Tóm tắt: Biển Đông không chỉ có vị trí quan trọng đối với các cường quốc hàng hải trên thế giới, mà còn là trọng điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Mặt khác, Biển Đông là nơi đang diễn ra nhiều tranh chấp quyết liệt về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia ven biển do quan điểm của mỗi bên khác nhau xa nhau, không tìm được sự đồng thuận về cách giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh đó, Mỹ theo đuổi chiến lược Biển Đông trên 5 trụ cột chính: (i) luật pháp quốc tế,  (ii) kiềm chế, ngăn chặn, (iii) khuyến khích, (iv) cam kết ngoại giao và (v) sử dụng ASEAN. Bài viết đi sâu phân tích và luận giải một cách có hệ thống về chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông qua hai đời tổng thống, Barrack Obama and Donald Trump, khi Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Từ khóa: Mỹ, Biển Đông.

Giới thiệu

Những năm gần đây vấn đề Biển Đông liên tục nóng lên bởi những hành động diễn tập quân sự đơn phương, cải tạo đảo đá, xây dựng hệ thống công trình quân sự[1], bố trí hỏa lực trên các cấu trúc đảo nhân tạo. Những hành động này đã biến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng, tiêu điểm cạnh tranh chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt thế kỷ XX, vấn đề Biển Đông vốn dĩ chỉ là các tranh chấp giữa những nước ven Biển Đông đối với việc sở hữu các đảo, bãi đá ngầm, bãi bồi và phân chia vùng biển, trong đó vấn đề cốt lõi là tranh chấp chủ quyền và tranh giành tài nguyên. Tuy nhiên, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề tranh chấp đã biến chuyển thành nấc thang mới khi các cấu trúc địa lý ở quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa đã được Trung Quốc tôn tạo thành các cứ điểm quân sự tiền duyên có tầm quan trọng về chiến lược.

Cùng với sự can dự của một số nước lớn ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông ngày càng thể hiện xu hướng quốc tế hóa, vấn đề tranh cãi cũng theo đó ngày càng mở rộng từ tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, bãi đá ngầm, vùng biển lúc ban đầu đến các vấn đề ngoài chủ quyền như khai thác biển, an ninh hàng hải, cạnh tranh địa lý và cuộc đấu ngoại giao giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, nguy cơ  Biển Đông trở thành nội dung để các nước lớn mặc cả, thỏa hiệp với nhau cũng tăng lên. Mỹ là lực lượng ngoài khu vực can dự sâu nhất, ảnh hưởng lớn nhất đối với vấn đề Biển Đông, đã làm thay đổi cục diện địa chính trị ở Biển Đông. Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế và răn đe Trung Quốc trong vấn đề sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, duy trì niềm tin đối với các nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ trên phương diện quân sự và kinh tế, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông đều dựa vào tuyến đường hàng hải để di chuyển  các lực lượng hải quân và hàng hoá thương mại. Điều này thể hiện rõ nét ở ưu tiên của nước Mỹ trong duy trì tự do hàng hải gọi tắt là FONOP ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, Mỹ có ba lợi ích quốc gia quan trọng ở Biển Đông:

Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Biển Đông không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng, mà còn chốt giữ các eo biển quan trọng như Malacca. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, thì đã có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Chuẩn đô đốc Alfred Thayer Mahan (1840-1914), nhà lý thuyết chiến lược hải quân người Mỹ, đã mở đường đột phá trong tư duy khi cho rằng chỉ có sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Alfred Mahan chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển (sea power), đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển. Những nhận định trên đã đưa Mahan trở thành lý thuyết gia lớn về biển của thế giới, có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều nước. Thực tế cho thấy, từ năm 1992 lực lượng hải quân của Mỹ đã bắt đầu thực thi chiến lược biển toàn cầu, phân chia các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu thành 08 nhóm eo biển mang tính liên khu vực nối liền nhau đồng thời chi viện lẫn nhau[2]. Trong đó có nhóm eo biển khu vực Đông Nam Á bao gồm eo biển Bashi[3], eo biển Makassar[4], eo biển Sunda[5], eo biển Malacca[6], những eo biển này đều nằm ở Biển Đông và vùng biển cạnh Biển Đông.

Ở góc độ chiến lược quân sự, nước nào kiểm soát được Biển Đông thì nước đó về cơ bản sẽ kiểm soát được quần đảo và bán đảo Đông Nam Á, đồng thời sẽ đóng vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Hơn nữa, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng gia tăng, cùng khoảng 50% lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông, là con đường yết hầu của tuyến đường vận chuyển trên biển của thế giới. Mỹ là nước thương mại lớn nhất trên thế giới, có trên 90% hoạt động thương mại cần phải vận chuyển trên biển, trong đó có 45% hoạt động thương mại trên biển phải đi qua Biển Đông. Do vị trí chiến lược của vùng biển này, Mỹ tất yếu muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Đây là vấn đề xuyên suốt từ thời Tổng thống Obama đến Tổng thống Trump.

Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mỹ cho rằng, trong tương lai nước có nhiều khả năng thách thức bá quyền của Mỹ nhất trên phương diện sức mạnh biển chính là Trung Quốc. Cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa hai nước khó có thể tránh khỏi do ảnh hưởng về quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc đang trở thành một yếu tố quyết định đối với môi trường chiến lược ở châu Á và an ninh toàn cầu. Dù bằng phương thức hợp tác, Mỹ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được khả năng cạnh tranh và xung đột mang tính tiêu cực với Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thông qua nhiều biện pháp, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được ví như một sàn đấu quan trọng mà Mỹ đã nhằm tới. Những năm gần đây quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Philipines, Việt Nam căng thẳng do Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền và hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được Mỹ xem là cơ hội để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sự cạnh tranh và quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực từ trước đến nay đều được xem là chất kết dính để Mỹ xây dựng mối liên hệ phòng vệ ở khu vực, tạo cho Mỹ có được lý do chính đáng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước khu vực đồng thời ngăn chặn được sự hợp tác giữa các quốc gia này với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong tình hình an ninh khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vì vậy, việc đứng về phía các nước đồng minh trong tranh chấp Biển Đông sẽ giúp duy trì uy tín của Mỹ đối với một số nước đồng minh của mình, củng cố hệ thống liên minh mà Mỹ đã xây dựng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thông qua việc ủng hộ một số nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ xây dựng vành đai bao vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc ở ven Biển Đông giúp làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, từ đó giành thế chủ động trong cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một con bài chiến lược nữa sau vấn đề Đài Loan của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy, thông qua can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Mỹ có thể giành được nhiều lá bài chiến lược hơn trong cuộc đấu trí với Trung Quốc.

- Can dự vấn đề Biển Đông là con đường ngắn nhất để Mỹ khẳng định vai trò nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Obama sau khi lên nắm quyền phải đối mặt với ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực. Theo đó, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược toàn cầu, tuyên bố trở lại châu Á - Thái Bình Dương, tức tái cân bằng lực lượng chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm đối phó với những thách thức do việc Trung Quốc trỗi dậy mang lại. Dưới thời Tổng thống Obama vấn đề Biển Đông đã được xem đề cao thông qua các vấn đề hiện diện và hợp tác với các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện vai trò của Mỹ trong việc trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác Mỹ còn tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho đến trước năm 2020 Mỹ sẽ chuyển trọng tâm bố trí lực lượng hải quân sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch trọng tâm chiến lược quốc gia sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo kế hoạch 60% số lượng tàu của hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng hải quân Mỹ vào năm 2020 có mặt ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang triển khai những hành động cụ thể về tuần tra chung trên biển với một số nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan[7].

Chính quyền Obama coi vấn đề Biển Đông là trọng tâm trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương (rebalancing), lợi dụng cơ hội căng thẳng ở Biển Đông xảy ra thường xuyên để thể hiện chính sách tích cực hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây, không ngừng đẩy mạnh quan hệ đồng minh quân sự và mối liên hệ chính trị kinh tế của Mỹ với các nước đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hòng mượn vấn đề Biển Đông để nâng cao địa vị ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Biện pháp này của Mỹ đúng lúc trùng hợp với nhu cầu của một số quốc gia đang muốn đưa tạo thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc, khiến cho chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ có được sự phối hợp và hưởng ứng với mức độ nhất định của các nước trong khu vực.

Quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông

Sau chiến tranh lạnh, quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông đã có sự thay đổi từ trung lập, không can dự đến can dự nhưng không lún sâu. Những năm gần đây, tư tưởng can thiệp trong tranh luận về chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng mạnh lên, khiến xuất hiện một số tư duy mới và chiều hướng mới đáng quan tâm trong chính giới của Mỹ, đó là nhằm thay đổi chính sách Biển Đông hiện hành của Mỹ để phù hợp với tình hình của khu vực Biển Đông.

Trong chính sách đối với Biển Đông của mình, Mỹ về căn bản chú trọng tới các khía cạnh ngoại giao, xong xét toàn diện mọi chuyện lại không đơn thuần như vậy. Ngoài cách tiếp cận về ngoại giao, Mỹ cũng chú trọng tập trung tiếp cận về mặt quân sự, và trong tương lai là cả về mặt thương mại. Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN - như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei - và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Washington còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines. Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Washington đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore. Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines. Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Không quân Philippines (AFP), với mục tiêu triển khai một lực lượng phòng thủ có đủ năng lực.

Tháng 8/2009, ông Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khi tới thăm Việt Nam đã nói: Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, cũng như tuyên bố chủ quyền và thách thức vai trò hải quân Mỹ ở Biển Đông. Về vai trò của Mỹ ở khu vực này, tình hình ở Biển Đông không đơn giản chỉ là vấn đề đối trọng về hải quân giữa nước này với nước khác, mà là sự cần thiết của Mỹ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy[8]. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo ở Biển Đông, Mỹ tuy tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào và nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được thông suốt, nhưng lập trường nghiêng về Philippines và các nước khác của Mỹ là đã rõ ràng.

Với quan điểm như trên, Mỹ đã đưa ra sách lược về Biển Đông như sau: Thứ nhất là thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai là phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. Thứ ba là chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.

Phương thức can dự vào vấn đề Biển Đông của Mỹ

Can dự vào vấn đề Biển Đông là chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi và được tiếp tục dưới chính quyền Tổng thống Trump. Chính sách này gồm những thành tố sau:

- Tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Biểu hiện sinh động nhất của vấn đề này là tăng cường bố trí quân sự ở xung quanh Biển Đông, tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp với các đồng minh trong khu vực, đẩy mạnh liên minh quân sự và hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nâng cao mức độ răn đe quân sự. Từ năm 2009 đến năm 2017, Chính quyền Tổng thống Obama đến Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, chẳng hạn như cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển[9] với nhiều nước: Brunei, Idonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Bên cạnh đó tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai[10] với Philippines, đồng thời đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà lan, Peru…. Trong bối cảnh hiện nay, các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Mỹ với các quốc gia ven Biển Đông nhiều về số lượng, lớn về quy mô, nâng cấp hơn về nội dung diễn tập từ bắn đạn thật, chiến thuật tổng hợp truyền thống đến chiếm đảo, bảo vệ đảo, chống tàu ngầm, tàu chiến mặt nước v.v… Các cuộc diễn tập quân sự kiểu này rõ ràng không phải nhằm để chống khủng bố mà giống như một cuộc hải chiến lớn với một nước lớn nào khác.

- Tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. Ngày 23/6/2011, trong khi hội kiến với Ngoại trưởng Philippines đang ở thăm Mỹ, bà Hillary Clinton đã bày tỏ Mỹ quan tâm đến tình hình Biển Đông, cam kết ủng hộ việc phòng vệ của Philippines, cung cấp vật tư và trang bị thỏa đáng cho Philippines theo Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ - Philippines[11] để đối kháng với Trung Quốc. Như vậy, Mỹ đã có cam kết rõ ràng với Philippines trong việc ủng hộ Philppines nâng cao năng lực phòng vệ chủ quyền biển đảo, thông qua các biện pháp cụ thể như cung cấp các trang thiết bị, vật tư thỏa đáng để góp phần nâng cao lực lượng quân sự của Philippines, nhất là đối với lực lượng hải quân. Tháng 3 năm 2011, Philippines mua của Mỹ 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton, sau khi được cải tiến đã có khả năng của tàu khu trục, nâng cao năng lực của tác chiến bảo vệ biển gần của Philippines. Ngoài ra, lực lượng Hải quân Philippines có kế hoạch đạt mua 4 tàu hộ vệ chống ngầm hạng nhẹ 2.000 tấn và đang xem xét đặt mua tàu ngầm để tăng binh lực dưới nước. Dự án được ưu tiên nhất hiện nay của Hải quân Philippines là chế tạo 2 chiếc tàu hộ vệ kiểu mới, đã có nhiều nước bày tỏ sự quan tâm đến dự án này. Theo báo cáo, Chính phủ Philippines sẽ dành khoản ngân sách 1,73 tỷ USD để mua sắm tàu chiến kiểu mới. Một dự án khác đang trong giai đoạn nghiên cứu là nâng cấp tàu tuần tra Haminton được trang bị tên lửa chống hạm, dự kiến sẽ sử dụng tên lửa Harpoon của hãng Boeing. Một khi dự án được hoàn thành thì hiệu quả tác chiến của tàu chiến lực lượng Hải quân Philippines sẽ được nâng lên rất lớn trong khu vực[12].

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm Việt Nam, trong cuộc họp báo chung của hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Việt, ông Panetta đã khẳng định: Mỹ sẽ tăng cường hợp tác trên biển với Việt Nam và nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết bảo vệ hòa bình, phồn vinh và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời ám chỉ rất rõ sự quan tâm của Mỹ đối với căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Mỹ có ý đồ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông để thông qua đó tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam, từ đó có thể dựa vào vị thế địa chiến lược của Việt Nam thúc đẩy chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoài việc diễn tập quân sự chung, nhóm tàu sân bay chiến đấu[13] và tàu khu trục tên lữa của Mỹ cũng thường xuyên tuần tra tại vùng Biển Đông và cạnh Biển Đông nhằm chứng tỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ, răn đe Trung Quốc. Việc duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông vừa có thể bảo vệ quyền lực biển của Mỹ, mặt khác cũng vừa thực hiện cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh, tỏ rõ ý muốn và khả năng bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 02/5/2014 - 16/7/2014, ngày 07/5/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố: "Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng." Phía Hoa Kỳ gọi đây là hành động đơn phương của Trung Quốc theo cách suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại về cách làm nguy hiểm này. Hoa Kỳ kêu gọi các bên kiềm chế, đảm bảo tự do hàng hàng hải và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế. Theo đó ngày 09/5/2014, sáu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là gây hấn, gây rắc rối đe dọa tự do thương mại toàn cầu. Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry công khai gọi hành động của Trung Quốc là khiêu khích hung hăng. Ông Kerry cũng cho rằng, Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc với việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam. Ngày 14/5/2014, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói rằng, tranh chấp Trung – Việt cần được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải thông qua hăm dọa. Mỹ kêu gọi tất cả các bên hành xử sao cho phù hợp, tự kiềm chế và giải quyết các yêu sách chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 30/5/2014, tại Hội nghị đối thoại Shangri-La 13 diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: Sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải trong khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại bởi Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý với gần trọn diện tích ở Biển Đông. Mỹ sẵn sàng can thiệp giải quyết mọi vấn đề nếu Mỹ nhận thấy Trung Quốc cố tình gây căng thẳng và tạo ra những thách thức mới."[14] Tổng thống Mỹ Obama ngày 28/5/2014, trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện quân sự West Point, bài phát biểu có đoạn viết: "Quân đội Mỹ có thể can thiệp vào Biển Đông nếu đồng minh của Mỹ bị ảnh hưởng. Mỹ không thể làm ngơ trược những gì diễn ra ngoài biên giới mình, quân sự sẽ luôn luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Những hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines và Nhật Bản là hai đồng minh của Mỹ, đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã buộc quân đội Mỹ phải sẵn sàng can thiệp."[15] Đồng thời, ông Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và cho rằng sự thông qua của cơ quan lập pháp Mỹ sẽ giúp chính quyền của ông thuận lợi hơn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề đang diễn ra ở Biển Đông cũng như kêu gọi Trung Quốc cần phải hành xử theo quy định của công ước này và ngừng ngay các hoạt động khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Ngay trước thềm chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Rex Tillerson, chính quyền Trump tuyên bố chính sách tái cân bằng hay xoay trục của Mỹ tại khu vực sẽ có công thức mới. "Xoay trục, tái cân bằng… đó là cụm từ được dùng để mô tả chính sách châu Á của chính quyền cũ. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền mới sẽ có công thức riêng", Quyền Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/3/2017. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chiến lược mới vẫn chưa được thảo luận chi tiết, thậm chí chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn sẽ tìm ra công thức riêng. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và và hàng không trên Biển Đông là vấn đề cơ bản, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không[16] và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế.

Tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp hữu quan. Một mặt, khu vực Biển Đông là địa điểm đầu tư và trao đổi thương mại quan trọng của Mỹ, ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Biển Đông là một điểm nóng ngay cả với Mỹ. Các công ty nước ngoài trong đó có Mỹ được cho phép khai thác dầu khí đã bị vướng vào tranh chấp giữa những nước tuyên bố chủ quyền[17]. Trong nhiều thập kỷ gần đây, va chạm quân sự ở biển Đông ngày càng gia tăng và liên quan tới cả lực lượng của Mỹ. Năm 1995, Trung Quốc đụng độ với Philippines tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Một vài thành viên của Quốc hội Mỹ đã đưa ra nghị quyết kêu gọi Mỹ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngày 10/5/1995, Chính quyền Clinton đã tuyên bố chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại không nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố[18]. Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (i) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (ii) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (iii) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (iv) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (v) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (vi) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ[19]. Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên.

Hiện nay hầu như các công ty dầu mỏ của Mỹ đều đã ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, từ đó thu được lợi nhuận rất lớn, cụ thể là vào ngày 16/01/2017 - Tập đoàn dầu khí ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Mỹ muốn thông qua tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này. Dưới thời Tổng thống Obama, việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác xuyên thái Bình Dương, ra sức phát triển hợp tác kinh tế đa phương với các nước ASEAN, thực chất là muốn làm yếu đi quan hệ đối tác thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Các công ty của Mỹ đã cùng với tập đoàn dầu khí của các nước Đông Nam Á tham gia khai thác dầu mỏ ở vùng biển trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc không đủ chứng cứ để đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông, bên cạnh đó chính phủ Mỹ thực chất là công nhận và ủng hộ các nước Đông Nam Á về lập trường tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Mỹ tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Nhật Bản với Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và tranh chấp ranh giới biển về việc phân chia ranh giới thềm lục địa ở đảo Senkaku/Điều Ngư và Biển Hoa Đông. Ấn Độ với Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nam Tây Tạng.[20] Hơn nữa hai nước Nhật Bản, Ấn Độ còn mâu thuẫn chiến lược tiềm tàng với Trung Quốc, hai nước này lấy lý do là bảo vệ tự do và an ninh hàng hải v.v… ngày càng can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông, xem đó là vấn đề quan trọng để đấu với Trung Quốc, mặt khác đối với Nhật Bản, Biển Đông không chỉ là con bài, mà là lợi ích thực sự. Hầu hết nguồn cung dầu lửa đến Nhật Bản đi qua khu vực.  Điểm trùng lặp lợi ích giữa Mỹ với Nhật Bản và Ấn Độ ở khu vực Biển Đông chủ yếu thể hiện ở hai giác độ cơ bản: Thứ nhất là cùng có đòi hỏi kiềm chế Trung Quốc, đều xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Thứ hai là bảo vệ sự thông suốt của tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của họ.

Mỹ cho rằng, sự xuất hiện của các lực lượng ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ ở khu vực Biển Đông giúp làm giảm tình trạng mất cân bằng trong kết cấu an ninh khu vực, Mỹ đặt Nhật Bản, Ấn Độ lên bàn cơ Biển Đông để cùng kiềm chế Trung Quốc. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, Mỹ dù muốn liên kết với Nhật Bản[21], Ấn Độ thành một khối chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Ấn Độ với tư cách là các nước châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc, động cơ và phương thức can dự vấn đề Biển Đông của hai nước này không hẳn đã đều nhất trí với Mỹ mà dựa trên lợi ích quốc gia và vai trò quan trọng của các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đối với Nhật Bản và Ấn Độ, do vậy hai quốc gia này cũng không muốn khu vực Biển Đông rơi vào vòng xoáy của sự bất ổn định.

Tác động và xu hướng can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông

Sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông có những tác động nhất định đối với khu vực và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính vì vậy, trong thời gian tới Mỹ vẫn thực hiện chính sách can dự vào Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trên phương diện cạnh tranh chiến lược.

Làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hóa, quốc tế hóa: Trước đây Trung Quốc nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua phương thức đàm phán song phương với các bên tranh chấp, nhằm kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Chủ trương này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trên thực địa, do vậy Trung Quốc dựa vào chủ trương này để từng bước thay đổi nguyên trạng trên quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Tuy thế, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ trên thực tế đã khiến cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, tạo ra khó khăn đối với ý đồ với Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Một phương diện quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay là chủ trương sử dụng cách tiếp cận đa phương để quản lý và giải quyết tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chính sách này nhìn bên ngoài nhằm bảo vệ hòa bình ở khu vực Biển Đông, nhưng cơ bản là ủng hộ nguyên trạng ở Biển Đông.

Sự can dự của Mỹ phần nào giúp kiềm chế các tham vọng biển của Trung Quốc, đồng thời tạo ra thế cân bằng lực lượng, hỗ trợ các bên yêu sách yếu hơn Trung Quốc. Sự cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh và việc hợp tác quân sự của Mỹ với các đối tác ở Đông Nam Á giúp các nước này gia tăng sức mạnh quân sự để phòng thủ, tự vệ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông phần nào đó đã góp phần hạn chế những âm mưu và hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo đá ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh hiện nay.

Gia tăng cọ xát giữa Trung Quốc và Mỹ: Do sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông trở thành một điểm xung đột mới trong quan hệ Trung - Mỹ. Trên cơ sở xem xét những tính toán về địa chiến lược của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương, hiện nay và trong thời gian tới Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông, an ninh ở khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng với sự can dự tích cực của Mỹ, Biển Đông và các khu vực cạnh Biển Đông đã trở thành khu vực có các hoạt động diễn tập quân sự dày đặc nhất và liên tục nhất trên thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Cùng với những xu hướng diễn biến của tình thế, Biển Đông hoàn toàn có thể trở thành một trở ngại cho sự phát triển quan hệ Trung - Mỹ giống như vấn đề Đài Loan.

Dười thời Tổng thống Obama đã bắt đầu thực thi chính sách Biển Đông tích cực hơn với nhiều biện pháp cứng rắn và đồng bộ. Sự hiện diện quân sự ngày càng mạnh mẽ hơn của Mỹ ở khu vực Biển Đông cùng với những hoạt động do thám và diễn tập quân sự hỗn hợp ngày cầng dày đặc hơn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông, không nghi ngờ gì đã làm tăng thêm rủi ro xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này, đồng thời cũng phủ một bóng đen lên quá trình xây dựng lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Trump vấn đề Biển Đông vẫn là nội dung quan trọng trong chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Ngày 18/2/2017, nhóm tàu sân bay tiến công Carl Vinson có căn cứ tại San Diego đã lên đường đi tới Biển Đông, bắt đầu một nhiệm vụ tuần tra, khiến Bắc Kinh như thường lệ, đưa ra khiếu nại rằng các quốc gia liên quan đã đe doạ và phá hoại chủ quyền của mình. Điều này trùng hợp với thông tin rằng, các chỉ huy hàng đầu trong Bộ Tư lệnh Hải quân và Hạm đội Thái Bình Dương đã thúc giục Tổng thống Trump chấp thuận việc đưa ra những thách thức mới đối với yêu sách của Trung Quốc ở đó. Trong các cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản vào tháng 2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã bác bỏ cơ bản sự bành trướng biển của Trung Quốc. Tướng Mattis đã chỉ ra một cách cụ thể về việc Washington sẽ tăng cường tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Thêm vào đó, với những nhân vật diều hâu trong chính quyền của Trump, đặc biệt là Peter Navarro và Steve Bannon, những người luôn coi chiến tranh với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi - thì dường như ngày càng có nhiều khả năng sẽ có một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối của Mỹ đối với Biển Đông[22]. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/2/2017 đã chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và tỏ ý cho thấy Mỹ có thể sẽ hành động khác chính quyền Obama đối với Bắc Kinh về vấn đề này[23].

Chủ nhân Nhà Trắng, người thường xuyên cam kết đối phó Trung Quốc trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama đã để Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Điều này đã không xảy ra dưới thời chính quyền Trump. Nó xảy ra dưới thời chính quyền Obama. Nhiều việc đã xảy ra mà lẽ ra không nên được cho phép, ông Trump nói. Tổng thống Trump nói tiếp: một trong số đó là việc xây dựng một tổ hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông. Đây là điều đã xảy ra và được bắt đầu cách đây 3 năm, và quý vị đã ở vào vị thế thương thảo tốt hơn vào thời điểm đó. Tổng thống Trump đã nói tôi không vui với điều đó, Trung Quốc đã xây dựng tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông trong nhiều năm nhằm nỗ lực đẩy mạnh quân sự hóa để giành lợi thế trong cuộc tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam[24].

Khiến cho kết cấu và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc: Trên bàn cờ địa chiến lược này ở Biển Đông, các nước khác nhau cạnh tranh, kiềm chế nhau, hoặc hợp tác hoặc xung đột với nhau để mưu cầu lợi ích địa lý của họ, từ đó hình thành kết cấu địa chính trị và trật tự địa chính trị như hiện nay ở Biển Đông. Một mục tiêu quan trọng mà Mỹ can dự vấn đề Biển Đông chính là muốn ngăn chặn Trung Quốc giành quyền chủ đạo Biển Đông, duy trì thế cân bằng sức mạnh ở khu vực này, định hình kết cấu và trật tự địa chính trị ở Biển Đông theo hướng có lợi cho chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Sự can dự của Mỹ và các thế lực ngoài khu vực khác nhau phần nào giúp các nước trong khu vực tự tin hơn để đối phó với Trung Quốc. Theo đó, tranh chấp Biển Đông có khả năng diễn biến thành tranh cãi ngoại giao, xung đột chính trị, thậm chí đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với một số nước của ASEAN. Như vậy, kết cục và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Xu hướng can dự vào Biển Đông của Mỹ

Việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông không đơn thuần xuất phát quan tâm đến hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, mà chủ yếu là xuất phát từ toan tính tổng thể về địa chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm phục vụ cho chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của nước này. Theo quan điểm của Mỹ, trong thời gian tới Trung Quốc sẽ là lực lượng chính làm thay đổi kết cấu địa chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, do vậy, việc đề phòng và ngăn chặn Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông là để phục vụ cho mục tiêu này. Trước khi mục tiêu nói trên bị thất bại hoặc không thể khả thi, ít khả năng Mỹ thay đổi cách tiếp cận này đối với vấn đề Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và các khu vực lân cận, đẩy mạnh quan hệ kinh tế và quân sự với các nước Đông Nam Á.

Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm và can dự vào vấn đề Biển Đông, nhưng đồng thời cũng phải thấy được giới hạn và trở ngại mà Mỹ phải đối mặt khi can dự vào khu vực này. Giới hạn và trở ngại trước hết đến từ tình hình thực tế của bản thân nước Mỹ, vai trò của ASEAN, và ảnh hưởng của Trung Quốc. Vị thế của Mỹ ở Biển Đông đứng trước nhiều thách thức. Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm. Xu thế suy thoái của Mỹ đã rõ, chiến lược toàn cầu của Mỹ bắt đầu thu hẹp. Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của mình. Mỹ sẽ không áp dụng biện pháp này đến mức vượt quá mục tiêu. Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ.

Còn đối với các nước ASEAN như Philippines, Indonesia mục tiêu là đẩy mạnh chiến lược cân bằng nước lớn, chứ không muốn khu vực này trở thành chiến trường để các nước lớn ngoài khu vực tranh giành lợi ích địa chính trị, cũng sẽ không muốn đi với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Philippines đưa thế lực ngoài khu vực như Mỹ vào vấn đề Biển Đông nhằm cân bằng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này. Nhằm tăng cường bảo vệ các đảo xa bờ, Philippines cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự phía Tây đảo Palawan. Động thái này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động để khẳng định những yêu sách đơn phương áp đặt trên Biển Đông. Trong tháng 4/2017, Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng 10 năm (EDCA), cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận các cơ sở của các lực lượng vũ trang Philippines. Nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh chiến lược với Philippines cũng như phô diễn sức mạnh của mình trong chính sách can dự vào Biển Đông, ngày 08/5/2017, Mỹ và Philippines đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung với tên gọi là Balikatan - vai kề vai thường niên. Tham gia cuộc diễn tập có khoảng 6.000 binh lính, trong đó có 2.800 binh sĩ của Philippines và 2.600 binh lính của Mỹ, Nhật Bản và Australia[25].

Thực tế là Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung quan trọng, hai nước lệ thuộc lẫn nhau cao độ về mặt kinh tế nên sẽ tránh đối đầu toàn diện chỉ vì vấn đề Biển Đông. Vấn đề Biển Đông tuy quan trọng nhưng trong đại cục quan hệ Trung – Mỹ nhưng chỉ là thứ yếu so với lợi ích hợp tác thương mại toàn diện giữa hai nước. Mặc dù sự can dự của Mỹ làm phức tạp thêm tranh chấp, nhưng khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều. Trong tương lai Mỹ tiếp tục can dự của Mỹ vào Biển Đông nhưng sẽ có giới hạn và mang tính lựa chọn.

Tuy nhiên, do tầm quan trọng của tự do đi lại trên biển đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, có thể dự báo, lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông trong tương lai không thể mềm dẻo hơn. Theo đó, chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn. Nếu căng thẳng Mỹ Trung gia tăng liên quan đến các vấn đề thương mại đồng nhân dân tệ, an ninh mạng, thông tin tình báo v.v… Mỹ sẽ phải sử dụng các hoạt động trên Biển Đông để ép Trung Quốc phải thỏa hiệp. Biển Đông có thể sẽ trở thành con bài mặc cả giữa hai nước trong thời gian tới.[26]

Kết luận

Tựu trung lại chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là rất linh hoạt, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể để thỏa hiệp hay kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ hướng vào đảm bảo sự thịnh vượng của kinh tế nước Mỹ, đồng thời chính sách biển Đông của Mỹ cũng đã được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên lợi ích quốc gia thực sự của nước Mỹ. Với thái độ thực dụng, bộ máy chính quyền Tổng thống Trump sẽ tính toán cụ thể vấn đề Biển Đông ở tầm cao chiến lược, bởi Mỹ rất xem trọng khu vực Biển Đông.

Đối với Mỹ triển khai chiến lược quân sự, duy trì vị thế quân sự áp đảo, đảm bảo ổn định không gian quân sự ở khu vực, duy trì sự ổn định của hệ thống đồng minh và quan hệ với các đối tác chiến lược, duy trì quyền lực thiết lập và kiểm soát các tuyến hàng hải sẽ vấn là quan trọng nhất trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ sẽ không quá chú trọng đối đầu địa - chính trị với Trung Quốc ở khu vực, tuy nhiên Mỹ sẽ dùng vấn đề Biển Đông như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Đây có thể là con bài để Tổng thống Trump đàm phán với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế thương mại. Do đó Mỹ không những không rút quân khỏi Philippines, Singapore, không hủy bỏ các hoạt động quân sự chung với các đồng minh ở khu vực mà còn tăng cường quan hệ với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam./.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh công tác tại Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Nguyễn Thanh Minh (2017), “Chính sách hiện đại hóa lực lượng hải quân của một số nước Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1.

2. Nguyễn Thanh Minh (2017), “Xây dựng lòng tin góp phần làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, Tạp chí Cảnh sát biển, số 4.

3. Nguyễn Hồng Quân (2017), “Cuộc gặp giữa người đứng đầu hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc và một số tác động”, Tạp chí khoa học quân sự, số 08/2017.

4. Vũ Văn Khanh (2017), “Hành động quân sự của Tổng thống Donald Trump trong 100 ngày đầu tiên và tác động đến quan hệ các nước”, Tạp chí khoa học quân sự, số 08/2017.

5. “Chiến lược tái cân bằng của Mỹ và tranh chấp Biển Đông”, Tuổi trẻ, 16/9/2012,

6. Minh Thu, “Căng thẳng Biển Đông, đẩy chiến tranh Mỹ - Trung đến gần hơn”, Báo Mới, 03/6/2014. Truy cập tại http://www.baomoi.com/cang-thang-bien-dong-day-chien-tranh-my-trung-den-gan-hon/c/13966674.epi

7. “Biển Đông trong bàn cờ châu Á - Thái Bình Dương”, Báo đời sống và pháp luật, 02/5/2014. Truy cập tại http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/binh-luan/bien-dong-trong-ban-co-chau-a-thai-binh-duong-a31373.html

8. “Chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương gặp nhiều hỏa mù hơn”, TTXVN, 31/01/2014.

9. “Hiện trạng, động cơ và xu hướng Mỹ can thiệp vào Biển Đông”, TTXVN, 30/5/2014.

10. Iona Craig, “Death in Al Ghayil”, The Intercept, 9/3/2017.

11. Carl Thayer, “Vietnam’s Extensive Strategic Partnership with Japan”, The Diplomat, 14/10/2014. Truy cập tại http://thediplomat.com/2014/10/vietnams-extensive-strategic-partnership-with-japan/

12. Nan Li, “The Evolution of China’s Naval Strategy and Capbilities: From ‘Near Coast and’ and ‘Near Seas’ to ‘Far Seas’”, Asian Security, Vol 5, No.2 (May 2009).

13. “China and Industrial Espionage Cyber Style Against Vietnam,” Thayer Consultancy Background Brief, August 24, 2017. Truy cập tại https://www.scribd.com/document/357298513/Thayer-Cambodia-U-S-Relations-Trust-in-Democracy-Deficit

14. “South China Sea: Pros and Cons of ASEAN’s Code of Conduct,” Thayer Consultancy Background Brief, August 15, 2017. Truy cập tại https://www.scribd.com/document/356396369/Thayer-South-China-Sea-Pros-and-Cons-of-ASEAN-s-Code-of-Conduct

15.  “ASEAN at 50: Still a Work in Progress,” Thayer Consultancy Background Brief, August 17, 2017. Truy cập tại https://www.scribd.com/document/356572730/Thayer-ASEAN-at-50-Still-a-Work-in-Progress



[1] Hệ thống công trình quân sự như cầu cảng, sân bay, đê chắn sóng, trạm ra đa, nhà ở cho quân đồn trú, ụ pháo và bệ tên lữa HQ-9.

[2] Duy Linh, "Trung Quốc học Mỹ trở thành cường quốc biển", Tuổi trẻ, 14/07/2017. Truy cập tại: http://tuoitre.vn/trung-quoc-dang-hoc-my-tro-thanh-cuong-quoc-bien-1351885.htm (Ngày 28/6/2017).

[3] Biển Đông-Thái Bình Dương.

[4] Biển Tây Sulawesi-Biển Java, Biển Banda.

[5] Biển Java-Ấn Độ Dương.

[6] Biển Đông-Biển Andaman.

[7]Mỹ kêu gọi các nước Đông Nam Á phối hợp tuần tra Biển Đông”, Nhật báo văn hóa, 19/3/2015. Truy cập tại https://nhatbaovanhoa.com/p186a2260/10/my-keu-goi-cac-nuoc-dong-nam-a-phoi-hop-tuan-tra-bien-dong (Ngày 7/9/2017)

[8] “Mỹ với Việt Nam- Đông Nam Á”, Báo Mới, 12/8/2011. Truy cập tại http://www.baomoi.com/my-voi-viet-nam-dong-nam-a/c/3105105.epi (Ngày 29/8/2011)

[9] Cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển gọi tắt là CARAT: Diễn tập CARAT được tổ chức lần đầu tiên tại Philippines từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 28 tháng 5 năm 2009. Đây là cuộc diễn tập song phương thường niên thể hiện mối quan hệ lâu dài giữa Hải quân Philippines và Hải quân Mỹ.

[10] Tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai với Philippines -Bakilanta.

[11] Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ - Philippines được ký năm 2014: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ tại Thủ đô Manila của Philippines Goldberg ký hiệp ước quốc phòng 10 năm, được xem như một yếu tố trong nỗ lực tập trung quân sự và kinh tế hơn nữa ở châu Á của Tổng thống Obama, AFP cho hay. Thỏa thuận vừa công bố mang tính chất khuôn khổ, còn các vấn đề cụ thể như số lượng binh sĩ cũng như thời gian cụ thể, sẽ được thảo luận và thông báo sau.

[12] Xem thêm: Nguyễn Thanh Minh, Chính sách hiện đại hóa lực lượng hải quân của một số nước Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 1, 2017.

[13] Nhóm tàu sân bay chiến đấu viết tắt là CVBG: Cụm tàu sân bay tiến công CVBG (Carrier battle group). Tàu sân bay là một loại tàu chiến hoạt động như một căn cứ không quân trên biển nhằm triển khai và thu hồi máy bay. Tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh trung tâm trong các hạm đội hải quân của các cường quốc. Tuy nhiên, do kích thước to lớn và khả năng kém linh hoạt nên bản thân tàu sân bay rất dễ bị tấn công bởi các tàu chiến, máy bay, tàu ngầm và tên lửa của đối phương từ đất liền, trên không, trên biển và dưới nước. Trong điều kiện thời bình cũng như thời chiến, các tàu sân bay được xác định là kỳ hạm. Là biểu tượng sức mạnh hải quân hay pháo đài di động trên biển nhưng vì quá đồ sộ nên tàu sân bay Mỹ cũng dễ bị tấn công. Vì thế, tàu sân bay mỗi khi di chuyển đều được hộ tống bởi một đội hình tiến công gồm nhiều loại tàu chiến khác trong một hạm đội nhằm bảo vệ chiếc tàu to lớn đó, cung cấp hậu cần và tăng khả năng phòng thủ, tấn công. Tàu sân bay và các tàu đi cùng được gọi là biên đội tàu sân bay, nhóm tàu sân bay hay cụm tàu sân bay tiến công CVBG (Carrier battle group). Trong biên chế của CVBG, ngoài tàu sân bay còn có trong biên chế là: 1-2 tàu tuần dương tên lửa (Ticonderoga class), 2-4 tàu khu trục tên lửa (Arleigh Burke), 2-6 tàu hộ vệ tên lửa hoặc hơn nữa tùy theo mức độ căng thẳng của nhiệm vụ, 2-3 tàu hậu cần kỹ thuật, các tàu quét thủy lôi, tàu phụ trợ khác và từ 1-3 tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm (Los Angeles class). Hệ thống phòng không của cụm không quân hải quân chủ lực CVBG do các chiến hạm tên lửa đảm nhiệm, được trang bị hệ thống tên lửa phòng không RIM-66C Standart SM-2 MR, RIM-67B Standart SM-2 ER RIM-161 Standart (SM-3) là hệ thống tên lửa trên các chiến hạm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, là thành phần của hệ thống Aegis phòng thủ tên lửa. Hệ thống tên lửa chống tàu, tên lửa hải đối đất là các tổ hợp tên lửa hành trình Tomahawk được lắp đặt trên các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm lớp Los Angenes. Cụm không quân Hải quân chủ lực trong hình thái chiến lược chiến dịch là lực lượng cơ động viễn chinh nhằm mục đích can thiệp quân sự và ứng phó những tình huống khẩn cấp, khi lợi ích của nước Mỹ có nguy cơ bị đe dọa, trong điều kiện thời bình thường được coi là công cụ răn đe cấp chiến lược với những khu vực đang phát triển. Trong điều kiện thời chiến, cụm CVBG có thể thực hiện 2 hình thái sử dụng vũ trang chiến lược chiến dịch như: Tiến công các mục tiêu trên đất liền bằng máy bay và tên lửa hành trình Tomahawk và yểm trợ hỏa lực cho lực lượng đồng minh theo yêu cầu, đồng thời thực hiện các nhiêm vụ tác chiến trên biển lớn và tấn công các mục tiêu ven biển. Trong điều kiện chiến tranh, CVBG phải tác chiến chống lại các nguy cơ bị tấn công ngoài biển khơi, các lực lượng đối thủ tiềm năng của CVBG trong chiến tranh sẽ là các lực lượng không quân đối phương, các cụm chiến hạm nổi và tàu ngầm. Trên thực tế, các nước có khả năng tấn công các CVBG không nhiều, chỉ có lực lượng hải quân Nga và lực lượng hải quân Trung Quốc là có khả năng tiến công trực tiếp các cụm CVBG của Mỹ, các lực lượng quân sự của các nước khác không phải đồng minh Mỹ chỉ có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh phi đối xứng để công kích với các đòn đánh nhỏ lẻ nhằm vào cụm binh lực hùng hậu đã nêu.Tùy vào yêu cầu chiến trường mà các tàu sân bay đổ bộ, tàu đổ bộ tăng, tàu chở quân sẽ đi cùng với cụm tàu tác chiến.

[14] Trích bài phát biểu của Bộ trưởng  Quốc phòng Mỹ tại Hội nghị đối thoại Shangri-La 13 diễn ra tại Singapore ngày 30/5/2014.

[15] Trích bài phát biểu của Tổng thống Obama ngày 28/5/2014 tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện quân sự West Point.

[16] Thực tế cho thấy, cho đến thời điểm năm 2016, hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế chưa có quy định về vùng nhận diện phòng không, nhưng trong thực tiễn đời sống quốc tế ở một số khu vực và thời điểm lịch sử nhất định đã có tuyên bố về vùng nhận diện phòng không.

[17] Regional Conflict and Resolution,” Country Analysis Briefs  tháng 3/2008. Truy cập tại http://eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/RegionalConflictandResolution.html

[18] Shirley Kan, “U.S.-China Military Contacts: Issues for Congress,” CRS Report for Congress, 5/10/2005.

[19] Ralph A. Cossa, Brad Glosserman, Michael A. McDevitt, Nirav Patel, James Przystup, Brad Roberts, “The United States and the Asia-Pacific Region: Security Strategy for the Obama Administration”, Tháng 2/2009, pp.10, 15.

[20] Nam Tây Tạng hay còn gọi là Nam Tạng.

[21] Xem thêm: Yoji Koda, “Quan điểm và lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông”, Nghiên cứu Biển Đông, 8/4/2016. Truy cập tại  http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/5778-quan-diem-va-loi-ich-cua-nhat-ban-o-bien-dong

[22] Hà Khoa, “Tổng thống Trump bắt đầu lội vào Biển Đông”, VietTimes, 14/3/2017. Truy cập tại http://viettimes.vn/tong-thong-trump-bat-dau-loi-vao-bien-dong-113171.html

 (Ngày 28/8/2017)

[23]Trùng Quang, “Ông Trump tuyên bố không thích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”, Thanh niên, 24/02/2017. Truy cập tại http://thanhnien.vn/the-gioi/ong-trump-tuyen-bo-khong-thich-hanh-dong-cua-trung-quoc-o-bien-dong-794856.html.

[24] Trùng Quang, “Ông Trump tuyên bố không thích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”, Thanh niên, 24/02/2017. Truy cập tại http://thanhnien.vn/the-gioi/ong-trump-tuyen-bo-khong-thich-hanh-dong-cua-trung-quoc-o-bien-dong-794856.html

.

[25] Hạ Nhi, “Philippines, Mỹ bắt đầu tập trận chung”, Báo Quốc tế, 8/5/2017. Truy cập tại http://baoquocte.vn/philippines-my-bat-dau-tap-tran-chung-48760.html

. (Ngày 11/9/2017).

[26] Nguyễn Hồng Quân, “Cuộc gặp giữa người đứng đầu hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc và một số tác động”, Tạp chí khoa học quân sự, số 08/2017.