Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc theo dõi chặt máy bay Mỹ ở Biển Đông. Về việc Mỹ và Singapore đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore từ ngày 7-14/12, Bộ Quốc phòng trung Quốc hôm 8/12 tuyên bố, “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo và hy vọng việc hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước liên quan cần đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực chứ không phải kết quả ngược lại.” Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng rằng các bên liên quan cần nỗ lực nhiều hơn để tăng cường lòng tin giữa các nước trong khu vực, bảo vệ hòa bình và sự phát triển trong khu vực.”

Quan chức Đài Loan ngang nhiên thị sát đảo Ba Bình. Trong thông cáo hôm 11/12 của Cơ quan Nội chính Đài Loan, người đứng đầu cơ quan này ông Trần Uy Nhân và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển ông Vương Sùng Nghi cùng các quan chức khác của Đài Loan sẽ đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 12/11. Các quan chức này sẽ chủ trì buổi lễ khánh thành một cầu cảng mới vừa được nâng cấp và một ngọn hải đăng, nếu thời tiết cho phép. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã không có tham dự lễ khánh thành này như báo chí Đài Loan đưa tin hồi tháng trước. 

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trước việc ngày 12/12, các quan chức của Đài Loan ra đảo Ba Bình và dự cái gọi là lễ khánh thành một số công trình xây dựng tại đây, ngày 13/12 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này.” Trước đó về việc Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon đến đảo quốc này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 10/12 cho biết, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Mọi hành động đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực đều được hoan nghênh.

+ Mỹ:

Mỹ chuyển giao lô xe bọc thép cho quân đội Philippines. Chính phủ Mỹ đã chuyển giao cho Philippines lô xe đầu tiên trong thỏa thuận cung cấp 114 xe bọc thép chở quân (Armoured Personnel Carrier - APC) nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội của quốc gia Đông Nam Á này. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết các APC đang được chuyển giao miễn phí cho Manila theo đề nghị của Các Lực lượng Vũ trang Philippines. 77 chiếc APC đầu tiên đã tới Vịnh Subic hôm 9/12 và Philippines sẽ nhận các APC còn lại vào cuối tháng này.

Quan hệ các nước

Singapore - Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng. Ngày 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đang ở thăm Mỹ, và người đồng cấp nước chủ nhà Ashton Carter đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (DCA) tại Lầu Năm Góc. Thỏa thuận DCA mới nhất này được ký kết nhân dịp 25 năm ký Bản ghi nhớ (MOU) năm 1990 và 10 năm ký Hiệp định khung chiến lược (SFA) giữa Mỹ và Singapore. Tuyên bố chung được đưa ra sau lễ ký nhấn mạnh hai bên tái khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương lâu dài và tốt đẹp giữa Mỹ và Singapore. Hai bên trông đợi việc Mỹ triển khai tàu tuần duyên (LCS) thứ ba trong năm 2016 tới Singapore, theo SFA 2005 và phù hợp với kế hoạch triển khai 4 LCS của Mỹ tới khu vực đến cuối năm 2017. Hai bộ trưởng cũng hoan nghênh việc triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore từ ngày 7-14/12. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa và an ninh biển trong khu vực.

Nhật Bản tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biển. Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 8/12, nhân chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki nhấn mạnh lập trường của Nhật Bản là không chấp nhận những hành động vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực biển. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước cám ơn Quốc hội Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực thời gian qua. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cám ơn Quốc hội Nhật Bản với tư cách là một trong những cơ quan lập pháp đã phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Ấn Độ, Nhật Bản phản đối hành động đơn phương ở Biển Đông. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã diễn ra hôm 12/12 tại New Delhi. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp có đoạn, “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và việc giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tự do hàng hải và hàng không cùng hoạt động thương mại không bị cản trở ở các vùng biển quốc tế. Hai Thủ tướng kêu gọi tất cả các quốc gia tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng trong khu vực; cho rằng việc thực thi toàn diện và hiệu quả DOC năm 2002 và sớm hoàn tất đàm phán về xây dựng COC ở Biển Đông sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiến hành tham vấn chặt chẽ và thường xuyên về các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải và an ninh của các tuyến giao thương trên biển.”

Phân tích và đánh giá

“Vụ kiện có thể bóc trần các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?” của Mercedes Page

Từ ngày 24/11-30/11, Toà Trọng tài Thường trực (PCA) đã nghe phần tranh tụng về nội dung của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Sau phán quyết hồi cuối tháng 10 về thẩm quyền của Toà, vòng tranh tụng đầu tiên đã chứng kiến sự trình bày của Phillipines về yêu sách của họ. Có thể PCA sẽ ra phán quyết cuối cùng vào giữa năm 2016 và phán quyết sẽ tập trung vào các vấn đề về danh nghĩa các thực thể đang tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines, một phán quyết được dự đoán là sẽ làm suy yếu yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Và nếu như điều đó xảy ra, có thể sẽ có ba kịch bản:

Trung Quốc tuân thủ phán quyết

Theo Điều 288, Khoản 4 của UNCLOS, phán quyết trọng tài là bắt buộc, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc không tham gia tiến trình vụ kiện. Ngoài ra, Trung Quốc là bên tham gia UNCLOS do đó phải có nghĩa vụ thực thi hoàn toàn tự nguyện theo bất cứ điều gì mà phán quyết đưa ra. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không tuân thủ một phán quyết như vậy. Bởi điều này sẽ đặt Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tình thế cực kỳ khó khăn về tính chính danh của mình, đó là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Trung Quốc không tuân thủ phán quyết và nguyên trạng sẽ giữ nguyên

Kịch bản có khả năng xảy ra hơn đó là Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết và tiếp tục bỏ qua toàn bộ tiến trình trọng tài và mọi phán quyết được đưa ra. Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thực thi kiểm soát thực tế ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết và cộng đồng quốc tế không can thiệp để ngăn chặn thì hậu quả là sẽ hình thành một nhận thức chung rằng Trung Quốc sẽ chơi theo cách của riêng họ và như vậy, những nỗ lực kéo Trung Quốc trở thành một quốc gia có trách nhiệm ở khu vực và trât tự thế giới sẽ bị suy giảm nặng nề.

Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực cùng đồng lòng phản đối

Với kịch bản này, Mỹ và các quốc gia khu vực sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa. Điều đó sẽ kéo theo việc Mỹ gia tăng hoạt động Tự do hàng hải ở Biển Đông và các quốc gia khác cũng sẽ tham gia vào hoạt động này. Cộng đồng quốc tế sẽ ngày càng ủng hộ Philippines. Lúc này, các quốc gia như Mỹ và Úc có sự hậu thuẫn và sẽ trở nên cứng rắn hơn. Hơn nữa, yêu sách của Philippines ở Biển Đông lúc này có thể sẽ trở thành một điểm nằm trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Philippines. Điều đó sẽ gây nên những nguy cơ các leo thang quân sự.

Dù phán quyết của PCA vào tháng 6/2016 có như thế nào thì cũng sẽ tạo nên một bước ngoặt: cách thức phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết và phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Liệu một hệ thống dựa trên những chuẩn mực và luật pháp quốc tế tiếp tục được duy trì hay thay vào đó sự xuất hiện của một thế giới nơi mà kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu phải chịu tất cả? Câu trả lời sẽ được thể hiện ở Biển Đông.

Nước cờ chiến lược mới nhất của Mỹ ở Đông Nam Á”của Bruno De Paiva

Singapore và Mỹ đã ký một thỏa thuận quốc phòng với điều khoản đáng chú ý nhất là việc Mỹ được phép triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon tại Singapore. Thỏa thuận này được cho là xuất phát từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và nhằm trực tiếp đối phó với yêu sách của Trung Quốc tại đây.

Mục đích của Singapore

Với một quốc gia theo quan điểm trung lập và được ví như “Thụy Sỹ Châu Á” như Singapre, mặt khác Trung Quốc lại là điểm đầu tư lớn nhất của Singapore (năm 2013),  thì động thái này gây nên bất ngờ cho cộng đồng quốc tế.

Mặc dù vậy, Mỹ cũng là quốc gia có nguồn đầu tư lớn nhất vào Singapore (năm 2013). Như vậy, việc thúc đẩy và bảo vệ mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ đều là ưu tiên lợi ích hàng đầu đối với Singapore.

Tuy nhiên, hành vi của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông lại gây ra những mối nguy hại lớn hơn đối với Singapore, một quốc gia mà phần lớn hoạt động kinh tế và vận chuyển đều xuất phát từ Biển Đông. Những ngành công nghiệp này của Singapore rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu như hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra những bất ổn trong khu vực. Nếu như Trung Quốc tiếp tục thực hiện những hành vi như hiện nay, những tuyến giao thương trên biển có thể đi qua Singapore sẽ bị ảnh hưởng và do đó tác động xấu lên nền kinh tế của nước này.

Như vậy, việc cho phép triển khai máy bay P-8 chỉ là một mối nguy cơ nhỏ so với việc bảo vệ những gì có thể xảy ra và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Singapore.

Mục đích của Mỹ

Dù có nhiều đánh giá cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu có suy giảm, tuy nhiên Mỹ vẫn có những lợi ích rất lớn về quân sự, chiến lược và kinh tế ở Châu Á.

Ba đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Bắc Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Cả ba quốc gia này đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiên liệu đi qua Biển Đông. Do đó, điều quan trọng nhất đối với họ là nguồn cung nhiên liệu qua đây sẽ không bị cản trở hay gián đoạn vì điều đó không những ảnh hưởng kinh tế của ba quốc gia này mà có ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông đã trực diện thách thức ảnh hưởng về hải quân của Mỹ vốn được duy trì từ lâu tại đây. Như vậy, việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng với Singapore và triển khai máy bay do thám tại quốc gia này giúp Mỹ bổ sung thêm phương tiện để bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực, đồng thời cũng bổ sung thêm phương thức giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và giúp đảm bảo những lợi ích kinh tế và nguồn cung năng lươc của các quốc gia đồng minh Bắc Á không bị đe dọa.

Sự mơ hồ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông” của Liselotte Odgaard

Khi bị chất vấn tại diễn đàn Hương Sơn về quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông hồi tháng 10, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh đã hỏi vặn lại người chất vấn rằng: “Quân sự hóa Biển Đông nghĩa là gì?” Nữ thiếu tướng cố tình né tránh vấn đề bằng cách lái câu chuyện về các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển châu Á.

Tuy nhiên, hai khía cạnh trong chiến lược hung hăng của Bắc Kinh đã phơi bày rõ lý do tại sao nước này mới là nhân tố chính gây căng thẳng ở khu vực: một là Trung Quốc cố tình nhập nhằng yêu sách cái gọi là đường lưỡi bò trên Biển Đông, đồng thời lại tuyên bố sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ ấy bằng vũ lực.

Phản ứng vụ tàu USS Lassen của hải quân Mỹ bắt đầu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp và đe dọa lợi ích an ninh và chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng họ lại không thể gọi tên chính xác Washington đã vi phạm loại tuyên bố chủ quyền cụ thể nào của họ. Vài ngày sau đó, Trung Quốc tiến hành tập trận chống xâm nhập đường không - đường biển trên Biển Đông và triển khai 2 tàu chiến đối phó với hoạt động tuần tra của Mỹ.

Khi bị lên án vì các hành động khiêu khích, giới chức Trung Quốc thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để phản đối. Trong vụ tàu USS Lassen tuần tra ở Biển Đông vừa qua, Bắc Kinh không cáo buộc Mỹ vi phạm “lãnh hải” hay “vùng đặc quyền kinh tế”, thay vào đó Bắc Kinh nói Washington “đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc” và “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”. Vẫn với kiểu phản đối chung chung như vậy, Trung Quốc đã tránh mọi trường hợp làm rõ các bản chất pháp lý của những thực thể ở Đá Su Bi.

Sự nhập nhằng đó lại càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc đang tỏ rõ sẽ bảo vệ yêu sách mơ hồ đó bằng vũ lực. Điều này được thể hiện rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2015 tuyên bố rằng một mục tiêu của Trung Quốc là bảo vệ “chủ quyền và lợi ích hàng hải” trong các tình huống “nếu láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các rặng san hô, đá, đảo ở Trường Sa”.

Vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không rõ ràng, nên các bên liên quan khác không thể xác định Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ở đâu và khi nào, do đó sẽ làm tăng nguy cơ xung đột. Chính sách mơ hồ của Trung Quốc có thể dẫn đến kết luận: Bắc Kinh muốn mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trên Biển Đông như một thách thức trực tiếp đối với các đồng minh của Mỹ, vì làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tự do đi lại của tàu thuyền, máy bay.

Do đó, giới chức Washington không thể khoanh tay ngồi nhìn. Washington cần phải thể hiện rằng vùng biển quốc tế không thể biến thành ao nhà của Trung Quốc và các nước khác bị hạn chế.

“Biển Đông – Món quà  5 nghìn tỷ USD của chính quyền Obama giành cho Trung Quốc?” của Harry J. Kazianis

Đúng là cần phải chúc mừng Tổng thống Obama vì “đã làm điều gì đó” ở Biển Đông. Nhưng “điều gì đó” ở đây, cụ thể là hoạt động tự do hàng hải (hay có thể là qua lại vô hại) gần đá Xu Bi và giờ là máy bay B52 gần quần đảo Trường Sa, lại là minh chứng rõ ràng cho sự vụng về về cái gọi là “xoay trục” hay “tái cân bằng” về Châu Á. Và cuối cùng thì, dù những thách thức của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu Trung Quốc là cần thiết, thì những hành động trên có lẽ là quá ít, quá khó hiểu và quá muộn.

Cái mà chính quyền Obama gọi là “xoay trục” hay “tái cân bằng” được cho là mở đầu cho sự khởi động chính sách ngoại giao được chào đón của Mỹ: chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thì sau tất cả những lời hứa, bài phát biểu, “xoay trục” vẫn không có kết quả, trong khi Trung Quốc lại đang chuẩn bị sẵn sàng giành quyền kiểm soát ở Biển Đông, một tuyến đường vận chuyển thương mại hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm (1 nghìn tỷ trong số đó là hàng hoá của Mỹ).

Vậy Mỹ đã sai ở đâu?Hãy nhìn vào sự kiện Scarborough

Nếu chính sách xoay trục của Mỹ dù chỉ gặt hái được 1 kết quả thôi, thì đã hỗ trợ và củng cố cho mạng lưới đồng minh, đồng thời góp phần định hình sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc, và kiềm chế bất cứ ý định làm thay đổi nguyên trạng nào. Vì vậy, nếu khởi đầu từ những lời nói phô trương đến những khẩu hiệu vô nghĩa của “xoay trục”, Mỹ đã thất bại khi không  ngăn chặn hành vi của Trung Quốc tại bãi cạn Scaborough trong cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Philippines.

Tại thời điểm ấy các cố vấn an ninh cao cp của Mỹ đã nhận định rằng “…Mỹ nên tập trung vào xây dựng năng lực cho các đối tác, đẩy mạnh thể chế khu vực và cuối cùng là phải làm rõ với Trung Quốc một điều “chiến thuật kiểu Scaborough sẽ không còn giá trị””.

Vậy Mỹ cần phải làm gì?

Trong bối cảnh hiện nay có nhiều cách để hạn chế những thiệt hại và buộc Trung Quốc phải cân nhắc trước khi hành động. Đã đến lúc phải cho Trung Quốc thấy được rằng “nếu họ muốn thay đổi nguyên trạng, Mỹ sẽ không cần phải tôn trọng cái gọi là “lợi ích cốt lõi”của Trung Quốc.

Ví dụ: Mỹ có thể giúp Đài Loan tăng cường năng lực quân sự riêng bằng tàu ngầm hay bán trực thăng F16, thậm chí là F35 cho họ. Mỹ cũng có thể làm điều tương tự với Việt Nam và Philippines hoặc các vấn đề về Tây Tạng và Tân Cương.

Rõ ràng Mỹ có nhiều công cụ để áp đặt cái giá phải trả cho hành vi cưỡng ép của Trung Quốc. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Obama có sử dụng trước khi quá muộn hay không?

“Xây dựng lòng tin thông qua hợp tác chống biến đổi khí hậu ở Biển Đông” của Wilson Vorndick

Hơn 190 quốc gia đã tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris.  Các chuyên gia nhận định về những tác động to lớn của nước biển dâng tới ranh giới các vùng biển, đặc biệt ở Biển Đông do đặc điểm thời tiết, dòng hải lưu và vô số các thực thể thấp tại đây. Với những mối đe dọa chung này, liệu hợp tác về biến đối khí hậu trong vấn đề nước biển dâng có thể trở thành biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) giữa các bên yêu sách?

Hình thành Chiến lược xây dựng lòng tin (CBM)

Cùng hợp tác hình thành những chiến lược chống biến đổi khí hậu, cụ thể là chống nước biển dâng, sẽ là cách tiếp cận CBM thông minh cho các quốc gia yêu sách ở Biển Đông. Mặc dù tiến trình này có thể sẽ vô cùng phức tạp bởi sự khác biệt về cách giải thích và triển khai của các quốc gia, nhưng tiến trình này vẫn có thể được thực hiện và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ thấp và đại trà, từ kỹ thuật chống ngập lụt trong hoạt động nông nghiệp cho tới việc xây dựng đê biển và các khuôn khổ pháp lý chung khác.

Mỗi quốc gia đều đưa ra các kế hoạch thực hiện khác nhau, tuy nhiên vẫn tồn tại những khác biệt. Đó là lý do tại sao các quốc gia cần hợp tác, đồng thời việc xây dựng lòng tin sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

ASEAN – Nhà lãnh đạo trong vấn đề chống biến đổi khí hậu ở Biển Đông?

ASEAN có thể là diễn đàn tốt nhất trong việcr thểãnh đạo trong vấn đề chống biến đổi khí hậu ở bd?ện". Nghĩa của từ này  hợp tác về ứng phó chống nước biển dâng. Bốn trong số các bên tranh chấp Biển Đông là thành viên ASEAN: Brunei, Malaysia, Philippines, và Việt Nam. Tuy nhiên, dù có trong tay cơ hội rất lớn nhưng ASEAN lại gặp khó khăn trong việc xây dựng sự đồng thuận để đối phó với biến đổi khí hậu.

Nếu 4 quốc gia ASEAN không thể hợp tác để hình thành nên những chiến lược chống biến đổi khí hậu ở các khu vực tương đối hòa dịu như Hạ lưu sông MeKong (LMB) thì việc tất cả các bên cùng hợp tác ở một khu vực mà tranh chấp gay gắt  hơn nhiều như Biển Đông, đặc biệt dưới sự bảo hộ của ASEAN, dường như là điều không thể. Tuy nhiên khi bản thân các thành viên ASEAN hợp tác với nhau cũng như với các quốc gia bên ngoài ASEAN đã tạo ra được các kết quả mang tính đa phương, chẳng hạn như Sáng kiến Tam giác San hô, Ngư nghiệp, và An ninh Lương thực. Một cách tiếp cận tương tự có thể đáng để theo đuổi ở Biển Đông./.