Động thái quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ tiến hành FOPNOP ở Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 7/5 tuyên bố, “hai tàu khu trục Mỹ chưa được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc đã tự ý đi vào vùng biển gần Ga Ven và đá Gạc Ma. Hành vi này xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự tốt đẹp tại vùng biển này. Trung Quốc hối thúc Mỹ chấm dứt ngay các hành động gây hấn, tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông.” Cùng ngày, Đại tá Lý Hoa Mẫn, Người Phát ngôn Chiến khu miền Nam của Trung Quốc cũng cho hay, “Chiến khu miền Nam tiến hành nhận dạng và cảnh cáo xua đuổi tàu chiến Mỹ. Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”
Trung Quốc phản đối Báo cáo về quân đội Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Nhậm Quốc Cường hôm 9/5 khẳng định báo cáo của Lầu Năm Góc là không đúng sự thật và thiếu trách nhiệm, “Mỹ cần đánh giá đúng đắn và khách quan về hoạt động xây dựng quân đội của Trung Quốc, ngừng đưa ra các báo cáo và có hành động cụ thể đảm bảo quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung phát triển ổn định.” Về bình luận hoạt động của PLA ở Biển Đông trong báo cáo, ông Nhậm nhấn mạnh, “một mặt Mỹ tuyên bố bảo vệ hóa bình nhưng thực tế thúc đẩy sự hiện diện quân sự, và thường xuyên gửi tàu chiến, máy bay gây căng thẳng Biển Đông. Hành động này đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định khu vực.”
+ Việt Nam:
Việt Nam quan ngại sâu sắc việc Indonesia phá hủy tàu cá Việt Nam. Tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với UNCLOS năm 1982. Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá và các lực lượng trên biển của Indonesia cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước; đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với quan hệ 2 nước và tinh thần đoàn kết ASEAN.” Về việc 2 tàu hải quân Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Ga Ven và Gạc Ma, bà Hằng nhấn mạnh, “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.”
+ Malaysia:
Malaysia phản đối tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển. Quan chức Ngoại giao Malaysia Raja Datuk Nushirwan Zainal Abidin hôm 8/5 đã trao Công hàm phản đối số lượng lớn tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển của Malaysia. Tuyên bố của Malaysia khẳng định: “Việc ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Malaysia không những là mối đe dọa cho các công dân Malaysia, mà còn là một hành động vi phạm chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ của Malaysia. Các vụ vi phạm này sẽ cản trở các nỗ lực của hai nước nhằm thắt chặt quan hệ song phương.” Theo phía Malaysia, từ năm 2006 tới năm 2019, có 748 tàu Việt Nam và tất cả 7.203 ngư dân Việt Nam đã bị bắt giữ.
Malaysia nhấn mạnh giải quyết tranh chấp biển trên cơ sở ASEAN. Phát biểu trên đài phát thanh Malaysia BFM 89.9 hôm 12/5, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla khẳng định cách tiếp cận đa phương thay vì đàm phán song phương với Trung Quốc, “Chúng tôi luôn nói với Trung Quốc rằng Malaysia sẽ thảo luận về Biển Đông trên cơ sở một khối ASEAN, đó là quan điểm của Malaysia.” Theo ông Abdulla, yêu sách Biển Đông của Trung Quốc “có phần quá mức”, điều gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ làm điều tương tự với Ấn Độ Dương. Malaysia không muốn bất kỳ bên nào làm phức tạp tình hình khu vực, đây là nơi thúc đẩy kinh tế thay vì tăng cường ảnh hưởng địa chính trị.
+ Indonesia:
Indonesia tiếp tục chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài. Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá (KKP) Susi Pudjiastuti cho biết, Indonesia sẽ đánh chìm 13 tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia, trong đó có 10 tàu tại Natuna và 3 tàu ở Belawan. Phần lớn tàu cá bị đánh chìm đến từ Việt Nam. Theo bà Susi, việc phá hủy các tàu cá nước ngoài là cách thức hiệu quả đối phó tình trạng suy giảm tài nguyên biển và thủy sản của Indonesia.
Quan chức Indonesia kiến nghị nên dừng chính sách đánh chìm tàu. Phát biểu tại cuộc họp về Kế hoạch Phát triển Quốc gia 2019 tại Jakarta hôm 9/5, Bộ trưởng Điều phối Biển Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan nhận định, “Đúng là những gì bà Susi làm là tốt, chúng ta phải có liệu pháp sốc. Nhưng không phải lúc nào cũng phải dùng liệu pháp sốc để điều trị. Bây giờ tiếp theo là gì?". Ông Luhut đề cập đến các bước khác cần được áp dụng cho sự phát triển của ngành thủy sản và hàng hải Indonesia: phát triển của các địa điểm nuôi cá, khuyến khích các tàu cá Indonesia đánh bắt nhiều cá hơn, ví dụ như ở Natuna, quần đảo Riau, "Chúng ta tức giận với các tàu cá nước ngoài. Vâng, nhưng tàu của chúng ta có ở đó đâu".
+ Mỹ:
Tàu chiến Mỹ áp sát thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Người Phát ngôn của Hạm đội 7, Trung tá Clay Doss hôm 6/5 cho biết hai tàu khu trục tên lửa dẫn hướng Preble và Chung Hoo đã tiến vào khu vực 12 hải lý của đá Ga Ven và đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Theo ông Clay Doss, hoạt động “qua lại vô hại” đó nhằm mục đích “thách thức các yêu sách chủ quyền quá mức và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến hàng hải do luật pháp quốc tế quy định”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng, đáng chú ý trên mặt trận thương mại.
Hoạt động song phương, đa phương
Hai tàu hải quân Hoàng gia Úc thăm Việt Nam. Ngày 7/5, hai tàu hải quân Hoàng gia Úc - HMAS Canberra và HMAS Newcastle - với hơn 800 thủy thủ, đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, mở đầu chuyến thăm thiện chí Việt Nam kéo dài đến ngày 10/5. Chuyến thăm cũng nằm trong khuôn khổ Chương trình nỗ lực Thái Bình Dương (IPE) năm 2019 được Úc tổ chức tại một số nước trong khu vực như: Sri Lanka, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia. Tàu HMAS Canberra và HMAS Newcastle sẽ giao lưu với Hải quân Nhân dân Việt Nam về hoạt động quản lý và điều hành tàu, giao hữu thể thao. Chương trình IPE được Úc tổ chức từ năm 2017 và đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Tàu tên lửa Quang Trung tham gia Diễn tập ADMM+. Chiều 8/5, Tàu 016 – Quang Trung đã rời Quân cảng Cam Ranh đi tham gia Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh biển và dự Triển lãm hàng hải quốc phòng châu Á 2019 (IMDEX 2019) tại Singapore. Đây là dịp để Tàu 016 – Quang Trung kết hợp tuần tra, trinh sát vùng biển phía Nam; huấn luyện đi biển đường dài; kiểm tra tình trạng vũ khí trang bị; nâng cao khả năng chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu trên biển của cán bộ kíp tàu; nâng cao khả năng phối hợp hoạt động với hải quân các nước.
Campuchia bác thông tin cho Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự. Trên mạng Facebook hôm 11/5, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat bác bỏ thông tin trên trang “War on The Rocks” rằng Campuchia cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại tỉnh Koh Kong, “Bài viết trên trang này là bịa đặt, khiến thế giới hiểu lầm đối với Campuchia. Hành động này tác động xấu đến hợp tác của Campuchia với các nhà đầu tư nước ngoài và tiềm năng du lịch.” Theo ông Chhum Socheat, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định Campuchia sẽ không cho phép căn cứ nước ngoài đặt trên lãnh thổ và hiến pháp sẽ không thay đổi để cho phép việc này.”