Trong tháng 01/2017, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã bổ nhiệm Tư lệnh Hạm đội Hoa Bắc Viên Dự Bách làm Tư lệnh Khu vực Tác chiến phương Nam, đặt mục tiêu ưu tiên xử lý vấn đề an ninh tại Biển Đông thành một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của khu vực tác chiến này. Trung Quốc cũng đã bồi lấp đảo, xây dựng cơ sở quân sự tại cả Hoàng Sa và Trường Sa để tăng cường sức mạnh, khả năng khống chế, kiểm soát tình hình. Những bước đi này không chỉ tạo ra quan ngại cho các nước láng giềng ASEAN, mà còn gây ra hành động phản ứng của Mỹ, bằng việc tiến hành các hoạt động tuần tra tự do an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực Trung Quốc xây dựng trái phép.

Tác giả Nan Li tại bài viết nghiên cứu nhan đề, “Bộ Chỉ huy Tác chiến phương Nam và chiến lược hàng hải của Trung Quốc” đã cho rằng, Bắc Kinh đang có bước chuyển trong chiến lược hàng hải, chuyển trọng tâm từ phòng thủ lục địa sang ưu tiên vấn đề an ninh biển, chú trọng phát triển các lợi ích hàng hải ở Biển Đông.[1]

Qúa trình chuyển đổi tư duy học thuyết, các bước triển khai chiến lược cụ thể của Trung Quốc trong thời gian qua như sau:

Cải tổ quân đội, chú trọng an ninh biển

Trong khoảng giữa thập niên 1960-1980, nhiệm vụ chủ yếu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là đảm bảo phòng thủ chiến lược trên đất liền và vùng ven biển nhằm ngăn chặn khả năng tấn công của Liên Xô từ hướng Bắc. Kể từ năm 1985, quan hệ Trung-Xô được cải thiện, sức ép an ninh trên lục địa với Trung Quốc cũng giảm đi. Trước bối cảnh tình hình, Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu PLA tiến hành điều chỉnh chiến lược quân sự, tập trung cho tình huống “xung đột cục bộ” nhằm thích ứng trước các diễn biến mới của thế giới và khu vực.[2]

Thực hiện chỉ đạo trên, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành chuyển đổi từ chiến thuật “phòng ngự gần bờ” sang “phòng thủ tích cực biển gần”. Trong đó, PLA tập trung ưu tiên phát triển các phương án “tác chiến chiến lược”, nhằm đảm bảo khả năng tiến hành các hoạt động một cách độc lập, hiệu quả trên toàn bộ vùng không gian biển gần, được xác định gồm Biển Đông, Hoa Đông, và Hoàng Hải.

Bước sang những năm đầu thập niên 2000, Quân đội Trung Quốc triển khai tích hợp khái niệm “bảo vệ biển xa” vào chiến lược “phòng thủ tích cực biển gần”. Do đó, Hải quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) là lực lượng được giao nhiệm vụ đảm bảo cả các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Trong đó bao gồm, các lợi ích về an ninh năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường biển chiến lược, đầu tư của và pháp nhân Trung Quốc ở nước ngoài.

Sau quá trình chuyển đổi nêu trên, Trung Quốc tiếp tục có đợt cải cách, điều chỉnh cơ cấu quân đội vào cuối năm 2015. Mục tiêu của bước đi mới này là nhằm giảm quy mô của lực lượng lục quân, trong khi mở rộng hoạt động, khả năng đảm bảo an ninh của hải quân, không quân trên các vùng biển gần, cũng như vùng biển có lợi ích liên quan.

Theo đó, Quân đội Trung Quốc đã được điều chỉnh rút từ bảy quân khu xuống còn năm Bộ chỉ huy, đồng thời bổ sung biên chế chỉ huy từ các quân, binh chủng về nắm các Khu vực tác chiến mới thành lập. PLA cũng triển khai phát triển khái niệm “Hệ thống tác chiến dựa trên hệ thống nền tảng thông tin” (Information system-based system of system operations). Mô hình này cho phép PLA có thể triển khai cùng lúc nhiều hoạt động trên các không gian, phạm vi khác nhau. Khi phối hợp với Hệ thống C4ISR (Kiểm soát, Cảnh báo, Chỉ huy, Tình báo, Do thám…), PLA sẽ có khả năng nắm bắt thông tin thực địa theo thời gian thực, tích hợp và đồng bộ hóa với hoạt động của nhiều lực lượng khác nhau nhằm  đảm bảo có khả năng phối hợp tác chiến linh hoạt.

Gắn an ninh Biển Đông với nhiệm vụ của Khu vực Tác chiến phương Nam

Từ việc Trung Quốc xác định Biển Đông sẽ là môi trường cạnh tranh quân sự chiến lược, cũng như để có thể “nắm quyền kiểm soát”, hoặc “ra điều kiện” khi xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh, PLA đã coi việc “bảo vệ chủ quyền” tại Biển Đông là sứ mệnh quan trọng nhất của Khu vực Tác chiến phương Nam. Do đó, trong tháng 01/2017, Quân đội Trung Quốc đã cử Tư lệnh Hạm đội Hoa Bắc là Phó Đô đốc Viên Dự Bách chuyển sang nắm Khu vực Tác chiến phương Nam. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử PLA, một lãnh đạo hải quân được giao nắm quyền chỉ huy tại một khu vực gồm nhiều lực lượng tác chiến hỗn hợp.

Các bước điều chỉnh nêu trên với Quân đội Trung Quốc và Khu vực Tác chiến phương Nam cũng phản ánh sự thay đổi trong tư duy chiến lược quân sự của Bắc Kinh, đó là chuyển từ ưu tiên phòng thủ lục địa sang tập trung đảm bảo và phát triển an ninh hàng hải. Do đó, Khu vực Tác chiến phương Nam còn được PLA giao nhiều nhiệm vụ khác nhau có gắn với các lĩnh vực an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Ngoài những vấn đề nêu trên, lí do Khu vực Tác chiến phương Nam do một Tư lệnh có nguồn gốc hải quân được lựa chọn để PLA thực hiện các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc với Biển Đông còn bao gồm:

Khi so sánh tầm quan trọng của các vùng biển gần, rõ ràng Biển Đông có một vai trò đặc biệt với Đông Á nói chung và với Trung Quốc nói riêng. Do đó, việc đảm bảo an ninh trên tuyến hàng hải đi ngang Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế Trung Quốc trong thời bình. Chưa kể, điều này còn giúp Trung Quốc có thể “nắm quyền chủ động” trong thời điểm khủng hoảng hoặc có xảy ra chiến tranh.

Biển Đông cũng là vùng biển có độ sâu lý tưởng so với Hoàng Hải và Hoa Đông, trung bình có thể đạt tới 1,200 mét. Đây là điều kiện lí tưởng để Trung Quốc triển khai lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược (SSBN) của PLA. Độ sâu này giúp các tàu ngầm hạt nhân của PLA tránh được hoạt động chống ngầm, đòn tấn công hạt nhân phủ đầu của đối phương so với các vũ khí chiến lược khác được bố trí trên mặt đất, từ đó gia tăng khả năng sống sót và đánh trả. Phạm vi bán kính rộng của Biển Đông cũng cho phép PLA bố trí các tàu nổi cỡ lớn, vì các nước láng giềng ven biển Đông Nam Á có khả năng tình báo, do thám, phong tỏa đường biển yếu hơn so với lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Hoa Đông.

Thời gian qua, Quân đội Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn tàu mặt nước, trong đó có tàu sân bay nhằm hướng tới việc sở hữu “hệ thống tác chiến trên biển”. Hệ thống này có sự phối hợp của tàu sân bay, các tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ, và tàu ngầm tấn công hạt nhân. Mô hình tác chiến này giúp các lực lượng của hải quân PLA có thể hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu rủi ro khi thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến phòng không, tấn công trên biển, chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, chống ngầm, và cảnh báo sớm.

Như vậy, yếu tố bề rộng và chiều sâu đã là một trong các nhân tố chiến lược tiềm năng để Hải quân Trung Quốc có thể bố trí, triển khai một “hệ thống tác chiến trên biển” tại Biển Đông. Qua đó, từng bước hiện thực hóa tư duy chiến lược hàng hải mới của Trung Quốc và các mục tiêu đặt ra với Biển Đông.

Nhằm củng cố và triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược với Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc đã trái phép nạo vét, bồi lấp và xây dựng các đảo nhân tạo, các sân bay, bãi đáp trực thăng, cảng biển, trạm rada, và thiết bị thông tin liên lạc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục giữ chiến thuật “mập mờ yêu sách”. Điều này khiến Mỹ phản ứng, tiến hành các biện pháp đối phó như tuần tra tự do hàng hải và hàng không gần các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trái phép.

Phản ứng trước hành động của Mỹ, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi từng tuyên bố hồi tháng 7/2016...chủ quyền và lợi ích tại Biển Đông...là ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc, liên quan tới nền tảng nắm quyền của Đảng, ổn định và an ninh của đất nước, các lợi ích quốc gia cơ bản của Trung Quốc…Chúng tôi sẽ không bao giờ dừng việc xây dựng đang triển khai tại Trường Sa.[3]

Khoảng cách lớn từ đất liền tới đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cộng với các bước đi kiềm chế, ngăn chặn của hải quân Mỹ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc triển khai các mục tiêu và tham vọng hàng hải. Đây cũng là một trong các lí do khiến PLA quyết định bổ nhiệm một Tư lệnh Hải quân nắm Khu vực Tác chiến phương Nam nhằm đối phó với các thách thức hàng hải đang phát sinh.

Trở ngại với điều chỉnh của PLA

Quyết định của Quân đội Trung Quốc, bổ nhiệm một Tư lệnh Hạm đội Hải quân chuyển sang nắm một Khu vực Tác chiến có nhiều quân, binh chủng khác nhau là quyết định chưa có tiền lệ. Việc này có thể tạo ra phản ứng bất mãn bởi các sĩ quan không quân và lục quân dưới quyền Tư lệnh mới Viên Dục Bách tại Khu vực Tác chiến phương Nam. Ngoài ra, vấn đề có thể còn làm gia tăng cạnh tranh nội bộ, khiến quá trình phối hợp của các lực lượng khác nhau trong triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ chỉ huy tại Khu vực Tác chiến này đề ra gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, dù lực lượng Không quân PLA hiện đã có khả năng phối hợp triển khai các hoạt động tại khu vực Trường Sa, bãi cạn Scaborough bằng các máy bay ném bom H-6K, máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30, máy bay tiếp dầu trên không, các máy bay cảnh báo, trinh sát. Nhưng do Bộ chỉ huy Khu vực Tác chiến phương Nam của PLA đặt tại Quảng Tây, và trước đây chủ yếu nhằm đối phó với các tình huống trên đất liền. Do đó, khi tranh chấp biển tại các thực thể địa lý ở Biển Đông leo thang, PLA sẽ gặp khó khăn khi muốn triển khai lực lượng không quân trong đất liền tham gia vào các nhiệm vụ tác chiến hỗn hợp trên biển. Chưa kể khoảng cách phạm vi địa lý, môi trường tác chiến khác biệt cũng là các áp lực đối với lực lượng không quân PLA tại Khu vực Tác chiến phương Nam.

Hiện nay, nhằm khắc phục các hạn chế kể trên, cũng nhưu để có thể mở rộng hoạt động quân sự phục vụ cho các mục tiêu chiến lược lâu dài tại Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa, nâng cấp hạ tầng nhiều công trình quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Các hoạt động do Trung Quốc triển khai đã kéo theo quan ngại, phản ứng của nhiều bên, và căng thẳng gia tăng cũng gây bất lợi cho Bắc Kinh trong việc duy trì môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Chưa kể, diễn biến tình hình cũng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gặp thách thức khi muốn tăng cường kiểm soát dân sự với chính sách đối ngoại, tránh tác động ảnh hưởng do nhãn quan hạn hẹp, hành động cứng rắn của giới tướng lĩnh quân sự PLA gây ra. Vì nếu không xử lý tốt, những nhân tố này cũng đồng thời khiến Bắc Kinh càng khó thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra với chiến lược hàng hải mới của họ./.

Dương Linh, Nghiên cứu viên Học viện Ngoại giao. Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của các tác giả.

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Học giả Nan Li là Nghiên cứu viên cao cấp, khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Bài viết “Bộ Chỉ huy Tác chiến phương Nam và chiến lược hàng hải của Trung Quốc” được đăng trên trang China Brief của Qũy Jamestown, ngày 09/6/2017.

[2] Nan Li, “The Evolution of China’s Naval Strategy and Capbilities: From ‘Near Coast and’ and ‘Near Seas’ to ‘Far Seas’”, Asian Security, Vol 5, No.2 (May 2009)

[3]Tân Hoa xã, ngày 18/7/2016. Truy cập tại: http://news.xinhuanet.com/english/2-016-07/18/c_135522556.html