Quốc đang bước vào thời kỳ thoái trào mới kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. 

Năm 2011: khảo nghiệm chính sách ngoại giao “láng giềng hòa thuận” 

Năm 2011, tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng diễn ra liên tiếp, phiền phức không ít. Từ tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông với Việt Nam và Philíppin, đến tình hình căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan, đã khiến quan hệ láng giềng hữu hảo, thậm chí được coi là thân thiện bỗng nhiên bị đe dọa nghiêm trọng. Tháng 9/2011, Quốc hội Liên bang Mianma đã công bố quyết định của Tổng thống Thein Sein về việc dừng dự án xây đập thuỷ điện Myitsone ở thượng nguồn sông Irrawaddy thuộc phía Bắc Mianma do Trung Quốc đầu tư xây dựng, khiến Trung Quốc hết sức kinh ngạc. Ngày 5/10/2011, 13 thuyền viên của Trung Quốc bị sát hại dã man trên sông Mê Công. Có thể nói, biên giới phía Nam và Đông Nam của Trung Quốc từ trước đến nay luôn ổn định, vững chắc, đã hơn 20 năm không xảy ra bất cứ phiền toái nào, vì sao hiện nay Trung Quốc lại rơi vào tình thế không thân thiện như vậy? Sự kiện công dân Trung Quốc bị sát hại trên sông Mê Công đặc biệt nghiêm trọng: Vì sao các nước láng giềng không đặt lợi ích của Trung Quốc trong mắt họ? Vì sao trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy hoà bình, việc bảo vệ an toàn tính mạng và lợi ích kinh tế ở nước ngoài cho doanh nghiệp và công dân Trung Quốc lại yếu kém như vậy? Những lo lắng của công dân Trung Quốc đối với những vấn đề trên, ở một chừng mực nhất định đang chi phối bầu không khí chính sách ngoại giao liên quan của Trung Quốc. Cùng với sự sụp đổ của Chính quyền Gaddafi tại Libi, khoản đầu tư trị giá khoảng 18 tỷ USD của các công ty Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro không thể thu hồi. Vì vậy, rất nhiều người cảm thấy khó hiểu và bất mãn trước quyết định sơ tán kiều dân về nước của Chính phủ Trung Quốc. Tất nhiên, do năng lực đầu tư chiến lược cho sức mạnh bên ngoài của Trung Quốc có hạn, Libi lại là một quốc gia ở tương đối xa, nên ngoài phương án sơ tán kiều dân về nước, các biện pháp bảo vệ lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Libi còn rất hạn chế. Nhưng Mianma và một số quốc gia khác trên lưu vực sông Mê Công được cho là “láng giềng tốt” của Trung Quốc, hơn nữa hoàn toàn nằm trong phạm vi phát huy sức mạnh của Trung Quốc, an toàn tính mạng và lợi ích kinh tế của Trung Quốc cũng bị đe dọa và thách thức, công chúng tỏ rõ sự phẫn nộ là điều đương nhiên. Như hiện nay, đầu tư thương mại của Trung Quốc tại Mianma tương đối lớn. Các công trình do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Mianma không chỉ có dự án thuỷ điện Myitsone ở thượng nguồn sông Irrawaddy, mà còn bao gồm một đường ống dẫn dầu mới nối liền giữa Mianma và Côn Minh, chi phí đầu tư xây dựng đường ống dẫn dầu này trị giá khoảng 17 tỷ USD. Trung Quốc còn đang ra sức thi công công trình “nối liền” Trung Quốc-ASEAN, thông qua việc xây dựng mạng lưới đường cao tốc và đường sắt nối liền Trung Quốc và các nước ASEAN, bao gồm cả Mianma, qua đó nhằm tăng cường mối liên hệ về kinh tế, xã hội giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. 

“Sự kiện dự án thuỷ điện Myitsone ở thượng nguồn sông Irrawaddy” và “sự kiện thuyền viên Trung Quốc bị giết hại trên sông Mê Công” đã phủ bóng đen lên tương lai của những dự án trên, nếu Trung Quốc không thể thông qua chính sách một cách kịp thời, hiệu quả nhằm bảo vệ các khoản đầu tư thương mại của mình tại các nước ASEAN, thì trong 20 năm tới việc Trung Quốc thúc đẩy hoà nhập với ASEAN về kinh tế, nỗ lực hợp tác láng giềng hữu nghị, phát triển bền vững Trung Quốc-ASEAN sẽ có ý nghĩa gì? Xét từ phương diện Mianma, kể từ khi U Thein Sein lên nắm quyền tháng 3/2011 đến nay, để phân chia quyền lực chính trị ở khu vực Karen, từ đó loại bỏ các nhóm phiến quân địa phương, việc ngưng dự án đập thuỷ điện ở bang Kachin rõ ràng là sự nhân nhượng của Chính quyền U Thein Sein đối với các thế lực địa phương, bất kể đắc tội với Trung Quốc. Điều này hiển nhiên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Chính phủ Mianma quyết định ngừng xây dựng dự án đập thuỷ điện. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc quá phụ thuộc vào quan hệ chính trị Trung Quốc-Mianma, hoàn toàn thiếu hiểu biết về cục diện chính trị mới tại Mianma, đánh giá thấp rủi ro chính trị này. Tổng công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc tiến hành đầu tư và xây dựng dự án thuỷ điện Myitsone ở thượng nguồn sông Irrawaddy cũng bộc lộ những thiếu sót về kiểu mẫu thao tác thương mại ở nước ngoài của các doanh nghiệp quốc doanh lớn. Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp quốc doanh lớn đã giành được những thành tích to lớn tại thị trường nước ngoài, cũng thường cho rằng nếu có rủi ro thương mại nào, Chính phủ có thể can thiệp, nếu xuất hiện khủng hoảng, chính phủ sẽ ra tay trợ giúp, vì thế thường không quan tâm đến khả năng ảnh hưởng bởi chính trị, kinh tế, xã hội tại nước được đầu tư. “Sự kiện sông Mê Công” lại phản ánh một hiện thực nghiêm trọng khác. Lưu vực sông Mê Công chảy qua 5 quốc gia, từ trước đến nay luôn là môi trường thích hợp của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia hoạt động trong lĩnh vực buôn bán ma tuý, đánh bạc, buôn lậu… Sự phồn vinh của kinh tế Trung Quốc khiến trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với khu vực hạ lưu sông Mê Công diễn ra ngày càng nhiều, 13 thuyền viên Trung Quốc bị sát hại có liên quan đến xu thế này. Tránh những bi kịch này tái diễn, Trung Quốc không cần phải thể hiện “sức mạnh quân sự”, mà cần thúc đẩy hợp tác tư pháp đa phương đi vào chiều sâu, cùng nhau trấn áp tội phạm xuyên quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công. Tháng 12/2011, Trung Quốc cùng với Lào, Thái Lan và Mianma khởi động kế hoạch tuần tra chung trên lưu vực sông Mê Công, điều này đã mở ra phương hướng quan trọng nhằm thực hiện quản lý đa phương đối với trật tự vận tải đường thuỷ và an ninh trật tự khu vực của lưu vực sông Mê Công. 

Xung quanh Trung Quốc: không gian thương mại+điểm mấu chốt an ninh 

Nhiều năm trở lại đây, thúc đẩy chính sách khu vực “láng giềng hòa thuận, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có”, là hành động mang tính chiến lược của ngoại giao Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tất yếu làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, các quốc gia láng giềng và khu vực cũng là thị trường và không gian thương mại quan trọng của Trung Quốc; mặt khác, an ninh xung quanh cũng là cơ sở chiến lược của an ninh quốc gia Trung Quốc, các nước láng giềng không ngừng đi theo hướng hoà bình, ổn định và phồn vinh, là mấu chốt để Trung Quốc thực hiện chính sách hoà bình, ổn định và phồn vinh lâu dài. Trung Quốc mở rộng, phát triển thương mại tại khu vực xung quanh, không chỉ là sự thể hiện cụ thể của chính sách “láng giềng hòa thuận, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có”, mà còn là biện pháp quan trọng của Trung Quốc để gây dựng ngoại giao và chiến lược tại khu vực xung quanh. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với khu vực và các nước xung quanh ngày càng nhiều, đối với Trung Quốc cũng ngày càng quan trọng. Nhưng cùng với mức độ can dự ngày càng sâu hơn của Trung Quốc vào khu vực và các nước xung quanh, sau khi thực hiện chính sách “láng giềng hòa thuận, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có” gần 10 năm, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã xuất hiện xu hướng phức tạp hoá. Đây là một vấn đề nghiêm trọng buộc Trung Quốc cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN cao hơn nhiều so với giữa Trung Quốc với các nền kinh tế phát triển. Trao đổi thương mại Trung Quốc-ASEAN vẫn có tiềm năng tương đối lớn, làm thế nào để gia tăng xuất khẩu vào ASEAN, thu hẹp tỉ lệ nhập siêu, là một nhiệm vụ nặng nề của Trung Quốc trong thời gian tới khi muốn mở rộng sức ảnh hưởng kinh tế tại ASEAN. Cùng với đó, bên cạnh tranh chấp Biển Đông không ngừng nóng lên, địa vị của ASEAN trong xây dựng môi trường an ninh quốc gia Trung Quốc ngày càng nổi bật. Nếu ngoại giao và chính sách liên quan của Trung Quốc không thể điều chỉnh kịp thời, hiệu quả, cho dù tâm nguyện láng giềng hoà thuận hay xu hướng láng giềng hòa thuận của Trung Quốc có nhiều đến đâu, nhưng bất hoà lợi ích phức tạp và cạnh tranh địa chính trị, đều có thể đem lại những xung đột và thách thức to lớn cho Trung Quốc. Ví dụ, tháng 1/2012, Mỹ tuyên bố sẽ bổ nhiệm Đại sứ tại Mianma, quan hệ Mỹ-Mianma đang nhanh chóng thoát khỏi thời kỳ hơn 20 năm đối lập. Vấn đề Biển Đông đã trở thành đá thử vàng khảo nghiệm năng lực và nhãn quan ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. 

Giảm bớt các việc phiền phức xung quanh: Trung Quốc phải làm gì? 

Căn cứ tình hình mới và vấn đề mới xuất hiện xung quanh Trung Quốc, Trung Quốc cần không ngừng nghiên cứu, đánh giá và đổi mới chính sách và hành động Ngoại giao ở xung quanh. Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc nếu không thể bước ra được con đường mới, “chính sách láng giềng hoà thuận” đơn thuần rất khó có thể đối phó với hiện thực mới đã thay đổi. Tác giả có một số kiến nghị đáng quan tâm sau: Thứ nhất, Trung Quốc cần gia tăng ảnh hưởng mang tính xã hội đối với các nước xung quanh và khu vực, chứ không chỉ chú trọng các chuyến thăm viếng chính trị cấp cao và đầu tư kinh tế thương mại. Đơn thuần dựa vào lợi ích kinh tế cùng có lợi, ngoại giao láng giềng vẫn thiếu cơ sở vững chắc. Chỉ khi giao lưu chính trị tốt đẹp, mở rộng thương mại của Trung Quốc tại các nước xung quanh, kết hợp giữa hình ảnh Trung Quốc và yếu tố Trung Quốc, thông qua việc tạo dựng và tranh thủ “nhân tâm” của các nước xung quanh và khu vực, Trung Quốc mới có thể thực sự có chỗ đứng vững chắc tại các nước xung quanh và khu vực, mới thực sự phát triển bền vững. Trung Quốc phải tạo dựng hình ảnh, đồng thời tranh thủ nhân tâm tại các nước xung quanh và khu vực, không thể chỉ dựa vào chính sách của chính phủ, mà phải phát triển giao lưu xã hội đa phương. Trong các hoạt động tại khu vực xung quanh, phong thái của công dân Trung Quốc phải khéo léo trang nghiêm, quan chức của Trung Quốc thăm viếng các nước cần phải tăng cường tiếp xúc với dân chúng và xã hội bản địa hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc cần lựa chọn các cơ quan phi chính phủ tăng cường giúp đỡ các nước xung quanh, cung cấp các mối liên hệ về tư vấn, giáo dục và nhiều kênh khác cho sự phát triển xã hội của nước đó. Một biện pháp quan trọng để Mỹ, EU, Nhật Bản duy trì sức ảnh hưởng đối với ASEAN chính là thông qua các tổ chức phi chính phủ, quỹ hội, các cơ quan nghiên cứu và giáo dục, xây dựng mối liên hệ rộng rãi với nước bản địa. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu vẫn dựa vào cơ quan chính phủ và hoạt động doanh nghiệp. Nếu Trung Quốc có thể ra sức giúp đỡ và gây dựng các tổ chức xã hội, khuyến khích họ tăng cường giao lưu liên hệ nhiều tầng nấc với các nước xung quanh, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực xung quanh. Vì vậy, tuyên truyền đối ngoại và phổ biến hình ảnh của Trung Quốc cần phải có điều chỉnh mang tính căn bản và cải cách mang tính thể chế. Đặc biệt phải chuyển hướng chủ thể của tuyên truyền đối ngoại từ chính phủ sang phi chính phủ, phát huy đầy đủ vai trò của các lực lượng xã hội như tổ chức phi chính phủ trong việc phổ biến hình ảnh quốc gia. Từng bước thành lập các mạng lưới hoạt động ở nước ngoài rộng lớn lấy tổ chức xã hội làm chủ thể, là trợ thủ đắc lực cho ngoại giao Trung Quốc. Hệ thống mạng lưới của các tổ chức xã hội này, phản hồi và thu thập thông tin, tăng cường giao lưu xã hội đồng thời xây dựng nhiều kênh tiếp xúc có ảnh hưởng, những điều này đều trợ giúp cho chính phủ rất nhiều. 

Thứ hai, Trung Quốc cần suy nghĩ và học tập từ lĩnh vực song phương, trong hợp tác khu vực phải làm phong phú và tăng cường cơ chế hoá về hợp tác đa phương khu vực và tiểu khu vực. Trong đó một chủ đề nhất định phải thảo luận, đó là Trung Quốc làm thế nào để cung cấp những “sản phẩm cộng đồng” cùng với các nước xung quanh và khu vực. Điều này không chỉ bao gồm môi trường chế độ và bảo đảm cơ chế về đầu tư thương mại, trao đổi mậu dịch, mà còn bao gồm khuôn mẫu “quản lý khu vực” dựa trên pháp trị, nhân quyền và phát triển hài hoà, đồng thời thiết lập cơ chế hành động liên hợp và ứng phó về cơ chế đa phương. Không có một cơ chế quản lý khu vực, đơn thuần xây dựng quan hệ lợi ích quan trọng trên cơ sở quan hệ chính phủ song phương, thường không đáng tin cậy. Đây không chỉ là chính trị nội bộ các quốc gia láng giềng biến động liên tục, quan trọng hơn là cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, hiệu ứng địa chiến lược của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc cũng sẽ không ngừng tăng cường, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia chủ yếu có xu hướng tăng lên. Thiết lập cấu trúc quản lý khu vực trong từng lĩnh vực, vấn đề khác nhau, có thể giúp điều hoà giữa các chính phủ, đồng thời kiểm soát tranh chấp. Trung Quốc hy vọng trở thành nước lớn chủ đạo khu vực Đông Á thế kỷ 21, thì mô hình ngoại giao đơn giản dựa vào quan hệ giữa chính phủ và trao đổi kinh tế, thương mại đã trở nên lỗi thời. Trung Quốc của thế kỷ 21, cần dẫn dắt khu vực Đông Á xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả hơn. 

Thứ ba, cần tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc trong các hoạt động khu vực, vừa khuyến khích mọi người “đi ra ngoài”, vừa phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật các nước xung quanh và khu vực, thích ứng và tôn trọng phong tục tập quán của nước khác, cần hướng dẫn các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc kiềm chế hoạt động ở bên ngoài, gánh vác sứ mệnh quan trọng của “ngoại giao nhân dân” Trung Quốc. Những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp và công dân Trung Quốc có những hành động làm mất thể diện đất nước tại các quốc gia láng giềng và khu vực. Ví dụ, tham gia các hoạt động đánh bạc bên ngoài lãnh thổ, tranh mua hoặc buôn lậu các mặt hàng đắt tiền, tham gia các hoạt động xã hội đen tại địa bàn đó, những hành động này phần nào đã phá hoại thanh danh của Trung Quốc. Ngoài ra, trên phương diện cung ứng các sản phẩm công nghệ cao, các sản phẩm “Made in China ” vẫn thiếu sức cạnh tranh. Các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc về tài nguyên, khoáng sản… tại các quốc gia láng giềng cũng dẫn đến những mâu thuẫn và đối lập với xã hội nước sở tại. Xung đột lợi ích giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng và khu vực, ở một chừng mực nhất định đã phản ánh sự trái ngược giữa không gian lợi ích kinh tế của Trung Quốc ngày càng được mở rộng tại các quốc gia láng giềng, trong khi ảnh hưởng về chính trị, xã hội lại chưa đáng kể. Các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc có trách nhiệm thông qua việc làm thực tế và thành ý, cùng nhau nâng cao sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực xung quanh, cùng nhau thúc đẩy ngoại giao láng giềng của Trung Quốc không ngừng cải tiến./.

Bản gốc: 中国如何面对东盟十国朱锋:2012 新周边外交元年

Bài viết của tác giả Chu Phong, Giáo sư, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của trường Đại học Bắc Kinh.

Theo Mạng Asean-Trung Quốc (ngày 1/2)

Lê Sơn (gt)