Đây là cuộc tập trận trên biển có quy mô lớn nhất và được diễn ra ở vùng biển xa nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949). Tham gia cuộc diễn tập lần này có các loại tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay tác chiến và tên lửa bờ biển. Quy mô và phương hướng của cuộc tập trận đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. 

Kiểm nghiệm năng lực hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng 

Trong cuộc tập trận lần này, hải quân Trung Quốc dựa vào hệ thống chỉ huy tác chiến và những trang thiết bị hiện có, chia làm hai đội quân xanh, đỏ sau đó thực hiện chiến thuật “đối đầu” ở những vùng biển đã định để tiến hành diễn tập đối kháng tự do nhằm kiểm tra toàn diện khả năng tác chiến biển xa, đồng thời huấn luyện một số nội dung phức tạp. 

Từ năm 1991 trở lại đây, Hải quân Trung Quốc từng tổ chức 5 lần diễn tập mang biệt hiệu “Cơ động”, ví dụ: hai lần diễn tập “Cơ động – 2” và “Cơ động – 3” đều diễn ra ở khu vực duyên hải Đông Nam trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở biển Đài Loan. 

Ý nghĩa thực tế của lần diễn tập “Cơ động – 5” này là giúp kiểm nghiệm và nâng cao khả năng phối hợp tác chiến của nhiều binh chủng thuộc hải quân Trung Quốc; kiểm nghiệm và nâng cao năng lực tác chiến biển xa cũng như năng lực bảo đảm hậu cần và năng lực hoạt động liên tục ở lộ trình dài; kiểm nghiệm khả năng chống trinh sát và chống quấy nhiễu trong trạng thái thực tế chiến đấu kề cận; làm sâu sắc thêm nhận thức về cơ chế tác chiến giành chiến thắng ở vùng biển xa trong điều kiện thông tin hóa. 

Ba hạm đội tàu chiến lớn đã cử các bình chủng và sử dụng vũ khí tinh nhuệ tham gia đợt tập trận. Các hạm đội xuất phát từ nhiều quân cảng khác nhau cách xa hàng nghìn km, sẽ đến các khu vực ở Thái Bình Dương trong khoảng thời gian đã định và tiến hành diễn tập đối kháng thực tế theo những nội dung khác nhau. Chưa nói về nội dung diễn tập cụ thể, chỉ riêng việc điều động các lực lượng từ nhiều nơi để cuộc diễn tập diễn ra thuận lợi như lịch trình đã có thể coi là một công việc vô vùng phức tạp. 

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ theo đuổi chiến lược “lấy đảo kiềm chế lục địa” nhằm đối phó với những cường quốc đang trỗi dậy ở đại lục Âu-Á. Từ trước đến nay, việc Mỹ và các nước đồng minh kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai đủ để kiềm chế cường quốc trên đất liền xâm nhập Thái Bình Dương trong thời bình và trong thời chiến, chỉ cần một lần hành động có thể tước bỏ việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên toàn cầu của cường quốc đại lục. Chiến lược này có thể nói là tiến lui đều thích hợp. Chuỗi đảo thứ nhất là chỉ vành đai đảo hình chuỗi mà điểm phía Bắc là quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, đảo Đài Loan; phía Nam đến Philippines, quần đảo Sunda lớn (Greater Sunda). Chuỗi đảo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chiến lược “lấy đảo kiềm chế lục địa”. Theo phân tích, trong bối cảnh kỳ vọng vào đánh giá chiến lược có thể phá vỡ vòng kìm kẹp của chuỗi đảo thứ nhất, Bắc Kinh đã quyết định tổ chức đợt diễn tập trên biển lần này. 

Kể từ năm ngoái, lập trường của Tokyo đối với vấn đề tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư vô cùng cứng rắn, thậm chí ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, lập trường của Mỹ đối với tranh chấp này chuyển từ thờ ơ sang nghiêng về phía Tokyo. Diễn biến của sự việc trên khiến Bắc Kinh không yên lòng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh quyết định tiến hành tập trận. 

Ngày 15/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Việt Nam, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã ra tuyên bố chung về “Tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt trong thời kỳ mới”, hai bên nhất trí quản lý, kiểm soát những tranh chấp trên biển một cách thiết thực cũng như không tiến hành những hoạt động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; đồng thời hai bên đã tiến hành việc nghiên cứu khai thác Biển Đông như thế nào. Xu thế này cho thấy Bắc Kinh quyết định thu hẹp tranh chấp ở biển Đông và quay sang thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những tranh chấp ở biển Hoa Đông. 

Kiểm nghiệm chiến lược hải quân mới 

Mục đích quan trọng hơn nữa của cuộc diễn tập lần này là kiểm nghiệm chiến lược hải quân mới. Việc lập ra chiến lược hải quân cần phải tuân theo chiến lược quân sự Trung Quốc, cũng có nghĩa là phương châm chiến lược quân sự cơ bản với nền tảng là môi trường chiến lược trên biển, đặc điểm tác chiến và khả năng kinh tế của đất nước, đồng thời đảm bảo đứng vững trước những nghiên cứu đánh giá về những uy hiếp mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai vốn đến từ bất kỳ nước nào cũng như những nghiên cứu đánh giá hình thức tác chiến trên biển. Chiến lược hải quân có vai trò chỉ đạo mang tính quyết định đối với nguyên tắc vận dụng chiến lược hải quân và phương châm tác chiến. Một khi được xây dựng, chiến lược hải quân sẽ là điểm tựa cho hàng loạt vấn đề quan trọng như mục tiêu xây dựng hải quân, phạm vi vùng biển tác chiến cũng như hình thức tác chiến của hải quân. 

Khi xây dựng chiến lược hải quân mới, đầu tiên cần phân chia rõ ràng phạm vi vùng biển tác chiến. Thập kỉ 50, 60 của thế kỉ trước, hải quân Trung Quốc đã đề cập tới 3 chuỗi đảo là Bán đảo Triều Tiên – Đài Loan – bán đảo Đông Dương (vùng biển gần); Nhật Bản – quần đảo Ryukyu – Philippines (vùng biển trung) và quần đảo Aleut – Guam – Australia (vùng biển xa), nếu kéo sang phía Đông sẽ là “viễn dương”. Vùng biển gần là vùng biển từ gần bờ đến cách bờ 200 hải lí, vùng biển tầm trung là vùng biển cách bờ 200 – 600 hải lí, vùng biển xa là vùng biển cách bờ hơn 600 hải lí. 

Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 trở lại đây, chiến lược của hải quân Trung Quốc là “phòng ngự gần bờ”, trọng điểm phát triển hải quân là “tàu ngầm, tàu phóng lôi cao tốc”. Năm 1985, Tư lệnh Hải quân Lưu Hoa Thanh đã chủ trì xây dựng chiến lược hải quân mới, tức là “tích cực phòng ngự, tác chiến vùng biển gần”, nên được gọi tắt là “phòng ngự vùng biển gần”; đồng thời đưa ra định nghĩa mới về “vùng biển gần”. Theo đó, vùng biển gần được tính là vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, tức là khu vực biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông và vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vùng biển nằm ngoài vùng biển gần là “vùng biển tầm trung và xa”. 

30 năm sau cải cách mở cửa, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc ngày càng được tăng cường. Trung Quốc là một cường quốc biển, có nguồn tài nguyên biển phong phú; đồng thời nước này hiện đang đẩy nhanh việc gia nhập cộng đồng quốc tế, nên cần hướng tới vùng biển tầm trung và xa. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng coi trọng khai thác, phát triển kinh tế biển, giao dịch thương mại của Trung Quốc với nước ngoài cũng đang được mở rộng nhanh chóng, vì vậy yêu cầu đặt ra đối với lực lượng hải quân là phải thoát khỏi vùng biển gần, thực thi sứ mệnh tác chiến ở vùng biển tầm trung, xa một cách độc lập. 

Xét từ mục đích đó, Bắc Kinh đã phê chuẩn chiến lược hải quân mới, nhưng chưa từng công khai thông tin trên. Có thể cho rằng chính chiến lược hải quân mới đã dẫn dắt lần diễn tập này. Bắc Kinh có thể kiểm nghiệm tính khả thi của chiến lược hải quân mới thông qua đợt diễn tập này. Việc công bố chiến lược hải quân mới đối với bên ngoài đã được miêu tả sống động. 

Nội dung chiến lược hải quân mới chưa được công bố, song phải tuân thủ chiến lược quân sự của Trung Quốc, tức là những phương châm chiến lược quân sự cơ bản. Bốn chữ “tích cực phòng ngự” là chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng có nghĩa là phương châm chiến lược quân sự cơ bản. Do vậy, chiến lược hải quân mới rất có khả năng sẽ là “tích cực phòng ngự, tác chiến ở vùng biển tầm trung và xa”, nội dung cụ thể của chiến lược rất đáng để chờ đợi. Về thực chất, “tích cực phòng ngự, tác chiến ở vùng biển tầm trung và xa” nên là phương châm chiến lược vạch ra sứ mệnh trong tương lai của hải quân Trung Quốc, bởi hiện nay uy lực của hải quân nước này đã vươn tới vùng biển tầm trung và xa. 

Theo tờ “Tín báo” (Hong Kong)

Thùy Anh (gt)