Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc mong Nhật - Ấn đóng góp vào hòa bình khu vực. Về việc Thủ tướng Ấn Độ Modi thăm Nhật Bản và khả năng hai bên ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 10/11 cho hay, “Chúng tôi biết về chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhật Bản hôm nay. Trung Quốc vui mừng thấy các quốc gia láng giềng phát triển mối quan hệ bình thường. Trung Quốc hy vọng trong tình hình như vậy, hai nước sẽ tôn trọng những mối quan ngại của các nước láng giềng và đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực”.

+ Việt Nam:

Phản đối hành vi dùng vũ lực của Indonesia đối với ngư dân Việt Nam. Về vụ việc ngày 21/10, hai tàu cá của Việt Nam cùng 13 ngư dân trong khi đang khai thác hải sản tại vùng chồng lấn trong khu vực đặc quyền kinh tế đang phân định giữa hai nước đã bị tàu Hải quân Indonesia mang số hiệu 632 truy đuổi và bắn, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 10/11 nêu rõ: “Hành động này của lực lượng chức năng Indonesia không phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và nguyên tắc đối xử nhân đạo với ngư dân. Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng Indonesia nhanh chóng điều tra vụ việc, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm đồng thời bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam.”

+ Philippines:

Philippines nối lại hoạt động tuần tra bãi cạn Scarborough. Ngày 5/11, hai tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã được triển khai tuần tra tại bãi cạn Scarborough. Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Philippines ông William Melad cho hay việc triển khai hai tàu BRP Tubbataha and MCS 3010 phù hợp với chỉ thị của Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade về hoạt động tuần tra ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Melad cho biết cứ định kỳ 2 hoặc 3 ngày sẽ luân phiên tàu.

Philippines hủy 2 cuộc tập trận với Mỹ ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 8/11 cho hay trong cuộc họp nội các mới đây, ông đã trình bày lợi ích của những hoạt động hợp tác với Washington và đưa ra một số đề xuất mới, “Tổng thống tán thành các ý kiến của chúng tôi. Tuy nhiên, Tổng thống yêu cầu giảm những cuộc tập trận liên quan đến đổ bộ.” Cụ thể, Philippines sẽ duy trì cuộc tập trận chung thường niên mang tên Balikatan, chủ yếu tập trung vào chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, 2 cuộc tập trận chung thường niên quan trọng khác là CARAT và Phiblex sẽ bị hủy. Theo Bộ trưởng Lorenzana, Tổng thống Duterte đã đồng ý duy trì Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) với Mỹ năm 2014.

+ Malaysia:

Malaysia nhấn mạnh các bên tranh chấp cần tôn trọng luật pháp. Trả lời phỏng vấn tạp chí Nikkei Asian Review về quan điểm của Malaysia đối với vụ kiện của Philippines, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 15/11 khẳng định các bên yêu sách ở Biển Đông phải giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Malaysia tin rằng điều quan trọng là các bên cần tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp và bất đồng một cách hòa bình thông qua đàm phán.

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông. Trao đổi với các phóng viên ngày 6/11, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tuyên bố sẽ tăng cường hệ thống vũ khí trên quần đảo Natuna, “Chúng tôi sẽ xây dựng một bến cảng và mở rộng đường băng tại căn cứ không quân trên quần đảo Natuna. Đường băng này đủ khả năng phục vụ bốn chiến đấu cơ”. Ngoài ra, Indonesia sẽ đưa thêm nhiều chiến đấu cơ đồn trú tại căn cứ quân sự Ranai trên quần đảo Natuna. Theo ông Ryamizard Ryacudu, “Không phải chúng ta đang trong thời chiến nhưng Biển Đông rất gần chúng ta. Hệ thống vũ khí của chúng ta đã tốt nhưng cũng cần phải bổ sung để không có gì phải lo lắng”.

+ Mỹ:

Mỹ tuyên bố giữ vững cam kết với các đồng minh châu Á. Phát biểu tại một sự kiện tại Washington hôm 15/1, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris tuyên bố quan hệ quân sự với các đối tác sẽ tiếp tục vững mạnh. Nhiều thập kỷ hợp tác giữa Mỹ và các nước khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã chứng minh những cam kết của Washington không dừng ở lời nói. Mặc dù bày tỏ quan ngại về những phát biểu gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Đô đốc Harris khẳng định các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines sẽ không bị ảnh hưởng. Hiện vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào từ phía Philippines.

Quan hệ các nước

Việt - Pháp hướng tới quan hệ hợp tác quốc phòng hiệu quả. Từ ngày 7-11/11, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam sang dự Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt - Pháp lần thứ nhất. Hai bên cho rằng, trên cơ sở Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng (ký tháng 11/2009) và cơ chế hợp tác song phương hiệu quả, quan hệ hợp tác quốc phòng tiếp tục có những tiến triển. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp; tăng cường đối thoại chiến lược về quốc phòng; tiếp tục hợp tác về trang thiết bị và công nghiệp quốc phòng, các chuyến thăm của tàu quân sự; cũng như nghiên cứu, mở rộng ra các lĩnh vực hợp tác mới mang lại lợi ích cho hai bên.

Đại sứ Philippines nói Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông. Phát biểu tại một diễn đàn của các doanh nhân Philippines hôm 8/11, Tân đại sứ Philippines tại Trung Quốc ông Jose Santiago Santa Romana cho hay, “Trung Quốc đang tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Luật sư người Mỹ của chúng ta nói như vậy”. Theo ông  Romana, “Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough nhưng hứa sẽ làm điều gì đó cho ngư dân của chúng ta khi tổng thống Duterte nêu vấn đề này”. Đại sứ Romana cho hay, “Phía Trung Quốc đã cam kết rằng sẽ không cải tạo bãi cạn mà coi đây như một khu bảo tồn biển, vì thế ngay cả ngư dân Trung Quốc cũng không được phép vào đánh bắt bên trong bãi cạn. Trung Quốc và Philippines bây giờ nên phối hợp với nhau trong việc xây dựng một số quy tắc giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước để tránh lặp lại tình trạng đối đầu.”

Chủ tịch nước tiếp Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc. Trong buổi tiếp Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang đang có chuyến thăm Việt Nam hôm 9/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với UNCLOS năm 1982, cùng giữ gìn ổn định trên biển và môi trường hòa bình để phát triển. Theo đó, các ngành, các cấp hai bên cần thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phân tích và đánh giá

Cơ hội vàng của Nhật Bản của Jeffrey Hornung

Những rạn nứt trong quan hệ giữa Manila và Washington tạo cho Tokyo cơ hội đóng vai trò lớn hơn trong khu vực.

Duterte thu được khá nhiều lợi ích từ các chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản gần đây. Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông đã ký những thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD và đạt thỏa thuận với Tập Cận Bình về việc nối lại đàm phán song phương liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Trong chuyến thăm Nhật Bản sau đó, Duterte và Shinzo Abe đã nhất trí tiếp tục tiến trình tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ngày càng mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, Duterte không ngừng chỉ trích Mỹ. Ông tuyên bố dự định tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục đe dọa sẽ hủy bỏ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường năm 2014 và yêu cầu tất cả lực lượng quân đội Mỹ rời khỏi Philippines trong vòng 2 năm.

Điều này còn rất mơ hồ, vì nó ngầm thể hiện mong muốn tách ra khỏi liên minh với Mỹ, xoay trục về phía Trung Quốc, và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản như một nỗ lực cân bằng với Trung Quốc. Duterte ra những tuyên bố hùng hồn chống lại Mỹ, nhưng ông hoàn toàn không có một động thái nào thực hiện điều đó. Thay vào đó, ông chơi chiêu nước nhỏ lợi dụng sự đối đầu của các nước lớn để được lợi càng nhiều càng tốt. Theo Duterte, đó là vì ông đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.

Ý tưởng chính sách đối ngoại độc lập của Philippines không hẳn là một điều tệ hại. Sau cùng, ý tưởng đó có lợi cho Mỹ nếu như Philippines có quan hệ hòa dịu hơn với Trung Quốc, đồng thời hai đồng minh ở châu Á của Mỹ tăng cường quan hệ, giả sử điều đó không phương hại đến Mỹ.

Hơn nữa, những động thái của Duterte không thay đổi căn bản tình hình địa chính trị trong khu vực. Chuyến thăm Nhật Bản của Duterte đã cho thấy rằng ông bị kiềm chế trong việc theo đuổi chính sách ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc.

Điều đó giải thích tại sao Nhật Bản lại quan trọng. Giống như Duterte, Abe muốn (và cũng đã tìm ra) phương thức để có được một không gian ngoại giao độc lập nhằm theo đuổi những lợi ích không phải lúc nào cũng hòa hợp với những lợi ích của Mỹ. Mặc dù cách tiếp cận của Abe hoàn toàn khác biệt, Duterte có thể coi Abe như là một nhà lãnh đạo có cùng tư tưởng.

Điều này sẽ biến Nhật Bản, với tiềm năng ngày càng lớn, trở thành một cường quốc khu vực. Abe hoàn toàn ủng hộ Nhật Bản sẵn sàng chủ động đóng góp tích cực cho hòa bình. Abe cho Duterte một cơ hội thể hiện sự tức giận của mình và nhắc nhở cho Mỹ biết rằng không nên coi Philippines là điều đương nhiên phải có.

Trong tương lai, Abe cần nhắc nhở Duterte về giá trị không thể thay thế của Mỹ đối với an ninh khu vực, đồng thời, theo sát cùng với Mỹ để chắc chắn rằng Philippines không thực hiện sự nhượng bộ hơn mức cần thiết, cũng như không để Trung Quốc có bất kỳ lợi thế mang tính quyết định nào. Nếu quan hệ giữa Manila và Washington xấu đi trong những tháng sắp tới, Abe cần thẳng thắn thích cho Duterte những thực tiễn địa chiến lược mà họ đang đối mặt. Điều quan trọng là Duterte có thể không lắng nghe Mỹ nhưng lại tỏ ra sẵn lòng lắng nghe Nhật Bản.

Quan hệ Malaysia - Trung Quốc: Một sự đổi thay mới? của Johan Saravanamuttu David Han

Việc Malaysia cải thiện và thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc phản ánh chính sách đối ngoại phòng ngừa của quốc gia Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn nguy cơ hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ sự thay đổi của các cường quốc lớn trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chính sách đối ngoại của Malaysia là một chính sách thực dụng và khôn khéo nhằm bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị ảnh hưởng quá nhiều từ các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ nhận thức được về sự trỗi dậy và tầm quan trọng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Malaysia vẫn luôn hiểu được vai trò về chính trị và kinh tế của Mỹ đối với khu vực này.

Những diễn biến gần đây đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc, nhất là trên khía cạnh kinh tế. Malaysia đã hoan nghênh và tỏ ra vô cùng hào hứng với kế hoạch xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, và sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc.

Có 3 lý do để Malaysia tham gia sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Thứ nhất, sáng kiến do AIIB tài trợ này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á. Trung Quốc kỳ vọng qua đó, Malaysia có thể trở thành cửa ngõ chính giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường châu Á. Vị thế kinh tế được nâng cao, bên cạnh đó, AIIB sẽ giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh đối với các quốc gia ASEAN. Đồng thời, điều đó cũng giúp ngăn chặn các nguy cơ xung đột, thúc đẩy các lợi ích để ASEAN và Trung Quốc hợp tác với nhau chặt chẽ hơn về mặt kinh tế.

Thứ hai, cần lưu ý rằng việc Malaysia xích lại gần với Trung Quốc, nhất là thông qua sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, sẽ là rào cản đối với Mỹ trong việc duy trì các cam kết tại Đông Nam Á. Việc Malaysia ủng hộ Trung Quốc và sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” có thể giúp quốc gia này bù đắp những thiệt hại về kinh tế nếu TPP thất bại. Đây cũng có thể là một tín hiệu gửi tới Tổng thống Mỹ tiếp theo về nguy cơ để mất sự ủng hộ của các nước bè bạn vào tay Trung Quốc, nếu Mỹ không tiếp tục vai trò tái cân bằng kinh tế tại châu Á.

Thứ ba, xét bối cảnh trong nước, kinh tế tăng trưởng là điều rất có lợi cho Chính quyền Thủ tướng Najib, tăng cường đáng kể tính chính đáng và uy tín của giới cầm quyền. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia đã thúc đẩy đáng kể quan hệ song phương với trọng tâm là sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Malaysia bước vào quỹ đạo của Trung Quốc và quay lưng lại với Mỹ.

Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc là bước đi thực dụng của Chính phủ Malaysia nhằm mở rộng quan hệ kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Điều mà Mỹ cần nhận thức được là chừng nào họ vẫn tiếp tục các cam kết tại Đông Nam Á, thì Malaysia vẫn chú trọng xây dựng quan hệ với Mỹ nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển trong khu vực.

Nga sẽ thiết lập căn cứ hải quân ở Biển Đông?của Artyom Lukin

Trong thời gian gần đây, Nga có nhiều tuyên bố về khả năng khôi phục các căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Cuba và Việt Nam. Rất có thể Nga sẽ tăng cường đáng kể khả năng triển khai vũ khí tại nhiều vùng trọng điểm.

Câu hỏi đặt ra: Liệu Cam Ranh có thể được mở rộng thành một căn cứ quân sự hoàn toàn tạo thuận lợi cho các hoạt động quân sự của Nga tương tự như của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc hay không?

Câu trả lời thực tế nhất là không. Việt Nam đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng mở một căn cứ quân sự nước ngoài ngay trên chính lãnh thổ của mình. Đây là một phần chiến lược phòng thủ của Việt Nam, nước đang tìm cách đối phó với Bắc Kinh bằng cách thiết lập các mối liên kết chiến lược với nhiều cường quốc khác ngoài khu vực. Đây cũng là điểm đến quan trọng hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, Hà Nội cũng không thể nào làm phật lòng Washington khi đồng ý để cho Moskva đóng quân thường trực tại đây. 

Vào lúc mà nền kinh tế Nga vẫn còn khó khăn, việc chi những khoản tiền lớn cho các khu căn cứ quân sự ở nước ngoài quả thật là một thách thức lớn.

Nếu như ý tưởng khôi phục các cơ sở quân sự có từ thời Xôviết phần lớn là không khả thi, vậy tại sao Nga lại đề cập đến kiểu kế hoạch này như thế? Có nhiều cách giải thích. 

Thứ nhất là nhằm khiêu khích Mỹ bằng cách làm trỗi dậy nỗi ám ảnh về sự hiện diện quân sự Nga tại nhiều địa điểm chiến lược trên toàn cầu. Thứ hai, đó cũng có thể là động tác nghi binh nhằm che giấu động cơ thật sự của Điện Kremlin. Bất kể trong trường hợp nào, Moskva cũng không muốn che giấu chiến lược chính yếu của mình, đó là nhằm mục đích thay đổi tương quan lực lượng tại vùng Á-Âu. Chiến lược này hơn bao giờ hết cần sự liên kết chặt chẽ với Trung Quốc. 

Mối quan hệ “đối tác chiến lược” Nga-Trung giờ trông có vẻ vững chắc và hiệu quả hơn một số “hiệp ước liên minh” của Mỹ. Nga và Trung Quốc đã tiến hành một loạt chiến dịch chính trị và quân sự chung, đồng thời Putin lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài. 

Mối hợp tác quân sự giữa hai nước còn thể hiện rõ trong việc Nga chấp nhận bán cho Trung Quốc hệ thống vũ khí tối tân nhất, như hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hay máy bay chiến đấu Su-35. Đỉnh điểm của mối quan hệ này là Moskva và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận cùng sản xuất động cơ tên lửa bằng nhiên liệu hóa lỏng, một lĩnh vực Nga có nhiều chuyên gia, để đổi lấy việc Trung Quốc cung cấp kỹ thuật điện tử hàng không cho ngành công nghiệp vũ trụ của Nga. 

Như vậy, nếu tiếp tục đà hợp tác chiến lược này, bước kế tiếp có thể sẽ là có sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Trung Quốc, và tương tự, Bắc Kinh sẽ triển khai quân trên lãnh thổ của Nga. Liệu có khả năng Nga sẽ đặt căn cứ hải quân tại đảo Hải Nam và cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại quần đảo Kuril của Nga hay không?

Trung Quốc sẽ thống trị châu Á sau khi Trump làm Tổng thống Mỹ? của Derwin Pereira

Chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 58 sẽ làm nhiều người châu Á sốc.

Lo ngại của châu Á khi ứng cử viên Trump đắc cử Tổng thống không phải là không có cơ sở. Ông Trump phản đối TPP và việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ “báo hiệu sự kết thúc” của mối quan hệ Mỹ-châu Á. TPP và chính sách xoay trục là câu trả lời của Mỹ trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Một trong những mục đích không được nói ra của TPP chính là nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, quốc gia như một công xưởng của thế giới và là một thế lực kinh tế.

Tầm quan trọng của chính sách xoay trục được nhà chiến lược người Mỹ Kurt M.Campbell đề cập trong cuốn sách của mình xuất bản trong năm 2016 với tựa đề “Xoay trục: Tương lai của Mỹ ở châu Á”. Ông lập luận rằng Mỹ xoay trục sang châu Á để giúp nền kinh tế của mình. Cuốn sách là tiền đề cho quan điểm về việc Mỹ cần châu Á như châu Á cần Mỹ.

Sự lạc quan này lại trái ngược với thế giới quan của ông Trump. Chính sách của ông Trump là từ bỏ chiến lược xoay trục sang châu Á, hãy để các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản tự phát triển vũ khí hạt nhân trong khi đẩy lùi Trung Quốc bằng các mức thuế mang tính trừng phạt. Việc Mỹ thi hành chính sách biệt lập sẽ khiến cả hai bờ Thái Bình Dương phải trả giá đắt. Đó là việc Trung Quốc chiến thắng chung cuộc.

Mặc dù việc áp thuế cao và tái vũ trang Nhật Bản là mối đe dọa đối với Trung Quốc nhưng nước này sẽ có nhiều lợi ích khác. Sự từ bỏ TPP sẽ mở rộng không gian kinh tế cho Trung Quốc. Trong khi đó, sự vắng mặt của chính sách xoay trục sẽ tạo ra không gian ngoại giao cho Bắc Kinh trong các tranh chấp với các quốc gia châu Á bao gồm cả các tranh chấp tại Biển Đông.

Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải đối phó với một Trung Quốc quyết đoán được tiếp thêm sức mạnh bởi những thành công về chính trị đạt được gần đây. Những hợp đồng thương mại nhiều lợi nhuận và sự thiếu chống đối của Trung Quốc đối với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Duterte là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa hai nước ấm lên. Mối quan hệ nồng ấm tương tự giữa Malaysia và Trung Quốc cũng ngày càng hiện rõ. Các nước khác trong ASEAN cũng vậy, đặc biệt là việc Campuchia coi Trung Quốc như một chỗ dựa vững chắc càng khiến cho Mỹ rời xa khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, vẫn cần phải xem liệu ông Trump sẽ hành động như thế nào. Có thể là ông sẽ dịu giọng khi lên nắm quyền, biết lắng nghe các chuyên gia tính toán cái giá phải trả nếu thi hành chính sách mới.

Quân đội Mỹ làm gì nếu Philippines từ bỏ Washington? của James Hasik

Quân đội Mỹ cần hoạch định lại chiến lược ở châu Á- Thái Bình Dương nếu Philippines từ bỏ Mỹ. 

Tháng/2016, Rodrigo Duterte lên cầm quyền sau cuộc bầu cử, những phát biểu gây sốc của ông về nhiều vấn đề dường như mang thái độ rất thù địch, và nó diễn ra càng mạnh mẽ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người lại đánh giá cao ông Duterte. Vì vậy, “chúng ta hãy xem xét vấn đề từ một quan điểm cứng rắn của Mỹ, dựa trên một số bài học lịch sử”. 

Các tín hiệu từ Philippines về vấn đề liên minh với Mỹ pha trộn cả tốt lẫn xấu nhưng tín hiệu xấu chiếm nhiều hơn. Ngày 11/10, ông Duterte thông báo rằng thực tế ông sẽ không bãi bỏ Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ. Đồng thời, trong một bài phát biểu tại Cung điện Malacanan, tân tổng thống đã hỏi các quan chức Phillipines: “Các vị có thực sự nghĩ rằng chúng ta cần hiệp ước này không?”. Ngày 20/10, mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn. Trong cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, ông Duterte tuyên bố “chia tay” với Mỹ, và phát biểu trên diễn đàn này rằng “Hiện trên thế giới chỉ có 3 chúng ta Trung Quốc, Philippines và Nga”. Tuy nhiên, đến ngày 25/10, vị tổng thống này đã thay đổi lập trường khi trở về Manila và nói rằng ông không có ý định cắt đứt các mối quan hệ với Mỹ.

Tính trung lập của Philippines có thể thay đổi vì ông Duterte cho rằng cắt đứt liên minh chặt chẽ với Mỹ sẽ “có lợi hơn” cho quốc đảo này. Nếu Chính phủ Philippines tuyên bố các căn cứ quân sự của mình sẽ không được sử dụng trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc (nếu có), thì Không quân Mỹ sẽ không còn sân bay trong phạm vi chiến đấu ở Biển Đông. Hiện nay, quan điểm trung lập thực tế của Philippines có thể đặt dấu chấm hết cho mục tiêu phong tỏa bờ biển Trung Quốc của Hải quân Mỹ. Điều này cũng có thể vô hiệu hóa các ảnh hưởng của các hạm đội Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, liệu Hạm đội phía Nam của Trung Quốc có cố gắng bứt phá vào trung tâm Thái Bình Dương thông qua Philippines? Liệu tàu ngầm Mỹ có bị hạm đội của Trung Quốc “gài bẫy” ở eo biển Surigao? Để làm được điều này, liệu Hải quân Mỹ có cần thêm tàu ngầm và máy bay tiêm kích tàng hình F-35Bs cho các tàu sân bay hoạt động ở khu vực này? Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ để có thể tìm được đáp án cho những câu hỏi về chiến lược lâu dài này./.