Thách thức thứ nhất sẽ là những căng thẳng ở Biển Đông, vốn vẫn đang diễn biến rất mạnh mẽ. Cụ thể, vụ kiện tòa trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc sẽ nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Mỹ đã can thiệp vào bằng việc đưa ra tài liệu thể hiện quan điểm của mình, thách thức yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng được cho là đã gửi tài liệu lập trường của mình lên tòa trọng tài, khiến tình hình có vẻ càng rối rắm hơn. Nỗi lo của Trung Quốc đó là Việt Nam và Philippines sẽ cùng hợp sức với nhau để thách thức các quyền lợi biển của Trung Quốc, dưới sự ủng hộ ngầm của Mỹ và thậm chí là Nhật. Dẫu vậy, có một tin đáng mừng là giá dầu giảm có thể khiến cho việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông trở nên kém hấp dẫn hơn và góp phần giảm thiểu khả năng xung đột giữa các bên yêu sách trong ngắn hạn.

Bài toán đau đầu thứ hai không nên xem thường đó là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nếu không muốn nói là khủng hoảng. Mặc dù giá dầu thấp hiện nay có thể mang lại lợi ích cho một số nền kinh tế, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015 lại không hề êm ả. Tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng Euro được dự đoán nằm trong khoảng 1%, tiếp tục khuynh hướng phục hồi dần dần (hoặc chưa phục hồi kịp) kể từ năm 2009. Các cải cách theo trường phái “Abenomics” của Nhật (dựa trên 3 mũi nhọn đó là gói kích cầu tài chính khổng lồ, chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh từ phía Ngân hàng nhà nước Nhật Bản và các cải cách hệ thống để tăng cường tính cạnh tranh của Nhật - ND) vẫn chưa tăng được tiêu dùng nội địa và các nhà phân tích đang bàn về việc mũi nhọn thứ tư nếu cần đến sẽ là gì. Phục hồi kinh tế của Mỹ dường như khả quan hơn EU và Nhật Bản nhưng vẫn có một số lo ngại về nguồn thu nhập đình trệ và khả năng thiểu phát. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 có thể đạt từ 6,5 đến 7%, một tỉ lệ khá thấp so với tiêu chuẩn của chính kinh tế Trung Quốc nhưng vẫn là một chỉ số tốt đối với nền kinh tế hiện đang lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, kinh tế của Trung Quốc ngày nay gắn chặt với kinh tế toàn cầu; điều đó có nghĩa là các vấn đề bên ngoài có thể nhanh chóng lan đến Trung Quốc và gây ra bất ổn kinh tế và thậm chí xã hội.

Vấn đề gai góc thứ ba là quan hệ Trung-Nhật, vốn sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng trong năm nay. Mặc cho cái bắt tay giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Abe vào tháng 11/2014, căng thẳng trong quan hệ hai bên vẫn ở mức cao. Năm nay đánh dấu 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, một chủ đề vốn rất nhạy cảm cho cả Trung Quốc và Nhật Bản. Có thể Trung Quốc sẽ tận dụng dịp này đề nhấn mạnh tính chính đáng của trật tự thế giới sau Thế chiến thứ hai, trong khi Nhật sẽ tập trung kêu gọi nhiều hơn các cải cách đối với tổ chức Liên Hợp Quốc. Và vẫn còn đó vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku, vốn không giảm nhiệt suốt từ năm 2012. Viễn cảnh đáng lo ngại nhất trong năm 2015 là một vụ va chạm xảy ra liên quan đến tàu hoặc máy bay của Trung Quốc hay Nhật Bản. Dù một tai nạn như vậy khó xảy ra, chúng ta cũng không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng này và các nhà quan sát trong năm nay cần hết sức chú ý.

Vấn đề thứ tư và là vấn đề cuối cùng liên quan đến Bắc Triều Tiên, một nước vẫn tiếp tục là kẻ gây rối trong năm 2015. Kiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên sẽ không chịu nhún mình trước sức ép bên ngoài (dù là của Trung Quốc hay Mỹ) để từ bỏ chương trình hạt nhân. Bắc Triều Tiên hiện nay có vẻ khá vô vọng, nhất là khi quan hệ với Trung Quốc ngày một đi xuống kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền năm 2012. Đây là lý do vì sao hiện nay Bắc Triều Tiên rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Nga. Một vài câu hỏi then chốt cần cân nhắc bao gồm: Liệu Bắc Triều Tiên có tiến hành một cuộc thử hạt nhân khác vào năm 2015 không? Với những điều kiện nào thì Bắc Triều Tiên mới chịu quay lại các cuộc đàm phán 6 bên? Hơn nữa, vẫn tồn tại khả năng sụp đổ chính thể ở Bắc Triều Tiên, dù nhìn chung mọi người khá trung thành với gia đình họ Kim. Dù sao đi nữa, điều cuối cùng mà Trung Quốc muốn đó là Bắc Triều Tiên bị sụp đổ, vì vậy Trung Quốc buộc phải nỗ lực hết sức để ổn định tình hình Bắc Triều Tiên.

Bên cạnh bốn vấn đề chính nói trên, sẽ luôn có những cuộc khủng hoảng bất ngờ đối với ngoại giao Trung Quốc, giống như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (ISIS) năm 2014. Khi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, thách thức đặt ra đối với nước này cũng ngày một nhiều. Chính trị nội bộ của Trung Quốc sẽ luôn có ảnh hưởng lớn đối với nền ngoại giao của họ. Nhưng có một điều chắc chắn, năm 2015 sẽ là một thời khắc thú vị cho ngoại giao Trung Quốc.

Dingding Chen là Phó Giáo sư giảng dạy về Chính phủ và Quản trị công tại Đại học Macau. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm chính sách đối ngoại Trung Quốc, an ninh Châu Á, chính trị Trung Quốc và nhân quyền. Bài báo được đăng lần đầu tiên trên trang The Diplomat.

Dịch: Kim Minh