Ít có vùng lãnh thổ nào được nhiều người nước khác tranh giành như Đài Loan, dù các nước đó ở xa hay ở gần hay có nền văn hóa khác nhau. Đó là người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản và gián tiếp là Mỹ. Hơn bao giờ hết, đây vẫn luôn là vùng đất được người khác thèm muốn. Ngoài các tác nhân thuở xa xưa - người Trung Quốc thuộc Đại Lục của các triều đình nhà Minh và Thanh, người Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản và thuộc Quốc dân đảng, người bản xứ của Đài Loan, người Nhật Bản luôn rình rập - còn có Mỹ, nước chiến thắng ở Thái Bình Dương, người bảo đảm miễn cưỡng, nếu không muốn nói là được chấp nhận, cho an ninh của vùng đất này. 

Chiến lược vòng tránh của Trung Quốc 

Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn không từ bỏ chiến lược đe dọa quân sự để đề phòng nguy cơ tuyên bố độc lập, hiểu rõ rằng để thương lượng trên thế mạnh, áp lực quân sự trực tiếp quá lộ liễu sẽ không đủ nữa. Giải pháp đó thậm chí còn phản tác dụng. Họ nhận thấy sự cần thiết phải chinh phục dư luận vốn là người làm nên sức mạnh của lá phiếu và mang niềm tự hào nhân dạng của người Đài Loan. 

Vậy là Trung Quốc khởi đầu bằng việc tiếp nhận các doanh nhân đến đầu tư vào Đại Lục, vùng đất trở thành thị trường đầu tiên của các tập đoàn kinh tế lớn của Đài Loan và nơi tiếp nhận phần lớn các cơ sở sản xuất của họ chuyển từ Đài Loan sang, trong đó có một số làm gia công cho các công ty của Mỹ. Chiến lược này được thúc đẩy mạnh hơn nhờ việc ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế và thương mại vào năm 2010. Trong một thời gian rất dài, các chủ doanh nghiệp và nhân viên thương mại Đài Loan nối đuôi nhau vượt eo biển sang Trung Quốc và bắt đầu một tiến trình không thể đảo ngược được: đưa những lợi ích có sức nặng xích lại gần nhau qua hai bờ eo biển. 
Làn sóng doanh nhân Trung Quốc ngược trở lại Đài Loan cũng gia tăng từ năm 2008 thông qua các đoàn đông đảo đến thăm dò cơ hội làm ăn kinh tế ở đảo. Như vậy, việc bình thường hóa gần như đã hoàn thành vì ngày 28/6, với bước đột phá sau 60 năm nghi kỵ và hạn chế an ninh, Bắc Kinh đồng ý mỗi ngày cho 500 khách du lịch Trung Quốc đến thăm Đài Loan với tư cách cá nhân chứ không được đi theo nhóm. Điều chắc chắn là sự gia tăng trao đổi và đoàn viếng thăm đã tạo ra một mối liên hệ sống còn được Bắc Kinh chú ý tăng cường. Mối quan hệ đó là một bộ phận trong chiến lược chinh phục và vòng tránh sự nghi kỵ của người Đài Loan vốn vẫn luôn phản đối sự thống nhất (chỉ có 5% người Đài Loan muốn trở về với Bắc Kinh, trong khi 20% muốn hòn đảo được độc lập). 

Bình Đàm, một dự án khổng lồ được Bắc Kinh hỗ trợ 

Nhiều sáng kiến rất ngoạn mục nảy sinh trong môi trường không rõ ràng trên, nơi triển vọng kinh doanh không sáng sủa do sợ ý đồ được Bắc Kinh che giấu. "Dự án Bình Đàm" ra đời trong bối cảnh đó, mang tên của một hòn đảo nằm giữa một quần đảo rất gần với bờ biển Phúc Kiến, cách Phúc Châu khoảng 75 km về phía Nam. Huyện Bình Đàm, với một hệ thống điện gió rất lớn thuộc một dự án năng lượng xanh thí điểm, được đầu tư rất lớn - 38 tỷ USD từ nay đến năm 2015- và có tham vọng cạnh tranh với Hạ Môn và Thâm Quyến. Hơn thế nữa, dự án này được chính quyền tỉnh và Bắc Kinh coi như một dự án thí điểm hợp tác giữa Đài Loan và Đại Lục. 

Bà Trần Hoa, nhân vật số hai của Phúc Kiến, muốn biến khu vực nằm cách Đài Loan 150 km này thành một cơ sở phát triển kinh tế chung cho người dân Đài Loan và Phúc Kiến. Bà không bỏ qua một tính từ hay nào để nói về một dự án được nhiều Bộ ủng hộ, trong đó có các Bộ Đường sắt, Bộ Tài nguyên mỏ và Bộ Tài chính. Nhiều không gian biển được lấp đi để lấn ra biển, một chiếc cầu dài 5 km được xây trên vịnh Jingjing, một chiếc cầu khác đang được xây dựng cùng với một hệ thống cáp treo dài 25 km. Người ta còn dự kiến bổ sung một đường tàu nhanh TGV vào hệ thống xa lộ cho phép đi từ vùng này đến Phúc Châu chỉ trong 1 giờ rưỡi. 

Cái giá phải trả cho sự lệ thuộc kinh tế 

Chiến dịch chinh phục của Bắc Kinh không dừng lại ở hạ tầng. Vùng này còn có thêm dịch vụ tài chính, một sàn chứng khoán, cơ sở thuận lợi để phục vụ các ngành nghề tự do - như luật sư và thầy thuốc - miễn thuế có hệ thống và không hạn chế hành chính đối với các khoản đầu tư dưới 500 triệu USD. 

Cuối cùng, vùng này dự kiến còn được nối với bờ biển phía Tây Đài Loan bằng một tuyến tàu tốc độ nhanh chở ôtô và khách. Các con tàu cỡ lớn hai vỏ dài 97 mét và tải trọng 6.500 tấn, có thể chở tới 900 hành khách và 380 xe với tốc độ 40 hải lý/giờ. Nhờ đó, chỉ cần 3 giờ để đi từ cảng Đài Trung, nằm ở trung tâm Đài Loan, đến Bình Đàm, và cơ sở hạ tầng của cảng đang được mở rộng. 

Bộ Kinh tế Đài Loan dự báo nền kinh tế của hòn đảo tăng trưởng trung bình 4,5%/năm trong 5 năm tới và cho rằng cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc là một yếu tố thuận lợi cho việc thu hút được đầu tư nước ngoài. Sự lệ thuộc của nền kinh tế Đài Loan vào Đại Lục, với hơn 40% xuất khẩu sang Hồng Công và Trung Quốc, khiến các nhà lãnh đạo Đài Loan lo ngại. Hơn nữa, họ còn muốn ký hiệp định thương mại với các khách hàng tiềm tàng khác. Nhưng có thể sẽ xảy ra khủng hoảng nếu Bắc Kinh chọc ngang vào các dự án đó. 

Một hệ quả nữa của việc mở rộng mối quan hệ kinh tế với Đại Lục là nạn thất nghiệp ở Đài Loan lên tới 4,4%, cao gấp 2 lần so với ở Xinhgapo. Theo Chu Wan-wen, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Sinica, cơ sở khoa học nổi tiếng nhất của Đài Loan, có hai lý do để giải thích cho tình trạng trên. Từ khi lệnh cấm đầu tư vào Trung Quốc được dỡ bỏ vào năm 1991, có tới 38.685 dự án được triển khai tại Đại Lục, tạo ra 7,7 triệu việc làm ở bên kia bờ eo biển. Cùng lúc đó, Đài Loan lại không nỗ lực trong việc đưa khu vực sản xuất hướng về giá trị gia tăng lớn hơn. Vấn đề ở đây không mang tính chu kỳ mà là cơ cấu./.

  Theo Questionchine

Mỹ Anh (gt)