Tạp chí Ngoại giao số tháng 3-4/2011 của Mỹ đăng bài “Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ dẫn tới chiến tranh?” của Giáo sư Charles Glaser thuộc Đại học George Washington. Bài viết kiến nghị Mỹ nên giảm dần cam kết an ninh đối với Đài Loan. Tiếp đó, cựu Tổng Tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Joseph Prueher đã đề xuất tại “Hội nghị bàn tròn của Trung tâm các vấn đề công cộng Miller” rằng Mỹ cần phải xem xét lại việc bán vũ khí cho Đài Loan nhằm thoát khỏi vòng luẩn quẩn vì nó mà nảy sinh trong quan hệ Mỹ -Trung. Những thông tin như tạp chí Ngoại giao và Đô đốc Prueher đưa ra ngay lập tức gây ra sự sợ hãi lớn từ phía Đài Loan.

Khi tiếp kiến Ủy viên Hiệp hội Quan hệ Ngoại giao Mỹ ngày 30/3, quan chức phụ trách ngành ngoại giao của Đài Loan đã so sánh quan điểm trên với chính sách bình định Đức của Anh trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, đồng thời hối thúc Mỹ không nên vì Trung Quốc mà vứt bỏ Đài Loan. Bởi vì điều đó sẽ làm tổn hại tới uy tín cam kết an ninh của Mỹ và nếu vứt bỏ Đài Loan, Mỹ không thể ngăn chặn được “dã tâm” tiến vào Thái Bình Dương của Trung Quốc. Vị quan chức Đài Loan này cũng lên gân tuyên bố rằng Đài Loan sẽ không “đàm phán với Đại lục với sự sợ hãi”.

Việc Đài Loan rơi vào hoàn cảnh phải khẩn cầu người Mỹ bảo vệ khiến đồng bào Trung Quốc cảm thấy không chấp nhận được. Nhưng sự mê muội, luôn muốn dựa dẫm vào cường quyền bên ngoài cũng khiến người ta khó có thể không coi thường. Những nhân vật thông tuệ của Mỹ còn muốn vứt bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, thay đổi cách quan hệ với Trung Quốc thì lẽ nào Đài Loan lại muốn dựa mãi vào vũ lực bên ngoài để đối kháng với Đại lục? Đối với Đài Loan, quan trọng là phải xác định rõ đâu là chính sách an ninh có lợi nhất cho mình? Đài Loan đang đứng trước hai lựa chọn. Một là dựa vào hậu thuẫn về vũ lực bên ngoài duy trì cân bằng quân sự với Đại lục. Hai là dựa vào hợp tác an ninh với Đại lục.

Tình hình thực tế cho thấy Đài Loan rõ ràng đã đi theo lựa chọn thứ nhất. Vấn đề là liệu đó có phải là lựa chọn chính sách bền vững và an ninh nhất đối với Đài Loan hay không? Cho dù Đài Loan phát triển như thế nào, thực lực của Đại lục vẫn sẽ lớn mạnh hơn Đài Loan rất nhiều, vì thế, việc xây dựng an ninh bản thân trên nền cân bằng quân bị với Đại lục tuyệt đối không phải là kế sách lâu dài của Đài Loan. Cùng với sự tăng lên về quốc lực tổng hợp của Đại lục, cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển nhất định sẽ có sự thay đổi lớn và nghiêng mạnh về phía Đại lục. Muốn tiếp tục duy trì cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển, Đài Loan sẽ phải dựa vào sự hào phóng của Mỹ và luôn trong tình trạng đối kháng với Đại lục trong vấn đề Đài hải (biển Đài Loan). Chính sách đối với Trung Quốc như vậy sẽ là gánh nặng mà Mỹ không thể chịu đựng được và manh nha của nó đã xuất hiện thông qua sự lên tiếng của tạp chí “Ngoại giao” và Đô đốc Prueher.

Xem xét kĩ người ta thấy rằng chính sách dựa vào hậu thuẫn về vũ lực bên ngoài duy trì cân bằng quân sự với Đại lục của Đài Loan chỉ đem lại cho hòn đảo này kiểu an ninh trong lo sợ và không có sự tôn nghiêm. Đài Loan mua sắm vũ khí của Mỹ là để bảo đảm an ninh của mình, nhưng dường như không nghĩ đến cảm giác của Đại lục. Đại lục luôn coi người Đài Loan là đồng bào của mình, coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Cho nên, việc cường quyền bên ngoài cung cấp vũ khí cho khu vực quan trọng, có khuynh hướng ly tâm thuộc Trung Quốc này đối với Trung Quốc vừa là nỗi đau bị bên ngoài can dự quân sự, lãnh thổ bị chia cắt, vừa là nỗi nhục bị cường quyền bên ngoài khinh rẻ và càng không đành ra tay đối với đồng bào mình.

An ninh của Đài Loan được xây dựng trên nỗi đau, nỗi nhục và sự không đành như vậy của Đại lục cũng có nghĩa Đài Loan đã xây dựng an ninh của mình trên cơ sở sự mất an ninh của Đại lục. Đài Loan luôn cho rằng giữa hai bờ eo biển tồn tại một bên lớn một bên bé với việc bên lớn luôn ức hiếp bên bé. Nhưng Đài Loan không cảm thấy rằng họ đang lợi dụng cường quyền bên ngoài xâm phạm Đại lục hoặc cường quyền bên ngoài đang lợi dụng Đài Loan để xâm phạm Đại lục. Một khi Đại lục không thể tiếp tục chịu đựng sự xâm phạm như vậy, quyết tâm dùng biện pháp quả quyết giải quyết vấn đề chủ quyền quốc gia, xung đột quyết liệt đầu tiên sẽ nổ ra trên đảo Đài Loan. Trường hợp này cũng giống như việc Mỹ bức bách Triều Tiên, xung đột trước tiên sẽ bùng nổ giữa hai miền Triều Tiên. Kiểu an ninh như vậy rõ ràng là an ninh khủng bố. Ngay cả Mỹ, một cường quốc quân sự, còn thấp thỏm về Đài Loan trong việc duy trì thế cân bằng quân sự giữa hai bờ eo biển, thì Đài Loan khó có thể được hưởng sự thanh thản yên tâm. 

Chính sách an ninh hiện nay của Đài Loan vừa muốn lấy đối kháng an ninh lâu dài Trung - Mỹ làm cơ sở, vừa muốn lấy đối kháng an ninh lâu dài giữa hai bờ eo biển làm cơ sở và phải giải quyết vấn đề cải thiện quan hệ Trung - Mỹ không phù hợp với lợi ích của Đài Loan. Cho nên, nó đi ngược với xu hướng cải thiện căn bản quan hệ giữa hai bờ eo biển. Đại lục kiến nghị thảo luận việc rút tên lửa nhằm vào Đài Loan theo nguyên tắc tuân thủ chính sách “một nước Trung Quốc”, xây dựng cơ chế tin tưởng lẫn nhau về quân sự, nhưng Đài Loan không nhất trí. Đài Loan dường như không để ý tới việc thực hiện hòa bình hoàn toàn với Đại lục mà muốn kì vọng vào việc duy trì sự đối kháng thích hợp với Đại lục để thắt chặt hợp tác với cường quyền bên ngoài.

Chính sách an ninh mang tính chất Chiến tranh Lạnh này đương nhiên phải lấy việc Mỹ duy trì chính sách Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc làm cơ sở. Vì thế, khi các nhân vật thông tuệ của Mỹ có được sự lĩnh hội chân chính đối với chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ của Đại lục và kiến nghị cần có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, một sự lo sợ lớn đã dấy lên ở hòn đảo này. Đài Loan lôi kéo Mỹ cùng tiến hành chiến tranh lạnh cùng Đại lục và làm một quân cờ trong Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung để tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ. Đây chính là chính sách an ninh hiện nay của Đài Loan. Một chính sách an ninh như vậy vừa khiến Đài Loan đối mặt với nguy cơ Đại lục không ngần ngại dùng vũ lực chống lại việc Đài Loan độc lập, mà còn khiến Đài Loan phải mua vũ khí của Mỹ với giá cao. Khi không mua được vũ khí của Mỹ, Đài Loan liền cảm thấy lo sợ, bất an. Việc này rõ ràng là không có lợi cho cả mình (Đài Loan) lẫn người (Đại lục).

Trong vấn đề quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, Mỹ chỉ có thể lợi dụng Đài Loan để cực đại hóa lợi ích quốc gia của bản thân. Đài Loan chỉ có thể là công cụ để lợi ích Mỹ lợi dụng, mà không thể là mục tiêu của lợi ích Mỹ. Khi xác định việc hợp tác với Đài Loan hại lớn hơn lợi, Mỹ đương nhiên sẽ hy sinh Đài Loan. Từ năm 2010 tới nay, Mỹ lợi dụng đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam) để kiềm chế Trung Quốc và hăm dọa rằng hợp tác giữa Đài Loan và Đại lục “không được nhằm vào bên thứ ba”. Đài Loan liền im hơi lặng tiếng trong vấn đề đảo Điếu Ngư và vấn đề Biển Đông. Việc này chẳng khác nào vì chịu sự đe dọa của Mỹ, Đài Loan không dám kiên trì cả lập trường cơ bản về lãnh thổ. Đài Loan biết rõ mình là công cụ bị Mỹ lợi dụng nhưng vẫn cam tâm là loại công cụ đó. Chính sách an ninh của Đài Loan rõ ràng là không có một chút tôn nghiêm.

Đài Loan muốn duy trì chính sách an ninh hiện nay thì phải duy trì chiến tranh lạnh giữa hai bờ eo biển và chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì điều đó, Đài Loan đã không ngại tham gia vào dàn hợp xướng phương Tây, miêu tả Đại lục như một kẻ bá quyền đầy “dã tâm” và lấy đó để tìm thấy lý do chính đáng cho việc duy trì chiến tranh lạnh giữa hai bờ eo biển và chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc. Dựa vào lối tư duy của người phương Tây như cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực tiến công”, một số học giả phương Tây đã nhận định rằng Trung Quốc giàu mạnh nhất định sẽ xưng bá. Được kế tục văn hóa Trung Hoa, việc Đài Loan cũng tham gia phát ngôn như vậy thực sự khiến người ta khó hiểu. Liệu rằng Đại lục có thực sự muốn xưng bá sau khi giàu mạnh trong tương lai hay không? Câu trả lời khách quan chỉ có thể là “quyết không phải như vậy”. 

Người Trung Quốc tìm kiếm sự phục hưng dân tộc và sự giàu mạnh của đất nước không phải là nhằm ức hiếp người khác mà là để không bị người khác ức hiếp. Quan niệm giá trị thâm căn cố đế của văn hóa Trung Hoa không phải là tranh giành quyền lợi tự do kiểu phương Tây (ở đây không có ý nói là văn hóa Trung Hoa loại trừ việc tranh trành quyền lợi tự do), mà là công bằng hài hòa. Điều làm người Trung Quốc cảm động nhất không phải là thành công bên ngoài mà là đạo đức bên trong. Đặt mình vào trong hoàn cảnh người khác để suy nghĩ và không ép người khác cái mình không thích vĩnh viễn là tình cảm đạo đức mà người Trung Quốc quan tâm sâu sắc. Một nước Trung Quốc giàu mạnh nhất định là một “anh cả” khoan dung nhân ái, quyết không vùi dập kẻ nhỏ yếu dưới chân. Việc Đại lục đề xuất xây dựng “thế giới hài hòa” không phải là chuyện lá mặt lá trái hay đòn nằm gai nếm mật chờ đợi tương lai, mà là chủ trương chính sách lâu dài thành tâm thực ý.

Thời cận đại, Trung Quốc nhiều lần bị các cường quốc lăng nhục kéo theo cục diện thay đổi chưa từng có trong cả nghìn năm, nên không tránh khỏi có việc văn hóa truyền thống sa sút (hiện nay ở Đại lục vẫn tồn tại quan điểm văn hóa truyền thống đã gây ra tình trạng người dân Trung Quốc quá nhân từ, mềm yếu và đây là nguyên nhân của sự yếu kém của Trung Quốc thời cận đại). Mấy chục năm lại đây, vì phát triển kinh tế thị trường, nên ở Trung Quốc đã hình thành bầu không khí xã hội chạy đuổi theo lợi ích trước mắt, mù mờ vô lễ. Việc kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc vốn rất thông thường, nhưng do thực lực Trung Quốc được tăng cường mạnh mẽ đã gây ra những nghi ngại từ bên ngoài. Tuy nhiên, đây nhất định chỉ là hiện tượng tạm thời. Xã hội Đại lục chưa từng bị mất gốc văn hóa Trung Hoa, dù là chính quyền hay nhân dân đều ngày càng quyết liệt trong việc kiên trì văn hóa Trung Hoa và coi đó là “vườn hoa tinh thần dân tộc Trung Hoa cùng hưởng” (cụm từ nêu ra trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17). Văn hóa giàu mạnh khắc xưng bá của phương Tây hoàn toàn ngược lại với văn hóa Trung Hoa cũng như hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi.

Có thể khẳng định là về lâu dài dù giàu mạnh tới đâu, mong muốn chủ quan của Đại lục vẫn sẽ là duy trì quan hệ hợp tác bình đẳng với các cường quốc khác (dù rằng sẽ có cạnh tranh và tranh chấp), chứ không phải là theo đuổi việc xưng bá và không ngại gây ra đối kháng. Bất cứ hành động nào tưởng tượng Đại lục là bá quyền, cường quyền hay chuyên chế và lấy đó làm cơ sở hoạch định chính sách thù địch Chiến tranh Lạnh chỉ có thể là chính sách sai lầm được thực thi dựa trên các giáo điều sai lầm. Một chính sách như vậy chỉ có thể bị Đại lục ngăn chặn, rốt cuộc gây tổn hại tới lợi ích của cả hai bên.

Xuất phát từ sự ngăn chặn mang tính bản năng này, Đại lục đã không dám dỡ bỏ tên lửa nhằm vào Đài Loan khi Đài Loan chưa thừa nhận “chính sách một Trung Quốc”. Thử nghĩ, “Đài Loan độc lập” không phải là đặc sản của xã hội Đài Loan mà trước sau đều là sản phẩm của sự kết hợp giữa các thế lực trong, ngoài Đài Loan. Đại lục chống “Đài Loan độc lập” không phải chỉ muốn đấu tranh với thế lực chủ trương “Đài Loan độc lập” ở Đài Loan, mà quan trọng hơn là muốn ngăn chặn sự dung túng và ủng hộ của thế lực bên ngoài đối với việc “Đài Loan độc lập”. Ý nghĩa của việc bố trí tên lửa nhằm vào Đài Loan, nhưng không lấy đồng bào Đài Loan làm đối tượng ngắm bắn chính là ở chỗ này. Nhằm ngăn chặn “Đài Loan độc lập”, Đại lục sẵn sàng trả giá cho mạo hiểm xung đột Trung-Mỹ.

Nếu chỉ phải đối mặt với một mình Đài Loan, không phải cân nhắc tới sự can dự và ảnh hưởng của bất cứ thế lực quốc tế nào, Đại lục hoàn toàn có thể không đếm xỉa tới thế lực “Đài Loan độc lập”, thực hiện sự nghiệp thống nhất. Nhưng chính vì “Đài Loan độc lập” là kết quả ủng hộ của thế lực bên ngoài và cũng chỉ có khả năng thành công với điều kiện nhận được sự ủng hộ của thế lực bên ngoài, nên Đại lục mới phải kiên định duy trì quyền lựa chọn quân sự. Nhằm ngăn chặn “Đài Loan độc lập”, Đại lục cố nhiên phải thực hiện bố trí quân sự nhằm vào Đài Loan, nhưng trọng điểm chuẩn bị quân sự của Đại lục là nhằm đối phó với sự can dự quân sự của cường quyền bên ngoài. Người Mỹ biết rõ sự chuẩn bị quân sự này của Đại lục chủ yếu là nhằm vào sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Đài Loan, nên mới có mong muốn giảm bớt sự can dự vào vấn đề Đài hải. Việc cho rằng Đại lục có khả năng sợ cường quyền bên ngoài mà ngậm đắng nuốt cay trước thế lực “Đài Loan độc lập” hoàn toàn là đánh giá sai lầm về quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia của Đại lục.

Tình trạng đối địch giữa hai bờ eo biển vẫn là tàn dư của chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh Đông-Tây. Khi giữa phương Đông và phương Tây không còn muốn duy trì cục diện Chiến tranh Lạnh nữa, việc Đài Loan vẫn sống chết ôm giữ di sản này, không chỉ không phù hợp với trào lưu thời đại, mà còn cho thấy sự hẹp hòi và không minh mẫn của các nhà quyết sách Đài Loan. Ở một mức độ rất lớn, giữa Đại lục và Đài Loan cùng Mỹ có xảy ra xung đột quân sự vì vấn đề Đài hải hay không, quyền chủ động nằm trong tay Đài Loan. Đài Loan tuyệt đối không nên tỏ ra vô trách nhiệm. Hai bờ eo biển căng thẳng, hòa hoãn hay xung đột, hoàn toàn dựa vào sự lựa chọn của Đài Loan. Lực lượng tên lửa nhằm vào Đài Loan đương nhiên là nghe theo sự chỉ huy của Đại lục, nhưng trên thực tế chỉ cần Đài Loan chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” thì mọi việc đều có thể giải quyết. Nếu Đài Loan trước sau kiên trì “Nhận thức chung 92” (nhận thức chung đạt được năm 1992 giữa hai bờ eo biển), những quả tên lửa này về đại thể sẽ không có tác dụng; nếu Đài Loan xác định rõ và kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”, không thực hiện “Đài Loan độc lập”, những quả lên lửa này có thể bị rút bỏ hoặc có thể lập tức chuyển thành sức mạnh bảo vệ Đài Loan. Đài Loan chắc chắn biết rõ điều đó. 

Giữa Đại lục và Mỹ cố nhiên có thể xảy ra tranh chấp trong cạnh tranh về chế độ, thực lực, kinh tế và văn hóa… Nhưng dù Mỹ cố tình gây sự, bằng chính sách ngoại giao hòa bình, hài hòa của Đại lục, những tranh chấp đó cuối cùng cũng không dẫn đến xung đột quân sự Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trong vấn đề Đài Loan, Đại lục không còn đường rút. Vấn đề Đài Loan chính là vấn đề có khả năng gây ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cao nhất. Ngòi nổ của cuộc xung đột này chỉ có khả năng do Đài Loan kích hoạt. Nếu Mỹ không muốn cung cấp vũ khí cho Đài Loan, Đài Loan khó có thể kiên trì đến như vậy. Nếu Mỹ đã mong muốn cung cấp vũ khí cho “Đài Loan độc lập”, Đài Loan nhất định sẽ có tính toán.

Về mặt lịch sử, sự sợ hãi của Đài Loan đối với Đại lục xuất phát từ cuộc chiến chế độ giữa hai bờ eo biển. Sau khi Đại lục đã đề ra chính sách “thống nhất hòa bình, một nước hai chế độ” đối với Đài Loan và ra sức thúc đẩy nó, nỗi sợ hãi của Đài Loan đối với Đại lục hoàn toàn vô nghĩa. Đối với xã hội Đại lục, cái gì là “một Trung Quốc”? Nói một cách đơn giản đó chính là việc “hai bờ eo biển toàn tâm toàn ý” như đã nói ở trên, nghĩa là xã hội Đại lục toàn tâm toàn ý coi nhân dân Đài Loan là đồng bào máu thịt, coi đảo Đài Loan là lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc. Nếu các thế lực trong và ngoài Đài Loan theo đuổi “Đài Loan độc lập”, Đại lục nhất định không sợ bất cứ cường quyền nào, không ngại chiến tranh và sẽ cho thấy sự cứng rắn cùng quyết tâm của mình. Đây cũng là nguyên do giải thích tại sao xã hội Đài Loan dưới thời Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển cầm quyền kích thích xu hướng “Đài Loan độc lập” lại cảm nhận thấy sự uy hiếp và cường bá của Đại lục. Nhưng nếu Đài Loan không theo đuổi độc lập, thừa nhận hai bờ eo biển là “một Trung Quốc”, chính quyền và xã hội Đại lục sẽ dành toàn bộ tình cảm, sự nhường nhịn và khoan dung cho đồng bào máu thịt ở Đài Loan.

Dưới nguyên tắc “một Trung Quốc”, tên lửa của Đại lục sẽ bảo vệ Đài Loan chứ không phải để đe dọa Đài Loan. Sau khi thiết lập nền hòa bình dưới nguyên tắc “một Trung Quốc”, Đại lục lẽ nào lại sử dụng vũ lực một cách ngu xuẩn và bá đạo để ép buộc Đài Loan chấp nhận phương án cuối cùng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển. Có thể khẳng định, bất cứ cuộc đàm phán nào dưới nguyên tắc “một Trung Quốc”, Đài Loan đều chiếm thế chủ động và Đại lục sẽ ở thế bị động. Đài Loan luôn có thể chủ động ra giá, còn Đại lục chỉ có thể bị động ứng chiến. Đàm phán trong bất cứ lĩnh vực nào, Đài Loan chỉ có thể có lợi chứ không thể “lỗ vốn”. Dù là về chính trị, kinh tế hay an ninh, Đài Loan chỉ có thể được lợi trên cơ sở hiện trạng chứ không thể thất bại vì phía đưa ra thỏa hiệp, nhượng bộ trong đàm phán giữa hai bờ eo biển chỉ có thể là Đại lục. Đài Loan vĩnh viễn có thể nắm lấy việc Đại lục “toàn tâm toàn ý” để thu lợi từ Đại lục, cho dù là vào thời kỳ hòa bình của việc thực hiện nguyên tắc “một Trung Quốc” giữa hai bờ eo biển hay là sau khi hai bờ eo biển thống nhất, còn Đại lục vĩnh viễn can tâm tình nguyện để Đài Loan thu lợi. Vừa mới dựa vào “Nhận thức chung 1992” để thương thảo với Đại lục thì Đài Loan đã tìm kiếm được không ít lợi ích về kinh tế từ phía Đại lục (Có lúc, Đài Loan còn nghi ngờ rằng những lợi ích và sự hợp tác mà Đại lục mang đến sao mà nhanh thế, lo rằng Đài Loan sẽ mất đi cái gọi là “tính tự chủ”). Nếu Đài Loan kiên trì chính sách hai bờ eo biển mang tính hợp tác thì cho dù là vào thời kỳ hòa bình của việc thực hiện nguyên tắc “một Trung Quốc” giữa hai bờ eo biển hay là sau khi hai bờ eo biển thống nhất, lợi ích sẽ tới với Đài Loan nhiều hơn và không dứt.

Đài Loan sợ chính sách “một nước hai chế độ” của Đại lục tới mất mật, lo rằng chỉ cần thực hiện “một nước hai chế độ” thì sẽ không còn sự tôn nghiêm đối đẳng. Đây hoàn toàn là sự hiểu nhầm về chính sách “một nước hai chế độ” của Đại lục. “Một nước hai chế độ” chẳng qua là một nguyên tắc lớn, chính là việc nội bộ một quốc gia thực hiện hai loại chế độ, bên này không tìm kiếm sự thay đổi chế độ xã hội của bên kia. Hình thức cụ thể của “một nước hai chế độ” vừa phụ thuộc vào Đại lục vừa phụ thuộc vào Đài Loan. Do phương án giải quyết chính trị cuối cùng của hai bờ eo biển đạt được thông qua sự hiệp thương bình đẳng giữa hai bờ eo biển, không phải do một bên quyết định. Đài Loan lẽ nào lại có thể đồng ý với phương án làm cho mình mất đi sự tôn nghiêm và không có lợi cho mình? Đại lục lẽ nào lại dựa vào vũ lực để cưỡng ép đồng bào Đài Loan chấp nhận phương án chính trị đơn phương? Chỉ cần dựa vào những cam kết hiện có về “một nước hai chế độ” của Đại lục đối với Đài Loan, Đài Loan cũng đã có thể chiếm thế chủ động trong quan hệ tương lai giữa hai bờ eo biển. Dù là Đại lục hay Đài Loan, việc lấy chính sách “một nước hai chế độ” ở Hồng Công, Ma Cao để vẽ ra chính sách “một nước hai chế độ” của Đài Loan đều là sai lầm căn bản. 

Theo cam kết hiện có của Đại lục, ngoài quyền tự chủ về kinh tế, tư pháp và xã hội giống như Hồng Công và Ma Cao, Đài Loan còn có hai quyền tự chủ khác mà Hồng Công và Ma Cao không có. Một là Đài Loan được bảo lưu quân đội, nắm quyền tự chủ về phòng thủ. Hai là Đài Loan được tổ chức bầu cử, nắm quyền tự chủ về chính trị. Điều này có nghĩa, về mặt nội chính, dù là chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, hay văn hóa, Đài Loan đều hoàn toàn tự chủ mà không có sự khống chế của Đại lục. Quan chức cấp cục trở lên của Hồng Công và Ma Cao đều do Chính phủ Trung ương bổ nhiệm; Chính phủ Trung ương đóng quân ở Hồng Công và Ma Cao, hoàn toàn phụ trách vấn đề phòng thủ của Hồng Công; quyền giải thích cuối cùng về Luật Cơ bản nằm trong tay Chính quyền Trung ương (tức Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc-Quốc hội)… Tất cả các việc này đều không tồn tại ở Đài Loan. Không chỉ chế độ chính trị của Đài Loan sau khi hai bờ eo biển thống nhất không bị ảnh hưởng, mà Đại lục còn không đưa quân tới đóng ở Đài Loan. Hơn nữa, hiệp định thống nhất hai bờ eo biển (có thể coi là một loại Luật Cơ bản, Hiến pháp) cũng không thể chỉ do Đại lục đơn phương giải thích. Đài Loan cũng không thể chấp nhận bất cứ chính sách nào liên quan tới Đài Loan mà không được sự đồng ý của Đài Loan (không giống với quyền tự trị của Hồng Công và Đài Loan chịu sự hạn chế của Luật Cơ bản).

Theo những cam hết hiện nay của Đại lục, trong tương lai, trong khung “một Trung Quốc”, Đài Loan được hưởng độc lập tự chủ cao hơn các nước chủ quyền tham gia Liên hợp quốc. Vì các quốc gia chủ quyền phải chấp nhận sự quản thúc của tòa án quốc tế và sự ràng buộc của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tính độc lập tự chủ của Đài Loan còn cao hơn cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), vì các nước thành viên EU đều phải chịu sự ràng buộc của cơ chế, chính sách mà EU đề ra về chính trị, kinh tế, tư pháp, quân sự và tài chính… Nói thẳng ra là sau khi hai bờ eo biển thống nhất, hợp tác trong lĩnh vực nội chính ngoại giao hay về mặt pháp lý giữa Đài Loan và Đại lục tuy là hợp tác liên khu vực trong nội bộ một quốc gia chủ quyền, nhưng về thực chất không khác là bao so với hợp tác giữa các nước trên thế giới hiện nay. Người dân qua lại giữa hai bờ eo biển phải có visa; hợp tác tư pháp phải ký hiệp định hợp tác tư pháp trước; Đại lục không có quyền can thiệp vào bầu cử cũng như việc bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự của Đài Loan; giữa hai bờ eo biển cũng không cần phải đồng điệu về nhân quyền, chính trị; hợp tác quân sự nhất định phải được sự đồng ý của Đài Loan mới bắt đầu tiến hành. Được hưởng sự độc lập tự chủ trong mọi công việc như vậy, Đài Loan đâu cần phải lo ngại rằng sẽ “mất chủ quyền”?

Khác biệt then chốt giữa Đài Loan và Hồng Công, Ma Cao nằm ở chỗ Đài Loan được tự chủ về chính trị và quân sự. Tầm quan trọng của khác biệt này áp đảo tất cả. Do khác biệt này, dù hai bờ eo biển thống nhất, về mặt khách quan, Đài Loan rõ ràng là “Đài Loan độc lập”. Giữa hai bờ eo biển, chỉ có thể là Đại lục lo lắng Đài Loan độc lập, chứ không thể là chuyện Đài Loan lo lắng Đại lục độc lập. Đài Loan không chỉ vĩnh viễn có điều kiện dựa vào “Đài Loan độc lập” để đe dọa Đại lục (Đại lục đương nhiên sẽ không hài lòng với việc Đài Loan làm như vậy, Đài Loan cũng không nên làm như vậy vì Đài Loan chỉ có thể được lợi từ phía Đại lục nhờ sự “toàn tâm toàn ý” của Đại lục). Hơn nữa, điều kiện các thế lực bên ngoài sử dụng Đài Loan để kiềm chế Đại lục trước sau vẫn tồn tại. Đối với Đại lục, dù là hai bờ eo biển cùng thuộc về “một Trung Quốc” về mặt pháp lý, nhưng bất cứ công việc nào cũng phải tôn trọng Đài Loan với tư cách một thực thể độc lập, không ngừng mang tới lợi ích cho Đài Loan. Nếu Đại lục đi theo hướng lấy lớn ăn hiếp nhỏ hoặc coi mình trung ương, việc này chỉ tạo điều kiện thúc đẩy “Đài Loan độc lập”, để người khác nắm thóp, tự chuốc khổ vào mình.

Ý nghĩa thực chất của việc thống nhất giữa hai bờ eo biển nằm ở việc hai bờ eo biển có thể hình thành sự thống nhất về ngoại giao và quốc phòng hay không. Nhưng Đại lục không thể can dự vào nội chính của Đài Loan, vậy làm thế nào để Đài Loan hợp tác chặt chẽ về ngoại giao và quốc phòng? Ngoài tình cảm dân tộc, chỉ có thể lấy lợi ích để thu hút. Không ngừng mang lợi ích tới cho Đài Loan, không chỉ là tình cảm chủ quan của Đại lục xuất phát từ sự “toàn tâm toàn ý”, mà còn là yêu cầu khách quan của việc duy trì hợp tác giữa hai bờ eo biển.

Việc thống nhất hai bờ eo biển thực hiện theo phương án cụ thể nào kì thực không quan trọng đối với Đài Loan. Cho dù là phương án gì, quyền độc lập và tự chủ của Đài Loan cũng không thể thiếu. Đài Loan tự chủ về nội chính, độc lập về quân chính đối với Đại lục. Việc thống nhất về quốc phòng, ngoại giao của đất nước vì thế phải nhờ vào sự phối hợp của Đài Loan. Đài Loan trước sau đều sẽ đứng ở vị trí chủ động trong quan hệ giữa hai bờ eo biển. Sự khác biệt của các phương án không giống nhau chỉ nằm ở chỗ Đài Loan sẽ nguyện đưa ra sự hợp tác thế nào về ngoại giao và quốc phòng để thỏa mãn yêu cầu “thống nhất” của Đại lục và Đại lục nguyện đưa ra bao nhiêu lợi ích kinh tế, không gian quốc gia, sự mở cửa về nội chính và cái gọi là “địa vị đối đẳng” để đổi lại sự phối hợp của Đài Loan dành cho sự nghiệp thống nhất. Cái gọi là thống nhất ngoại giao kì thực không ảnh hưởng nhiều tới sự độc lập của Đài Loan về ngoại sự như sự hợp tác giao lưu với bên ngoài về kinh tế, văn hóa, xã hội và việc độc lập gia nhập công ước nhân quyền quốc tế (Hồng Công và Đại lục khác biệt với Đài Loan ở điểm này). Sự thống nhất về quốc phòng mà Đại lục tìm kiếm, kì thực chỉ là tìm kiếm quyền bảo vệ Đài Loan, lấy đó để ngăn chặn Đài Loan mượn thế lực bên ngoài, dẫn sói vào nhà. Vì thế, việc Đài Loan lo ngại về “một nước hai chế độ” hoàn toàn chỉ là một nỗi lo vô cớ. 

Nếu Đài Loan hợp tác với Đại lục, an ninh của Đài Loan sẽ là mục tiêu bảo vệ trực tiếp của Đại lục, chứ không thể là công cụ để Đại lục lợi dụng. Đây là sự khác nhau lớn nhất trong hợp tác an ninh giữa hai bờ eo biển với hợp tác an ninh giữa Đài Loan và Mỹ. Đại lục toàn tâm toàn ý coi người Đài Loan là đồng bào, coi đảo Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, tuyệt đối sẽ không lấy bất cứ lợi ích nào của Đài Loan, đặc biệt là lợi ích an ninh, làm thủ đoạn mưu cầu lợi ích bản thân, mà chỉ có thể lấy an ninh của Đài Loan làm đối tượng toàn tâm bảo vệ. Cho dù xuất phát từ nguyên nhân lịch sử, nguyên nhân an ninh hay nguyên nhân tình cảm, Đài Loan không cần phải mảy may nghi ngờ việc Đại lục toàn bảo vệ lợi ích của Đài Loan.

Đại lục tìm kiếm sự thống nhất với Đài Loan không phải là muốn lợi dụng Đài Loan để chống lại áp lực quốc tế mà là muốn ngăn chặn Đài Loan bị thế lực bên ngoài lợi dụng từ đó gây ra áp lực từ bên ngoài đối với đất nước. Một khi hai bờ eo biển thống nhất, áp lực của các thế lực bên ngoài đối với Trung Quốc chủ yếu là nhằm vào Đại lục chứ không phải Đài Loan. Dù là vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, khí hậu, môi trường hay vấn đề năng lượng, Đài Loan đều không cần phải tán thành với Đại lục và cũng không vì Đại lục mà liên lụy. Trong các vấn đề an ninh chung giữa hai bờ eo biển như vấn đề đảo Điếu Ngư, vấn đề Biển Đông, Đại lục khẳng định sẽ đảm nhiệm trách nhiệm chủ yếu, nhưng nhất định sẽ chia sẻ lợi ích đạt được với Đài Loan. Trên thực tế, nếu không có vai trò của Đại lục, có thể Đài Loan sớm đã rơi vào khó khăn, thậm chí là đường cùng trong vấn đề chủ quyền hải đảo.

Liệu Đài Loan sẽ đắc tội với Mỹ vì hợp tác với Đại lục? Chắc chắn là không. Một Đài Loan biết duy trì hợp tác lý tính với Đại lục hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ. Trước tiên, Mỹ không cần vì Đài Loan mà phải đối mặt với rủi ro nẩy sinh xung đột với Đại lục. Tiếp đó, một khi hai bờ eo biển thống nhất, Đài Loan cũng sẽ được bảo đảm tự chủ về nội chính, hơn nữa Đại lục không những đồng ý không can thiệp vào công việc nội chính của Đài Loan, mà còn đồng ý để Đài Loan có thể tham gia công việc nội chính của Đại lục. Chế độ của hai bờ eo biển không giống nhau và chỉ có thể là Đài Loan mưu đồ ảnh hưởng tới chế độ xã hội của Đại lục chứ không có chuyện Đại lục can dự vào chế độ xã hội của Đài Loan (sau khi trở về Đại lục, việc Hồng Công phát triển nền chính trị cạnh tranh đa đảng từ chỗ không có là một minh chứng). Có thể tưởng tượng vai trò “hải đăng dân chủ” của Đài Loan giúp phương Tây gây ảnh hưởng đối với Đại lục sẽ được tăng cường nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bờ eo biển. Lợi ích kinh tế của Mỹ tại hai bờ eo biển càng không bị bất cứ ảnh hưởng nào. Đại lục vĩnh viễn không hi vọng Đài Loan lợi dụng quan hệ Trung-Mỹ để mưu lợi, nhưng về khách quan, Đài Loan đích thực có thể ngồi ở vị trí “ngư ông đắc lợi”. Người Mỹ hi vọng tranh chấp hai bờ eo biển được giải quyết hòa bình, rõ ràng là đã nhìn thấy việc hai bờ eo biển thống nhất hòa bình sẽ không gây tổn hại bao nhiêu tới lợi ích của Mỹ.

Dựa vào Mỹ về mặt an ninh, Đài Loan sẽ đặt mình vào hai cuộc chiến tranh lạnh, không tránh được cảnh lúc nào cũng như đi trên băng mỏng, tim đập chân run, bị cả Trung Quốc và Mỹ uy hiếp. Hợp tác với Đại lục về an ninh, Đài Loan sẽ kết thúc liền một lúc hai cuộc chiến tranh lạnh, thúc đẩy hòa bình giữa hai bờ eo biển và hòa bình Trung-Mỹ, thuận lợi mọi bề, được lợi cả từ phía Trung Quốc lẫn từ phía Mỹ. Nếu Đài Loan hợp tác với Đại lục, Mỹ sẽ mượn Đài Loan để ảnh hưởng tới Đại lục, Đài Loan sẽ nhận được sự tôn trọng hơn. Một Đài Loan không phải “thở bằng mũi của Mỹ” không chỉ có thể phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển một cách bình đẳng hơn, có lợi hơn và hòa bình hơn, mà còn phát triển quan hệ với Mỹ một cách bình đẳng hơn, có lợi hơn và lành mạnh hơn. Người ta có lý do để tin rằng việc hợp tác với Đại lục, đặc biệt là thực hiện thống nhất giữa hai bờ eo biển dưới nguyên tắc “một nước hai chế độ” sẽ khiến Đài Loan của tương lai phát triển trở thành chốn Đào Nguyên kinh tế phồn vinh, văn hóa xán lạn, chính trị minh bạch, an ninh vững vàng của khu vực Đông Á. Tác giả cũng tin tưởng vững chắc vào điều đó. 

Cơ hội lịch sử đang ở trước mặt Đài Loan: Đại lục chuyên tâm phát triển nội bộ, toàn tâm mưu cầu hợp tác giữa hai bờ eo biển, xây dựng cơ chế tin tưởng lẫn nhau về quân sự, Mỹ cũng lộ ra việc không muốn mượn Đài Loan để tiến hành chiến tranh lạnh với Đại lục. Nếu Đài Loan thuận theo tình hình hành động tất sẽ mang đến hạnh phúc cho cả ba bên gồm hai bờ eo biển và Mỹ, viết trang sử mới cho nhân dân Đài Loan, cho dân tộc Trung Hoa, cho khu vực Đông Á và thậm chí là toàn thế giới. Công đức này quả thật là vô lượng. Giới lãnh đạo Đài Loan vẫn tự khoe rằng “kẻ nhỏ yếu phải dùng trí tuệ để đối đãi với kẻ lớn mạnh”. Việc bắt tay với Đại lục xây dựng cơ chế tin tưởng lẫn nhau về quân sự, từ bỏ theo đuổi chiến tranh lạnh giữa hai bờ eo biển, lựa chọn chiến lược an ninh hòa bình giữa hai bờ eo biển, lẽ nào không phải là trí tuệ lớn nhất của Đài Loan? 

Theo Bình luận Trung Quốc

 Viết Tuấn (gt)