Châu Âu hẳn nên là siêu cường của thế giới. Vậy tại sao khu vực này lại đang bên bờ sụp đổ? 

Châu Âu đã giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. 

Không lâu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ ¼ thế kỷ trước, Liên bang Xôviết đã sụp đổ, Mỹ đã lãng phí cổ tức hòa bình của nước này trong một nỗ lực nhằm duy trì địa vị thống trị toàn cầu, và châu Âu đã lặng lẽ trở nên thịnh vượng hơn, hội nhập hơn và ngày càng trở thành một bên tham gia trong các vấn đề quốc tế. Từ năm 1989 đến năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) thực tế đã tăng gấp đôi số lượng thành viên của nó và đã nhảy lên vị trí thứ ba về dân số sau Trung Quốc và Ấn Độ. Khu vực này hiện nay lấy làm kiêu hãnh là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng đứng đầu danh sách các cường quốc thương mại toàn cầu. Vào năm 2012, EU đã giành giải Nobel Hòa bình vì đã làm biến đổi châu Âu “từ một lục địa của chiến tranh thành một lục địa của hòa bình”. 

Trong cuộc đua trở thành “siêu cường thực thụ của thế giới”, Trung Quốc đã mất điểm vì vẫn có quá nhiều nông dân nghèo khổ ở những vùng nông thôn sâu trong nội địa và một bộ máy quan liêu tham nhũng, phi tự do tại những thành phố của nước này. Mỹ cũng như vậy, do cơ sở hạ tầng đổ nát của nước này và một phức hợp quân sự-công nghiệp phình trướng mà đe dọa làm phá sản nền kinh tế. Với tư cách là siêu cường duy nhất thịnh vượng một cách bình đẳng, ổn định về mặt chính trị, và tôn trọng pháp trị, châu Âu xếp ở vị trí đầu, ngay cả khi – hay có lẽ là vì – khu vực này không có sức mạnh quân sự để sắm vai cảnh sát toàn cầu. 

Và tuy vậy, mặc dù có toàn bộ sự thành công này, dự án châu Âu hiện đang loạng choạng bên bờ thất bại. Tăng trưởng giỏi lắm cũng chỉ là yếu ớt và sự bất bình đẳng kinh tế-xã hội đang tăng lên. Các nước Đông và Trung Âu, thậm chí cả Ba Lan tương đối thành công, đã không giảm được khoảng cách về thu nhập với một nửa giàu có hơn của lục địa này. Và khu vực ngoại vi bị nợ nần nhiều đang trong tình trạng nổi loạn. 

Về mặt chính trị, lập trường chính trị ôn hòa có thể không kéo dài, và tình hình có vẻ đang xấu đi. Từ phái tả, các đảng như Syriza tại Hy Lạp đang thách thức những quy định về chính sách khắc khổ của châu Âu. Từ phái hữu, các đảng hoài nghi về châu Âu đang nhắm vào hình mẫu tổng thể giống như là liên bang này. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại đang giành được ngày càng nhiều người ủng hộ, ngay cả trong các khu vực trước đây vốn bình yên như Scandinavia. 

Tuy nhiên, có lẽ thách thức chính về mặt xã hội đang đối mặt với châu Âu hiện nay là sự phổ biến đang lan tràn của chứng sợ hãi Hồi giáo. Từ những vụ tàn sát tại Thế vận hội Munich năm 1972 tới các cuộc tấn công gần đây vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái tại Paris, các cuộc chiến tranh tại Trung Đông từ lâu đã truyền cảm hứng cho các trận chiến ủy nhiệm tại châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, lục địa này tự nhận thấy nó ngày càng bị chia rẽ giữa một ít người có thể trở thành các chiến binh tương lai mà đòi hỏi vai trò của Hồi giáo đích thực và một nhóm người đang ngày càng tăng lên mà tin rằng Hồi giáo – toàn bộ Hồi giáo – không có chỗ để tồn tại ở châu Âu. 

Liên minh châu Âu năm 2015 đang rạn nứt không phải là châu Âu mà nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã hình dung ra vào năm 1989, khi ông được biết đến rộng rãi với dự báo về “cái kết của lịch sử”, cũng như chiến thắng cuối cùng của nền dân chủ tự do và bộ máy quan liêu tại Brussels, trụ sở chính của EU, hiện giám sát các vấn đề của lục địa. Đó cũng không phải điều mà Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã hình dung ra vào những năm 1980, khi bà nói về thắng lợi toàn cầu của TINA (“không có sự lựa chọn thay thế nào”) và về cái nhãn chủ nghĩa tự do thị trường của bà. Thay vào đó, châu Âu hiện nay ngày càng quay trở lại thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới khi các chính trị gia của phái cực hữu và tả đã hoàn toàn có quan điểm đối lập nhau trong cuộc tranh luận công khai, các nền kinh tế đã rơi vào một cú bổ nhào về tài chính, chủ nghĩa bài Do Thái đã dâng lên khỏi cống thoát nước, và những đám mây bão đã kéo đến phía chân trời. 

Một cuộc chiến tranh rộng khắp lục địa khác có thể không sắp sửa nổ ra, nhưng châu Âu phải đối mặt với khả năng sụp đổ chế độ: đó là, sự chấm dứt Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và sự tan rã của hội nhập khu vực. Tương lai về một xã hội điêu tàn có thể diễn ra của khu vực này có thể được nhìn thoáng qua ở những gì đã xảy ra tại các vùng biên giới ở phía Đông của nó. Tại đó, các kết cấu liên bang ràng buộc những người khác biệt về văn hóa lại với nhau đã có một bản thành tích tồi tệ trong ¼ thế kỷ qua. Xét cho cùng, Liên Xô đã nổ tung vào năm 1991; Tiệp Khắc đã chia tách ra vào năm 1993, và Nam Tư đã bị xé thành từng mảnh trong một chuỗi các cuộc chiến tranh sau đó vào những năm 1990. 

Nếu các kết cấu về kinh tế, chính trị và xã hội của khu vực này không chịu nổi sự tình trạng khó kiểm soát, EU rất có thể sẽ đi theo Liên Xô và Nam Tư rơi vào sọt rác của các chủ nghĩa liên bang thất bại. Châu Âu với tư cách là một lục địa sẽ tiếp tục tồn tại, các quốc gia-dân tộc của khu vực này sẽ tiếp tục hưởng các mức độ thịnh vượng khác nhau, nhưng châu Âu như một tư tưởng sẽ không còn nữa. Song còn tồi tệ hơn là, nếu như, cuối cùng, EU giật lấy thất bại từ nanh vuốt của chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh của nó, khu vực này sẽ không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài chính nó. 

Sự trỗi dậy và sụp đổ của TINA 

Chiến tranh Lạnh là một thời đại của những sự lựa chọn thay thế. Mỹ đã đưa ra kiểu chủ nghĩa tư bản tự do không giới hạn của nước này, trong khi đó Liên Xô đã đưa ra cái nhãn lên kế hoạch tập trung của nó. Ở giữa, châu Âu lục địa đã đưa ra sự thỏa hiệp về một thị trường xã hội: chủ nghĩa tư bản với một chút lập kế hoạch và một mối quan ngại sâu sắc đối với phúc lợi của tất cả các thành viên trong xã hội. 

Hợp tác, chứ không phải cạnh tranh, đã là phương châm cho sự lựa chọn của châu Âu. Người Mỹ có thể có chủ nghĩa tư bản sơ khai, xâu xé tranh giành lẫn nhau. Người châu Âu thay vào đó sẽ nhấn mạnh vào sự điều phối lớn hơn giữa lao động và quản lý, và Cộng đồng châu Âu (tiền thân của EU) sẽ đặt nỗ lực thực sự vào việc đưa các thành viên mới của nó đạt tới cấp độ kinh tế và chính trị của các nước chủ chốt trong khu vực này. 

Sau đó, vào một thời điểm trong những năm 1980 khi mô hình Xôviết đã ngừng sử dụng bất cứ ảnh hưởng nào trên khắp toàn cầu, TINA đã xuất hiện. 

Vào lúc đó, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đẩy nhanh các chiến dịch của họ nhằm thu hẹp chính phủ, trong khi điều mà sau đó được biết đến là toàn cầu hóa – phá bỏ những bức tường thương mại và mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực tài chính – đã bắt đầu được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Thatcher đã tổng kết về thế giới đầy mới mẻ, can đảm này bằng cụm từ viết tắt TINA: hành tinh này đã không còn có bất cứ sự lựa chọn thay thế nào cho nền dân chủ thị trường được toàn cầu hóa nữa. 

Sau đó, không có gì đáng ngạc nhiên, trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, sự hội nhập của châu Âu đã thay đổi trọng tâm của khu vực này sang việc tháo dỡ những rào cản đối với dòng chảy tư bản. Kết quả là, sự mở rộng châu Âu không còn diễn ra với một sự đảm bảo được ngụ ý về sự bình đẳng cuối cùng. Các thỏa thuận gia nhập mà Ireland (năm 1973) và Bồ Đào Nha (năm 1986) đã nhận được, giống như Kế hoạch Marshall hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, lúc này là những di tích của một thời đại khác. Số lượng tuyệt đối các thành viên mới tiềm năng đang gõ cửa châu Âu đã gây căng thẳng cho các kho bạc của EU, đặc biệt là từ khi thành tích về kinh tế của các nước như Romania và Bulgaria cho tới nay đã dưới mức trung bình của châu Âu. Nhưng ngay cả nếu EU ngập tràn các quỹ đầu tư, điều đó hẳn cũng không quan trọng, do tinh thần “tân tự do” mới mẻ của chủ nghĩa tư bản giờ đây đã thổi sinh khí cho trụ sở của nó tại Brussels, nơi mà trật tự của thời đại đã hình thành: cắt giảm chính phủ, giải phóng thị trường. 

Nằm tại trung tâm của châu Âu, cũng như của sự chính thống mới này là nước Đức, hình mẫu của sự chính trực về tài khóa của lục địa. Nhưng vào những năm 1990, quốc gia mới tái thống nhất đó đã can dự vào việc chi tiêu thâm hụt khổng lồ, ngay cả nếu được bọc dưới một tên gọi khác, nhằm đưa Đông Đức trước đây lên tới cấp độ của phần còn lại của đất nước này. Tuy nhiên, nó đã không quan tâm tới việc áp dụng “ngoại lệ tái thống nhất” này vào các thành viên khác trước đây của khối Xôviết. Đóng vai trò là ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn đối với EU, Đức thay vào đó đã yêu cầu các ngân sách cân đối và chính sách khắc khổ từ phía tất cả những nước mới gia nhập, (và cả một số nước thành viên cũ) như là câu trả lời duy nhất có hiệu lực đối với nợ nần và những nỗi sợ hãi về một cuộc suy thoái trong tương lai. 

Phần còn lại của Khối hiệp ước Vacsava cũ đã giành được sự tiếp cận với một số quỹ đầu tư của EU dành cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng không có điều gì tương tự như thỏa thuận về Đông Đức. Hiểu theo cách thông thường, các nước này vẫn còn dưới dạng một ngôi nhà kinh tế nửa vời. Mức sống tại Hungary, 25 năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, vẫn chỉ ở mức xấp xỉ một nửa so với mức sống của người hàng xóm Áo. Tương tự, Romania đã mất 14 năm chỉ để phục hồi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà nước này đã đạt được vào năm 1989 và nó vẫn bị kẹt dưới đáy của EU. Những người chỉ đến thăm các thành phố thủ đô của Đông và Trung Âu đã có một cái nhìn méo mó về tình hình kinh tế tại đó, vì Vacsava và Bratislava giàu có hơn Vienna, và Budapest gần như ngang tầm với thành phố này, mặc dù Ba Lan, Slovakia và Hungary tất cả đều vẫn tụt hậu về mặt kinh tế hơn nhiều so với Áo. 

Điều mà những nước đó đã trải qua sau năm 1989 – hết đợt “liệu pháp sốc” này đến đợt khác – đã trở thành liều thuốc được lựa chọn cho tất cả các thành viên EU chịu rủi ro vỡ nợ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 và sau đó là cuộc khủng hoảng nợ công năm 2009. Hãy quên đi việc chi tiêu thâm hụt để cho phép các nước phát triển theo cách của họ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Hãy đừng nhớ đến việc tái đàm phán về nợ nần. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện nay đang quanh mức 25%, với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lớn hơn 50%. Và tất cả các thành viên EU mà phải chịu những liều mạnh về chính sách khắc khổ đã chứng kiến một sự gia tăng nhanh chóng trong số người sống dưới ngưỡng nghèo đói. Thông báo gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu về “nới lỏng định lượng” – một thủ thuật tiền tệ nhằm bơm tiền vào Eurozone – là quá ít, quá muộn màng. 

Nguyên tắc chính của sự hội nhập châu Âu đã bị đảo ngược. Thay vì Đông và Trung Âu bắt kịp với phần còn lại của EU, những chiếc hầu bao của “phía Tây” đã bắt đầu tụt lại phía sau “phía Đông”. Chẳng hạn như, GDP đầu người của Hy Lạp đã trượt xuống thấp hơn GDP đầu người của Slovenia và, khi được đánh giá về sức mua, thậm chí còn thấp hơn của Slovakia, cả hai nước theo chủ nghĩa cộng sản trước đây. 

Trục chủ nghĩa phi tự do 

Người dân châu Âu đang bắt đầu nhận thấy rằng Margaret Thatcher đã sai lầm và đang có những sự lựa chọn thay thế – cho chủ nghĩa tự do và sự hội nhập châu Âu. Ví dụ có tiếng nhất về chủ nghĩa phi tự do đầy mới mẻ này là Hungary. 

Vào ngày 26/7/2014, trong một bài diễn văn trước những người trung thành với đảng của ông, thủ tướng Viktor Orban đã giãi bày rằng ông đã dự định về một sự tổ chức lại hoàn toàn đất nước này. Tuy nhiên, mô hình cải cách mà Orban ấp ủ không hề có điểm nào liên quan đến Mỹ, Anh hay Pháp. Thay vào đó, ông đã khao khát tạo ra cái mà ông đã thẳng thắn gọi là một “quốc gia phi tự do” ngay tại chính trung tâm của châu Âu, một đất nước mạnh về các giá trị Cơ đốc giáo và xem nhẹ những cung cách thiếu đạo đức của phương Tây. Một cách chính xác hơn, điều ông đã mong muốn là biến Hungary thành một nước Nga thu nhỏ hoặc một Trung Quốc thu nhỏ. 

Orban đã phát biểu: “Các xã hội được thành lập dựa trên nguyên tắc của chiều hướng tự do sẽ không có khả năng duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới của họ trong những năm tiếp theo, và họ sẽ có nhiều khả năng hơn hứng chịu một sự thoái trào, trừ khi họ có khả năng tự cải cách một cách đáng kể”. Ông cũng đã tha thiết muốn định hướng lại về phía Đông, phụ thuộc ngày càng ít vào Brussels và ngày càng nhiều vào các thị trường có tiềm năng sinh lợi và các khoản đầu tư từ Nga, Trung Quốc và Trung Đông. 

Bài diễn văn vào tháng 7 đó đã tiêu biểu cho một thời điểm thực sự mang tính mặc cảm Oedipus, vì Orban đã háo hức muốn đâm một cái cọc xuyên qua chính trái tim của hệ tư tưởng đã sản sinh ra ông. Khi còn là một thanh niên trẻ vào hơn 25 năm trước, ông đã lãnh đạo Liên minh các đảng viên Đảng Dân chủ trẻ tuổi – Fidesz – một trong những đảng tự do nhiều triển vọng nhất của khu vực này. Trong những năm xen giữa, nhận thấy cơ hội chính trị ở những nơi khác trên phạm vi hoạt động chính trị, ông đã dẫn dắt Fidesz tách ra khỏi tổ chức Quốc tế Tự do và gia nhập Đảng Nhân dân châu Âu, cùng với các đảng viên Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Tuy nhiên, giờ đây, ông đã lại chuyển dịch. Và hình mẫu vai trò mới của ông đã không phải là Merkel, mà là Tổng thống Nga Vladimir Putin và phong cách hoạt động chính trị nắm đấm sắt của ông này. Do thành tích đáng thất vọng của các cải cách kinh tế tự do và sự keo kiệt của EU, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên rằng Orban đã quyết định đi nước đôi bằng việc hướng Đông. 

EU đã phản ứng bằng việc chỉ trích một cách gay gắt Chính quyền Orban vì cố gắng tiến hành một loạt thay đổi về hiến pháp mà hạn chế giới truyền thông và gây tổn hại cho sự độc lập của bộ máy tư pháp. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại đang ngày càng tăng tại Hungary, đặc biệt là tình cảm chống La Mã và chủ nghĩa bài Do Thái. Và nhà nước này đã tiến hành các bước để xác nhận lại quyền kiểm soát đối với nền kinh tế và áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài. 

Đối với một số người, mối quan hệ giữa Hungary và phần còn lại của châu Âu gợi nhớ về thời điểm vào những năm 1960 khi Albania tách khỏi khối Xôviết và trong một hành động táo bạo xuyên lục địa, đã tự mình liên kết với Trung Quốc theo đường lối cộng sản chủ nghĩa. Nhưng Albania vào khi đó là một bên tham gia thứ yếu và Trung Quốc vẫn còn là một nước nông nghiệp nghèo nàn. Hungary là một thành viên EU quan trọng và mô hình phát triển phi tự do của Trung Quốc, cái đã đưa nước này nhảy tót lên vị trí đứng đầu nền kinh tế toàn cầu, hiện có ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng. Nói cách khác, đây không phải là con chuột Albania cất tiếng gầm. Một trục phi tự do mới nối Budapest với Bắc Kinh và Moskva sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng. Xét cho cùng, Thủ tướng Hungary có nhiều đồng minh châu Âu trong dự án hoài nghi châu Âu của ông. Các đảng cực hữu đang vươn lên trong các cuộc bầu cử ở khắp lục địa này. Chẳng hạn, với 25% số phiếu bầu, Marine Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia đã đứng đầu các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu của Pháp hồi tháng 5/2014. Tại các cuộc bầu cử địa phương vào năm 2014, đảng này cũng đã giành được 12 chức thị trưởng, và các cuộc thăm dò cho thấy rằng Le Pen có thể giành chiến thắng cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống vào năm 2017 nếu nó được tổ chức vào lúc này. Sau vụ xả súng vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, Đảng Mặt trận Quốc gia đã thúc đẩy một loạt chính sách từ phục hồi án tử hình đến đóng cửa các biên giới mà cố ý thách thức toàn bộ dự án châu Âu. 

Tại Đan Mạch, Đảng Nhân dân thuộc phe cực hữu cũng đã giành hầu hết phiếu bầu trong các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu. Vào tháng 11/2014, đảng này đã lần đầu tiên dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến. Đảng Nhân dân đã kêu gọi Đan Mạch chấm dứt chính sách mở cửa của nước này đối với những người tị nạn và đưa vào áp dụng trở lại các kiểm soát biên giới. Tương tự điều như Đảng Xanh đã làm tại Đức vào những năm 1970, các nhóm như Đảng Độc lập của Anh, Đảng Finns của Phần Lan và thậm chí cả Đảng Dân chủ của Thụy Điển đang phá vỡ tình trạng nền dân chủ bị hai phái bảo thủ-xã hội chi phối đầy dễ chịu đã luân phiên nắm quyền lực ở khắp châu Âu trong và sau Chiến tranh Lạnh. 

Chứng sợ hãi Hồi giáo mà đã dấy lên sau những vụ án mạng tại Pháp đem lại một mũi tên ngày càng có uy lực hơn trong ống tên của những đảng này khi mà họ đảm nhiệm xu hướng chủ đạo. Cảm xúc hiện nay được biểu lộ chống lại Hồi giáo – tại các cuộc tập trung lực lượng, trong giới truyền thông và trong hành động phạm tội nhất thời – gợi về một châu Âu rất lâu trước đây, khi những người hành hương có vũ trang đã tiến hành nhiều chiến dịch chống lại các cường quốc Hồi giáo, khi các quốc gia-dân tộc ban đầu đã vận động chống lại Đế chế Ottoman, và khi sự thống nhất châu Âu được tạo ra không phải vì lợi ích kinh tế hay thỏa thuận chính trị mà như là một phản ứng “mang tính khai hóa” đối với những người không theo tôn giáo. 

Dĩ nhiên, châu Âu của ngày nay là một nơi đa văn hóa hơn rất nhiều, và sự hội nhập về tôn giáo phụ thuộc vào “thống nhất trong đa dạng”, như phương châm của EU đã nói. Do đó, cảm xúc chống Hồi giáo đang trỗi dậy thách thức bản chất tổng thể của dự án châu Âu. Nếu EU không thể hòa hợp với Hồi giáo, hành động cân bằng đầy phức tạp giữa tất cả các nhóm khác nhau về sắc tộc, tôn giáo và văn hóa của khu vực này sẽ bị rơi vào nghi vấn. 

Chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu không chỉ đến từ phái hữu của phạm vi hoạt động chính trị. Tại Hy Lạp, Đảng Syriza đã thách thức chủ nghĩa tự do từ phái tả, khi đảng này lãnh đạo các cuộc phản kháng chống lại EU và các chương trình khắc khổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà đã đẩy người dân nước này vào tình cảnh suy thoái và nổi loạn. Như tại những nơi khác ở châu Âu, phái cực hữu hẳn cũng đã có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế này, nếu chính phủ không bắt giữ ban lãnh đạo Đảng Bình minh Vàng vì tội giết người và những lời buộc tội khác. Trong các cuộc bầu cử Nghị viện gần đây của Hy Lạp, Syriza đã giành chiến thắng áp đảo, chỉ thiếu một vài ghế để giành được đa số tuyệt đối. Trong một biểu hiện của sự tổ chức lại hoạt động chính trị của châu Âu đang diễn ra, đảng này sau đó đã thành lập một chính phủ mới không phải với phe trung tả, mà với phe Đảng cánh hữu Những người Hy Lạp Độc lập, đảng mà tương tự chống chính sách khắc khổ nhưng cũng hoài nghi về EU và ủng hộ sự thẳng tay trấn áp việc nhập cư bất hợp pháp. 

Sự hội nhập châu Âu tiếp tục là một công cuộc mang tính lưỡng đảng đối với các đảng đứng trung dung trong phạm vi hoạt động chính trị, nhưng những người hoài nghi về châu Âu hiện giờ đang giành được các lá phiếu bằng giọng điệu chống chủ nghĩa liên bang của họ. Mặc dù họ có xu hướng tiết chế giọng điệu mang tính tiên tri ngày tận thế nhiều hơn về “Brussels chuyên chế” khi họ tiến gần hơn tới quyền lực, bằng việc gỡ một sợi chỉ lỏng lẻo chỗ này rồi một sợi khác ở chỗ kia, họ có thể dễ dàng làm xổ tung tấm thảm châu Âu. 

Khi đạo đức trở nên suy đồi 

Trong nhiều thập niên, sự hội nhập châu Âu đã tạo ra một vòng tròn mang tính đạo đức – sự thịnh vượng tạo ra sự ủng hộ về chính trị đối với việc hội nhập hơn nữa mà, đến lượt nó, đã làm tăng trưởng nền kinh tế châu Âu. Đó là một công thức giành chiến thắng trong một thế giới đầy cạnh tranh. Tuy nhiên, khi mô hình châu Âu đã trở nên gắn liền với sự khắc khổ, chứ không phải sự thịnh vượng, vòng tròn đạo đức đó đã trở nên suy đồi. Một thái độ thách thức đối với Eurozone tại một nước, một sự bãi bỏ các biên giới mở tại một nước khác, sự áp dụng trở lại án tử hình ở một nước thứ ba - nó cũng chính là một quá trình mà có thể được nuôi dưỡng bằng bản thân mình, có khả năng đưa EU vào vòng xoáy chết chóc, ngay cả nếu vào lúc đầu, không có quốc gia thành viên nào tiến hành bước quyết định là rút lui. 

Tại Đông và Trung Âu, nhóm người không tin tưởng vào EU đang tăng lên phàn nàn rằng Brussels đơn giản là đã thế chỗ Moskva trong thời kỳ hậu Xôviết. (Những người hoài nghi về châu Âu tại Nam Tư cũ thích viện dẫn ví dụ về Belgrade hơn.) Họ khăng khăng rằng Brussels thiết lập các thông số của chính sách kinh tế mà các quốc gia thành viên của khu vực này liều mạng để phớt lờ, trong khi đó các thành viên Eurozone nhận thấy họ có ngày càng ít quyền kiểm soát đối với tài chính của họ. Ngay cả nếu các sắc lệnh ban hành ra từ Brussels được hiểu là nhạy cảm về mặt kinh tế và có một chút tính hợp pháp dân chủ, đối với những người hoài nghi về châu Âu chúng vẫn đại diện cho một sự mất mát chủ quyền đầy bất lợi. 

Theo cách này, cũng những cơn oán giận như thế mà ăn dần ăn mòn tại các liên bang Xôviết và Nam Tư đã bắt đầu làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng đối với EU. Ngoài Ba Lan và Đức, nơi mà lòng nhiệt tình vẫn còn mạnh mẽ, tình cảm đối với EU khả quan nhất thì vẫn là lãnh đạm ở khắp phần lớn phần còn lại của châu lục này, bất chấp một sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng đồng euro. Sự yêu mến đối với nó hiện giờ vào khoảng 50% tại nhiều quốc gia thành viên và dưới con số này tại những nơi như Italy và Hy Lạp. 

EU không nghi ngờ gì đã là một thành tựu đáng chú ý của nghệ thuật quản lý nhà nước hiện đại. Nó đã biến một châu lục mà đã dường như được định sẵn là sẽ đắm chìm trong “những mối thù truyền kiếp” thành một trong những khu vực hòa hợp nhất trên hành tinh. Nhưng giống như với các nhà nước kết hợp của Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc, dự án liên bang phức tạp của EU đã tỏ ra rất mong manh khi thiếu một mối đe dọa mạnh mẽ từ bên ngoài giống như mối đe dọa mà Chiến tranh Lạnh đã tạo ra. Một cú sốc kinh tế khác hay một thách thức chính trị được điều phối có thể dễ dàng đẩy khu vực này vào tình trạng mất kiểm soát. 

Thống nhất trong sự đa dạng có thể là một khái niệm hấp dẫn, nhưng EU cần nhiều thứ hơn ngoài giọng điệu hay ho và những ý định tốt đẹp để vẫn gắn kết với nhau. Nếu khu vực này không đưa ra một công thức tốt hơn để giải quyết sự bất bình đẳng về kinh tế, chủ nghĩa cực đoan về chính trị và sự thiếu khoan dung của xã hội, các đối thủ của nó sẽ sớm có sức mạnh để nhấn nút tua lại từ đầu sự hội nhập của châu Âu. Sự sụp đổ chế độ xảy ra sau đó sẽ không chỉ là một bi kịch đối với châu Âu, mà cả đối với toàn bộ những ai hy vọng vượt qua những sự kình địch đầy nguy hiểm của quá khứ và đem lại sự che chở khỏi những cuộc xung đột đầy chết chóc của hiện tại.

Theo Foreign Policy in Focus

Văn Cường (gt)