Từ khởi đầu là một nhà ngoại giao đầy nhiệt huyết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1959 cho tới những ngày tháng làm việc với cương vị Đại sứ Trung Quốc tại Paris và Geneva, ông Ngô Kiến Dân là một đại diện cho những gì tinh túy nhất trong ngoại giao Trung Quốc: kiên quyết nhưng hợp lý, hòa nhã mà không giả dối.

Trong thời gian nghỉ hưu, ông đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ việc Trung Quốc mở cửa với thế giới, cảnh báo rằng chủ nghĩa dân tộc phát triển dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình cần phải được hạn chế.

Ông Ngô, 77 tuổi, đã qua đời trong một tai nạn xe hơi tháng trước. Cái chết của ông đã lại châm ngòi cho một cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc nên cư xử như thế nào trong vấn đề đối ngoại.

Tại tang lễ của ông được tổ chức ở Bắc Kinh ngày 24/6, một đoàn đại biểu gồm 20 quan chức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại đã đến viếng. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị nếu có ở trong nước thời điểm đó thì cũng sẽ tham gia lễ viếng.

Tiến sĩ Liu Yawei, người điều hành chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Carter tại Atlanta cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy một người của công chúng nào mà việc họ qua đời khiến nhiều người buồn phiền đồng thời khiến những người khác thỏa mãn đến vậy”. Tiến sĩ Liu mô tả ông Ngô là một nhà ngoại giao dám đứng lên chống lại “những lời buộc tội rằng ông là một kẻ hèn nhát vì ông ủng hộ hòa bình”.

Ông Liu đang có mặt tại một hội thảo ở trường đại học Bắc Kinh về báo chí truyền thông Trung Quốc và mối quan hệ của nó với thế giới khi những người tham dự được thông báo rằng ông Ngô đã qua đời sau khi tài xế của ông đâm xe vào dải phân cách tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 18/6.

Nhà tài trợ cho hội thảo là tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu), tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành mà ông Ngô đã chỉ trích vì những quan điểm dân tộc chủ nghĩa rõ rệt của mình. Những tiếng rì rầm đầy sửng sốt lan truyền khắp khán phòng khi tin ông Ngô qua đời được công bố.

Ông Ngô đã rất bộc trực trong việc thể hiện sự bất mãn của mình đối với tờ báo này, cho rằng việc các bài xã luận đã thúc ép quân đội phải có nhiều động thái hơn ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, là sai lầm.

Ông Ngô đã đối đầu với tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến, và buộc tội ông này trong một bài diễn văn vào tháng 3 rằng ông Hồ đã bàn luận về thế giới một cách hỗn loạn” và không hiểu phương thức hoạt động của thế giới.

Đáp lại lời buộc tội trên, ông Hồ gọi ông Ngô là một nhà ngoại giao “ngây thơ” không hiểu điều gì là tốt cho Trung Quốc.

Ngay sau cái chết của ông Ngô, những người theo phe diều hâu đã đăng bài tràn ngập trên Weibo, mạng xã hội tương đương Twitter tại Trung Quốc.

Đại tá Không quân Trung Quốc Dai Xu đã viết rằng vị cựu Đại sứ này “dốt nát, ngạo mạn, cư xử tồi và cộc cằn”. Ông Dai, người đang giảng dạy tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng chỉ trích ông Ngô rằng ông “là chó nhà cho những kẻ ngoại quốc nhưng lại là chó sói đối với Trung Quốc”. Ông Ngô là một nhân vật quen thuộc đối với những người Mỹ có liên quan đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Năm 1971, sau khi làm phiên dịch tiếng Pháp cho ông Mao Trạch Đông và ông Chu Ân Lai, ông Ngô đã đến New York trong khóa các nhà ngoại giao Trung Quốc đầu tiên được phân công tới Liên Hợp Quốc khi Trung Quốc tiếp nhận vị trí thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ Đài Loan.

“Ông Ngô là hình ảnh thu nhỏ của một nhà trí thức công chúng xuất sắc: vô cùng tận tụy với tổ quốc, tuy nhiên cũng rất thận trọng và ôn hòa trong việc phân tích chính quốc gia của mình”, ông Jan Berris, Phó Giám đốc Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, người đã biết ông Ngô từ rất lâu trước đây.

Tại tang lễ của ông Ngô, một phóng viên của Truyền hình Phượng Hoàng đang tường thuật trực tiếp từ bên ngoài sảnh đã phỏng vấn một người đàn ông mặc thường phục tự giới thiệu rằng mình phục vụ trong quân đội. Người này đã khen ngợi ông Ngô vì ông hiểu rõ rằng Trung Quốc đang đứng trước hiểm họa đi lùi về tư duy bảo thủ của triều đại nhà Thanh, và rằng Trung Quốc cần vươn ra thế giới bên ngoài.

Theo The New York Times

Trần Quang (gt)