- Chuyển biến về tăng trưởng: Sau 3 quý liên tiếp tăng trưởng chậm lại trong năm 2012, kinh tế Trung Quốc quý 4 bắt đầu cho thấy sự hồi phục động lực phát triển, chủ yếu nhờ có các biện pháp kích thích kinh tế, khuynh hướng này cũng thể hiện rõ hơn ở khối doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn công nghiệp lớn. Có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ xác định chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2013 là 7,5%. Mặc dù trước mắt còn tồn tại nhiều vấn đề như cơ cấu bộ máy ban ngành quốc hữu mở rộng quá nhanh, các lợi ích đặc thù vẫn còn thâm căn cố đế, khoảng cách thu nhập và phân hóa thành thị nông thôn ngày càng sâu sắc, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp còn chậm, song kinh tế Trung Quốc vẫn có thể đạt được những chỉ tiêu đã đề ra. Dự kiến trọng tâm chuyển biến tăng trưởng sẽ là ngày càng tập trung cho chất lượng tăng trưởng, tiến trình đô thị hóa và cải cách nông thôn; chuyển biến từ đầu tư quá mức sang thúc đẩy tiêu dùng.

- Những nhà lãnh đạo mới: Chỉ trong vòng 3 tuần kể từ sau khi nhậm chức, tân Tổng Bí Thư Tập Cận Bình đã cho thấy hình ảnh của một nhà cải cách. Tập Cận Bình đã đề cập nhiều đến những vấn đề như “Giấc mộng Trung Quốc” hay “Phục hưng dân tộc Trung Hoa” - là những đề tài dân tộc chủ nghĩa rất được quần chúng hoan nghênh. Tập chọn Thâm Quyến làm điểm đầu tiên cho chuyến khảo sát trong nước, là một cách bày tỏ sự kính phục đối với chuyến khảo sát phương nam của Đặng Tiểu Bình năm 1992, đồng thời cũng là việc làm có ý nghĩa mang tính tượng trưng. Chuyến đi của Tập Cận Bình có thể là một tín hiệu cho thấy Tập đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa cải cách. Dự kiến với sự kiện này, công cuộc cải cách có thể được tiếp thêm luồng sức sống mới, mà chủ yếu là cải cách kinh tế và cải cách hành chính.

- Chống tham nhũng thoái hóa biến chất: Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã khởi động một đợt hành động công khai trong công tác chống tham nhũng, theo đó đã có một quan chức cấp Bộ và nhiều quan chức địa phương bị xử lý. Ngoài ra còn có thông tin cho biết, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra đối với tội phạm rửa tiền ở Ma Cao. Cuộc vận động chống tham nhũng lần này có thể sẽ khiến cho nhiều quan chức cao cấp hơn nữa bị trừng trị theo pháp luật, trở thành một phong trào chống tham nhũng hiệu quả nhất trong nhiều năm qua. Tuy vậy việc làm này cũng chưa thể giải quyết triệt để được căn bệnh tham nhũng - một vấn đề mang tính thể chế.

- Vấn đề quan hệ với láng giềng: Môi trường bên ngoài Trung Quốc đang ngày càng trở nên phức tạp. Tập Cận Bình rất có thể sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì quan hệ ổn định với Mỹ, đồng thời tích cực mở rộng sức mạnh quân sự và tăng cường bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực. Cách xử lý của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư và vấn đề Biển Đông đã khiến cho nhiều nước láng giềng lo ngại. Dự báo Châu Á sẽ xuất hiện xu thế tăng nhanh chạy đua vũ trang, các ngôn luận dân tộc chủ nghĩa cũng ngày càng kịch liệt hơn; cục diện bất hòa giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines sẽ còn tiếp tục tồn tại, hơn nữa những rủi ro về phán đoán sai lầm hoặc sự cố ngoài ý muốn cũng ngày càng lớn hơn.

- Công tác bảo vệ môi trường: Trung Quốc hiện có những vấn đề về môi trường sinh thái thuộc diện khó xử lý nhất thế giới. Vấn đề này đang mang lại sự đe dọa ngày càng lớn đối với ổn định xã hội. Giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn ý thức được điều này, và đại hội 18 đã kêu gọi cải thiện môi sinh. Thời gian tới sẽ ngày càng chú trọng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường và tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, thách thức còn hết sức gay gắt, vì vậy khó có thể tỏ ra lạc quan.

- Chủ nghĩa hành động ngày càng phổ biến: Vấn đề môi trường đang dẫn đến chủ nghĩa hành động. Năm 2012, Trung Quốc đã xảy ra một số cuộc biểu tình phản đối với số lượng tham gia lên đến hàng nghìn người, trong đó rất nhiều người bị kích thích bởi mạng giao tiếp xã hội. Sự phát triển của truyền thông mạng, đi cùng với việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến ở cả thành thị lẫn nông thôn, khiến cho việc che đậy vấn đề trở nên ngày càng khó khăn. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu mọi dự án công nghiệp lớn trước khi khởi công đều cần phải trải qua khâu đánh giá về tác động của nó đối với xã hội.

- Áp lực của truyền thông mạng: Trung Quốc là nước có số lượng người sử dụng mạng internet lớn nhất thế giới, dự kiến đến năm 2013 sẽ có hơn 600 triệu người dùng internet. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc kiểm tra giám sát đối với mạng internet, tuy nhiên điều này không có nghĩa là mạng internet không gây ra áp lực đối với chính phủ.

Theo “Thời báo New York” (ngày 11/12)

Nhật Linh (gt)