Tháng 5/2014, Tướng Prayut Chan-ocha đã giành lấy quyền lực từ chính phủ được bầu một cách dân chủ của bà Yingluck Shinawatra, sau đó hứa hẹn đưa đất nước trở lại thời kỳ thịnh vượng. Thế nhưng ông và chính quyền quân sự đã cho thấy họ hoàn toàn không thể vượt qua được thách thức là nền kinh tế Thái Lan đang trên đà đi xuống. Kinh tế Thái Lan tiếp tục suy giảm, các quyền của người dân cũng bị xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn dưới chính quyền quân sự.

Kể từ khi ông Prayut lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, thu nhập ở khu vực nông thôn và kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đều giảm mạnh và chính quyền quân sự của Tướng Prayut đã cố trì hoãn việc phá giá đồng baht, điều cần thiết trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ lao dốc. Trong năm 2014, nước này đã không đạt mục tiêu tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 38,7% trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu giảm khoảng 5% trong khi cho vay tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Tướng Prayut hiện đang tìm kiếm một "hình nhân thế mạng" để người Thái Lan không bận tâm nữa về thực tế cuộc sống đang ngày một khó khăn.

Đầu tháng 9/2015, Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra đã bị buộc phải ra Tòa án Tối cao để trả lời cáo buộc về tội tham nhũng liên quan đến chương trình thu mua lúa gạo. Theo chương trình mang tính dân túy gây tranh cãi này, nông dân Thái Lan đã được trả mức giá lúa cao hơn thị trường và việc này khiến chính phủ phải gánh lấy hậu quả là hàng triệu tấn gạo không thể bán được. Chương trình này đã bị cáo buộc là có dấu vết của tham nhũng, lừa đảo và lạm dụng công quỹ. Giờ đây, bà Yingluck được yêu cầu phải bỏ tiền túi bồi thường hàng chục tỷ baht cho những thất thoát công quỹ.

Trong khi chính quyền quân sự cố gắng biến phiên tòa thành một phần trong cái gọi là nỗ lực của họ nhằm loại trừ tham nhũng và lạm quyền của chính phủ, chiến dịch chống lại các chương trình kinh tế của gia tộc Shinawatra (vốn được nông dân Thái Lan nhìn nhận là rất thành công) dường như thực sự là việc đánh lạc hướng dư luận khỏi các thất bại của chế độ Prayut bằng cách cáo buộc chính phủ bị lật đổ là tham nhũng và chi tiêu công quỹ không thích đáng. Cách nói "buộc họ bồi thường" có thể hiệu quả trong một giai đoạn ngắn, nhưng về lâu dài cách này không thể khiến người Thái Lan quên đi sự thực là mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền quân sự của Tướng Prayut.

Giải pháp của Tướng Prayut cho các "khuyết tật" kinh tế vốn bị đổ lỗi là do bà Yingluck gây ra dường như lại là bản sao của chính những chính sách của chính phủ bị lật đổ với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ và các chính sách kích thích kinh tế khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn hơn. Việc nhấn mạnh vào sự thay đổi lại được thể hiện qua quyết định của ông Prayut bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Somkid Jatusripitak dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào vị trí điều phối các chính sách kinh tế của chế độ mới.

Học theo Bắc Kinh, chính quyền quân sự khi lên "nhậm chức" năm 2014 đã đưa ra một chương trình với số tiền lên tới 75 tỷ USD để xây dựng đường bộ và đường sắt. Dù trên giấy tờ có vẻ rất ấn tượng, nhưng chương trình này không giúp giải quyết được các vấn đề then chốt của nền kinh tế Thái Lan. Ông Somkid đã ngay lập tức thay đổi sách lược và đưa ra hai gói kích thích kinh tế, một gói cung cấp tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - khoảng 5,8 tỷ USD bên cạnh một gói 4 tỷ USD cung cấp các khoản vay không tính lãi cho các cá nhân thu nhập thấp và đầu tư cho các công trình công cộng cũng như các dự án ở vùng nông thôn.

Dù chính quyền quân sự đang ra sức bôi xấu gia tộc Shinawatra, nhưng việc ông Prayut không có được các ý tưởng mới mà chỉ biết phê phán những người tiền nhiệm đã khiến GDP của Thái Lan suy giảm. Một điều nực cười là giờ đây chính những người mà ông Prayut chỉ trích lại đang cầm chịch để cố gắng đảo ngược những bất ổn kinh tế vốn do cuộc đảo chính gây ra.

Tuy nhiên, có một sự lý giải cho cách hành xử có vẻ là phi lý của ông Prayut. Việc bổ nhiệm ông Somkid là người đứng đầu về kinh tế khiến "bước lùi" trở nên dễ dàng hơn nhiều: Nếu các chính sách của ông Somkid bị thất bại, Tướng Prayut có thể đảo ngược lại thế cờ và đưa ông này ra tòa (quân sự hay tòa án nào đó) và đổ lỗi hoàn toàn cho những người trung thành với gia tộc Shinawatra về các khó khăn kinh tế.

Vào giữa tháng 9/2015, lần thứ tư Thủ tướng Prayut đã dời ngày tổ chức cuộc bầu cử dân chủ sau khi dự thảo hiến pháp bị Hội đồng quân sự bác bỏ. Chính quyền quân sự đã đưa ra một lộ trình 6-4-6-4 để đi đến nền dân chủ, theo đó họ sẽ kéo dài thời gian cầm quyền đến ít nhất là năm 2017. Sự trì hoãn này cho thấy ông Prayut vẫn chưa nghiêm túc trong việc đưa Thái Lan trở lại với nền dân chủ và vẫn tin rằng ông cùng các chiến hữu sẽ bằng cách nào đó cứu vãn đất nước khỏi những sự lạm dụng dân chủ dưới thời bà Yingluck Shinawatra.

Chính phủ Prayut dường như không quan tâm đến mối nguy hại của các chính sách kinh tế dân túy và sự chuyên quyền. Trước khi Tướng Prayut chấp nhập một sự chuyển đổi sang nền dân chủ, kinh tế Thái Lan sẽ tiếp tục đi xuống, khách du lịch và giới đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tránh xa và chính quyền quân sự sẽ nhanh chóng hết kẻ thù để đổ lỗi cho những thất bại của họ. Đã đến lúc Tướng Prayut và các chiến hữu phải thừa nhận họ không biết gì về điều hành nhà nước hay kinh tế học để có thể tiến tới quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ đã bị trì hoãn quá lâu và rất được mong chờ.

Theo "The Diplomat"

Anh Thư (gt)