Sau Hội nghị Trung ương 3 khóa 18, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và xã hội của nước này bao gồm cải cách việc sở hữu đất đai, nới lỏng kiểm soát đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nởi lỏng chính sách một con gây nhiều tranh cãi và đóng cửa các trại lao động bắt buộc.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc Chủ tịch Tập Cận Bình là người đứng đầu ban soạn thảo quyết định của Hội nghị Trung ương 3 là một sự thay đổi đáng chú ý so với các lãnh đạo trước, đồng thời cho thấy rằng Tập Cận Bình đang gắn kết uy tín cá nhân của riêng mình với những sự thay đổi đã được lên kế hoạch. 

Giáo sư Barry Naughton thuộc Đại học California, Sandiego (Mỹ) và là một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nhận định: “Điều đó khá bất ngờ. Ông ấy đã nói ‘tôi là người đứng đầu nhóm dự thảo quyết định". Trong bản tin hôm 19/11 của Tân Hoa Xã, Tập Cận Bình đã được đề cập tới 21 lần trong khi Lý Khắc Cường không được nêu tên lần nào. 

Các chuyên gia cho rằng giống như Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 1992 và mang lại sự bùng nổ kinh tế cho Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đặt cải cách là ưu tiên hàng đầu của mình. Đặng Tiểu Bình được coi là người đã đưa Trung Quốc tiến tới chủ nghĩa độc đoán về mặt chính trị song một số học giả còn cho rằng trên thực tế nhà lãnh đạo này đã hình dung ra sự tái cấu trúc hệ thống chính trị. 

Giáo sư Perry Link - học giả nổi tiếng về Trung Quốc thuộc Đại học California - cảnh báo rằng mặc dù những cam kết được Hội nghị Trung ương 3 đưa ra là rất đáng quan tâm, nhưng đó “chỉ là về mặt ngôn ngữ”. Ví dụ như việc đóng cửa các trại lao động bắt buộc có thể khiến người dân và thế giới có cách nhìn tốt hơn về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo có thể cho vận hành một hệ thống tương tự với tên gọi khác, nếu họ muốn, hoặc không cần đặt bất cứ cái tên nào cho hệ thống này. Giáo sư Perry nhấn mạnh: "Bất chấp những lời lẽ tốt đẹp, thực tế cho thấy là sự đàn áp gia tăng và tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Chúng ta cần theo dõi hành động chứ không phải là từ ngữ”. 

Những cam kết về thị trường, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, và những lĩnh vực khác của nền kinh tế, phần lớn được các chuyên gia kinh tế hoan nghênh. Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ thậm chí còn ca ngợi rằng những cam kết cải cách đó sẽ giúp Trung Quốc có triển vọng đạt được “một thập kỷ vàng về tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chưa từng thấy”. 

Tuy nhiên, theo ông Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc thuộc Đại học Trung Văn của Hong Kong, mặc dù các cuộc cải cách kinh tế gợi nhớ đến cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, nhưng việc Chủ tịch Tập Cận Bình đóng dấu tên của mình lên tài liệu cải cách đã cho thấy rằng nhà lãnh đạo này đang tìm cách tích lũy quyền lực, làm trái lại những lời khuyên của Đặng Tiểu Bình. Ông Willy Lam nói: “Ngay bây giờ, dường như ông Tập Cận Bình đã tập trung được nhiều quyền lực hơn trong tay, thậm chí là còn nhiều quyền lực hơn cả cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực trong 5 năm cầm quyền cuối của nhà lãnh đạo này. Đó là điều rất bất thường. Và tôi nghĩ rằng điều đó đương nhiên là không có lợi khi một cá nhân tích lũy quá nhiều quyền lực. Điều đó đi ngược lại với một trong những cải cách lớn của Đặng Tiểu Bình, đó là thúc đẩy một sự lãnh đạo tập thể. Đó là một bài học mà mọi người đã học được từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa".

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng

Thùy Anh (gt)