I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đưa tàu công xưởng khổng lồ đến Biển Đông. Trung Quốc đang triển khai một đội tàu đến Biển Đông, gồm tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001, loại tàu trên thế giới chỉ có bốn chiếc với bốn nhà máy chế biến, 14 dây chuyền sản xuất và khoảng 600 công nhân; 1 tàu dầu 20.000 tấn; 2 tàu vận tải 10.000 tấn và 3 tàu hỗ trợ có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn. Đội tàu này sẽ đến tăng cường cho đội tàu đánh cá hiện có từ 300 đến 500 chiếc của Trung Quốc ở Biển Đông, giúp các tàu cá Trung Quốc có thể đánh bắt tại Biển Đông suốt 9 tháng.

Trung Quốc sẽ mở tour du lịch tới Hoàng Sa. Hôm 10/5, một viên chức tỉnh Hải Nam đặc trách vùng biển đảo “Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa” (Trung Quốc gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa) tuyên bố du khách có thể viếng thăm các quần đảo này trong năm nay. Các chuyến du hành sẽ được tổ chức bằng tàu biển hoặc máy bay. Giá một chuyến du lịch Hoàng Sa 4 ngày 3 đêm do Trung Quốc tổ chức là khoảng 870 đôla.

Hạm đội Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. Cuộc diễn tập có sự tham gia của chi đội tàu đổ bộ của Hạm đội Nam Hải, lữ đoàn Lính thủy đánh bộ, lực lượng hàng không của Hải quân. Các bài diễn tập bao gồm chiếm và tái chiếm mục tiêu bằng cách phối hợp nhiều cách đổ bộ. Trong đó có “đổ bộ mặt phẳng”, tức binh sĩ từ tàu mẹ tiếp cận mục tiêu và “đổ bộ thẳng đứng”, tức dùng trực thăng chở lính từ tàu mẹ tiến sâu vào trận địa để tập kích từ trên không. Ngoài ra, còn tiến hành diễn tập bắn đạn thật, máy bay trực thăng hạ cánh trên tàu chiến, tàu đệm khí ra vào tàu mẹ.

Tàu chiến Trung Quốc đến gần Philippines. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hôm 7/5 đã phát hiện nhóm 5 chiến hạm Trung Quốc ở vùng biển cách quần đảo Okinawa 650km về phía tây nam. Đây là năm chiến hạm được cho là thuộc loại tối tân nhất của Hải quân Trung Quốc, thuộc Hạm đội Nam Hải: 2 khu trục hạm Quảng Châu và Vũ Hán thuộc lớp 052B, 2 hộ tống hạm nhỏ Du Lâm và Sào Hồ, lớp 054A, và tàu đổ bộ hạng nặng Côn Luân Sơn lớp 071. Theo báo chí Đài Loan, tiểu hạm đội Trung Quốc kể trên đã xuất phát từ đảo Hải Nam và đi qua eo biển Đài Loan, hướng về Thái Bình Dương và khi cách Đài Loan 180 km đã rẽ phải xuống phía Nam. Ngay khi tiến vào Thái Bình Dương, các chiến hạm Trung Quốc thao diễn đội hình chiến thuật và cho phi cơ trực thăng thực tập ở vùng biển quốc tế giữa Đài Loan và đảo chính Luzon của Philippines.

Trung Quốc phủ nhận chuẩn bị chiến tranh với Philippines ở Biển Đông. Trong một thông cáo ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận các đơn vị quân đội nước này đang chuẩn bị sẵn sàng để tham chiến, “Thông tin khu vực quân sự Quảng Châu, hạm đội Nam Hải và các đơn vị khác đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu là không đúng sự thật.” Quân khu Quảng Châu ở phía Nam Trung Quốc chịu trách nhiệm bao quát khu vực đang tranh chấp.

Giàn khoan 981 của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động ở Biển Đông. Ngày 9/5, giàn khoan nước sâu kiểu nửa chìm thế hệ thứ 6 do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo đã chính thức khoan mũi đầu tiên tại khu vực cách Hong Kong 320 km về phía Đông Nam, ở độ sâu khoảng 1500m.

Người dẫn chương trình truyền hình Trung Quốc nói nhầm ‘Philippines thuộc lãnh thổ Trung Quốc.’ Trong một chương trình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng toàn quốc tối 7/5, người dẫn chương trình Hòa Giai và một đồng nghiệp thảo luận về các diễn biến gần đây xung quanh tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi cạn Scarborough, Bà Hòa nói: “Chúng ta đều biết rằng Philippines là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và Philippines thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đây là thực tế không thể chối cãi”. Dường như người dẫn chương trình này đã lỡ lời và thực ra chỉ định nói đảo Hoàng Nham là “một phần lãnh thổ Trung Quốc.”

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại biện Philippines lần thứ 3 để phản đối về tranh chấp bãi Scarborough. Trong cuộc gặp hôm 7/5 với Đại biện lâm thời Philíppin Alex Chua, bà Phó Oánh tuyên bố rằng nước này không mấy lạc quan trước diễn biến tại bãi cạn Scarborough và Bắc Kinh đã chuẩn bị đầy đủ để đáp trả bất cứ động thái nào từ phía Philíppin làm leo thang căng thẳng ở vùng biển này, “Phía Philippines thay vì thừa nhận mắc sai lầm nghiêm trọng đã nỗ lực làm leo thang căng thẳng. Việc Philippines tiếp tục đưa tàu thuyền đến khu vực bãi cạn Scarborough và liên tục đưa ra những lời “phát biểu sai trái”, đã khiến người dân Philippines và cộng đồng quốc tế hiểu lầm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc-Philippines. Hy vọng, Philíppin sẽ không đánh giá sai tình hình cũng như làm leo thang căng thẳng mà không cân nhắc tới hậu quả.”

Hải giám Trung Quốc dùng xuồng cao su đe dọa ngư dân Philippines. Các ngư dân Philippines cho biết " Trung Quốc điều các xuồng cao su theo sát và vây quanh tàu chúng tôi. Chúng tôi rất sợ vì tất cả các tàu thuyền đều đang hoạt động và họ ở vị trí sát cạnh, gần tới nỗi có thể chạm vào cả mái chèo của chúng tôi.” Thuyền trưởng tàu cá Zaldy Gordones thì nói rằng, mỗi xuồng cao su của Trung Quốc có khoảng 8 người mang bộ đồng phục xám, có súng và camera ống kính dài. Theo ngư dân Philippines, những chiếc xuồng này xuất phát từ các tàu hải giám Trung Quốc neo đậu ở ngay lối vào bãi cạn Scarborough hơn một tháng nay nhằm khẳng định chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố với khu vực này.

Tàu Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Các ngư dân của thị trấn Masinloc, cách bãi Scarborough khoảng 124 hải lý, cho biết họ bị tàu của Trung Quốc ngăn cản không cho tiếp cận ngư trường truyền thống của mình trong các đầm phá tại bãi cạn Scarborough. Theo nguồn tin quân sự Philippin, số tàu Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough đã tăng lên con số 33. Gồm tàu 310 của Cơ quan giám sát thực thi Luật biển Trung Quốc (FLEC) và hai tàu hải giám (CMS) 75 và 81. Ngoài ra, bảy tàu cá và 23 thuyền tiện dụng của Trung Quốc hiện vẫn ở bên trong bãi cạn. Trong khi đó, Philippines chỉ có hai tàu trong khu vực, một tàu tìm kiếm và cứu hộ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (SARV 002) BRP Edsa II và một tàu MCS 3001 thuộc Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản.

Trung Quốc ngừng các tour du lịch tới Philippines. Các công ty du lịch Trung Quốc đã ngừng khai thác tour tham quan tới Philippines do lo ngại làn sóng chống Trung Quốc dâng cao tại nước này liên quan tới căng thẳng trên Biển Đông.

Trung Quốc tịch thu trái cây xuất khẩu của Philippines. Hàng tấn chuối xuất khẩu của nước này đã bị hư thối ở các cảng Trung Quốc. Giám đốc Cục Công nghiệp trồng trọt Philippines Clarito Barron cho biết, các nhân viên kiểm dịch Trung Quốc thông báo là tất cả các lô chuối xuất khẩu của Philippines sẽ bị kiểm tra chặt chẽ trước khi phía Trung Quốc tẩy khử trùng các cảng. Mặt khác, việc kiểm dịch cũng vừa được mở rộng, áp dụng đối với dứa và đu đủ xuất khẩu của Philippines. Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết đã phát hiện sâu bệnh trên một tàu xuất khẩu hoa quả của Philippines ngày 02/05 nhưng phía Philippines không đồng ý với kết luận của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng những sai sót được phát hiện trên con tàu hồi tháng Ba chỉ liên quan đến dừa xuất khẩu, chứ không phải chuối.

Hacker Trung Quốc tấn công trang web của Thông tấn xã Philippines. Trang web của Thông tấn xã Philippines trở thành nạn nhân mới nhất của tin tặc Trung Quốc. Trang chủ của cơ quan này đã thay thế bằng một lá cờ Trung Quốc cùng với thông điệp: “Hoàng Nham thuộc về Trung Quốc. Im lặng không có nghĩa chúng tôi sợ bất kỳ quốc gia nào.” Trước đó, tin tặc Trung Quốc cũng đã tấn công trang web của cơ quan khí tượng quốc gia Pagasa.

Trung Quốc phản đối Philippines đổi tên bãi cạn Scarborough. Tại cuộc họp báo hôm 7/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Đảo Hoàng Nham là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Những hành động của Philippines nhằm vào đảo Hoàng Nham là bất hợp pháp, không có hiệu lực và sẽ không thể thay đổi được thực tế đảo Hoàng Nham thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc về giải quyết tình hình hiện nay thông qua con đường ngoại giao là không thay đổi. Trung Quốc kêu gọi mạnh Philippines quay trở lại con đường ngoại giao và bất kỳ bình luận hay động thái nào làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng đều không giải quyết được vấn đề.”

Trung Quốc cáo buộc Philippines kích động người dân biểu tình. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Trung Quốc đã chú ý đến việc Philippines không ngừng có lời phát biểu cứng rắn, kích động tâm trạng của dân chúng, đã làm tổn hại bầu không khí của quan hệ Trung Quốc - Philippines trong vụ việc đảo Hoàng Nham lần này. Philippines còn kích động người dân và kiều bào ở nước ngoài phát động các cuộc biểu tình nhằm vào Trung Quốc. Những hành động này đã dẫn đến sự phản ứng mãnh liệt và quan tâm của người dân Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Trung Quốc mong Philippines không tiếp tục làm tổn hại quan hệ hai nước.”

Trung Quốc cho người cắm cờ trên bãi Scarborough. Đêm 10/5, trang Tân Hoa xã đăng ba bức ảnh chụp một phóng viên Trung Quốc cắm cờ ở rạng đá ngầm chính của bãi cạn Scarborough. Tân Hoa xã cho biết ảnh lấy từ băng video của trang web DragonTV.cn (Trung Quốc) ngày 9/5 nhưng không nêu rõ ngày cắm cờ và tên phóng viên. Tuy nhiên, lực lượng tuần duyên Philippines phủ nhận thông tin này và nói rằng không có hành động nào như vậy tại bãi cạn.

Đại sứ quán Trung Quốc ra thông báo khẩn trước việc Philippines sẽ biểu tình lớn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines hôm 8/5 đã ban hành “thông báo khẩn cấp” về công tác đảm bảo an ninh cơ quan đại diện, trong đó yêu cầu: (1) Nâng cao ý thức chính trị, đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ an ninh, đề cao cảnh giác, chú ý an toàn về tính mạng và tài sản. (2) Hạn chế ra ngoài, nếu ra ngoài phải nhiều người cùng đi, gặp biểu tình phải tìm đường tránh, không được lại gần xem. (3) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật sở tại, thận trọng giao thiệp, tránh tranh chấp với người bản địa. (4) Khi xảy ra vụ việc khẩn cấp, cần xử lý kịp thời thỏa đáng, đồng thời phải báo cáo ngay với Đại sứ quán.

Trung Quốc biểu tình chống Philippines. Hôm 11/5, dân Trung Quốc đã tổ chức biểu tình quy mô nhỏ trước cửa Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh và Lãnh sự quán Philippines tại Hong Kong để đáp trả cuộc biểu tình của người dân Philippines ở Manila.

Trung Quốc cáo buộc Philippines làm leo thang căng thẳng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 11/5 cho biết: “Hành động khuyến khích công chúng diễu hành và biểu tình là nước cờ sai lầm của Philippines và chỉ làm tình hình thêm căng thẳng và phức tạp. Trung Quốc yêu cầu Philippines đưa ra các biện pháp hiệu quả để bảo đảm an ninh và quyền lợi hợp pháp của các công dân và cơ quan Trung Quốc ở Philippines. Trung Quốc hy vọng Philippines có hành động cụ thể tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp tình hình.”

Báo quân đội Trung Quốc cảnh cáo Philippines. Tờ PLA Daily hôm 10/5 khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai chiếm đảo thuộc chủ quyền của nước này. Trong bài báo nhan đề “Đừng hòng lấy một tấc lãnh thổ Trung Quốc” có đoạn: “Chúng tôi muốn nói rằng, Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Trung Quốc không cho phép bất kỳ ai cướp đoạt chủ quyền của Trung Quốc tại Scarborough. Họ nên từ bỏ ý định đó mà tuân thủ luật pháp quốc tế để có được sự tha thứ của nhân dân Trung Quốc và sự thông cảm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã và đang kiềm chế trong vụ Scarborough. Nhưng nếu ai đó coi lòng tốt của Trung Quốc là sự yếu đuối, Trung Quốc là con rồng giấy thì hẳn nhầm to.”

“Hòa bình chỉ là điều xa xỉ nếu khiêu khích vẫn tiếp diễn.” Trung Quốc cần có hành động chiến tranh với Philippines, vì đối với Trung Quốc, đối đầu ở Hoàng Nham là vấn đề chủ quyền và đã đến lúc Philippines cần được dạy một bài học. Nếu không hành động kiên quyết, các tàu Philippines sẽ không bao giờ chấm dứt hành động gây nhiễu. Một hành động đáp trả quyết đoán của Trung Quốc vào lúc này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân và nếu thế đối đầu hiện tại leo thang thành một cuộc xung đột quân sự thì cộng đồng quốc tế cũng đừng lấy làm ngạc nhiên. Phải làm cho thế giới thấy được quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

“Tăng cường giám hải tại phía Nam” của Wang Qian. Các cơ quan chức năng cho biết để bảo vệ tốt hơn quyền trên biển của Trung Quốc, tới năm 2013 hạm đội hải giám cần thêm 36 tàu tuần tra. Theo Cơ quan Hải giám Trung Quốc, 36 tàu này sẽ gồm 7 tàu có trọng tải 1.500 tấn và các tàu còn lại có trọng tải 600 tấn. Các tàu tuần tra này sẽ được phân bổ cho 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố duyên hải Trung Quốc. Theo cơ quan cảnh sát biển Trung Quốc, việc xây dựng 14 tàu trọng tải 600 tấn đã được bắt đầu vào ngày 8/5 tại Weihai.

“Vấn đề Biển Đông cần tầm nhìn chiến lược trăm năm” của Vương Xung. Mâu thuẫn hiện tại giữa Trung Quốc và Philippines không phải là vấn đề chiến hay hòa, mà là vấn đề làm thế nào để từng bước thực hiện lợi ích tối đa tại Biển Đông, điều này đòi hỏi phải quy hoạch tỷ mỉ và chấp hành nghiêm, thế nào là thượng sách, trung sách, hạ sách, trong 3 năm làm gì, sau 5 năm làm gì? Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch 5 năm, quy hoạch 10 năm xây dựng kinh tế, vấn đề Hồng Công cũng có thể kiên trì trong 100 năm, đối với tranh chấp Biển Đông, tại sao không thể định ra mục tiêu 10 năm, 20 năm, 200 năm, sau đó từng thế hệ tiếp sức thực hiện. Đây mới là con đường tối ưu để giành chiến thắng. Vì vậy, câu hỏi hiện nay không phải là đánh hay không đánh Philippines mà là 100 năm sau Biển Đông là của ai. [1]

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Đài Loan xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ngày 10/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Phản đối việc một số quan chức Đài Loan tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và “tuyên bố chủ quyền” đối với đảo này. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông. Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động sai trái đó.” Bình luận về việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động khai thác dầu khí trong đó có việc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động tại biển Đông, ông Lương Thanh Nghị cho biết hoạt động của các nước ở biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và không xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác.

Việt Nam sắp hạ thủy tàu lớn nhất của cảnh sát biển. Tàu hiện đại, lớn nhất của lực lượng cảnh sát biển đang được hoàn thiện tại nhà máy Z189 (Bộ Quốc phòng). Dự kiến cuối năm nay, tàu sẽ hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Con tàu có lượng giãn nước 2.200 tấn, hoạt động trong mọi điều kiện sóng gió với thời gian 60 ngày đêm liên tục, với tốc độ tối đa 21 hải lý mỗi giờ.

Khánh thành Trung tâm Văn hóa tại đảo Nam Yết. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Quân chủng Hải quân và Ngân hàng Công thương Việt Nam vừa tổ chức khánh thành, bàn giao Trung tâm Văn hóa đảo Nam Yết, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trung tâm Văn hóa có quy mô 3 tầng, diện tích xây dựng là 980m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 2.850m2, với kết cấu bê tổng, mái dốc, dán ngói, mang phong cách nhà truyền thống của Việt Nam.

+ Phi-líp-pin:

Tổng thống Philippines tuyên bố nước này sẵn sàng cho một thỏa thuận khai thác dầu khí với Trung Quốc. Trong khi vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp về chủ quyền Biển Đông một cách riêng rẽ. Tổng thống Aquino hôm 4/5 cho biết chính quyền nước này có thể chia nhỏ các vấn đề “để một mặt tiến hành thảo luận chính trị” và “mặt khác giải quyết các vấn đề về thương mại.” Ông Aquino tuyên bố: “Miễn là vấn đề chủ quyền của chúng tôi được tôn trọng, chúng tôi sẵn sàng làm đối tác của họ.”

Philippines dọa trả đũa Trung Quốc về thương mại. Tại phiên họp quốc hội ngày 7/5, lãnh đạo phe thiểu số hạ viện Philippines là Danilo Suarez đề nghị cần có biện pháp “trừng phạt kinh tế” đối với Trung Quốc bao gồm toàn bộ hàng hóa và dịch vụ nhập từ Trung Quốc. Các chính trị gia khác cũng kêu gọi cần áp thuế trừng phạt lên hàng hóa của Trung Quốc.

Hải quân Philippines tiếp nhận tàu tuần duyên thứ hai của Mỹ. Hôm 8/5, Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama cho hay con tàu mang tên USCGC Dallas của Lực lượng tuần duyên Mỹ, sẽ được chuyển giao cho chính phủ Philippines vào ngày 22 hoặc 23/5. Ông Pama cho biết chiếc tàu tuần duyên này đã được sửa chữa và cải tạo tại Mỹ, trước khi được đưa sang Philippines để hoạt động theo kế hoạch định trước vào cuối năm nay. "Chúng tôi phải huấn luyện các thủy thủ tại Mỹ để họ có thể đưa chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai về Philippines", ông Pama nói, đồng thời bày tỏ hy vọng chính phủ Mỹ sẽ không loại bỏ các thiết bị đã lắp đặt trên tàu USCGC Dallas.

Ngoại trưởng Phi-líp-pin nói ‘UNCLOS là cách để giải quyết tranh chấp ở Trường Sa.’ Ngày 8/5, Ngoại trưởng Albert del Rosario tái khẳng định việc tuân thủ các quy tắc được thiết lập bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cách thức hợp pháp để giải quyết xung đột và các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông. Ông Del Rosario nhắc lại điều này trong khi một cuộc họp tại Montego Bay, Jamaica đang được tổ chức để kỷ niệm 30 năm ký kết UNCLOS của 159 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Phi-líp-pin.

Bộ trưởng quốc phòng Phi-líp-pin cho biết Hoa Kỳ cam kết bảo vệ nước này nếu bị tấn công tại Biển Đông. Ông Voltaire Gazmin nhận được sự bảo đảm trên trong cuộc đối thoại tại Washington hồi tuần trước. Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng bảo đảm với Philippines là Hoa Kỳ sẽ tôn trọng Hiệp ước phòng thủ hỗ tương được ký vào năm 1951. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhắc lại trong số các điều kiện để hai nước đồng minh hỗ trợ cho nhau “có cả trường hợp bị tấn công vũ trang trên các đảo thuộc chủ quyền (của Philippines) tại Thái Bình Dương.”

Ngoại trưởng Philippines: ‘Mỹ đã 4 lần tuyên bố bảo vệ Philippines.’ Theo đó, Ngày 6/1/1979, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Cyrus Vance đã viết thư gửi người đồng cấp Philippines Carlos Romulo nói rằng, Mỹ sẽ phản ứng "với bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Philippines cũng như vào lực lượng Philippines ở khu vực Thái Bình Dương. Ngày 24/51999, cựu đại sứ Mỹ tại Philippines Thomas Hubbard đề cập trong một bức thư gửi tới Ngoại trưởng Philippines khi đó là Domingo L. Siazon rằng “Chính phủ Mỹ giữ nguyên lập trường trong tuyên bố của bức thư Vance-Romulo ngày 6/1/1979.” Vào ngày 23/6/2011, trong cuộc gặp tại Washington, bà Clinton đã lần nữa xác nhận với ông Del Rosario rằng, Mỹ sẽ "tuân thủ các bổn phận trong hiệp ước với Philippines". Ngoại trưởng Mỹ đã nhắc lại cam kết tương tự trong cuộc đối thoại an ninh cấp cao 2+2 giữa hai nước vào 30/4/2012.

Philippines tiến hành sáng kiến ngoại giao giảm căng thẳng với Trung Quốc. Hôm 9/5, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết: "Chúng tôi đang thử nghiệm một sáng kiến ngoại giao mới mà hy vọng nó sẽ giúp cải thiện tình hình." Ông Hernandez từ chối tiết lộ các thông tin chi tiết về nỗ lực trên của chính quyền Manila.

Ngoại trưởng Philippines: ‘lỗi nói nhầm của người dẫn chương trình Trung Quốc không phải cố ý.’ Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm 10/5 cho rằng trong chương trình phát sóng toàn quốc của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc hôm 7/5, lỗi nói nhầm ‘Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc’ của người dẫn chương trình không phải chủ ý, “Tôi chắc rằng Bắc Kinh không muốn bị mô tả như một nước bành trướng. Đây có thể được xem như một tuyên bố sơ suất của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.”

Dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc. Hàng trăm người dân Philippines hôm 11/5 đã biểu tình bên ngoài sứ quán Trung Quốc ở Makati, thủ đô Manila với những tấm biển ngữ kêu gọi “Trung Quốc ngừng bắt nạt Philippines”, “Hòa bình chứ không phải chiến tranh” và “Trung Quốc, ngừng xâm phạm vùng biển của Philippines.” Người tổ chức biểu tình Loida Nicholas Lewis cho biết: “Cuộc biểu tình của chúng tôi là nhằm vào các hành động hống hách và cách nhìn nhận của chính phủ ở Bắc Kinh. Họ hành xử như vị chúa ngạo mạn, thậm chí ngay ở trong nhà của người láng giềng”. Gần một tiếng sau khi cuộc biểu tình bắt đầu với khoảng 300 người tham dự, không có dấu hiệu bạo lực nào xảy ra.

Philippines tuyên bố không xúi giục người dân biểu tình. Trong cuộc họp báo hôm 11/5, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Edwin Lacierda nói rằng chính phủ nước này không liên quan tới việc tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Makati, "Đó là một quyết định được các công dân tự đưa ra. Họ có lòng yêu nước và thấy cần phải bày tỏ quan điểm về vấn đề này." Ông Lacierda cho biết chính phủ cũng không thể ngăn cản người biểu tình bởi Hiến pháp nước này bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và tụ tập hòa bình.

Ngoại trưởng Philippines: ‘Trung Quốc không thể chứng minh quan điểm của nước này dựa trên UNCLOS.’ Hôm 12/5, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, dù có các biện pháp ngoại giao để giải quyết đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough song cần thiết phải theo đuổi con đường pháp lý bằng cách đưa vấn đề ra ITLOS để Philippines và Trung Quốc có thể hợp thức hóa các tuyên bố và bảo vệ quan điểm của mỗi bên. Philippines sẽ theo đuổi giải pháp hòa bình theo 3 hướng tiếp cận: Tiếp cận chính trị thông qua ASEAN, tiếp cận pháp lý thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS và tiếp cận ngoại giao thông qua tiếp tục việc tư vấn và làm dịu những gì đang diễn ra trên biển.

Philippines nối lại đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp bãi Scarborough. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 12/5 cho biết hai chính phủ ‘hồi đầu tuần nối lại tiếp xúc nhằm giải quyết tình hình bế tắc.’ Theo Ông Rosario, Philippines sẽ tiếp tục đi theo con đường pháp lý bởi đây là giải pháp mang tính lâu bền cho tranh chấp của nước này ở Biển Đông.

Tàu chở hoa quả xuất khẩu của Philippines ứ đọng tại cảng biển của Trung Quốc. Các chuyến hàng xuất khẩu hoa quả, đặc biệt là chuối, của Philippines đang dần bị hỏng tại các cảng của Trung Quốc vì một số sản phẩm bị phát hiện có sâu đục khoét. Ngày 13/5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, bà Abigail Valte cho biết: "Chúng tôi tin rằng vụ việc sẽ được giải quyết vì chuối xuất khẩu của chúng tôi đã vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại Nhật Bản." Hiện các cơ quan hữu quan như Cục Nông nghiệp và Thương mại, Phòng Cây công nghiệp của Philippines đã gặp các đồng cấp Trung Quốc để bàn bạc cách giải quyết vấn đề.

Hacker Philippines tham gia biểu tình khắp thế giới. Ngày 11/5, Các nhóm tin tặc nước này tham gia vào một cuộc biểu tình toàn thế giới nhằm phản đối Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough. Trọng tâm của cuộc tấn công quy mô này nhằm vào các trang web của Chính phủ Trung Quốc cũng như các trang web nước ngoài kêu gọi dư luận quốc tế bênh vực Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. “Chúng tôi, những người giấu mặt, không bao giờ ngừng hành động để góp phần bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình. Chúng tôi làm điều này để các bạn biết rằng đây là vấn đề toàn cầu” - giới tin tặc Philippines tuyên bố.

Philippines không lo ngại về việc Trung Quốc tập trận. Trước việc Trung Quốc đang dàn quân cũng như huấn luyện trực thăng tại hải phận quốc tế tiếp giáp với đảo Luzon và Đài Loan, Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Arnulfo Marcelo Burgos cho biết: “Diễn tập hải quân trong các vùng biển quốc tế là quyền của quân đội bất cứ quốc gia nào. Không có ảnh hưởng gì đến chúng tôi miễn là Trung Quốc không tập trận trong lãnh hải của chúng tôi. Chúng tôi không thấy có vấn đề gì cả. Cũng giống như quân đội Philippines, quân đội Trung Quốc cũng phải thường xuyên rèn luyện và cải thiện khả năng phối hợp tác chiến và đó là hoạt động bình thường của bất kỳ quân đội nào trên thế giới.”

+ Mỹ:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kêu gọi thượng viện nước này phê chuẩn UNCLOS. Bộ trưởng Leon Panetta vừa bắt đầu đợt vận động mới nhằm thuyết phục thượng viện nước này thông qua UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về luật biển đã có hiệu lực từ năm 1994 nhưng bất chấp sự ủng hộ của các đời tổng thống Mỹ, Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua công ước này). Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương hôm 9/5, ông Panetta nhấn mạnh rằng việc thông qua UNCLOS giúp đảm bảo quyền tự do hàng hải của Mỹ trên các vùng biển, "Đây là thời điểm nước Mỹ hoàn toàn khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu và cần tham gia công ước quan trọng này. Bằng việc làm đó, Mỹ sẽ đảm bảo các quyền của mình không bị những tuyên bố thái quá và những nhận thức sai lệch của các nước khác tước mất.” Ngoài ra, Giới quân sự Mỹ đánh giá UNCLOS rất cần thiết để nước này duy trì quyền tổ chức diễn tập quân sự ở khu vực biển gần Trung Quốc cũng như các khu vực khác.

Mỹ triển khai chiến hạm mới tới Singapore vào năm 2013. Thượng úy Katie Cerezo, người phát ngôn của lực lượng Hải quân Mỹ hôm 10/5 cho biết: “Tàu tuần duyên USS Freedom sẽ tới Singapore vào mùa xuân 2013 và thực hiện các nhiệm vụ của mình tại đây trong vòng 10 tháng.” Tàu tuần duyên USS Freedom là một trong số những chiến hạm cỡ nhỏ, mới được Mỹ phát triển thuộc lớp Freedom. Loại chiến hạm này được thiết kế chủ yếu cho các hoạt động ven biển hay những chiến dịch gần bờ với khả năng triển khai nhanh chóng.

+ Ấn Độ:

Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc và Philippines kiềm chế trong tranh chấp bãi cạn Scarborough. Trong một tuyên bố hôm 10/5, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã bày tỏ quan điểm về vụ việc xảy ra giữa tàu Trung Quốc và Philippines. Thừa nhận Ấn Độ quan tâm tới diễn biến tình hình, người phát ngôn MEA nói: "Duy trì hoà bình và an ninh trong khu vực là lợi ích sống còn với cộng đồng quốc tế. Ấn Độ thúc giục hai nước thể hiện sự kiềm chế và giải quyết vấn đề theo con đường ngoại giao, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế."

Tập đoàn ONGC-Videsh rút khỏi dự án thăm dò lô dầu khí 128 ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Ấn độ đã đề nghị với Bộ Dầu khí nước này nên để cho tập đoàn ONGC Videsh (OVL), toàn quyền quyết định – trên cơ sở "thương mại - kỹ thuật" - duy trì hay hủy bỏ hợp tác với Việt Nam trong đề án thăm dò lô dầu khí ngoài Biển Đông mà họ trúng thầu từ năm 2006. OVL là chi nhánh đặc trách hoạt động quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC. Theo OVL, các cố gắng liên tiếp của họ nhằm khoan giếng tại khu vực đó đều không thành công, đáy biển quá cứng, do đó nếu tiếp tục thì sẽ rất tốn kém.

+ Xinh-ga-po:

Phó Thủ tướng Singapore nhận định căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines sẽ không leo thang. Phát biểu với báo giới Bắc Kinh nhân chuyến thăm chính thức 5 ngày tới Trung Quốc, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể tiến hành đàm phán trên cơ sở hòa bình. Singapore không phải là một bên yêu sách đối với Biển Đông. Chúng tôi tin tưởng rằng các thương lượng sẽ được tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế.”

II. Quan hệ các nước

Mỹ-Trung đồng thuận tăng cường hợp tác quân sự. Trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt với người đồng nhiệm Mỹ Leon Panetta tại Lầu Năm Góc hôm 7/5, hai bên đã đạt đồng thuận về việc phát triển hơn nữa quan hệ quân sự song phương cũng như tăng cường liên lạc và hợp tác thiết thực. Tại buổi hội đàm, ông Lương Quang Liệt nhấn mạnh chuyến thăm lần này của ông nhằm thực hiện những nhận thức chung quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được về việc phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước.

Trung Quốc tập trận chung với Thái Lan. Hải quân hai nước tổ chức một cuộc diễn tập chung mang tên Blue Commando-2012 tại hai thành phố Trạm Giang và Sán Vĩ của tỉnh Quảng Đông từ ngày 9 tới 29/5. Blue Commando-2012 sẽ tập trung vào diễn tập chống khủng bố và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hải quân hai nước.

Công ty Trung Quốc và Philippines thảo luận về dự án khai thác khí đốt chung. Công ty dầu khí Philex của Philippines thông báo rằng tập đoàn này có khả năng hợp tác với công ty Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cùng khai thác mỏ khí đốt trong dự án Sampaguita lô 72 tại Reed Bank. Chủ tịch Philex, ông Manuel Pangilinan cho biết: "Chúng tôi có thể hợp tác với đối tác Trung Quốc (CNOOC) hoặc một đối tác khác không phải Trung Quốc, tôi nghĩ rằng điều cần thiết đối với chúng tôi là một đối tác có năng lực và có tiền, đó là những công ty, tập đoàn dầu khí quốc tế lớn."

III. Phân tích và đánh giá

“Nghiên cứu Biển Đông: Quan điểm của Trung Quốc” của Sun Yun, chuyên gia thỉnh giảng tại Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á, Viện Brookings. Nếu tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ đường chín đường cũng như “quyền lịch sử" của họ tại vùng biển đang có tranh chấp. Mặt khác, nếu tiến hành đàm phán đa phương về tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đá hay bãi ngầm ở Biển Đông thì “hầu như sẽ dẫn tới kết quả là Trung Quốc sẽ mất đi ít nhất một phần” các vùng biển và lãnh thổ mà họ đòi hỏi chủ quyền. Theo tác giả Sun Yun, “Bắc Kinh không thể cho phép việc mất lãnh thổ vào tay các thế lực ngoại bang. Do đó, giữa khán giả ngoại quốc và người dân trong nước, họ đã quyết định bám lấy những đòi hỏi chủ quyền và những khẳng định hiện nay, kể cả khi phải trả giá cao về mặt ngoại giao.” Ngoài ra, các nhà phân tích chính sách Trung Quốc cũng đồng loạt đổ lỗi cho Hoa Kỳ về việc khuấy động cho tình hình Biển Đông căng thẳng. Theo họ, Mỹ đã lợi dụng vấn đề này để khai thác phá hoại tình hữu nghị giữa Trung Quốc và các láng giềng, để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ trong khu vực.

“Sự mơ hồ ngoại giao: Sẽ xoa dịu tranh chấp Biển Đông?” của Alan Chong, Emrys Chew. Những nỗ lực gần đây nhằm đưa ra giải pháp cho cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông đã kết hợp nhiều ý định tốt đẹp cùng một cách tiếp cận đơn giản về luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, sự bế tắc hiện nay trong tranh chấp quần đảo Trường Sa không chắc có thể được giải quyết được thông qua mô hình Westphalian mới. Cả Bắc Kinh và Manila, cùng bốn bên yêu sách khác, cần phải hòa hợp lịch sử và ký ức, cái đang điều khiển chủ nghĩa dân tộc về chủ quyền lãnh thổ cùng các hoạt động hàng hải không chính thức trong khu vực. Đã có một chỉ dẫn để giải quyết vấn đề này – sự mơ hồ mang tính giữ thể diện cố hữu trong Phương thức ASEAN. Cả Manila và Bắc Kinh có thể tìm thấy một số lý do phi chính trị chẳng hạn như an toàn hàng hải (hoặc cụ thể là an toàn của các ngư dân trên những vùng biển mở) nhằm đưa ra một lý do để rút lui. Ngay cả hoạt động cùng thăm dò với sự tham gia của bên thứ ba và các dự án khai thác có thể được xem như sự tiếp nối các hoạt động lâu đời trong việc chia sẻ nguồn lợi chung của Châu Á. Sự mơ hồ không phải là một điều cấm kỵ chính trị và cũng không trái với quan điểm chung của quốc gia. Đúng hơn, nó đưa ra một phương thức thay thế cho sự rối rắm phức tạp mà không thể tháo gỡ qua các cơ chế pháp lý mang tính kỹ thuật. Quả thực, Trung Quốc phải chú ý nhiều hơn nữa đến khẩu hiệu hòa bình của chính họ – “gác tranh chấp, cùng khai thác” – bằng cách đó mới có thể tiễn biệt bóng ma chính sách ngoại giao pháo hạm, luôn gợi nhớ về quá khứ đen tối của chính nước này.

Biển Đông: Chiến lược “việc đã rồi” của Trung Quốc. Tại hội nghị khu vực ASEAN hồi tháng 7/2010 ở Việt Nam, bực tức với những điều được xem là chỉ trích Trung Quốc từ các nước thành viên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã trả lời: “Trung Quốc là một nước lớn, còn những nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế !” Liệu lý lẽ của kẻ mạnh sẽ chiếm ưu thế tại Biển Đông ? Một chuyên gia nước ngoài về hải quân tại Bắc Kinh phân tích: “Trung Quốc muốn sử dụng “chính sách việc đã rồi” trong khi vẫn tránh can thiệp bằng phương tiện quân sự. Hải quân chính thống của Trung Quốc chẳng bao giờ dính líu vào trong khi Bắc Kinh sẽ gửi ra tuyến đầu các lực lượng bán quân sự được trang bị vũ khí hạng nhẹ.” Một thành tố khác trong sự tiến công của Bắc Kinh là việc triển khai ngư dân Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Chiến lược của Trung Quốc tuy cứng rắn nhưng lại bị hạn chế phần nào vì buộc phải cẩn trọng, cũng như tính thực dụng: mở cửa và phát triển kinh tế vẫn là hai ưu tiên của Bắc Kinh hiện nay. Nhưng với dư luận công chúng Trung Quốc vốn gắn bó sâu sắc với các “quyền lịch sử” trên biển, tất cả những “sai lầm trong tính toán” có thể gây ra những hậu quả bất ngờ. Nhất là khi bối cảnh chính trị Trung Quốc hiện đang chao đảo.

“Biển Đông: Chiến trường của một cuộc chiến mới về khí đốt.” Bãi đá Scarborough cách đảo chính của Philippines 140 hải lý (230 km) về phía tây, tức là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, được quốc tế công nhận theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Chính vì vậy, Manila luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với Bãi đá này. Trong khi đó, Trung Quốc viện dẫn cái gọi là “thực tế lịch sử” để đòi có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Bầu không khí càng thêm căng thẳng khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố rằng Bắc Kinh chuẩn bị “đáp trả mọi leo thang” đồng thời cũng nói rằng “ít lạc quan” về diễn tiến của tình hình. Các tranh chấp ở Biển Đông không chỉ mang tính địa chính trị mà còn bao hàm cả nội dung kinh tế, nhiều nước trong khu vực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Một báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2008 đánh giá rằng vùng Biển Đông có trữ lượng lên tới 213 tỷ thùng, đây là trữ lượng cao nhất so với tất cả các nước trên thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê Út và Venezuela.

“Đối đầu Trung-Phi: Liệu Mỹ có can dự?” Gần một tháng qua, các tàu Trung Quốc và Philippines đã đối mặt với nhau ở gần vùng tranh chấp tại Biển Đông. Bế tắc không có dấu hiệu chấm dứt. Tháng trước, sau khi Mỹ điều động quân tới Philippines tham gia tập trận chung - gần như trùng khớp với vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi Scarborough - Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ can thiệp vào các vấn đề khu vực. Từ đó, Mỹ tỏ ra thận trọng và khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp. Vậy Mỹ nên hành xử thế nào? Theo ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia thì “Mỹ nên tiếp tục ủng hộ Philippines. Đó là nước yếu hơn, và vì nếu Trung Quốc đụng độ với Philippines sẽ ảnh hưởng tới tuyên bố chủ quyền của các nước khác." Một số chuyên gia khác lại cho rằng, tập trung chính của Mỹ là nên đảm bảo tự do cho các lộ trình thương mại toàn cầu, trong khi tránh xa những phức tạp của tranh chấp chủ quyền giữa các nước, bởi điều cuối cùng Mỹ quan tâm là có được sự ổn định khu vực và không cho phép xung đột leo thang hơn nữa.

“Xung đột Biển Đông và lợi ích của Ấn Độ” của Boris Volkhonsky. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung-Phi ở Biển Đông không chỉ được xem như một cuộc xung đột song phương gay gắt. Thực sự, nó phản ánh một xu hướng mới đang tăng lên liên quan đến việc dịch chuyển trọng tâm sự chú ý địa chính trị thế giới từ khu vực Trung Đông sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, vị thế của Ấn Độ hết sức quan trọng. Bởi xu hướng toàn cầu ở Châu Á, như đã đề cập ở trên, đang được bộc lộ trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hàng đầu ở khu vực này của thế giới – Trung Quốc và Ấn Độ. Dù tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi chưa được giải quyết nhưng hai bên đang cố gắng tránh đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, thế đối đầu vẫn tồn tại đã dịch chuyển tới “các khu vực ở xa” và bộc lộ rõ ở đây. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tích cực chiếm lĩnh Ấn Độ Dương, bao vây Ấn Độ từ ngoài biển với một loạt các cảng biển và trạm giám sát của nước này ở các quốc gia láng giềng (được gọi là ‘chuỗi ngọc trai’). Ấn Độ ‘phản ứng bất cân xứng’ đối với những hành động này và đang tích cực phát triển mối quan hệ với các quốc gia ở khu vực Biển Đông, chủ yếu với Việt Nam và Philippines. Cũng cần chú ý rằng sự khác biệt về tiềm năng quân sự và kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ là rất lớn. Đó là lý do tại sao Ấn Độ tiếp tục chứng tỏ một cách tích cực sự hiện diện ở khu vực này bởi ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của nước này, nhưng Ấn Độ sẽ không khởi xướng một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc.

Mỹ sẽ kích động một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc? Oasinhtơn đã không thể nêu rõ "số tiền cọc" của họ trong các tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lý do Mỹ không thể xác định tại sao những tranh chấp chủ quyền biển của Trung Quốc với Philíppin và Việt Nam lại là những nguy cơ đối với Mỹ là bởi vì chẳng có lý do gì. Tuy nhiên, nguy cơ "không xác định này" đang trở thành lý do khiến Oasinhtơn cần thêm các căn cứ hải quân tại Philíppin và Hàn Quốc. Tất cả những điều trên là việc kích động một cuộc xung đột chiến tranh lạnh lâu dài với Trung Quốc, sẽ khiến cho lợi nhuận tiếp tục chảy vào tổ hợp quân sự-an ninh của Oasinhtơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối lợi lớn đối với tổ hợp quân sự-an ninh Mỹ. Trung Quốc là một sự thay thế có lợi cho nguy cơ Xôviết. Trong thời gian tới, giới truyền thông phương Tây sẽ tạo ra trong tâm trí người Mỹ về một mối đe dọa Trung Quốc. Những gì còn lại ít ỏi của tiêu chuẩn sống Mỹ có thể sẽ bị hy sinh cho sự đối đầu của Oasinhtơn với Trung Quốc, với việc các khoản lương hưu và tiết kiệm cá nhân sẽ lại bị hy sinh để ngăn chặn "nguy cơ Trung Quốc."

“Thế kẹt củaThái Lan trong vấn đề Biển Đông.” Khi Thái Lan đóng vai trò là quốc gia điều phối mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc bắt đầu vào tháng Bảy tới, có sự kỳ vọng rất cao rằng đất nước này, với quan hệ mật thiết với Trung Quốc, có thể duy trì được hòa bình và ổn định thông qua việc dàn xếp các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.  Ngay lúc này, lập trường của Thái Lan là khá đơn giản: các bên liên quan trong tranh chấp phải giải quyết vấn đề của họ một cách hòa bình, thực hiện dựa trên bộ Quy cách về Ứng xử (COC) ở Biển Đông, và quan trọng nhất là, ASEAN có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại dẫn đến những giải pháp cuối cùng. Câu hỏi thường gặp hiện nay là: Liệu Cam-pu-chia với vai trò chủ tịch ASEAN và Thái Lan với vai trò điều phối viên giữa ASEAN - Trung Quốc có thể ngăn chặn được sự thất bại ở Biển Đông? Có vẻ như câu trả lời sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thuyết phục hai người bạn Asean không phải bên yêu sách của nước này trong việc giải quyết các xung đột và cải thiện quan hệ nhằm ngăn chặn bất kỳ sự ảnh hưởng nào đến quyền lợi lớn hơn của Trung Quốc.

Bản PDF tại đây


[1] Theo Tờ Thanh niên tham khảo (Trung Quốc) ngày 10/5