thediplomat_2014-11-17_14-04-25-386x253.jpg

Một trong những đặc điểm của “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là nỗ lực kiểm soát môi trường của nước này, chủ yếu được thể hiện qua chính sách xây đập nước của họ. Quốc gia này là quê hương của một nửa trong số gần 50.000 đập nước lớn trên thế giới và nhiều đập nhỏ và vừa hơn nữa nhằm mục tiêu kiểm soát lũ, sản xuất năng lượng và tưới tiêu. Hơn nữa, Kênh đào Bắc-Nam được đề xuất (mà sẽ đòi hỏi phải mở rộng việc xây đập trên sông) được quảng bá là sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở phía Bắc và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu do băng tan như lũ lụt ở phía Nam.

Trung Quốc đã và đang tích cực chuyển hướng các dòng chảy sông trong lãnh thổ của mình vì những lý do khác nhau. Trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949, nước này chỉ có thể khoe khoang về 22 đập nước ở bất kỳ quy mô đáng kể nào. Giờ đây, nếu tính đến tất cả các đập thuộc mọi quy mô, con số có thể lên đến 85.000. Khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng, sự phụ thuộc của Tây Tạng vào nguồn nước của Tây Tạng là không đáng kể và gần như tất cả nước đều chảy xuống các nước thấp hơn ở ven sông. Ngày nay, với những dấu hiệu về biến đổi môi trường ở miền Bắc Trung Quốc, chính phủ đã quyết định thực thi quyền lợi của mình đối với các dòng nước ở Cao nguyên Tây Tạng, chủ yếu là chuyển hướng dòng chảy từ miền Nam dồi dào nước lên miền Bắc khan hiếm nước. Từ lâu trước kia, vào năm 1952, Mao Trạch Đông đã chỉ ra rằng “miền Nam có rất nhiều nước, miền Bắc lại rất ít… Nếu có thể, ‘cho vay’ ít nước là điều tốt”. Ông đã nhận ra tầm quan trọng của Cao nguyên Tây Tạng đối với sự sinh tồn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ủy ban Đập nước Thế giới đã phát hiện ra một vài lỗ hổng lớn trong toàn bộ quá trình xây dựng đập và hoạt động của chúng, dù là về mặt tạo ra năng lượng hay tưới tiêu hay kiểm soát lũ, quan trọng nhất là những tác động đầy tai ương về kinh tế-xã hội của nó. Nhiều đập trong số này được xây dựng trong những khu vực bất ổn về địa chấn và được cho là sản phẩm của việc xây dựng kiểu “đậu phụ” (được xây dựng một cách yếu kém, liên quan đến việc ít tiền bạc và thời gian). Các vụ sập đập nước của Trung Quốc được đưa tin ở nhiều khu vực như điển hình là sự cố tại tỉnh Thiểm Tây vào năm 2013. Các đập nước là tác nhân gây ra nhiều thảm họa khác nhau bao gồm ô nhiễm, hạn hán, lũ lụt, động đất, xói mòn đất và lở đất ở nhiều khu vực của nước này, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đặc biệt là ở Tây Nam Trung Quốc. Điều này đến lượt nó đã dẫn tới nhiều dạng bất ổn xã hội và kinh tế ở Trung Quốc, không chỉ do người dân phải rời khỏi nơi ở mà còn do các tác động tiêu cực của xây đập đối với môi trường, kể cả các quần thể thực vật và quần thể động vật. Đã có các cuộc phản kháng rộng khắp phản đối các đập nước; nhưng chúng phần lớn đã bị bỏ qua hoặc bị dập tắt. Những thay đổi về môi trường đang làm tăng thêm những rủi ro tự nhiên cho việc xây đập bất chấp sự cải thiện trong các biện pháp an toàn và những bước đi được thực hiện nhằm làm giảm bớt tác động môi trường trong những năm qua. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp tục tiến hành việc xây dựng một loạt đập nước, bao gồm cả đập cao nhất thế giới dọc theo sông Đại Độ của Tứ Xuyên. Những con đập này không chỉ đe dọa an ninh kinh tế, chính trị và xã hội của Trung Quốc mà còn cả an ninh khu vực vì chúng được xây dựng trên các sông như Yarlung Tsangpo, Salween và Mekong chảy xuống các nước ở Nam Á và Đông Nam Á.

Hiểu được triết lý xây đập của Trung Quốc

Những người theo đạo Khổng truyền bá quyền kiểm soát dòng chảy vừa để bảo vệ dân số vừa khai thác thủy điện. Ngược lại, những người theo đạo Lão lại tin chắc rằng con người đơn giản là nên tránh xa các vùng đồng bằng ngập lũ và để cho sông chảy theo dòng chảy tự nhiên của chúng. Theo Judith Shapiro, chính trong “triều đại” Mao Trạch Đông kéo dài 27 năm mà sự suy thoái môi trường đã bắt đầu ở Trung Quốc, bắt đầu với việc xây dựng các đập lớn vào những năm 1950 và sự đổ sập của vô số con đập nhỏ được xây dựng theo kiểu “đậu phụ” trong suốt thời kỳ Đại Nhảy Vọt.

Di sản này được tiếp tục bởi các nhà lãnh đạo và các chính phủ kế tiếp nhau của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên thực tế, một trong nhiều kỹ sư cấp thoát nước thủy lực, Giáo sư Liu Zihui, trong khi phát biểu về dự án thủy lực lớn nhất trong lịch sử loài người, một con kênh trị giá 63 tỷ USD mà sẽ đem nước từ miền Nam Trung Quốc lên miền Bắc Trung Quốc, đã bình luận rằng “Tôi không cảm thấy chúng ta đang chinh phục tự nhiên. Chúng ta nghĩ rằng bản thân tự nhiên đã không công bằng. Ông trời không công bằng. Đó là gì? Ông đã cho miền Nam Trung Quốc quá nhiều nước nhưng lại cho miền Bắc quá ít. Ở trên đó là một vùng đất màu mỡ - một vùng đất bằng phẳng. Nhưng nó lại có quá ít nước. Vì vậy chúng ta nói rằng vì ông trời không công bằng nên chúng ta đang tìm cách cân bằng lại sự bất công của Ông trời”.

Các vấn đề kinh tế-xã hội

Tái định cư vẫn là một trong những nguyên nhân gây bất đồng lớn nhất đối với bất kỳ dự án phát triển quy mô lớn nào. Việc xây dựng các hồ chứa và đập đã dẫn tới 3 hệ quả lớn ở Trung Quốc – sự bần cùng về kinh tế, bất ổn xã hội và suy thoái môi trường – đặc biệt là đối với việc tái định cư. Dân số phải rời bỏ nhà cửa bị buộc phải đối mặt với việc mất đất mà trong hầu hết các trường hợp là có thể trồng trọt được. Sau khi tái định cư, diện tích đất trên đầu người của họ giảm xuống, điều mà cuối cùng dẫn tới sự suy giảm chất lượng đất.

Ngoài ra, các kế hoạch tái định cư nghe nói là thiếu thỏa đáng và phần lớn được quản lý thiếu hiệu quả. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng đã có một khoảng cách đáng chú ý trong số tiền đền bù trả cho người dân đô thị và nông thôn. Những người phải rời bỏ nhà cửa nghe nói phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc khôi phục kế sinh nhai của họ, cũng như tiếp cận thực phẩm, nước và các tiện nghi khác như điện và giao thông. Tóm lại, “không đất đai, không việc làm, không nhà cửa” đã trở thành hiện tượng rộng khắp ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng đập và hồ chứa. Sự bất ổn xã hội được tạo ra chủ yếu bởi sự không hài lòng của dân số phải rời bỏ nhà cửa với các kế hoạch tái định cư hoặc thái độ không đón nhận của giới chức trách đối với họ. Nhiều lần, điều này cũng dẫn tới các cuộc xung đột giữa các nhóm khác nhau.

Sự hủy diệt môi trường, trong số những điều khác, là kết quả của việc xây dựng các đập nước, dù nhỏ hay lớn. Những người được tái định cư trong quá trình này bị mất các kết nối truyền thống với vùng đất mà cuối cùng sẽ bị ngập lụt bởi con đập. Trong nhiều trường hợp, người dân bị đẩy ra khỏi các khu vực tương đối bằng phẳng và phì nhiêu và bị tái định cư ở các sườn đồi cằn cỗi hoặc địa hình không thể ở được. Người ta bắt đầu cày cấy trên những sườn đồi dốc và ở những vùng cao khác, dẫn tới sự phá hủy rừng và đồng cỏ, gây ra xói mòn đất và dòng chảy mặt gia tăng. Trong những trường hợp khác, do việc di cư của những người phải rời bỏ nhà cửa, những nơi có các nguồn tài nguyên phong phú và đất đai màu mỡ trở nên đông đúc quá mức và khi áp lực dân số vượt quá ngưỡng có thể xử lý được, thì đất đai và các nguồn tài nguyên môi trường khác bị xuống cấp mà không thể bù đắp được. Có những trường hợp mà trong đó người dân đã phải tái định cư lần thứ hai do những lý do đã nói ở trên như được chứng kiến trong trường hợp dự án Tam Môn Hiệp.

Những lợi ích sống còn của các cư dân và chính quyền địa phương phần lớn bị bỏ qua. Do đó, một trong những trở ngại lớn nhất của chính sách đập nước Trung Quốc là dân số phải rời bỏ nhà cửa bị coi là một vật cản đối với đập nước hoặc đối với nghị trình phát triển của chính quyền trung ương; tóm lại, đối với lợi ích quốc gia. Thay vào đó, lý tưởng thì họ phải được coi là người đóng góp hoặc nạn nhân của những dự án mà đã khiến họ phải rời bỏ nhà cửa. Chiến lược tái định cư ba mũi nhọn của Trung Quốc được sử dụng trong dự án đập Tam Hiệp là: thứ nhất, “sắp xếp người di cư trong những khu vực liền kề trên vùng đất được trồng trọt”; thứ hai, “cho phép người di cư chuyển đến và sống với họ hàng trong các khu đô thị”; và thứ ba, “chuyển người di cư ra xa”. Tuy nhiên, việc giới chức trách không có khả năng đem lại sự đền bù thỏa đáng cho dân số phải rời bỏ nhà cửa, như công ăn việc làm cho dân đô thị và/hoặc đất đai thay thế có chất lượng (chủ yếu là màu mỡ) cho người nông dân, đã khiến chiến lược này thất bại và sau đó làm dấy lên sự bất bình rộng khắp trong dân chúng. Do đó, dân số phải rời bỏ nhà cửa như vậy có quan điểm trái ngược với hình ảnh toàn cầu của nước này như là một siêu cường “kỹ thuật công trình”. Nhằm ứng phó với sự bất bình này, chính phủ giờ đây đang phải viện đến “sự tái định cư phát triển” hoặc “tái định cư cùng với sự phát triển”. Với chiến lược này, nỗ lực của chính phủ là đầu tư các quỹ tái phân bổ vào các dự án phát triển lớn như trồng trọt các cây hoa màu để thu lợi, cải thiện đất trồng hiện tại và thành lập các đơn vị/doanh nghiệp công nghiệp thay vì phân bổ khoản đền bù tài chính trực tiếp cho những người phải rời bỏ nhà cửa.

Đã có một vài cuộc phản kháng chống lại việc xây đập ở Trung Quốc do các chính sách tái định cư thiếu hiệu quả và thiếu thỏa đáng của chính phủ. Nhưng những cuộc phản kháng như vậy phần lớn đã bị giới chức trách nhà nước đàn áp trong quá khứ. Chẳng hạn, vào năm 2011, gần 2.000 người di cư phải rời bỏ nhà cửa vì đập Xiangjiaba ở thượng nguồn sông Dương Tử tại tỉnh Vân Nam đã đổ xuống đường phố và xung đột với cảnh sát. Lý do chủ yếu cho các cuộc phản kháng là địa điểm tái định cư mới của là một khu vực tâm chấn và nó từng trải qua một vụ động đất nhẹ; và họ sợ rằng những tòa nhà “đậu phụ” của họ sẽ sập giống như những ngôi trường “đậu phụ” ở tỉnh Tứ Xuyên lân cận trong vụ động đất năm 2008 khiến hơn 7.000 học sinh thiệt mạng. Trong trường hợp đập Tam Hiệp, các cuộc phản kháng tràn lan trong suốt thời kỳ tái phân bổ do chính phủ chi trả đền bù không thỏa đáng và cáo buộc tham ô các quỹ được phân bổ cho việc đền bù. Những người nông dân được cho là đã “phàn nàn với các phóng viên nước ngoài về nạn tham nhũng trong số các quan chức phụ trách việc tái định cư” đã bị bắt với cáo buộc “tiết lộ bí mật quốc gia”.

Các vấn đề môi trường

Ngoài những loại khác, an ninh môi trường cần phải được coi là một thành phần quan trọng của an ninh quốc gia. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các đập của Trung Quốc ngày càng làm gia tăng khả năng dễ tổn thương địa chất của nó. Chẳng hạn, vụ động đất Văn Xuyên năm 2008 được cho là do đập Zipingpu gần đó gây ra. Tây Nam Trung Quốc bất ổn về địa chấn và không có lợi cho các dự án lớn. Một trận động đất bị gây ra bởi các hồ lớn được xây dựng trên những đường đứt gãy được đề cập đến như là “sự rung lắc địa chấn do hồ nước gây ra”; “một hồ nước có công suất trên 1 tỷ mét khối và một con đập cao hơn 100 mét sẽ có 30% đến 40% cơ hội gây ra động đất. Nhiều đập ở Tứ Xuyên và Vân Nam do đó phải trải qua bài kiểm tra khả năng gây ra động đất. Ngoài ra, những con đập này, nếu bị hư hại hoặc bị phá hủy bởi động đất thì có thể dẫn tới số lượng thương vong lớn trong khu vực.

Sai sót trong việc xây dựng nhiều đập của Trung Quốc, đôi khi được gọi là xây dựng kiểu “đậu phụ”, đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo Zhou Jianping, các thảm họa đập nước phần lớn là do “những tiêu chuẩn thấp, bao gồm các khảo sát được chuẩn bị thiếu thỏa đáng, các kế hoạch thiết kế và xây dựng không khoa học, quá trình xây dựng được quản lý yếu kém, thiếu kiểm soát và giám sát chất lượng, và thậm chí là gian lận trong việc mua sắm nguyên vật liệu xây dựng. Năm 2007, đập Sanbanxi ở Đông Nam Quý Châu đã sập chỉ sau 13 giờ đi vào hoạt động do chất lượng xây dựng yếu kém. Tương tự, vào năm 2013, con đập dài 100 mét đã sập và gây ra lũ lụt cho 19 ngôi làng ở cuối nguồn ở tỉnh Sơn Tây. Đập Tam Hiệp phải chịu trách nhiệm cho “rủi ro về thảm họa địa chấn” vì nó có liên hệ tới nạn “xói mòn đất, những rung lắc, hạn hán và sự bất ổn xã hội” như chính Nội các Nhà nước đã thừa nhận. Những vụ lở đất, các trận động đất nhỏ và những rạn nứt nhỏ được cho là đã xuất hiện trên những con đường và các tòa nhà giữa con đập và thành phố Trùng Khánh. Một vết nứt trên con đập này có thể gây ảnh hưởng đến mạng sống và phương kế sinh nhai của gần 300.000 người. Trong số những vấn đề môi trường khác, siêu đô thị của Trung Quốc, Thượng Hải, có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về nước do sự phát triển thủy điện tràn lan ở các vùng thượng nguồn sông Dương Tử. Do việc xây dựng đáng kể các hồ chứa nước cho đập, lượng nước sạch chảy từ vùng thượng nguồn xuống Thượng Hải ít đi. Điều này có thể dẫn tới sự xâm nhập mặn.

Bùn là một trở ngại chủ yếu trong hoạt động của các con đập của Trung Quốc. Hồ chứa Tam Môn Hiệp, một trong nhiều đập ở Hoàng Hải, đã bị nghẽn bùn chỉ trong 6 năm, làm giảm trầm trọng khả năng chứa nước của nó. Sau này, con đập chỉ có thể phát điện cho một vài tháng trong mùa Đông (vì vào thời điểm này lượng bùn ở sông đạt mức thấp nhất). Bùn làm giảm khả năng hoạt động của tua bin. Như đã nói ở trên, những dự án lớn như vậy cuối cùng dẫn tới lũ lụt trên quy mô lớn ở “vùng đất trồng trọt tốt nhất với điều kiện khí hậu thuận lợi”. Vì dân số chuyển tới những khu vực cao hơn và sườn đồi, được gọi là “sự tái định cư ở vùng cao”, nên sẽ đòi hỏi phải có nhiều đất đai hơn để sản xuất lương thực và với dân số ngày càng tăng, ngày càng nhiều đất đai sẽ phải được chuyển đổi thành đất trồng. Điều này dẫn tới tình trạng xói mòn đất, điều cũng có thể leo thang thành các thảm họa địa chất như trượt lở đất và lũ bùn đá. Điều này có thể bị làm trầm trọng thêm bởi việc xây đường.

Ô nhiễm nguồn nước do quặng thải đang được quảng bá như là một mối đe dọa khác đối với an ninh nước ở Trung Quốc cũng như trong khu vực lân cận của nước này. Chẳng hạn, Cao nguyên Tây Tạng có trữ lượng 126 loại khoáng sản khác nhau bao gồm đồng, sắt, bo, cromit, corunđum, pha lê, urani, vàng và molypđen, trong số những thứ khác. Quá trình tách quặng sản sinh ra chất thải độc hại có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Các đập cũng được xây dựng để trữ quặng thải. Nếu một đập nước như vậy bị sập, cặn quặng độc hại có tiềm năng gây ô nhiễm tất cả lượng nước sạch trong khu vực lân cận của nó. Vào năm 2011, một con đập như vậy đã bị sập ở mỏ mangan và gây ra 43% trường hợp khẩn cấp do nhiễm độc nước uống ở một dòng sông gần kề, phá hủy nhà cửa và khiến hơn 270 người trong khu vực đó phải rời bỏ nhà cửa.

Đập Tam Hiệp, ngoài các vấn đề khác đã đề cập đến ở trên, cũng được biết đến là có tác động bất lợi đến nguồn nước sạch, đặc biệt là cá. Một lượng rất lớn nước ứ đọng được cho là có tảo độc sinh sôi nảy nở gây ảnh hưởng đến sự đa dạng thủy sinh cũng như khiến cho nước trở nên không thể uống được. Hơn nữa, sự lên xuống thất thường mực nước hồ chứa (100 feet mỗi năm) nghe nói đã gây bất ổn cho các sườn đồi và gây ra một số vụ sạt lở đất. Nhằm phản ứng trước sự phản đối ngày càng tăng chống lại nhiều ngành công nghiệp đang gây ô nhiễm, Trung Quốc, dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đã cho phép nhiều tổ chức môi trường phát triển nở nộ ở nước này. Nước này cũng đã thành lập Bộ Bảo vệ Môi trường vào năm 2008 nhằm gia tăng các quy định môi trường và giảm bớt lượng phát thải khí carbon trong số những ưu tiên khác. Điều đó khiến việc xây dựng một số con đập ở nước này bị trì hoãn.

Tác động của các đập nước của Trung Quốc trong khu vực theo quan điểm của Ấn Độ

Sự quản lý của Trung Quốc đối với sông Mekong, vốn bắt nguồn từ Tây Tạng, đã phải đối mặt với sự chỉ trích trên toàn thế giới, đặc biệt là từ Đông Nam Á nằm ở hạ lưu con sông. Bốn quốc gia thuộc hạ nguồn của sông Mekong, bao gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, phụ thuộc vào dòng sông này cho thực phẩm, nước và vận tải; và các nước này đã bị ảnh hưởng xấu bởi những hoạt động của Trung Quốc trên sông Mekong. Các con đập trên dòng sông này đã bị coi là phải chịu trách nhiệm cho hạn hán tại một số quốc gia nói trên. Vào năm 2010, mực nước trên sông Mekong xuống thấp nghiêm trọng do lượng mưa gió mùa của năm trước thấp hơn tương đối và lượng mưa nhẹ trong mùa khô. Nhiều người cho rằng việc này đã bị làm trầm trọng hơn bởi các con đập thượng nguồn tại Trung Quốc. Việc này đã gây ra thiệt hại lên tới hàng triệu USD. Tại Thái Lan, các cộng đồng đánh cá bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi họ bị buộc phải ngừng đánh bắt khi mực nước xuống thấp đáng kể. Khu vực trồng trọt của Việt Nam, được nuôi dưỡng bởi sông Mekong, đã liên tục bị đe dọa. Ponnudurai chỉ ra tầm quan trọng của sông Mekong đối với Việt nam – châu thổ sông Mekong nằm ở vị trí thấp tại Việt Nam là quê hương của hơn 18 triệu người và bao gồm các mảnh đất trồng trọt rộng lớn, nguồn gốc cho gần một nửa vụ mùa lúa gạo của Việt Nam. Vùng đất này cũng dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng lên. Khi lượng nước ngọt chảy từ Tây Tạng giảm xuống, xâm nhập mặn nhiều khả năng sẽ tăng lên và làm giảm hơn nữa sản lượng nông nghiệp. Trung Quốc đã từ chối trở thành một thành viên đầy đủ của Ủy hội sông Mekong, được thành lập bởi các nước hạ nguồn vào năm 1995 để giám sát sự phát triển thủy điện tại hạ nguồn sông Mekong. Như Richardson báo cáo, nỗ lực của 4 nước nhằm thúc giục Trung Quốc đánh giá các thay đổi của con sông tại hạ lưu do các con đập của nước này gây ra và can dự vào hợp tác kỹ thuật đã thất bại. Trung Quốc đã là một đối tác đối thoại, một vị trí cho phép nước này lảng tráng sự xem xét kỹ lưỡng các con đập của mình và quyền của nước này khai thác tiềm năng thủy điện của sông Mekong, có 21% diện tích lưu vực nằm ở Trung Quốc.

Môi trường đang thay đổi ở tốc độ chưa từng thấy do những nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo, và nếu không được xem xét, việc này có thể lên đến cực điểm là những căng thẳng hay xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này. Đồng thời Trung Quốc, một hệ thống đóng mà không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan tới các chính sách quản lý dòng sông của mình, đã và đang trong quá trình thay đổi nhiều khía cạnh khác nhau của môi trường để đáp ứng các yêu cầu của nước này. Bắc Kinh vẫn luôn duy trì “sự im lặng chiến lược” về các đề xuất và dự án chuyển hướng dòng chảy của mình, việc này khiến bất cứ hình thức hợp tác nào giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này, bao gồm cả Ấn Độ, trở thành một vấn đề khó khăn. Có khoảng 354 tỷ m³ nước chảy từ Tây Tạng sang Ấn Độ, trong số đó sông Brahmaputra chiếm 131 tỷ m³. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng 28 đập nước chỉ riêng trên con sông này.

Quyết tâm của Trung Quốc thực hiện Đại Dự án chuyển hướng dòng chảy Bắc Nam (SNWD) đã gây ra một số hậu quả thảm khốc về mặt môi trường cho chính nước này, và giờ đây dự án này được cho là cũng có thể có những tác động nghiêm trọng về môi trường đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Dự án này bao gồm 3 giai đoạn – các tuyến phía Đông, trung tâm và phía Tây. Một số báo cáo gợi ý rằng hai giai đoạn đầu liên quan tới việc chuyển hướng dòng chảy từ các sông trong nội địa Trung Quốc (chủ yếu từ sông Dương Tử sang sông Hoàng Hà), trong khi giai đoạn thứ ba có những sự phân nhánh xuyên biên giới, đặc biệt đối với Nam Á. Tuyến phía Tây nhắm tới sông Salween, sông Mekong, sông Brahmaputra và sông Kim Sa. Tuy nhiên, các báo cáo mâu thuẫn nhau cho rằng dự án ban đầu chỉ liên quan tới các dòng sông trong nội địa (như Mao Trạch Đông từng đề xuất) và giai đoạn thứ ba chỉ bao gồm chuyển hướng dòng chảy từ các khúc phía trên của sông Dương Tử, cho dù việc sửa đổi đề xuất này bởi các chính quyền sau đó để bao gồm sông Brahmaputra không thể bị loại bỏ. Người ta cũng đồn đoán rằng Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng con đập và nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Brahmaputra tại Đoạn uốn lớn (nơi con sông lượn hình chữ U để đi vào đồng bằng Assam thông qua bang Arunachal Pradesh). Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đã khiến các chuyên gia tại Ấn Độ và Bangladesh phải phỏng đoán về các hành động trong tương lai của nước này liên quan tới các kế hoạch chuyển dòng nước.

Một yếu tố quan trọng cần được xem xét khi phân tích các dự án chuyển hướng dòng chảy từ quan điểm của các nước hạ lưu ven sông là lưu lượng nước trung bình của sông Brahmaputra tăng mạnh khi nó đi vào Bangladesh, nhờ vào lượng nước gió mùa và lượng nước do các nhánh đóng góp. Vì vậy, một con đập được dùng để sản xuất thủy điện có thể không tạo ra nhiều khác biệt đối với lưu lượng nước, nhưng các quan ngại về sự ô nhiễm, đóng cặn và lũ quét vẫn tồn tại. Nó thậm chí có thể gia tăng dòng chảy vào mùa khô nếu Trung Quốc sử dụng nước không hao phí như nước này khẳng định. Nếu Trung Quốc quyết định chỉ chuyển hướng dòng chảy vào thời kỳ gió mùa, một hành động như vậy được cho là cũng sẽ không gây ra bất cứ tình trạng mất an ninh về nước nào cho Ấn Độ và Bangladesh. Lượng nước thừa trong thời kỳ gió mùa luôn là một nguồn gây lo ngại đối với hai nước này do chúng thường gây ra các trận lụt hàng năm, mà đôi khi tỏ ra là có tính tàn phá, đặc biệt trong trường hợp của đồng bằng Assam và các khu vực thấp của Bangladesh. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chuyển hướng dòng chảy trong cả năm, việc này có thể đem lại những thách thức nghiêm trọng đối với Ấn Độ và Bangladesh. Dòng chảy vào mùa khô có thể suy giảm ở mức độ lớn tại các khu vực phía Đông Bắc của Ấn Độ. Đối với Bangladesh, mùa khô có thể trở nên khô hơn. Nhiều người lập luận rằng do Ấn Độ chiếm 58% tổng diện tích lưu vực sông Brahmaputra, gần 30% nguồn nước và 41% tổng nguồn thủy điện của nước này cũng phụ thuộc vào dòng sông này, trong khi Trung Quốc chỉ kiểm soát 21% diện tích lưu vực, Ấn Độ có quyền lớn hơn đối với tài nguyên của dòng sông.

Sông Dương Tử, nơi đập Tam Hiệp được xây dựng, là nguồn nước cho hai giai đoạn đầu của dự án lớn này. Sông Brahmaputra có thể bị ảnh hưởng bởi cùng những vấn đề mà sông Dương Tử đã phải đối mặt trong những năm qua, và việc này trong tương lai sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Ấn Độ và Bangladesh. Hơn nữa, những khu vực, nơi các con đập khổng lồ này được xây dựng hay đang được đề xuất xây dựng, lại rất bất ổn về mặt địa chất. Bất cứ hoạt động địa chấn nào dọc theo biên giới sẽ ảnh hưởng bất lợi tới cả Ấn Độ và Trung Quốc. Các cáo buộc từ việc gây ra lũ lụt cho tới sử dụng thuốc nổ hạt nhân để tạo ra các đường hầm cho việc chuyển hướng dòng chảy sông Brahmaputra đã được nhắm vào Trung Quốc. Nước này bị cáo buộc đã gây ra lũ quét ở bang Arunachal Pradesh, được tạo ra bởi vụ vỡ đập trên thượng nguồn tại Tây Tạng, khiến mực nước sông Brahmaputra tăng hơn 30m. Tương tự, bang Himachal Pradesh cũng được cho là bị ảnh hưởng bởi các hoạt động xây đập của Trung Quốc, dưới hình thức các trận lụt vào năm 2000, 2001 và 2005. Ý tưởng chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra có thể vẫn tồn tại trong giới kỹ sư Trung Quốc, nhưng hiện nay một số yếu tố bao gồm các trở ngại về kỹ thuật, sự nhạy cảm về sinh thái học, địa hình khó khăn và các phong trào môi trường trong nước có khả năng ngăn cản một kế hoạch như vậy. Việc sử dụng thuốc nổ hạt nhân hoàn toàn có thể là một trường hợp gây kích động. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc sử dụng ngay cả các phương pháp công trình truyền thống để thực hiện dự án này, các tác động đối với toàn bộ khu vực được cho là sẽ mang tính thảm họa.

Kết luận

Các chính sách về nước và sông của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới người dân các nước khác láng giềng, mà còn cả người dân của chính nước này, như trong trường hợp đập Tam Hiệp. Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế-xã hội và môi trường do các chính sách xây đập của mình. Hơn nữa, đất nước cũng đang choáng váng trước các trường hợp tham nhũng và các thảm họa liên quan tới thay đổi môi trường do các chính sách phát triển của mình gây ra. Việc bảo trì đập nước chắc chắn đã trở thành một trong số những lo ngại lớn nhất đối với các quan chức Trung Quốc khi ngày càng nhiều trường hợp nứt vỡ xuất hiện khi xây dựng đập.

Người Trung Quốc đã quên mất rằng một trong số những thảm họa lớn nhất thế giới đã xảy ra trên đất nước họ vào năm 1976, khi đập Bản Kiều tại tỉnh Hà Nam sụp đổ do một loạt yếu tố. Theo Kaiman, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng đập cao nhất thế giới dọc theo sông Đại Độ, thậm chí chấp nhận những hậu quả về sinh thái (bao gồm thời gian đẻ trứng và sự di chuyển của các loài cá quý hiếm, sự phát triển của các loài thực vật gặp nguy hiểm) và kinh tế-xã hội. Chỉ riêng trong năm 2013, chính quyền trung ương đã thông qua việc xây dựng 13 con đập trên sông Salween, gia tăng nguy cơ về các thảm họa tự nhiên như lở đất và động đất tại khu vực Tây Nam. Những dự án này đã bị đình trệ trong một thời gian dài do áp lực từ các nhóm bảo vệ môi trường và người dân địa phương.

Theo quan điểm của Ấn Độ, việc dự đoán quan hệ về nước giữa Ấn Độ và Trung Quốc là rất khó khăn, không chỉ vì sự không chắc chắn về các tác động của thay đổi môi trường đến các dòng sông chảy từ lãnh thổ Trung Quốc sang Ấn Độ, mà còn do hệ thống quản trị của Trung Quốc nhìn chung hoạt động hoàn toàn bí mật. Cho dù các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đối thoại và phía Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ thông tin thủy học thông qua một Biên bản ghi nhớ về mùa lũ lụt trên sông Brahmaputra và Sutlej, việc thiếu vắng một thỏa thuận song phương khiến Ấn Độ hầu như không thể kiểm chứng các khẳng định của Trung Quốc. Bắc Kinh được cho là đang xây dựng đập tại Dagu, Jiacha, Jiexu và Zangmu. Kêu gọi của Ấn Độ thành lập một ủy ban về nước hoặc một cuộc đối thoại liên chính phủ hay một thỏa thuận liên chính phủ đã bị Trung Quốc từ chối vào năm 2013. Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc có thể dùng áp lực để thuyết phục các nước láng giềng của Ấn Độ ủng hộ Trung Quốc bằng cách nêu lên vấn đề nước tại Tây Tạng. Cơn sốt xây đập của Trung Quốc có thể làm suy giảm khả năng hành động của Ấn Độ trong khu vực, về mặt các kế hoạch của nước này triển khai các dự án thủy điện trong lãnh thổ của mình để đáp ứng nhu cầu năng lượng (đặc biệt tại các khu vực kém phát triển ở phía Đông Bắc). Nó cũng có thể châm ngòi cho căng thẳng chính trị với các nước láng giềng của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ phải tập hợp sự ủng hộ của các nước láng giềng như Nepal, Bhutan và Bangladesh để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các dự án chuyển hướng dòng chảy trên quy mô lớn mà có thể ảnh hưởng tới an ninh nước trên toàn bộ khu vực Nam Á. Ấn Độ, cùng với các quốc gia nêu trên, cũng nên thuyết phục cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên Trung Quốc buộc nước này phải tôn trọng quy tắc “chung” trong nguồn nước xuyên biên giới. Đây cũng là điều khôn ngoan đối với Ấn Độ khi tính tới yếu tố Trung Quốc trong các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với các nước láng giềng của mình để trong tương lai, nếu một tình huống khó khăn xảy ra (ví dụ như lũ quét hay mực nước xuống thấp nghiêm trọng), toàn bộ trách nhiệm sẽ không thuộc về New Delhi.

Vào một thời điểm khi mà phương Tây đã ngừng các dự án thủy điện của mình và các quốc gia như Ấn Độ và các quốc gia dân chủ khác trong thế giới đang phát triển cũng sẽ phải ngừng một số dự án do vấp phải sự phản đối quyết liệt ở trong nước, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng năng lực thủy điện của mình và thực sự đã trở thành nước xây đập lớn nhất tại quê nhà. Nếu phân tích về phí tổn-lợi ích của các đập của Trung Quốc được thực hiện theo một phương thức có chất lượng hơn, những thiệt hại mà Trung Quốc phải gánh chịu sẽ lớn hơn nhiều so với các lợi ích về số lượng dưới dạng sản lượng nông nghiệp và năng lượng. Khi xét tới các căng thẳng kinh tế-xã hội và các quan ngại về an ninh đang gia tăng, Trung Quốc cần có một cái nhìn mới đối với chính sách thủy điện và đảm bảo an toàn cho người dân của mình. Hơn nữa, thái độ được mất ngang nhau đối với các nước láng giềng có thể dẫn tới một môi trường khu vực căng thẳng. Cả hai yếu tố này đều có khả năng làm chệch hướng câu chuyện phát triển của Trung Quốc trong dài hạn./.

Tác giả Dhanasree Jayaram là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Manipal. Bài viết đăng trên “Institute of peace and conflict studies” tháng 3/2015.

Nhật Linh (gt)