Động thái quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khẳng định Mỹ - Trung cần thúc đẩy sự tin cậy chiến lược. Trong cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Robert Bolton tại Nhà Trắng hôm 7/11, Chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại Trung ương Đảng ông Dương Khiết Trì khẳng định tin cậy chiến lược là vấn đề căn bản liên quan đến sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung - Mỹ; Trung Quốc sẽ cùng Mỹ nỗ lực thực hiện không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng. Hai bên cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực song phương như hợp tác quân đội hai nước, phòng chống khủng bố, thực thi pháp luật, giao lưu nhân văn, địa phương…; hợp tác trong các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước và nhân dân các nước trên thế giới. Về phần mình, ông Bolton cho rằng Tổng thống Trump mong muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20; Mỹ muốn cùng Trung Quốc tăng cường trao đổi và hợp tác, thúc đẩy đạt nhiều tiến triển và thành quả trong các vấn đề quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng.

Đài Loan cân nhắc cho tàu chiến Mỹ neo đậu ở Đảo Ba Bình. Tại Viện Lập pháp Đài Loan hôm 5/11, trả lời câu hỏi liệu tàu chiến Mỹ có thể được phép tiếp cận Đảo Ba Bình vì lý do nhân đạo hay an ninh hay không, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho hay, “Nếu như vì mục đích cứu trợ nhân đạo thì có thể chấp nhận. Nếu gây ra các quan ngại an ninh có thể tác động tới khu vực, chúng tôi sẽ cân nhắc. Tuy nhiên, điều này phải phù hợp với lợi ích của Đài Loan.”

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Trung Quốc xây dựng trạm quan trắc ở Trường Sa. Tại họp báo thường kỳ ngày 8/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

+ Philippines:

Philippines giải thích về việc chưa sử dụng Phán quyết. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/11, Người Phát ngôn Tổng thống Philippines ông Salvador Panelo cho hay: “Không bao giờ là quá muộn để khẳng định yêu sách ở Biển Đông vì Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines. Điều này phụ thuộc vào Tổng thống Duterte quyết định thời gian phù hợp để thảo luận tranh chấp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tổng thống Duterte có 6 năm để thực hiện điều này, trong khi mới đi được nửa nhiệm kỳ”. Khi được hỏi về thông tin Trung Quốc vận hành các trạm thời tiết trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, ông Salvador Panelo cho biết: “Bộ Ngoại giao Philippines sẽ thực hiện công việc của mình và đưa ra phản đối ngoại giao cần thiết.”

+ Indonesia:

Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của COC. Phát biểu tại Hội thảo của Trung tâm CSIS ở Jakarta hôm 6/11, lãnh đạo Ban Phát triển và Nghiên cứu Chính sách, Bộ Ngoại giao Indonesia ông Siswo Pramono khẳng định vai trò của COC trong việc giúp kiểm soát tình hình ở khu vực tranh chấp, “căng thẳng luôn tồn tại nhưng có thể được quản lý tốt hơn. Các quốc gia sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình.” Theo ông Pramono, “Trong COC, chúng tôi không hình thành các nguyên tắc, mà các nguyên tắc này được viện dẫn từ các nguồn luật pháp quốc tế khác, như UNCLOS.”

.........

Bản PDF tại đây