Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc sẽ đóng tàu thăm dò biển sâu đầu tiên trên thế giới. Công ty đóng tàu Mã Vĩ ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc vừa ký hợp đồng với một công ty của Singapore để đóng tàu thăm dò biển sâu đầu tiên trên thế giới với lịch trình chuyển giao dự kiến vào năm 2017. Theo công ty Mã Vĩ, con tàu sẽ dài 227m và rộng 40m, với sức chứa lên tới 180 người và sức tải hàng hóa tối đa là 45.000 tấn. Con tàu này để phục vụ công tác thăm dò đáy biển có độ sâu khoảng 2.500m và có một bãi đáp trực thăng.

Trung Quốc phản ứng với báo cáo đánh giá “đường lưỡi bò” của Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 9/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, “Chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và các yêu sách quyền liên quan được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài. Báo cáo của Mỹ là không căn cứ vào tình hình thực tế. Điều đó không có ích gì cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, cũng như sự hòa bình và ổn định ở khu vực. Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải tuân thủ lời hứa của mình, phát ngôn và hành động một cách thận trọng.”

Về quan điểm của Việt Nam về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông hôm 11/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chiều 11/12 ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi biển của Trung Quốc và cùng Trung Quốc giải quyết các bất đồng trên cơ sở tôn trọng bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế để cùng gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.”

+ Việt Nam:

Việt Nam bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 11/12, trả lời câu hỏi của phóng về phản ứng của Việt Nam trước Tuyên bố lập trường ngày 7/12 của Chính phủ Trung Quốc về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong đường chín đoạn.” Trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam.”

+ Philippines:

Philippines quyết theo vụ kiện Trung Quốc đến cùng. Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 8/12, Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte cho hay Manila đã biết lập trường của Trung Quốc về vụ kiện Tòa Trọng tài mà Philippines đề xuất. Theo bà Valte, Chính phủ Philippines muốn tái khẳng định rằng lập trường của mình là rất rõ ràng và được tái khẳng định trong những tài liệu pháp lý mà Philippines trình lên tòa án hồi tháng 3. Bà cho biết Philippines sẽ có những bước đi tiếp theo nếu phía Trung Quốc đáp ứng yêu cầu nộp Bản ghi nhớ lên tòa.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định: “Nhờ Tòa án trọng tài là cách bảo vệ chính đáng những gì thuộc về chúng tôi. Nó không chỉ giúp tìm ra một cách thức mà còn đưa đến giải pháp công bằng và bền vững dựa trên luật pháp quốc tế.” Ông Rosario cũng cho biết thêm việc Trung Quốc phản đối vụ kiện có thể làm “đẩy nhanh” tiến trình phân xử và một phán quyết có thể được đưa ra vào đầu năm 2016.

+ Indonesia:

Indonesia dự định tăng cường ngân sách quốc phòng. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm 9/12, cố vấn của Tổng thống Indonesia ông Luhut Pandzhaitan cho hay ngân sách quốc phòng của nước này có thể tăng lên 20 tỉ USD/năm vào năm 2019 để bảo vệ chủ quyền. Ông Luhut Panjaitan, một cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của Indonesia, cho biết Jakarta không có kế hoạch sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa Bắc Kinh và các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Panjaitan, điều quan trọng là tăng cường sức mạnh quân sự của Indonesia để bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm cả quần đảo Natuna - một chuỗi gồm 157 đảo nhỏ nằm phía tây bắc đảo Borneo, “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng, Natuna là lãnh thổ của Indonesia.”

Indonesia lập lực lượng đặc trách chống đánh bắt trộm cá. Được đặt dưới quyền quản lý của Bộ Biển và Nghề cá, lực lượng đặc nhiệm được thành lập trên cơ sở đề xuất của Bộ Quốc phòng sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo giao nhiệm vụ cho hải quân giữ vai trò chính trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp trên các vùng biển của Indonesia. Theo số liệu của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, mỗi năm nước này thiệt hại khoảng 300.000 tỷ rupiah (25 tỷ USD) do hoạt động đánh bắt trái phép của các tàu nước ngoài và hiện có khoảng 5.400 tàu thuyền hoạt động bất hợp pháp trong các vùng biển của quốc gia này.

Quan hệ các nước

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Lào. Chiều 9/12, sau khi đến Vientiane, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến chào Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong và gặp gỡ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả quan hệ trên mọi lĩnh vực giữa hai nước thời gian qua và khẳng định mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Lào để không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; đề nghị Lào tiếp tục ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong khẳng định lại lập trường của Lào kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện DOC, tiến tới xây dựng Bộ COC.

Việt Nam lên tiếng về việc hải quân Indonesia bắn chìm tàu cá. Về việc ngày 5/12, hải quân Indonesia đã cho bắn chìm ba chiếc thuyền đánh cá không của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 9/12 cho hay, “Chúng tôi đã giao thiệp nghiêm túc với phía Indonesia về việc này và yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân nước ngoài vi phạm lãnh hải của Indonesia cần phải phù hợp luật pháp quốc tế và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân, cũng như quan hệ giữa Indonesia với các quốc gia khác.” Cũng theo bà Phạm Thu Hằng, phía Việt Nam luôn lưu ý và hướng dẫn các ngư dân tuân thủ nghiêm các quy định của các quốc gia, không xâm phạm vùng biển nước ngoài trái phép.

6 tàu khu trục tên lửa Trung Quốc tiến gần Okinawa. Ngày 13/12, văn phòng Hội đồng Tham mưu liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hôm 12/12, 6 tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc từ Thái Bình Dương đã đi qua vùng biển giữa đảo chính của Okinawa và quần đảo Miyako tại phía Tây Nam Nhật Bản để tiến vào Biển Hoa Đông. Các tàu trên, được xem là một phần trong cuộc tập trận hải quân mà Trung Quốc tuyên bố đang được tiến hành ở Thái Bình Dương, đã không đi vào lãnh hải Nhật Bản.

Phân tích và đánh giá

“Việt Nam và cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc.” Tuần trước, Việt Nam thông báo rằng họ đã đệ trình lập trường về tranh chấp Biển Đông lên Tòa Trọng tài đang thụ lý vụ kiện của Philippines. Theo ông Ian Storey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Đông Nam Á, Singapore, “Bắc Kinh có thể sẽ tức giận việc Việt Nam gửi lập trường của mình lên Tòa Trọng tài, mà theo quan điểm của Trung Quốc, tòa này không có thẩm quyền đối với vụ việc”. Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc, ông Carlyle Thayer thì nhận định, “Bất chấp các nỗ lực của cả 2 nước nhằm hàn gắn quan hệ sau vụ giàn khoan HD-981, vụ việc này một lần nữa cho thấy tranh chấp Biển Đông tiếp tục là nhân tố gây bất ổn song phương” và hành động đệ trình lập trường lên tòa của Việt Nam “khiến tòa đánh giá cao hơn tầm quan trọng của vụ kiện. Nó khiến việc quản lý tranh chấp phần nào đi theo con đường luật pháp.”

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một nguồn tin khu vực cho rằng hành động của Việt Nam “đa phần để bảo vệ lợi ích của họ giống như những gì Philippines đang làm khi đối đầu trực tiếp với Trung Quốc”. Luật sư Rodman Bundy, người đã từng tham gia giải quyết một số vụ tranh chấp chủ quyền, lại cho rằng tuyên bố như một bên thứ ba của Việt Nam là không có cơ sở pháp lý. “Theo quan điểm của tôi, tòa trọng tài nên bỏ qua tuyên bố này của Việt Nam bởi Việt Nam không phải là một bên trong vụ kiện này. Động thái này như một cuộc chơi mèo vờn chuột diễn ra bên ngoài các thủ tục nghiêm ngặt của Tòa trọng tài.” Tuy nhiên, Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng động thái của Việt Nam mở ra cánh cửa để giải thích các lợi ích của mình và do đó đây là “một cách thức đi qua cửa sau mà không phải tham gia vụ kiện cùng Philippines”.

“Bão tích điện ở Biển Đông” của Nguyễn Hồng Thao. Sau khi Trung Quốc gửi Tài liệu lập trường lên tòa trọng tài, diễn biến vụ kiện của Philippines sẽ như thế nào? Dù từ chối không tham dự vụ kiện, Tài liệu lập trường của Trung Quốc vẫn có thể coi là bản phản biện cho Bản cáo buộc của Philippines trước Tòa. Có thể Tòa sẽ cho Philippines một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện bản phản biện của phản biện trước khi bắt đầu quá trình nghị án. Tài liệu lập trường cũng được coi là một bản tranh biện trước Tòa mà không phải chịu trách nhiệm ràng buộc thực hiện nghĩa vụ với Tòa nếu xuất hiện trước Tòa như một bên tranh chấp. Dù không xuất hiện, Tòa vẫn sẽ căn cứ vào Tài liệu lập trường này để xem xét quan điểm của Trung Quốc, bảo vệ tính khách quan công bằng giữa hai bên nguyên và bị trước Tòa.

Trong Tài liệu lập trường của mình, Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình trên các quần đảo ở Biển Đông. Các nước liên quan như Việt Nam, Malaysia ít nhất cũng nên có một tài liệu lập trường riêng gửi Tòa trọng tài để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông. Trung Quốc hy vọng có thể sớm kết thúc vụ kiện khi Tòa xem xét thẩm quyền của mình mà không đề cập đến nội dung vụ kiện. Philippines và Mỹ có thể mong muốn Tòa sẽ nghiên cứu kỹ nội dung vụ kiện để có một quyết định góp phần ngăn chặn sự lấn lướt, sử dụng sức mạnh đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các Bên đều đã cung cấp những nguyên liệu ban đầu cho Tòa. Vấn đề là Tòa sẽ chế biến thế nào để có một phán quyết khách quan, trung thực, đóng góp vào sự phát triển của luật biển quốc tế và góp phần ổn định khu vực.

Căn cứ vào các hoạt động và Tài liệu lập trường của Trung Quốc, thời gian tới Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những bước đi mạnh bạo, kiên quyết, tìm mọi cách khẳng định sự hiện diện vượt trội của mình trên Biển Đông. Các nước có quyền lợi trong khu vực cũng không thể làm ngơ. Chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ hay trật tự Châu Á mới do Trung Quốc khởi xướng sẽ thắng thế? Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích biển chính đáng của các nước ven biển có được gìn giữ hay bị đe dọa? Các đợt sóng ngầm báo hiệu những cơn bão mới đang tích tụ ở Biển Đông.

“Chính sách của Mỹ tại Biển Đông” của Michael McDevitt. Chính sách Biển Đông của Mỹ không nên chỉ nhằm mục tiêu chống Trung Quốc.

(i) Mỹ nên chỉ trích hành vi của Trung Quốc, cùng với đó là hành vi của các đồng minh và những bạn bè của Mỹ, khi họ có những sai phạm rõ ràng. Đối với vấn đề Biển Đông, Washington không nên công bố các chính sách mà bản thân họ chưa sẵn sàng hậu thuẫn.

(ii) Mỹ nên đưa ra một bản sách trắng đề cập chi tiết những khía cạnh nào của luật quốc tế đang bị Trung Quốc và các bên yêu sách khác tại Biển Đông vi phạm.

(ii) Các quan chức Mỹ nên công khai ủng hộ phương án phân xử bằng trọng tài của Philippines, trong đó yêu cầu tòa làm rõ liệu Trung Quốc có thể có yêu sách biển dựa trên đường chín đoạn hay không. Tuy nhiên, tòa trọng tài có thể ra phán quyết rằng họ không có thẩm quyền trong vụ việc này. Điều này sẽ khiến cho hy vọng về viễn cảnh luật pháp có thể đóng vai trò nền tảng cho việc định hình hành vi của các bên trong tranh chấp Biển Đông càng trở nên mong manh. Bộ Ngoại giao Mỹ nên công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để vụ kiện của Philippines được phân xử tại tòa.

(iv) Mỹ cũng nên giúp các quốc gia ven Biển Đông cải thiện năng lực giám sát, chỉ huy, kiểm soát và quản lý các vấn đề trên biển của riêng họ.

(v) Mỹ cũng cần phải thật sự nghiêm túc cho một kế hoạch trong dài hạn nhằm cải thiện năng lực trên biển cho Lực lượng Quốc phòng Philippines. Hai nước cần có sự đồng thuận về một kế hoạch “răn đe đủ tin cậy ở mức tối thiểu.”

(vi) Hải quân và không quân Mỹ tại Biển Đông cũng nên duy trì sự hiện diện thường nhật. Cụ thể, Mỹ nên kéo dài thời gian các cuộc diễn tập quân sự của họ với các quốc gia ven Biển Đông và mời gọi thêm các quốc gia Châu Á khác như Nhật, Hàn Quốc, và có thể là cả Ấn Độ tham gia những cuộc diễn tập này. Điều này sẽ làm tăng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực và cho thấy rằng các quốc gia ven biển khác cũng quan tâm tới sự ổn định tại Biển Đông.

(vii) Cuối cùng, Washington cần đảm bảo rằng sự hiện diện quân sự đã được lên kế hoạch của mình và việc các quốc gia tại Đông Á cải thiện năng lực phải được coi là những động thái nhằm mục đích trấn an, duy trì ổn định và không nên để bị gắn cho cái mác là những động thái nhằm đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Mỹ cần nhấn mạnh rằng mục tiêu của việc phân bổ nguồn lực quân sự trong chiến lược tái cân bằng là để đảm bảo Mỹ có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm an ninh đối với các bạn bè và đồng minh.

“Lá bài 2 mặt của Trung Quốc trong tranh chấp trên biển” của Daniel Wagner, Edsel Tupaz. Mặc dù lờ đi UNCLOS trong vụ kiện với Philippines, nhưng Trung Quốc lại sử dụng đến các điều khoản của UNCLOS trong tranh chấp của họ với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2009, Trung Quốc đệ trình yêu sách đối với quần đảo Senkaku và sử dụng các quy định của UNCLOS trong việc xác định và phân định thềm lục địa bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc.

Có một số học thuyết về luật pháp quốc tế ủng hộ quan điểm rằng hành vi của quốc gia trong một vấn đề có thể được sử dụng như sự thừa nhận và sẽ ràng buộc họ trong những vấn đề khác. Điểm quan trọng hơn ở đây đó là Trung Quốc đã không thể hiện được nhân tố Pháp Trị trong vụ viện với Philippines, hay trong các vụ việc khác liên quan đến biên giới biển, và họ muốn “hái anh đào” (chọn lọc những gì mà họ cho là tốt nhất – ND) những điều khoản trong công ước quốc tế mà họ sẽ tuân thủ, và những điều khoản nào họ sẽ bỏ qua. Đó là hành vi không phù hợp của một cường quốc đang trỗi dậy và sẽ khiến các quốc gia cùng ký kết các hiệp ước với Trung Quốc đặt ra câu hỏi về giá trị của những văn bản này, và hành động này cũng không phục vụ lợi ích của Trung Quốc trong dài hạn.

Việc Trung Quốc chỉ dựa vào một tấm bản đồ cũ kỹ hoàn toàn không phù hợp với luật biển hiện hành để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của mình cũng sẽ gây tác động không tốt đến lợi ích của họ. Dù cho Philippines có thắng ở tòa án hay không, thì trong tòa án công luận quốc tế chắc chắn sẽ không có chiến thắng nào dành cho Trung Quốc.

Tranh chấp ở Biển Đông sẽ là phép thử xem liệu Trung Quốc có hành xử như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, có sẵn sàng tham gia cùng các bên khác trong một cơ chế dựa trên luật pháp phù hợp với các nguyên tắc về ngoại giao quốc tế, tương xứng với tầm vóc và vị thế của họ hay không. Đây sẽ là một thách thức đối với Trung Quốc.

“Cải tạo đảo: Bước đi thay đổi cục diện tại Biển Đông?” của TS. Trần Trường ThủyGần đây báo chí quốc tế đã đưa tin rất rộng rãi về việc Trung Quốc đang tiến hành các dự án cải tạo đất trên sáu trong số bảy thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nhằm biến các đảo đá và bãi chìm này thành các đảo lớn với đường băng, cảng tàu và các cơ sở quân sự và dân sự khác.

Các hòn đảo được mở rộng với đường băng và cảng biển có thể sẽ củng cố năng lực uy hiếp của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc triển khai nhanh chóng và hùng hậu các tàu và máy bay quân sự, bán quân sự và giả dân sự đến khu vực phía nam và trung tâm Biển Đông trong trường hợp xảy ra chạm trán với các bên yêu sách khác.

Những cơ sở này sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phong tỏa các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đến các đảo và đá mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa. Sự hiện diện càng tăng về mặt quân sự của Trung Quốc sẽ đẩy mạnh khả năng triển khai sức mạnh của nước này, nếu không muốn nói là làm chủ cả Biển Đông.

Các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là các điều khoản yêu cầu tất cả các bên phải kiềm chế và không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm thay đổi vĩnh viễn nguyên trạng liên quan đến các khu vực tranh chấp. Các hoạt động này cũng trái với Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp. Bằng việc đưa các quốc gia vào “tình thế đã rồi” trong quá trình đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông – một trong những mục đích chính là nhằm duy trì nguyên trạng, Trung Quốc đang dập tan bất kỳ hy vọng mong manh nào về một văn kiện có ý nghĩa giúp quản lý vùng biển đầy căng thẳng này.