Tóm tắt:

• Được công bố vào năm 2010, chính sách “Hướng Đông” của Nga nhằm mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế của nước này vào phương Tây và lợi dụng các nền kinh tế đang lớn mạnh của châu Á. Chính sách này sẽ được thúc đẩy hơn nữa do giá dầu sụt giảm và những biện pháp trừng phạt của phương Tây mà đã đẩy nền kinh tế Nga vào khủng hoảng.

• Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền vào năm 2000, chính sách châu Á của Nga là lấy Trung Quốc làm trung tâm. Nhưng nỗi lo sợ của Moskva về việc bị hạ thấp vị thế trở thành đối tác phụ thuộc cấp thấp và kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã buộc Điện Kremlin phải tìm kiếm những cơ hội mới ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

• Tuy nhiên, về mặt kinh tế, Nga là một bên tham gia thứ yếu ở Đông Nam Á, và ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghệ năng lượng và giao dịch vũ khí, dường như không có cơ hội cho việc mở rộng thương mại Nga-ASEAN.

• Do ngân sách quốc phòng lớn hơn và việc mua sắm trang thiết bị mới, nên giờ đây sự hiện diện quân sự của Nga ở châu Á nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Tuy nhiên, khía cạnh nổi trội nhất trong sự can dự quốc phòng của Nga với Đông Nam Á vẫn là các giao dịch mua bán vũ khí với các nhà nước khu vực, đặc biệt là Việt Nam.

• Sự can dự của Nga với ASEAN thì hời hợt. Moskva không phải là một bên tham gia chủ động trong các diễn đàn an ninh do ASEAN dẫn đầu như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) do ảnh hưởng hạn chế của nước này và các lợi ích thực chất hơn của họ ở những diễn đàn khác giữa các nhà nước.

• Moskva đã có một cách tiếp cận dè dặt đối với tranh chấp ở Biển Đông vì họ không phải là một bên hữu quan chủ yếu và bởi vì nước này không muốn gây khó chịu với hai đối tác quan trọng nhất của mình ở châu Á, Trung Quốc và Việt Nam, vốn là các bên tuyên bố chủ quyền kình địch nhau.

Tại sao Nga lại “hướng Đông”?

Năm 2010, một năm trước khi Chính quyền Obama công bố chiến lược xoay trục/tái cân bằng sang châu Á, thì Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố Nga sẽ “hướng Đông”: từ đó trở đi, Moskva cam kết tăng cường sự can dự của họ về kinh tế, chính trị và an ninh với các nước ở châu Á.

Điều gì đã thúc đẩy chính sách “Hướng Đông” của Putin? Một lý do là mong muốn của Nga giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế của nước này vào phương Tây (và đặc biệt là châu Âu) sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng Khu vực đồng euro. Một lý do khác là sức thu hút của các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Kể từ năm 2010, chính sách của Putin đã được tăng thêm động lực do những vấn đề kinh tế nghiêm trọng của Nga được tạo ra bởi giá dầu toàn cầu lao dốc (một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước này) và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác sau khi Moskva sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với những phần tử nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine. Theo Thủ tướng Dmitry Medvedev, các biện pháp trừng phạt đã “gây tổn hại đáng kể” cho nền kinh tế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ thu hẹp 3,4% trong năm 2015 và giỏi lắm thì tăng trưởng trong tương lai cũng sẽ chỉ ở mức chậm chạp.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Nga chú ý tới việc tăng cường các mối quan hệ với châu Á khi các mối quan hệ với phương Tây trở nên xấu đi – và như một số nhà quan sát đã lưu ý, một khi các mối quan hệ được cải thiện, giới tinh hoa lấy phương Tây làm trung tâm của Nga sẽ tiếp tục lại mối quan hệ bình thường với châu Âu và Mỹ và quay lưng lại với châu Á. Địa lý và nhân khẩu học củng cố tư duy này. Bất chấp thực tế rằng 3/4 lãnh thổ của Nga nằm ở phía Đông dãy Ural, chưa đến 30% dân số sinh sống ở đó. Đối với đa số người Nga, vùng nội địa rộng lớn của nước này ở phần châu Á là xa lạ và xa xôi. Lần “hướng Đông” hiện nay của Nga có lẽ tỏ ra lâu bền và thực chất hơn so với những lần trước đây, đặc biệt là khi trọng tâm kinh tế toàn cầu dịch chuyển một cách không thể ngăn cản được từ châu Âu-Đại Tây Dương sang châu Á-Thái Bình Dương, và động lực an ninh của khu vực trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, Nga sẽ cần phải cố gắng hết sức để chứng tỏ với các đối tác châu Á của mình rằng họ không chỉ là một bên tham gia mang tính giao dịch có lợi ích hàng đầu là mua bán năng lượng và vũ khí.

Kể từ sau khi nắm quyền vào năm 2000, chính sách châu Á của Putin là lấy Trung Quốc làm trung tâm, và giờ đây các mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh đạt mức độ cao mang tính lịch sử. Tuy nhiên, Điện Kremlin có các vấn đề nghiêm trọng về lòng tin với Bắc Kinh: họ lo lắng về nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ khi bán các hệ thống vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc; họ có những mối quan ngại còn rơi rớt lại về việc liệu Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền theo xu hướng phục hồi lãnh thổ đã mất ở vùng Viễn Đông giàu tài nguyên nhưng không có người ở của Nga hay không. Moskva cảm thấy đau khổ rằng họ đã đánh mất ảnh hưởng của mình ở Trung Á vào tay Bắc Kinh – một khu vực mà họ coi là “khu vực nước ngoài cận kề” của mình và có những lợi ích đặc biệt ở đó – và rằng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Chủ tịch Tập Cận Bình cạnh tranh với Liên minh Kinh tế Âu-Á (EAEU) của Putin, một khối thương mại gồm các nước Cộng hòa Xôviết trước đây. Ẩn dưới tất cả những mối quan ngại này là nỗi lo sợ của Nga rằng khi sức mạnh của Trung Quốc lớn lên, nước này sẽ bị hạ thấp vị thế trở thành đối tác cấp thấp bị phụ thuộc. Tuy nhiên ngay khi Moskva lo sợ về sự phụ thuộc, nước này cùng lúc trở nên lo lắng rằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc của Trung Quốc đã làm suy yếu nhu cầu về hàng hóa của Nga – khối lượng thương mại Trung-Nga tụt dốc 30% trong nửa đầu năm 2015 – và rằng một số dự án ghi dấu ấn của Putin với Bắc Kinh giờ đây đang gặp nguy, bao gồm hai dự án có quy mô lớn được ký năm 2014 cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Trung Quốc. Kết quả là, Điện Kremlin đã chú ý tới việc đa dạng hóa chính sách châu Á của mình chuyển hướng khỏi Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các lựa chọn của Moskva ở châu Á lại hạn chế. Mối quan hệ của Nga với Nhật Bản đã trở nên căng thẳng về vấn đề Ukraine (Tokyo đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của G7 nhằm vào Nga) và quyết định của Moskva tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở quần đảo Nam Kuril/vùng lãnh thổ phương Bắc. Nga muốn bán nhiều vũ khí hơn cho Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây New Delhi đã nới lỏng các mối quan hệ quốc phòng với Moskva, ủng hộ nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Kết quả là, Điện Kremlin ngày càng tập trung sự chú ý vào Đông Nam Á, nơi nước này vốn có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài Việt Nam, phần lớn các nước Đông Nam Á không coi Nga là một đối tác thật sự. Như bài viết này sẽ chứng minh, Nga thiếu sức nặng về kinh tế, khả năng triển khai sức mạnh đáng kể và không hứng thú với việc đóng một vai trò tích cực hơn trong các diễn đàn an ninh của khu vực. Do đó, đối với Đông Nam Á, chính sách “Hướng Đông” của Nga hầu như không có tính thực chất.

Các mối quan hệ kinh tế của Nga với Đông Nam Á: Một dấu ấn khiêm tốn

Xét về sự can dự kinh tế với Đông Nam Á, Nga là một bên tham gia rất nhỏ. Xuất khẩu chính của Nga sang khu vực chủ yếu gồm tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Là một phần của chính sách xoay trục sang châu Á, Nga đã và đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà nước này nổi trội như hệ thống vũ khí và công nghệ hạt nhân. Năm 2012, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã giành được hợp đồng cung cấp cho Việt Nam hai nhà máy năng lượng hạt nhân – đầu tiên của nước này – dự kiến được hoàn thành vào năm 2023-2024. Nga cũng đề nghị đem lại cho Myanmar, Indonesia và thậm chí là Campuchia công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến.

Tuy nhiên, ngoài hàng hóa, vũ khí và công nghệ năng lượng, dường như không có không gian cho việc mở rộng thương mại Nga-ASEAN.
Số liệu thống kê làm nổi bật những kết nối kinh tế yếu kém giữa Nga và Đông Nam Á. Năm 2014, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 14 của ASEAN: giá trị thương mại hai chiếu lên tới 22,5 tỷ USD, tăng 13% so với con số năm 2013 (19,95 tỷ USD) nhưng vẫn chỉ bằng 0,9% tổng thương mại của 10 nước thành viên. Ngược lại, thương mại của ASEAN với Trung Quốc là 366,5 tỷ USD (14,5%), với EU là 248 tỷ USD (9,8%), với Nhật Bản là 229 tỷ USD (9,1%), với Mỹ là 212 tỷ USD (8,4%) và với Ấn Độ là 67,7 tỷ USD (2,7%). Đầu tư của Nga ở Đông Nam Á cũng rất khiêm tốn và đang suy giảm. Từ năm 2012 đến năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nga vào ASEAN-10 chỉ có 698 triệu USD hay chỉ 0,2% tổng dòng vốn thực chảy vào. Trong cùng thời kỳ này, EU đã đầu tư 58 tỷ USD (15,7%), Nhật Bản là 56,4 tỷ USD (15,3%), Mỹ là 32,4 tỷ USD (8,8%) và Trung Quốc 21,4 tỷ USD (5,8%). Do cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này, FDI của Nga ở Đông Nam Á trong năm 2013-2014 đã giảm 105% so với năm 2012-2013.

Năm 2012, đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á là Việt Nam (2,92 tỷ USD), tiếp theo là Indonesia và Thái Lan (2,87 tỷ USD mỗi nước) và Singapore (1,98 tỷ USD). Tháng 5/2015, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EAEU do Nga lãnh đạo – liên minh được thiết lập vào năm 2014 và các thành viên khác của liên minh này gồm có các nước cộng hòa thuộc Xôviết trước đây là Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan – mà sẽ có hiệu lực vào năm 2016. Nhưng những lợi ích kinh tế đối với Việt Nam không chắc là đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ lãnh đạo được ký kết gần đây mà Việt Nam là một thành viên của hiệp định này. Là một phương tiện nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với Đông Nam Á, Nga đã đề xuất một FTA với ASEAN, nhưng điều này có lẽ là đáng ngờ vì Moskva đã gợi ý rằng tất cả các nước thành viên EAEU sẽ được tính đến.

Sự can dự quân sự của Nga với Đông Nam Á: Bom và đạn

Một thành phần then chốt trong tham vọng của Tổng thống Putin khôi phục vị thế nước lớn của Nga là đem lại sức sống mới cho các lực lượng vũ trang của nước này, từng nằm trong số những lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới nhưng nhanh chóng bị mai một sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Năm 2010, Putin tuyên bố một chương trình kéo dài 10 năm trị giá 650 tỷ USD cho việc hiện đại hóa quân đội Nga. Với nền kinh tế được chống đỡ bởi sản xuất dầu gia tăng, ngân sách quốc phòng của Nga gần như tăng gấp đôi từ năm 2010 đến năm 2014 – từ 58,7 tỷ USD lên 84,5 tỷ USD – trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù Điện Kremlin đã tìm cách bảo vệ chi tiêu quốc phòng khỏi bị chính phủ cắt giảm, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc nước này phải giảm bớt các kế hoạch hiện đại hóa quân sự của mình bằng giảm đơn đặt hàng đối với các hệ thống vũ khí mới và kéo dài thời kỳ hiện đại hóa hơn 10 năm. Tuy nhiên, khi các hoạt động gần đây của Moskva ở Ukraine và Syria trở nên nổi bật, các khả năng quân sự của Nga dưới thời Putin đã trải qua sự cải thiện đáng kể.

Gia tăng chi tiêu quốc phòng và các phương tiện vũ khí mới đã cho phép các lực lượng vũ trang của Nga tăng cường sự hiện diện toàn cầu của họ, kể cả ở châu Á-Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương, đặt tại Vladivostok, đã đặt mua các tàu mới, bao gồm tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo sử dụng năng lượng hạt nhân, mặc dù quy mô và khả năng của hạm đội này vẫn không bằng trước đây trong kỷ nguyên Xôviết. Để tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, tháng 11/2014, Moskva đã ký một thỏa thuận với Hà Nội mà sẽ cho phép Hải quân và Không quân Nga tiếp cận thường xuyên các cơ sở tại Vịnh Cam Ranh. Trong suốt những năm 1980, Liên Xô duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Vịnh Cam Ranh, nhưng đã giảm bớt một cách đáng kể sự hiện diện của họ vào những năm 1990 trước khi rút quân hoàn toàn vào năm 2002. Theo thỏa thuận mới, Nga đã bố trí máy bay tiếp liệu IL-78 đóng tại Vịnh Cam Ranh từng được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom chiến lược TU-95 có khả năng hạt nhân mà đã tiếp tục lại các cuộc tuần tra ở châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở gần Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ. Sự hiện diện của các máy bay ném bom Nga gần Guam đã dẫn đến việc Washington quở trách Hà Nội vào tháng 1/2015 vì đã để cho Nga sử dụng Vịnh Cam Ranh làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này. Hà Nội không công khai trả lời, nhưng sự kiện này làm nổi bật môi trường chiến lược ngày càng phức tạp của châu Á: Việt Nam đã tăng cường các mối quan hệ quốc phòng với Nga vì những nỗi lo sợ về Trung Quốc, nhưng làm vậy lại khiến Mỹ khó chịu, nước mà Việt Nam cũng tìm kiếm một mối quan hệ chiến lược thân thiết hơn do thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khía cạnh nổi bật nhất trong sự can dự quốc phòng của Nga với Đông Nam Á tiếp tục là các giao dịch mua bán vũ khí. Nga và Mỹ thống trị thương mại vũ khí toàn cầu. Từ năm 2010 đến năm 2014, phần đóng góp của Mỹ vào xuất khẩu vũ khí quốc tế là 29%, theo sát là Nga với 27%. Châu Á-Thái Bình Dương là một thị trường đặc biệt có lợi cho Nga, và trong suốt thời kỳ 2010-2014, khu vực này đã nhận được 66% xuất khẩu vũ khí của nước này, chủ yếu là Ấn Độ (39%) và Trung Quốc (11%). Khi ngân sách quốc phòng ở Đông Nam Á tăng vọt – chi tiêu quốc phòng của khu vực tăng thêm 37,6% trong năm 2010-2014 – các nhà sản xuất vũ khí của Nga mong muốn tận dụng cơ hội thương mại sẵn có này. Nói chung, các hệ thống vũ khí của Nga có được danh tiếng trong khu vực (mặc dù dịch vụ hậu mãi thì không) và nhìn chung là rẻ hơn so với các hệ thống tương đương của phương Tây.

Việt Nam cho đến nay là khách hàng quan trọng nhất của Nga. Khi căng thẳng ở Đông Nam Á gia tăng kể từ năm 2007-2008, Việt Nam đã đẩy nhanh việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này, đặc biệt là hải quân và không quân. Nga đã cung cấp cho Việt Nam 90% lượng vũ khí nhập khẩu của nước này, bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo, 6 tàu hộ vệ lớp Gepard, 6 tàu hộ tống nhỏ lớp Tarantul (được chế tạo tại Việt Nam), 6 tàu tuần tra lớp Svetlyak, 32 máy bay chiến đấu SU-30 và hệ thống tên lửa phòng không. Vũ khí của Nga đã đem lại cho Việt Nam một sự răn đe có giới hạn nhưng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, mà có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Hải quân Trung Quốc nếu xung đột bùng phát ở Biển Đông. Bất chấp việc Mỹ gần đây dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Nga có khả năng vẫn là đối tác bán vũ khí được lựa chọn do mối quan hệ có từ lâu giữa hai nước và bởi trang thiết bị của Nga rẻ hơn.

Nga đã và đang chú ý tới các nước Đông Nam Á khác ngoài Việt Nam. Năm 2009-2010, Myanmar đặt hàng 20 máy bay chiến đấu MiG-29 và hơn 20 trực thăng quân sự từ Nga. Trong suốt thập kỷ qua, Nga đã cung cấp cho Indonesia máy bay chiến đấu SU-27 và SU-30, trực thăng vận tải và tấn công, và vào tháng 9/2015, Jakarta tuyên bố sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Kilo. Nga lợi dụng lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ cho Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014 đã đề nghị đem lại cho Bangkok một loạt hệ thống vũ khí trong đó có máy bay quân sự. Nga cũng thiết tha mở rộng các giao dịch vũ khí với Malaysia, bao gồm các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa, nhưng điều này sẽ tỏ ra khó khăn do sự nhạy cảm về chính trị gây ra bởi vụ rơi máy bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014 ở miền Đông Ukraine, bị cáo buộc là do những kẻ nổi dậy thân Nga sử dụng tên lửa đất đối không do Nga cung cấp. Tuy nhiên, nhìn chung, việc chuyển giao vũ khí cho các nước ASEAN vẫn là một trong những điểm sáng ít ỏi trong sự can dự của Nga với Đông Nam Á.

Nga, ASEAN và cơ cấu an ninh khu vực: Bên ngoài cuộc lãnh đạm

Mối quan hệ của Moskva với ASEAN, và việc Nga tham gia những nỗ lực của tổ chức này nhằm tạo dựng một cơ cấu an ninh khu vực, bắt nguồn từ đầu những năm 1990. Năm 1991, một vài tháng trước khi tan rã, Liên Xô đã trở thành một đối tác tham vấn của ASEAN. Năm 1994, Nga trở thành một thành viên sáng lập của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), và hai năm sau đó vị thế của nước này được nâng lên từ đối tác tham vấn sang đối tác đối thoại. Nga tham gia hiệp ước không gây hấn của ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), vào năm 2004, và cùng với Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào năm 2011. ASEAN và Nga đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh – tại Kuala Lumpur vào năm 2005 và Hà Nội năm 2010 – và năm 2016, hai bên sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen. Tại hội nghị thượng đỉnh đó, Nga và ASEAN được cho là sẽ ra Chương trình hành động toàn diện hướng dẫn phát triển các mối quan hệ từ năm 2016 đến năm 2026.

Ở mức độ ngôn từ, Nga đã ca ngợi ASEAN là một đối tác quan trọng. Tuy nhiên, sự can dự của Nga với ASEAN cùng lắm cũng chỉ ở bề mặt. Như đã lưu ý ở trên, các mối quan hệ kinh tế Nga-ASEAN không gây ấn tượng. Nga đã và đang là một thành viên của các diễn đàn an ninh do ASEAN lãnh đạo trong suốt 2 thập kỷ qua, nhưng nước này chưa bao giờ là một bên tham gia chủ động. Một ví dụ tiêu biểu là EAS. Mặc dù Nga đã trở thành thành viên vào năm 2011, nhưng Tổng thống Putin chưa từng tham dự một hội nghị cấp cao nào. Ngoại trưởng của Putin, Sergey Lavrov, đại diện cho Nga tại EAS từ năm 2011 đến tận năm 2013, trong khi Thủ tướng Medvedev tham dự các hội nghị thượng đỉnh năm 2014 và 2015. Ngược lại, Tổng thống Obama đã tham dự 4 hội nghị cấp cao của EAS.

Điều gì giải thích cho việc Nga thiếu cam kết với cơ cấu an ninh khu vực của châu Á? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong nhận thức của Nga về tự cho mình có đặc quyền, và quan điểm duy thực của nước này về các mối quan hệ quốc tế. Như Bobo Lo đã lập luận, do quy mô, lịch sử và văn hóa của mình, Nga tự coi mình là một nước lớn vĩnh viễn và không thể thiếu được. Do đó, họ coi tư cách thành viên của Nga trong các diễn đàn khu vực và quốc tế là một quyền lợi tự động. Tuy nhiên, đồng thời, vì Moskva coi các nhà nước hùng mạnh là các bên tham gia then chốt trong hệ thống quốc tế, nên nước này không coi các thể chế đa phương là những bên tham gia thực sự theo tư cách cá nhân của chính họ, mà chỉ là các công cụ để các cường quốc chủ chốt thúc đẩy các lợi ích quốc gia của họ. Hơn nữa, Nga không tham gia một cách tích cực vào các diễn đàn đa phương mà ở đó nước này cảm thấy có ảnh hưởng hạn chế trong việc thúc đẩy các lợi ích của nước này. Thay vào đó, nước này tập trung năng lượng ngoại giao của họ vào những diễn đàn giữa các nhà nước mà ở đó họ có thể sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ và thúc đẩy các lợi ích cốt lõi của mình, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), EAEU và Hội đồng Bắc Cực. Do đó, mặc dù Nga tích cực tìm kiếm tư cách thành viên của EAS để đánh bóng thành tích quốc tế của mình, nhưng một khi được kết nạp, nước này lại hầu như không có động cơ để tích cực tham gia một diễn đàn do ASEAN lãnh đạo, bị chi phối bởi Mỹ và Trung Quốc và trong diễn đàn đó nước này hầu như không có ảnh hưởng thực sự. Bất chấp chính sách “Hướng Đông” của mình, Moskva không có khả năng xem xét lại vai trò của mình ở EAS vào bất cứ thời gian nào trước mắt.

Nga và tranh chấp Biển Đông: Một cách tiếp cận dè dặt

Không giống Mỹ, Điện Kremlin đã có một cách tiếp cận khá dè dặt đối với vấn đề an ninh gây tranh cãi nhất của Đông Nam Á: thứ nhất, họ không phải là một bên liên quan có lợi ích chính ở Biển Đông; và thứ hai, họ muốn tránh chọc giận 2 đối tác chính của mình ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam, các bên tuyên bố chủ quyền kình địch nhau.

Đường lối chính thức của Nga đối với tranh chấp Biển Đông tương tự như đường lối của nhiều nước khác. Moskva không đưa ra lập trường về giá trị của các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau; họ chủ trương một cách giải quyết hòa bình cho tranh chấp này và thúc giục các bên tranh chấp hành xử kiềm chế, nước này đã kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và họ ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 và các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Cũng như Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga về vấn đề Ukraine (nước này bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 3/2014), Moskva đã không công khai ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông – mặc dù Ngoại trưởng Lavrov đã nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng vấn đề phải do chính các bên tuyên bố chủ quyền tự giải quyết mà không có “sự can thiệp của nước ngoài”, ngầm ám chỉ đến Mỹ - vì điều này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ với Việt Nam. Nhưng giống Mỹ, nước này cũng đã không công khai chất vấn tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” của Trung Quốc – bao trùm gần 80% Biển Đông và trong đó Bắc Kinh có vẻ như tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa lý cũng như cái gọi là “quyền lịch sử” đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật – vì điều này sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể suy ra từ sự tham gia của các công ty của Nga trong các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi của Việt Nam rằng Moskva tin tưởng Hà Nội có quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này và rằng các tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS. Kẻ khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga, mà Chính phủ Nga là cổ đông chính của tập đoàn này, đã có thỏa thuận với tập đoàn PetroVietnam thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2006 để khai thác dầu lửa ở các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi. Những thỏa thuận tiếp sau đó giữa hai công ty dẫn tới các hoạt động khai thác tại 4 mỏ khí đốt ngoài khơi đặt tại thềm lục địa của Việt Nam nhưng cũng nằm bên trong “đường 9 đoạn”. Việc sản xuất bắt đầu vào năm 2013 và được cho là sẽ đạt công suất đầy đủ tại 2 mỏ dầu vào năm 2016. Mối quan hệ đối tác của Gazprom với PetroVietnam đem lại lợi ích cho cả hai nước. Đối với Moskva, điều đó làm gia tăng sự can dự về kinh tế của Nga với Đông Nam Á. Việt Nam có được quyền tiếp cận sự tinh thông về công nghệ của Nga trong khi sự hiện diện của những “ông lớn” năng lượng của nước ngoài trong EEZ của nước này sẽ tăng cường sức mạnh cho các tuyên bố về quyền tài phán và đem lại cho các cường quốc chủ chốt như Nga một lợi ích trong tranh chấp này. Việc Nga tham gia ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của Việt Nam, và các giao dịch bán hệ thống vũ khí chủ đạo cho Việt Nam, khiến Trung Quốc khó chịu. Nhưng Bắc Kinh vẫn giữ im lặng, ít nhất là về công khai, nhằm duy trì các mối quan hệ chân thành với Moskva.

Bất chấp cách tiếp cận dè dặt với tranh chấp này, những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong vài năm qua đã trở thành một mối quan ngại đối với Nga. Vào thời điểm Nga tìm cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế với châu Á, thì hòa bình và sự ổn định ở một khu vực là nơi hội tụ các tuyến thương mại trọng yếu trên biển đã trở nên vô cùng quan trọng đối với Nga. Hơn nữa, tranh chấp này đặt Nga vào tình thế có chút khó khăn trước các đối tác quan trọng nhất của họ ở châu Á – Trung Quốc, Việt Nam và thậm chí cả Ấn Độ - những nước đang ngày càng có xung đột với nhau. Kết quả của những mối quan ngại ngày càng lớn này là vào năm 2013 và năm 2015, Viện nghiên cứu phương Đông (IOS), một phần của Viện hàn lâm khoa học Nga được nhà nước tài trợ, đã tổ chức hai buổi hội thảo tại Moskva để thảo luận về tình hình đang trở nên xấu đi và làm cách nào để xử lý tranh chấp này hiệu quả hơn. Đáng chú ý là, IOS đang cân nhắc việc tổ chức một hội thảo hàng năm về Biển Đông.

Kết luận

Với các mối quan hệ của Nga với phương Tây và nền kinh tế của cả hai bên đều trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, Điện Kremlin đã nhìn sang châu Á để tìm kiếm sự giúp đỡ. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và với lòng ham muốn đến khát khao nguồn tài nguyên thiên nhiên, không có gì ngạc nhiên khi chính sách châu Á của Putin đã tập trung vào Trung Quốc. Nhưng nỗi sợ hãi về sự phụ thuộc quá mức, và nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc, đã buộc Nga phải tìm kiếm các thị trường mới ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Tuy nhiên, do thiếu ảnh hưởng đòn bẩy về kinh tế, ngoại giao và quân sự, nên ngoài Việt Nam, hầu như không nước nào ở Đông Nam Á coi Nga là một bên tham gia đáng tin cậy và có cam kết. Trong khi Nga sẽ tiếp tục hối thúc các nước thành viên ASEAN mua năng lượng và vũ khí của mình, thì đối với Điện Kremlin, Đông Nam Á có khả năng vẫn là thứ yếu sau châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc./.

Tác giả:  TS. Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore

Anh Thư (gt)