Trong hai tuần qua, Trung Quốc đã đón các chuyến thăm của nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp từ 4 nước quan trọng tại châu Á tới đất nước này. Theo giới chuyên gia, điều này đã thể hiện Trung Quốc ngày càng coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang tích cực, mở hơn trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc.

Vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực. Nửa đầu năm 2011, Trung Quốc tiếp tục duy trì các trao đổi cấp cao thường xuyên với các nước châu Á và đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề chính trị châu Á. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Thống Pakistan Yousuf Raza Gilani, Trung Quốc đã công nhận những nỗ lực to lớn và cả những hy sinh mà Pakistan đã phải gánh chịu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trong tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Pakistan, hai nước đã nhất trí tăng cường phối hợp, hợp tác trong các vấn đề khu vực như vấn đề Afghanistan.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của nhà Lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (BTT) Kim Jong Il, ông đã bày tỏ sự sẵn sàng giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của ông kể từ năm 2010. Ông Kim cho biết BTT sẽ theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và tin rằng đàm phán 6 bên sẽ được nối lại.  

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại Trưởng Iran Ali Akbar Salehi, Trung Quốc đã kêu gọi Iran cần bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân mới với 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ và Đức (G5+1).

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thống tướng Myanmar Thein Sein, Trung Quốc và Myanmar đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” và ký các hiệp định kinh tế nhằm thể hiện sự nâng cấp quan hệ giữa hai nước láng giềng. Trung Quốc cũng tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cam kết ủng hộ sự phát triển của Myanmar”.

Nhà nghiên cứu Zhao Qinghai, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc cho biết các cuộc họp và thỏa thuận gần đây của Trung Quốc không chỉ phản ánh sự tôn trọng và hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng mà còn góp phần bảo vệ lợi ích chung của toàn châu Á.

Hợp tác hiệu quả tại khu vực. Trung Quốc đã đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và tiểu khu vực năm 2011. Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao thường niên tháng 4/2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu với chủ đề “Hướng tới sự phát triển chung và một châu Á hài hòa” trong đó đưa ra 5 đề xuất nhằm tăng cường hợp tác kinh tế đối với các nước châu Á. Giới truyền thông cũng cho biết đề xuất của Chủ tịch Hồ cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tăng cường tham gia vào sự phát triển của châu Á và cùng chia sẻ cơ hội tăng trưởng với các nước châu Á khác.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn lần thứ 4 tại Tokyo, ba nước Đông Bắc Á đã nhất trí thành lập Ban thư ký hợp tác ba bên tại Hàn Quốc năm 2011. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Gao Hong: là ba nền kinh tế quan trọng nhất châu Á, sự hợp tác chính trị của Trung - Nhật - Hàn sẽ tạo động lực thúc đẩy hợp tác và ổn định khu vực.

Tháng 4/2011, các nước ASEAN đã chứng kiến nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp Trung Quốc tới nhiều nước trong khu vực này. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo thăm Malaysia và Indonesia, cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc Giả Khánh Lâm và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu tới thăm Myanmar ngay sau khi chính quyền mới của nước này vừa được thành lập. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đi thăm Singapo, Indonesia và Philipin.

Ông Chen Xiangyang, chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế đương đại của Trung Quốc cho biết, việc củng cố các mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước Đông Á trước hội nghị Thượng định Đông Á (10+8), dự kiến diễn ra vào mùa thu này.

Vào nửa cuối năm 2011, các đại diện của Trung Quốc cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Thủ đô Astana của Kazakh. Đầu tháng 5/2011, Trung Quốc và Mỹ đã nhất chí thiết lập cơ chế tham vấn châu Á – Thái Bình Dương nhằm tăng trao đổi giữa hai nước để góp phần tạo hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đóng góp vào an ninh khu vực. Năm 2011, Trung Quốc đã thúc đẩy hợp tác an ninh với các nước châu Á dù Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Tại Diễn đàn Bắc Ngao, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ủng hộ khái niệm an ninh mới gồm “sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác” mà được châu Á và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Năm 2011, nhiều đoàn quân sự Trung Quốc cũng thăm các nước châu Á thường xuyên hơn. Đoàn cấp cao của lực lượng quân giải phóng TQ (PLA) đã tới thăm 6 nước châu Á và tham dự các cuộc họp đa phương với nhiều nước châu Á trong vòng 2 tháng qua. Tại Đối thoại Quốc phòng Quốc tế Jakarta 2011, Phó Tham mưu trưởng PLA Mã Hiểu Thiên đã đưa đề xuất nhằm tăng cường hợp tác an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ 10 tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Singapore từ 3-5/6.

Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Ngụy Phụng Hòa, cũng sẽ dẫn đầu phái đoàn quân sự tham gia cuộc họp chính sách an ninh khu vực tại Surabaja, Indonesia vào tháng 6/2011. Theo Phó Giáo sư Hou Xiaohe, Học viện Quốc phòng TQ cho biết Trung Quốc tin rằng việc xây dựng niềm tin lẫn nhau là cách thức hiệu quả để bảo đảm an ninh quốc gia và ổn định khu vực. Điều này cũng phản ánh nhu cầu về phát triển hòa bình của Trung Quốc.

Ủng hộ “tinh thần châu Á”. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nêu bản chất “tinh thần châu Á” tại Diễn đàn Bắc Ngao và cho rằng “tinh thần châu Á” nhằm thể hiện ước muốn tìm kiếm sự tự vươn lên, học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau khi cần nhất. Những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác với các nước châu Á trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và du lịch. Trung Quốc đã mời 5 đoàn thành niên Pakistan tới thăm Trung Quốc và cử ba đoàn thanh niên Trung Quốc tới thăm Pakistan trong giai đoạn 2007 - 2011. Tại Thượng đỉnh Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã mời 500 sinh viên Nhật tại các khu vực gần nơi bị tàn phá bởi động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 tới thăm Trung Quốc.

Theo Giáo sư Zhao Kejin tại Đại học Thanh hoa Trung Quốc, lịch sử đã cho thấy “tinh thần châu Á” có thể góp phần giúp người dân khu vực ứng phó với những thách thức chung trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Sau động đất tàn phá Nhật Bản, nhiều người dân tại một số nước châu Á đã hợp tác chặt chẽ với người Nhật để giúp họ tái thiết. Đây là minh chứng tuyệt vời cho “tinh thần châu Á”.

Theo Tân hoa xã

Mỹ Anh (gt)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết này, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.