Trong số đó đối ngoại là vấn đề cấp bách nhất. Các hoạt động đối ngoại hiện thời của Trung Quốc thiếu nhất quán, đi ngược lại và thậm chí gây nguy hiểm cho Trung Quốc và khu vực. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này, trong đó bao gồm việc thiếu chiến lược tổng thể và bộ máy đối ngoại yếu kém.

Bên cạnh đó sự nghi ngờ của Trung Quốc đối với mục đích của các nước khác cũng làm cho vấn đề trầm trọng hơn. Lịch sử Trung Quốc và ý thức hệ Leninist làm cho các lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng đất nước Trung Quốc đang bị các thế lực bên ngoài tìm cách biến thành "nạn nhân". Đặc biệt chính sách "xoay trục" hoặc "tái cân bằng" về châu Á của chính quyền Obama càng củng cố cảm giác bất an của Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị cũng như sức mạnh của Tập Cận Bình. Tháng 3/2013, Tập Cận Bình sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch nước và Lý Khắc Cường sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng. Việc Trung Quốc phát triển như thế nào phụ thuộc vào việc phân chia phạm vi quản lý giữa 7 thành viên thường trực của Bộ Chính trị. Ông Tập Cận Bình, người có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, được cho là sẽ phụ trách quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Các tranh chấp biển đảo

Tập Cận Bình có thể sẽ bắt đầu bằng giải quyết quan hệ với các nước láng giềng. Trong nhiều năm, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là duy trì ổn định ở trong nước và hòa bình ở khu vực; những nhân tố cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh bất ổn nội bộ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần đi vào đối đấu với Nhật Bản và các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam liên quan đến việc sở hữu các hòn đảo và vùng biển. Xu thế này được cho là xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc quá mức hơn là từ các tính toán chiến lược; điều này cũng càng làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở các nước liên quan. Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc có thể dẫn đến việc mất kiểm soát. Nếu điều này xảy ra, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là hòa bình và ổn định sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn vùng Biển Đông và các hòn đảo nằm cách xa bờ biển Trung Quốc là những đòi hỏi nực cười so với luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu kiểm soát nguồn lợi thủy sản, dầu khí đã dẫn đến việc "bắt nạt" các nước láng giềng nhỏ hơn. Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp bằng con đường song phương với các nước láng giềng nhỏ, hy vọng sẽ có thể gây sức ép trên bàn đàm phán. Các nước Đông Nam Á muốn giải quyết đa phương, Mỹ ủng hộ cách tiếp cận đa phương nhưng Trung Quốc coi đây là can thiệp vào công việc nội bộ. Trung Quốc cũng tìm cách gây sức ép về kinh tế. Khi Philippines phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với các bãi đá ở Biển Đông, Trung Quốc ngừng nhập chuối từ Philippines với lý do không đáp ứng được tiêu chuẩn y tế. Trung Quốc cũng đã từng sử dụng các biện pháp quân sự; tính từ 1949, Trung Quốc đã có 23 tranh chấp biên giới và đã có 6 lần sử dụng vũ lực, tất cả đều với các nước tương đối mạnh như Ấn Độ, Liên Xô và Việt Nam. Đối với các nước nhỏ hơn khác, sức ép của Trung Quốc buộc các nước khác phải giải quyết mà không cần đến sức mạnh quân sự.

Tất cả những điều này đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc là muốn có một khu vực châu Á hòa bình, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Các hành động này của Trung Quốc có thể sẽ mang lại những hậu quả mà Trung Quốc lo ngại nhất, ví dụ như sự trỗi dậy của một nước Nhật Bản mạnh về quân sự. Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nói Philippines hoan nghênh Nhật Bản mở rộng sức mạnh quân sự phản ánh sự lo ngại của khu vực đối với Trung Quốc. Điều này cũng giải thích tại sao Philippines và Singapore cho phép các máy bay và tàu chiến Mỹ luân phiên đến các cảng của hai nước này.

Hệ thống hoạch định chính sách rắc rối

Một trong những nguyên nhân của việc Trung Quốc không có chính sách đối ngoại rõ ràng là hệ thống ra quyết định của Trung Quốc. Trung Quốc không có hội đồng an ninh quốc gia hoặc một cơ chế tương đương để điều phối các hoạt động và chia sẽ thông tin giữa các cơ quan liên quan. Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hiếm khi trao đổi hoặc chia sẻ thông tin tình báo. Thậm chí còn tồi tệ hơn là một số tàu của Trung Quốc tham gia vào các vụ đối đầu với nước ngoài là của Bộ Nông nghiệp và các nhà ngoại giao Trung Quốc không biết các tàu này nhận chỉ thị từ đâu. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc có lẽ là cơ quan yếu nhất trong các cơ quan của Trung Quốc; các quan chức Mỹ thường phàn nàn về "các cuộc đối thoại vô bổ" với các nhà ngoại giao thông minh và hiểu biết của Trung Quốc nhưng lại không có ảnh hưởng đối với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định.

Trong các cuộc trao đổi, Mỹ đã thúc giục Trung Quốc xây dựng một hệ thống xây dựng chính sách có sự phối hợp giữa các bộ để có một chiến lược rõ ràng hơn. Tuy nhiên điều này không đơn giản vì các bộ của Trung Quốc có quyền tự chủ, sẵn sàng bảo vệ lợi ích cục bộ nhưng không sẵn sàng phối hợp. Ví dụ như quân đội Trung Quốc không báo cáo lên Chính phủ mà báo cáo cho một ủy ban của Đảng do Tổng Bí Thư Tập Cận Bình đứng đầu; vai trò của Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc đối với quân đội cũng không rõ ràng.

Vì vậy việc Trung Quốc sẽ triển khai chính sách đối ngoại như thế nào, liệu hệ thống hoạch định chính sách của Trung Quốc có được cải tổ phụ thuộc vào ban lãnh đạo mới, đặc biệt là ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, việc ông Tập Cận Bình nhìn nhận lợi ích lâu dài của Trung Quốc như thế nào cũng như ảnh hưởng của ông đối với các thành viên khác trong Bộ Chính trị, những người sẽ chèo lái Trung Quốc hiện vẫn là một ẩn số.

Theo National Interest  (ngày 21/12)

Vũ Hiền (gt)