Điểm chính

  • Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hạt nhân hiện đại trên biển đầu tiên của mình. Đối với một quốc gia ưu tiên sự kiểm soát mang tính tập trung hóa cao độ đối với sức mạnh răn đe hạt nhân, sự xuất hiện của lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) sẽ đặt ra những thách thức mà Trung Quốc chưa từng gặp phải trước đây. Việc Trung Quốc chọn phương án nào để kiểm soát và chỉ huy lực lượng SSBN sẽ có những tác động quan trọng đối với ổn định chiến lược.
  • Dù vẫn khẳng định Lực lượng Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ đảm nhiệm tất cả các lực lượng hạt  nhân của Trung Quốc, nhưng hiện tại có vẻ như lực lượng SSBN đang nằm dưới sự kiểm soát của Hải quân PLA. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ chọn phương án xem xét lại các cấu trúc kiểm soát và chỉ huy trong bối cảnh lực lượng SSBN bắt đầu các hoạt động tuần tra răn đe vũ trang. Có ba mô hình kiểm soát và chỉ huy đáng chú ý, mỗi mô hình sẽ phân chia mức độ khác nhau về thẩm quyền của hải quân PLA và Lực lượng Tên lửa.
  • Các nhân tố liên quan đến vận hành, bộ máy hành chính và các toan tính chính trị sẽ quyết định việc Trung Quốc chọn mô hình kiểm soát và chỉ huy nào đối với lực lượng SSBN. Một chính sách kiểm soát và chỉ huy hỗn hợp, với quyền hạn được phân chia giữa hải quân và Lực lượng Tên lửa, sẽ mang lại hiệu ứng tích cực nhất cho sự ổn định chiến lược.

****

Từ một quốc gia chỉ sở hữu số ít tên lửa nguyên liệu lỏng và tên lửa phóng từ hầm chỉ mang một đầu đạn, chương trình hiện đại hóa hiện tại của Trung Quốc đang giúp nước này sở hữu một lực lượng lớn mạnh hơn với nhiều loại tên lửa nhiên liệu rắn cơ động hiện đại, trong số đó có các tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn. Có lẽ điểm đáng chú ý nhất về chính sách hạt nhân của nước này là với việc sở hữu bốn tàu tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) và cùng với đó là năm chiếc tàu hiện đang trong quá trình xây dựng, Trung Quốc đang tiến gần đến việc sở hữu một lực lượng răn đe hạt nhân có sức mạnh trên biển.[1]

Mặc dù Trung Quốc ưu tiên kiểm soát về chính trị đối với lực lượng hạt nhân và duy trì một chính sách hạt nhân kiềm chế, nhưng sự phát triển của hạm đội tàu SSBN sẽ đặt ra những thách thức mới về chính sách kiểm soát và chỉ huy của nước này. Tuy nhiên, lực lượng quân sự nào cuối cùng sẽ nắm quyền chỉ huy các lực lượng hạt nhân trên biển của Trung Quốc? Một số chuyên gia dự đoán Lực lượng Tên lửa mới thành lập của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tiền thân là Binh đoàn Pháo binh Số 2 trước kia, sẽ nắm quyền chỉ huy lực lượng SSBN, mặc dù quyết định đó sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc bộ máy hành chính của Trung Quốc.

Bài viết này sẽ đánh giá các phương án nhằm kiểm soát và chỉ huy lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Bài viết sẽ bắt đầu bằng việc đánh giá bằng chứng cho rằng Lực lượng Tên lửa và lực lượng tiền thân của đơn vị này đã được chỉ định kiểm soát toàn bộ kho vũ khí trên đất liền của Trung Quốc. Tiếp theo, bài viết mô tả ba cấu trúc chỉ huy và kiểm soát giả định đối với hạm đội SSBN trong tương lai của Trung Quốc, mỗi cấu trúc giả định sẽ bao gồm các mức độ khác nhau về thẩm quyền của Hải quân và Lực lượng Tên lửa của PLA. Mỗi mô hình kiểm soát và chỉ huy này sẽ dẫn đến những yêu cầu khác nhau về chính sách nhân sự, cơ cấu tổ chức và cơ sở hạ tầng. Sau đó, bài viết sẽ đánh giá một số nhân tố liên quan đến hoạt động vận hành, bộ máy hành chính và chính trị có thể sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc kiểm soát và chỉ huy trong tương lai đối với lực lượng SSBN của Trung Quốc. Bài viết sẽ kết thúc bằng việc thảo luận về các tác động từ những phương án kiếm soát và chỉ huy SSBN của Trung Quốc đối với sự ổn định chiến lược.

Hoạt động kiểm soát và chỉ huy hạt nhân hiện tại của Trung Quốc

Lực lượng răn đe hạt nhân của Trung Quốc vốn chỉ là lực lượng tên lửa đạn đạo trên đất liền có quy mô tương đối nhỏ và non trẻ. Trong hàng thập kỷ đã qua, các lực lượng hạt nhân của Binh đoàn Pháo binh Số 2 trước đây chỉ sở hữu một vài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ hầm (ICBM). Về mặt hình thức, Trung Quốc đã phát triển năng lực hỗ trợ cho bộ ba lực lượng hạt nhân, tuy nhiên những năng lực kỹ thuật đầy hứa hẹn này chưa bao giờ được hiện thực hóa trở thành những trụ cột cho các lực lượng trên không hay trên biển. Lực lượng máy bay ném bom H-6 tầm trung chỉ có khả năng tấn công các mục tiêu khu vực và sẽ khó có khả năng được giao thực hiện nhiệm vụ hạt nhân chủ động.[2] Trung Quốc đã đóng mới tàu ngầm SSBN lớp Xia Loại 092. Tuy nhiên, con tàu này lại chỉ được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-1 (CSS-N-3) với tầm bắn rất ngắn, và con tàu này cũng chưa thực hiện hoạt động tuần tra răn đe.[3] Trung Quốc đã chọn hệ thống kiểm soát và chỉ huy mang tính tập trung chặt chẽ đối với kho vũ khí hạn chế của mình. Quyền thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân chỉ được trao cho Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan hoạch định chính sách quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc, và người ta cho rằng Bắc Kinh vẫn duy trì quản lý thực tế bằng cách chia tách đầu đạn khỏi tên lửa và cất giữ chúng ở các địa điểm khác nhau.[4]

Sự nổi lên của lực lượng SSBN Trung Quốc chắc chắn sẽ thay đổi không chỉ cấu trúc của kho vũ khí hạt nhân mà nó còn làm thay đổi các chính sách kiểm soát và chỉ huy kho vũ khí của nước này. Hiện Trung Quốc đã sở hữu bốn chiếc tàu ngầm SSBN lớp Jin Loại – 094 cùng với chiếc tàu thứ năm đang được xây dựng. Các nhà lãnh đạo Mỹ dự báo rằng, cuối cùng Trung Quốc có thể sẽ triển khai ít nhất là tám chiếc tàu thuộc thế-hệ-thứ-hai này.[5] Hiện vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về việc liệu những con tàu này có thực sự thực hiện các hoạt động tuần tra hạt nhân hay chưa, nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá thì những hoạt động tuần tra kiểu như vậy sẽ được thực hiện trong năm nay.[6] Mặc dù hạm đội tàu Loại 094 mới chỉ được đưa vào hoạt động gần đây, nhưng lại có tin rằng Trung Quốc đã bắt đầu triển khai lớp tàu SSBN mới Loại 096 cũng như thế hệ tàu thứ 3 mang tên lửa JL-3 SLBM, những loại tàu mới này sẽ tăng cường phạm vi tấn công cho lực lượng răn đe trên biển.[7]

Hầu như không hề có thông tin về hoạt động kiểm soát và chỉ huy đối với lực lượng SSBN đang nổi này. Một số chuyên gia Mỹ và các nhà bình luận không thuộc kênh chính thống của Trung Quốc đều dự đoán rằng, Lực lượng Tên lửa mới thành lập sẽ nắm quyền kiểm soát đối với toàn bộ kho vũ khí tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm cả lực lượng SSBN mới xuất hiện và các lực lượng ném bom chiến lược trong tương lai.[8] Tuy nhiên, nhiều nguồn công khai lại cho thấy Lực lượng Tên lửa hiện nay không có quyền kiểm soát đối với các đơn vị khác của lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Đầu tiên, lời văn trong các Sách Trắng Quốc phòng và các văn bản chính thức khác Trung Quốc đều thể hiện Lực lượng Tên lửa hiện tại không kiểm soát các lực lượng hạt nhân trên biển của Trung Quốc và có thể cả hải quân, không quân đều được giao một số nhiệm vụ hạt nhân nhất định. Theo ghi nhận của một chuyên gia hạt nhân của Trung Quốc, Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 đã nêu rõ rằng, Binh đoàn Pháo binh Số 2 trước đây chỉ kiểm soát các loại tên lửa đạn đạo Đông Phong và tên lửa hành trình Trường Kiếm.[9] Điều đáng chú ý là không có thông tin về tên lửa SLBM JL-2 (CSS-NX-14). Đoạn video phát bài hát chính thức của Lực lượng Tên lửa có giới thiệu các thông số tham khảo về tên lửa Đông PhongTrường Kiếm nhưng lại không hề có thông tin về các loại vũ khí trên biển của Trung Quốc.[10] Thảo luận về vai trò tấn công đánh chặn hạt nhân của Binh Đoàn Pháo binh Số 2, Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 lại tiếp tục tuyên bố rằng: “Nếu như Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, lực lượng tên lửa hạt nhân của PLASAF [Binh đoàn Pháo Binh Số 2 PLA] sẽ sử dụng tên lửa hạt nhân tiến hành một cuộc phản công quyết liệt, cuộc phản công sẽ được thực hiện một cách độc lập hoặc kết hợp với các lực lượng hạt nhân của các đơn vị khác” (đã thêm phần nhấn mạnh).[11] Điều này phù hợp với các thông tin trước đây về việc Binh đoàn Pháo binh Số 2 được chỉ định kiểm soát các loại tên lửa trên đất liền.[12] Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2008 tuyên bố rằng: “Hải quân được trang bị các loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm động cơ đẩy thông thường.”[13] Khoa học Chiến lược Quân sự 2013, một ấn phẩm của PLA được giới lãnh đạo PLA kiểm duyệt chặt chẽ và được nhiều người cho rằng phản ánh tư duy chiến lược quân sự Trung Quốc, đưa ra chỉ thị cụ thể yêu cầu Hải Quân PLA phải chuẩn bị năng lực hạt nhân trên biển: “Do đòi hỏi về ‘trang thiết bị lưỡng dụng hạt nhân thông thường và song trùng tác chiến [核常兼双重作]’, Hải quân cần nhanh chóng phát triển và trang bị năng lực phản công hạt nhân trên biển ở mức độ nhất định.”[14] Các báo cáo sau đó về sự thành lập của Lực lượng Tên lửa đều tái khẳng định rằng, Lực lượng này sẽ chỉ huy các đơn vị tên lửa trên đất liền và không được chỉ định chỉ huy các đơn vị khác của các lực lượng hạt nhân Trung Quốc.[15]

Ngoài ra, các Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc cũng sử dụng câu từ thể hiện có vẻ như nước này đã giao cho lực lượng không quân và hải quân thực hiện một số nhiệm vụ hạt nhân nhất định. Cả hai lực lượng này đều được chỉ định đóng vai trò “răn đe chiến lược,” đây là khái niệm được dùng trong các Sách Trắng để thể hiện mối liên hệ với nhiệm vụ hạt nhân.[16] Binh đoàn Pháo binh Số 2 được mô tả một cách đặc biệt, như là “ lực lượng hạt nhân răn đe chiến lược nòng cốt của Trung Quốc.”[17] Phần mở đầu trong Sách Trắng Quốc phòng 2015, khi mô tả các nhiệm vụ chính đối với các lực lượng vũ trang Trung Quốc, đưa ra yêu cầu “duy trì răn đe chiến lược và thực hiện phản công hạt nhân.”[18] Sách Trắng cũng nêu rằng “PLASAF sẽ tăng cường năng lực răn đe chiến lược và phản công hạt nhân của mình.”[19] Cụm từ “răn đe chiến lược” đi kèm với một năng lực quân sự cụ thể thì có vẻ sẽ có liên hệ tới nhiệm vụ hạt nhân. Đáng chú ý, bộ binh không được chỉ định nhiệm vụ răn đe chiến lược. Bởi răn đe chiến lược có liên quan đến nhiệm vụ hạt nhân, nên chúng ta có lý do để suy luận rằng bộ binh đã không được giao nhiệm vụ hạt nhân, trong bối cảnh mà các loại vũ khí hạt nhân trên đất liền của Trung Quốc luôn nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Binh đoàn Pháo binh Số 2.

Thứ hai, Lực lượng Tên lửa có vẻ vừa không có cấu trúc kiểm soát và chỉ huy, vừa không có cấu trúc mang tính tổ chức cần thiết để hỗ trợ cho việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân trên biển. Mặc dù gần đây, Trung Quốc đã tiến hành những đổi mới trong quân đội nhằm tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động tác chiến chung phức tạp cho PLA, nhưng Lực lượng Tên lửa mới được thành lập rất có khả năng sẽ vẫn nằm ngoài hệ thống kiểm soát và chỉ huy tích hợp cho hoạt động chỉ huy trên chiến trường, thay vào đó có thể lực lượng này sẽ tiếp tục duy trì những hệ thống tập trung hóa cao độ tương tự như Binh đoàn Pháo binh Số 2 trước kia.[20] Cấu trúc chỉ huy của Lực lượng Tên lửa có thể sẽ không chồng lấn với các lực lượng khác. Mặc dù Lực lượng Tên lửa có phái các sĩ quan liên lạc đến các đơn vị chỉ huy trên chiến trường, nhưng có vẻ như không có bất kỳ tổ chức hay đơn vị nào của Lực lượng Tên lửa đảm nhận nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng hay đơn vị chỉ huy khác không thuộc lực lượng này. Bên cạnh đó, các nguồn thông tin không chính thống trên mạng đều khẳng định rằng, học viện tàu ngầm của Hải quân ở Thanh Đảo có chương trình đào tạo các chuyên ngành 1 năm chuyên về tàu ngầm tên lửa hạt nhân, và giảng viên tại học viện thường xuyên xuất bản các ấn phẩm về tàu ngầm tên lửa hạt nhân.

Lực lượng Tên lửa và Binh đoàn Pháo binh Số 2 chỉ được chỉ định kiểm soát các loại tên lửa trên đất liền dù cho PLA đã thất bại trong việc phát triển và triển khai tàu ngầm SSBN lớp Xia Loại 092. Dù nhiều người tin rằng con tàu chưa từng thực hiện hoạt động tuần tra răn đe nhưng nó vẫn được đưa ra biển.[21] Kết nối lại với nhau, từ hoạt động của các tàu SSBN thế hệ trước cho tới việc không có bất kỳ bằng chứng nào về sự tham gia của Lực lượng Tên lửa cho thấy rằng, lực lượng Tên lửa đã không được chỉ định kiểm soát lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình phát triển khả năng răn đe hạt nhân trên biển hiện đại, cũng như các đổi mới quân sự gần đây, nhưng hầu như vẫn không có bằng chứng cho thấy Lực lượng Tên lửa nắm quyền chỉ huy lực lượng SSBN của Trung Quốc.

Cấu trúc kiểm soát và Chỉ huy Giả định

Có ba cấu trúc kiểm soát và chỉ huy giả định đối với hạm đội SSBN của Trung Quốc, mỗi cấu trúc giả định sẽ bao gồm mức độ khác nhau về thẩm quyền của Hải quân và Lực lượng Tên lửa của PLA. Ở mô hình đầu tiên, hải quân sẽ duy trì quyền kiểm soát hoạt động đối với cả lực lượng SSBN và các tên lửa SLBM đi kèm. Ở mô hình thứ hai, Lực lượng Tên lửa sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động đối với những vũ khí hạt nhân trên biển cũng như đối với lực lượng SSBN vận hành các loại vũ khí đó. Ở mô hình cuối cùng, hải quân sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động đối với lực lượng SSBN, nhưng Lực lượng Tên lửa sẽ nắm quyền chỉ huy chiến lược đối với các tên lửa SLBM. Mỗi mô hình đều có những yêu cầu khác nhau về cơ sở hạ tầng thông tin, về quá trình tuyển chọn và huấn luyện nhân sự và về kết cấu tổ chức. Ở tất cả các mô hình, CMC sẽ vẫn duy trì quyền chỉ huy tối cao đối với hoạt động sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

David C. Logan từng có thời gian thực tập nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, Đại học Học Quốc phòng Quốc gia (NDU), Mỹ, hiện đang theo học thạc sĩ  tại Trường các Vấn đề Công và Quốc tế, Đại học Princeton. Bài viết được đăng trên NDU.

Trần Quang (dịch)

Tiến Tiệp (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD), Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2016 (Washington, DC: DOD, 26/4/2016), 26.

[2] Hans M. Kristensen và Robert S. Norris, “Chinese Nuclear Forces, 2016,” Bulletin of the Atomic Scientists72, no. 4 ( tháng 6/2016), 5–6. Quan chức quốc phòng Mỹ gần đây cho rằng Không quân PLA có thể được bổ nhiệm hoặc hoạt động đối với sự mệnh hạt nhân, mặc dù chỉ tiết vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ xem DOD, Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2016, 38; và Hans M. Kristensen, “Air Force Briefing Shows Nuclear Modernizations but Ignores U.S. and UK Programs,” Federation of American Scientists (FAS), 29/5/2013, xem tại <https://fas.org/blogs/security/2013/05/afgsc-brief2013/>.

[3] Andrew S. Erickson và Michael Chase, “China’s SSBN Forces: Transitioning to the Next Generation,” China Brief 9, no. 12 ( tháng 6/2009).

[4] Để biết thêm thông tin về chính sách và thực tế xử lý đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, xem Mark A. Stokes, “China’s Nuclear Warhead Storage and Handling System,” Project 2049 Institute, 12/3/2010, xem tại <https://project2049.net/documents/chinas_nuclear_warhead_storage_and_handling_system.pdf>

[5] Admiral Samuel J. Locklear, USN, “Statement Before the Senate Armed Services Committee on U.S. Pacific Command Posture,” 16/4/2015, 9, xem tại <www.armed-services.senate.gov/imo/media/doc/Locklear_04-16-15.pdf>.

[6] Từ ngữ trong báo cáo mới nhất của DOD về quan sự của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thực hiện hoạt động tuần tra răn đe, nhưng hoạt động này sẽ sớm được thực hiện: “Trung Quốc có thể sẽ tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân SSBN vào thời điểm năm 2016.” DOD, Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2016, 26. Tuy nhiên, các phát biểu khác của quan chức quốc phòng Mỹ lại cho thấy là tàu SSBN của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành tuần tra, mặc dù các con tàu này có thể chưa được trang bị vũ khí. Ví dụ xem Kris Osborn, “Admiral Says China Outnumbers U.S. in Attack Submarines,” DODBuzz.com, 26/2/2015, xem tại <www.dodbuzz.com/2015/02/26/admiral-says-china-outnumbersu-s-in-attack-submarines/>; Vincent R. Stewart, “Statement for the Record: Worldwide Threat Assessment,” Statement Before the Senate Armed Services Committee, 9/2/2016, xem tại <www.dia.mil/News/Speeches-and-Testimonies/Article-View/Article/653278/statement-for-the-record-worldwide-threat-assessment/>.

[7] DOD, Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2016, 26.

[8] Ví dụ xem “Expert: PLA Rocket Force May Have Strategic Nuclear Submarine, Bomber,” China Military Online, /8/1/2016, xem tại <http://english.chinamil.com.cn/news-channels/pla-dailycommentary/2016-01/08/content_6850119.htm>; Kelsey Davenport, “China Elevates Nuclear Rocket Force,” Arms Control Association, 3/3/2016, xem tại  <www.armscontrol.org/ACT/2016_03/News/China-Elevates-Nuclear-Rocket-Force>; Shannon Tiezzi, “The New Military Force in Charge of China’s Nuclear Weapons,” The Diplomat, 5/1/2016.

[9] “The Diversified Employment of China’s Armed Forces,” State Council Information Office, tháng 3/2013, xem tại <http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-04/16/c_132312681_2.htm>.

[10] “New Branch of PLA Shows off Missiles in Music Video,” Global Times, 14/2/2016, xem tại <www.globaltimes.cn/content/968296.shtml>.

[11] “The Diversified Employment of China’s Armed Forces.”

[12] Ví dụ xem “China’s National Defense in 2008” [2008 年中国的国防], Xinhua [], 1/1/2011, xem tại <www.mod.gov.cn/affair/2011-01/06/content_4249949_4.htm>.

[13] Như trên

[14]  Shou Xiaosong [寿晓松], The Science of Military Strategy[战略] (Beijing: Military Academic Works, Academy of Military Science, 2013) [军事科学出版社], 214.

[15] Sun Kuaiji [孙快吉], “The World Looks on at the Creation of the Rocket Force” [放眼世界看火箭军建设], PLA Daily[解放军报], 3/5/2016, xem tại <www.81.cn/jfjbmap/content/2016-05/03/content_143402.htm>.

[16] Mặc dù có sự liên kết giữa lĩnh vực hạt nhân và khái niệm về “răn đe chiến lược”, hai khái niệm này dường như không đồng nghĩa trong các văn bản quốc phòng của Trung Quốc. Thảo luận về sự phát triển ngày càng tăng trong khái niệm của Trung Quốc về “răn đe chiến lược”, xem Michael S. Chase and Arthur Chan, China’s Evolving Approach to “Integrated Strategic Deterrence” (Santa Monica, CA: RAND, 2016); Michael S. Chase and Arthur Chan, “China’s Evolving Strategic Deterrence Concepts and Capabilities,” The Washington Quarterly 39, no. 1 (Spring 2016), 117–136.

[17] “The Diversified Employment of China’s Armed Forces.”

[18] “China’s Military Strategy,” State Council Information Office, 26/5/2015, xem tại <http://news.xinhuanet.com/english/china/2015-05/26/c_134271001_2.htm>.

[19] Như trên

[20] David C. Logan, “PLA Reforms and China’s Nuclear Forces,” Joint Force Quarterly 83 (4th Quarter 2016), 57–62.

[21] John Wilson Lewis and Xue Litai, China’s Strategic Seapower: The Politics of Force Modernization in the Nuclear Age (Stanford: Stanford University Press, 1996); Hans M. Kristensen, “China SSBN Fleet Getting Ready—But for What?” FAS, 25/4/2014, xem tại https://fas.org/blogs/security/2014/04/chinassbnfleet/.