Tại đây, ông Tập Cận Bình đã trình bày các ý tưởng của Trung Quốc về hợp tác Á - Phi trong tương lai. Tuy Trung Quốc đã từng là lãnh đạo của thế giới thứ 3, nhưng với sức mạnh tổng hợp khi đó, Trung Quốc không thể mang lại mô hình phát triển để các nước đang phát triển khác lựa chọn. Nhưng nay thì tình thế đã đổi thay. Trung Quốc đang tiến dần tới vị trí một siêu cường, điều này có nghĩa, Trung Quốc ngày càng có khả năng giúp đỡ các nước đang phát triển khác hiện thực giấc mơ của dân tộc mình. Vậy Trung Quốc sẽ làm điều đó như thế nào? Có 4 phương cách sau:

Thứ nhất, Trung Quốc cần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nước đang phát triển khác tại Châu Á. Phát triển bền vững không phải khái niệm gì mới, nhưng tình hình thực tế làm người ta cảm thấy đáng tiếc là, đại bộ phận các nước đang phát triển không thể thực hiện được mục tiêu này, nguyên nhân có nhiều, như quá dựa vào tài nguyên tự nhiên và thiếu hụt vốn. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia nghèo khó chưa thoát khỏi bẫy thu nhập thấp. Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch “một vành đai, một con đường” chính là nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước, một bước không thể thiếu trên con đường phát triển. Một ví dụ rất tốt là Trung Quốc cam kết đầu tư 46 tỷ USD cho đồng minh thân thiết tại Nam Á là Pakistan. Tuy đa số nhà phân tích quan tâm vào khía cạnh kinh tế và ảnh hưởng chiến lược của thỏa thuận này, nhưng có một ảnh hưởng bị bỏ qua về viện trợ này của Trung Quốc, thực tế nước này đang giúp Pakistan hoàn thành tiến trình “xây dựng đất nước”, tiến trình này vốn hết sức chậm chạp do tác động của xu hướng chia rẽ và bất ổn nội bộ của Pakistan. Đây là vấn đề thường gặp của nhiều nước do bị giằng xé bởi nội chiến và các loại xung đột. Không có môi trường trong nước hòa bình ổn định, những nước này cơ bản không thể tập trung tinh lực phá triển kinh tế. Do vậy, trong lĩnh vực này, Trung Quốc có thể chuyển giao nhiều kinh nghiệm phong phú, hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng cơ chế quản lý hành chính hiệu quả. Nói cách khác, Trung Quốc có thể giúp các “quốc gia thất bại” xoay chuyển tình hình.

Thứ hai, Trung Quốc cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình tăng trưởng sáng tạo. Thời đại kinh tế thông tin chính là thời cơ cho các nước đang phát triển. Thế giới phẳng ngày nay đem lại cơ hội tuyệt vời cho các nước đang phát triển thoát khỏi “bẫy tài nguyên” và gây dựng những ngành nghề trí thức dưới sự hỗ trợ của internet. Trung Quốc cũng đang tự mình xây dựng nền kinh tế kiểu mới, trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tạo dựng thành công những thế lực công nghệ mới có năng lực cạnh tranh toàn cầu như Alibaba, Tecent… Trung Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công, bài học thất bại với các nước đang phát triển khác.

Thứ ba, Trung Quốc cần dốc sức thúc đẩy cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Việc kêu gọi đóng góp thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng CÁ (AIIB) gần đây là ví dụ tốt nhất. Thực tế cơ bản của tài chính toàn cầu là, nguồn vốn của các nước đang phát triển nhận được từ các nước phát triển quá ít. Điều đó không phải do thiếu vốn vì nguồn vốn trên toàn thế giới rất dồi dào. Mấu chốt là chủ sở hữu tư bản của các nước phát triển không muốn đầu tư mạo hiểm tại đa số các nước đang phát triển. Tuy nhiên, không thể trách các chủ sở hữu tư bản vì nhà tư bản chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng xu hướng né tránh mạo hiểm của giới tư bản lại đang đem lại cơ hội tốt cho Trung Quốc. Là nước lớn đang trỗi dậy có nhiều tham vọng, quyết định đầu tư của Trung Quốc không chỉ chú trọng vào hiệu quả kinh tế mà cần tính đến hiệu quả chính trị và chiến lược. Trung Quốc rõ ràng đứng trước rủi ro không nhỏ nhưng cũng sẽ được đền đáp tiềm tàng rất lớn.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ quốc tế dân chủ hóa hơn nữa. Cùng với việc thế giới đang phát triển theo hướng đa cực hóa, tất cả cả nước đều cần thúc đẩy công bằng, công minh trong công việc quốc tế. Trung Quốc cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này. Đương nhiên, bản thân Trung Quốc cần đối xử công bằng, công minh với các quốc gia khác, đồng thời tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong sự vụ quốc tế. Đây là nhân tố cốt lõi để xây dựng “quan hệ quốc tế kiểu mới”, trong khi mô hình chính trị quốc tế kiểu cũ “được ăn cả” không còn thích hợp.

Theo “The Diplomat” (ngày 28/4)

Nhật Linh (gt)