Cách đây 5 năm, hai ông Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình đã cùng nhau vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyết sách tối cao của TQ, xác lập mô thức “hai người kế nhiệm” lần đầu tiên trong lịch sử chính trị TQ hiện đại. Mặc dù tại Đại hội 18 sắp tới, ông Tập Cận Bình sẽ được lựa chọn là người thay thế Hồ Cẩm Đào nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư, trở thành lãnh đạo cao nhất trong ĐCS/TQ, tuy nhiên chính trị TQ kể từ sau thời Đặng Tiểu Bình đã chấm dứt thời đại quyền lực tập trung vào một cá nhân, thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo. Ông Lý Khắc Cường là một trong hai nhân vật kế nhiệm, đồng thời là lại chủ soái của phái Đoàn Thanh niên - một phái chủ chốt trong nội bộ ĐCS/TQ, do đó sức ảnh hưởng của ông Lý Khắc Cường sẽ lớn hơn so với các vị Thủ tướng tiền nhiệm.

Sau khi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý Khắc Cường vẫn thường xuất hiện và có các phát biểu trên truyền thông chính thức TQ, tuy nhiên hiểu biết của giới bên ngoài về trải nghiệm và cá tính của ông vẫn còn rất hạn chế, bởi truyền thông nhà nước rất ít khi đề cập tới lịch sử và cá tính của các lãnh đạo, đồng thời ông Lý Khắc Cường lại là người khá kín tiếng. Nhìn chung, trong các vị Ủy viên Bộ Chính trị TQ, những nhân vật có cá tính “ồn ào” như Bạc Hy Lai là rất ít.

Ông Lý Khắc Cường từ một cậu học sinh hiếu học của trường Trung học số 8 thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, tới Bí thư Chi bộ một Đại đội sản xuất thuộc Công xã nhân dân Đại Miếu, huyện Phụng Dương; từ một sinh viên lớp cử nhân tài năng Khoa Luật trường Đại học Bắc Kinh, đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS; từ Tỉnh trưởng Hà Nam đến Bí thư Tỉnh ủy; từ Bí thư Liêu Ninh đến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện… Đường hoan lộ của ông Lý Khắc Cường dường như không mấy gian nan, thậm chí có thể xem là khá thông thuận. Tuy nhiên thành công của Lý Khắc Cường không hề dựa vào sự may mắn, mà nhờ vào sự chăm chỉ hiếu học và làm việc nghiêm túc kỷ luật.

Không có được nền tảng gia đình cách mạng hiển hách như Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường có người cha - ông Lý Phụng Tam - là một viên chức nhà nước bình dị, từng làm chức Huyện trưởng huyện Phụng Dương và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Địa phương chí tỉnh An Huy.

Tuy nhiên, ông Lý Phụng Tam là người đã truyền cho Lý Khắc Cường cái ham mê đối với lĩnh vực văn sử. Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, TQ đang ở trong cuộc Cách mạng Văn hóa, khi đó phần tử trí thức bị xem như “kẻ thù”. Nhưng trong bối cảnh đó, ông Lý Phụng Tam vẫn thường dẫn cậu thiếu niên Lý Khắc Cường tới theo học nhiều thầy giỏi tại Quán văn sử tỉnh An Huy, trong đó có nhà quốc học Lý Thành. Lý Thành là người đã khuyến khích cậu học trò thông minh ham học Lý Khắc Cường tìm đọc những trước tác lịch sử kinh điển, đồng thời cũng giúp Lý Khắc Cường lĩnh hội những đạo lý từ sách vở.

Tháng 3/1974, khi mới 19 tuổi, Lý Khắc Cường bị đưa về lao động tại đại đội sản xuất Đông Lăng, thuộc Công xã Nhân dân Đại Miếu, huyện Phụng Dương, thành phố Hợp Phì. Trong điều kiện sinh hoạt và lao động gian khổ ở nông thôn, Lý Khắc Cường đã không quản vất vả cực nhọc, sớm hòa nhập và học cách làm các công việc nghề nông, do đó nhận được sự khen ngợi của nông dân và cán bộ công xã. Năm 1976, Lý Khắc Cường được kết nạp Đảng rồi sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ đại đội sản xuất Đông Miếu, trở thành một “cán bộ thôn” chính hiệu.

Lý Khắc Cường mặc dù có khả năng sẽ trở thành một Thủ tướng có quyền lực lớn nhất kể từ khi nhà nước TQ mới thành lập, nhưng ông luôn giữ bản sắc khá bình dị và khiêm tốn. Trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo tỉnh tại Hà Nam và Liêu Ninh, Lý Khắc Cường gần như không hề có chuyến thăm nước ngoài nào, và cũng rất ít khi tham dự các cuộc chiêu đãi tiệc tùng, thay vì bữa cơm đơn giản do thư ký chuẩn bị.

Trong các chuyến đi thăm làm việc tại các địa phương khó khăn, với thân phận là Ủy viên Thường vụ BCT, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, nhưng Lý Khắc Cường vẫn ăn mì gói cùng với các cán bộ địa phương. Hình ảnh bình dị của Lý Khắc Cường rất tự nhiên, đó là nhờ có 4 năm sinh sống và lao động tại tỉnh An Huy nghèo khó.

Sự kín tiếng của Lý Khắc Cường khiến cho giới bên ngoài khó đoán biết phong cách cá nhân của ông. Nhưng thực tế ngay từ những năm 1980, Lý Khắc Cường đã đưa ra những tổng kết sâu sắc về hoạt động chính trị. Ông cho rằng, trong điều kiện xã hội TQ, người làm cán bộ cần phải có 3 khí chất: khí chất cán bộ, khí chất trí thức và nghĩa khí. Khí chất cán bộ là khi gặp việc lớn có thể điềm tĩnh đối diện; khí chất trí thức là có hiểu biết và tầm nhìn theo kịp thời đại; nghĩa khí là có thể khiến cho lãnh đạo, đồng nghiệp và cấp dưới yên tâm và tin cậy. Quan điểm này của Lý Khắc Cường mặc dù không thể đưa thành văn bản, nhưng đã phần nào thể hiện tư duy làm cán bộ và lựa chọn cán bộ của ông.

Trong thời gian làm Phó Thủ tướng, Lý Khắc Cường là người trực tiếp chỉ đạo và phụ trách hai vấn đề “hóc búa” hàng đầu, đó là cải cách y tế và xây dựng nhà ở xã hội. Sau nhiều năm nỗ lực, chế độ bảo hiểm y tế cơ bản của TQ hiện đã bao phủ 95% dân số, vấn đề gánh nặng khám chữa bệnh của người dân đã được cải thiện rõ rệt; bên cạnh đó, công tác xây dựng nhà ở xã hội của các địa phương cũng đạt được tiến triển to lớn, góp phần khống chế bong bóng bất động sản tại các đô thị vừa và lớn.

Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Lý Khắc Cường trong vai trò Thủ tướng sẽ không hề bằng phẳng. Kinh tế TQ sau hơn 30 năm tăng trưởng phi mã giờ đã cho thấy ngày càng nhiều những khiếm khuyết, và rất có thể là những vấn đề này sẽ bùng phát trong vài năm tới đây. Ông Lý Khắc Cường sẽ phải đối mặt với không ít những vấn đề “hóc búa” như phá bỏ sự độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh kết cấu kinh tế đang mất cân bằng nghiêm trọng, thúc đẩy quá trình thị trường hóa kinh tế đang bị cản trở bởi các tập đoàn lợi ích, duy trì tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và tài nguyên môi trường v.v.. Đây là những vấn đề cốt tử của nền kinh tế mà ông Lý Khắc Cường sẽ không thể né tránh, ông chỉ có thể trực diện đối phó với thách thức bằng dũng khí và tài năng của mình.

Sứ mệnh trong 10 năm tới của Lý Khắc Cường.

Với nhiệm vụ là người sẽ lãnh đạo Chính phủ TQ đi tiếp chặng đường 10 năm tới, sứ mệnh của ứng viên Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa rõ ràng lại vừa phức tạp: duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển, thúc đẩy công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Từ những công tác mà ông Lý Khắc Cường đảm nhiệm sau khi được đề bạt vào chức vụ Phó Thủ tướng năm 2008, dư luận có thể phần nào nhìn ra hướng đi mà ông có thể sẽ theo đuổi để thực hiện những mục tiêu nêu trên, cũng như những trọng điểm chính sách trong tương lai.

Kể từ khi đảm nhiệm Phó Thủ tướng, Lý Khắc Cường chủ yếu phụ trách các mảng công tác vĩ mô như cải cách phát triển, vật giá, tài chính, thống kê; trong đó trọng điểm phụ trách về cải cách phát triển là công tác cải cách y tế. Đồng thời, ông Lý Khắc Cường cũng kiêm nhiệm các chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng Quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban An toàn thực phẩm Quốc Vụ viện… Bởi vậy, nhiều người cho rằng hướng đi ưu tiên của ông Lý Khắc Cường sau khi lên làm Thủ tướng sẽ là cải thiện dân sinh, cải thiện môi trường và thúc đẩy đô thị hóa.

Tại một cuộc hội thảo về thuế doanh nghiệp tổ chức ngày 21/10 vừa qua, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc cần từng bước lấy thuế giá trị gia tăng thay thế cho thuế kinh doanh, thực hiện thu thuế công bằng, lấy đây làm phương hướng cải cách chế độ thuế của TQ. Theo thống kê, hiện nay mức độ giảm thuế bình quân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thí điểm cải cách thuế đạt tới 40%; hạng mục cải cách này dự kiến có thể làm trỗi dậy sức sống của nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, mở rộng thêm nội nhu, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực.

Tuy nhiên, đến nay dư luận chưa được nhìn thấy hành động hoặc nghe các phát biểu của Lý Khắc Cường về lĩnh vực cải cách thể chế tài chính ngân hang, mặc dù đây là vấn đề cải cách không thể né tránh. Vì vậy, dư luận chỉ có thể chờ đợi những hành động thực tế của ông sau khi lên làm Thủ tướng.

Theo mạng Liên hợp Buổi sáng

Quốc Trung (gt)