Bản PDF tại đây

 

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc ngang nhiên khánh thành hai ngọn hải đăng ở Trường Sa. Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 9/10 đã tổ chức lễ khánh thành hai ngọn hải đăng Hoa Dương và Xích Qua trên Đá Châu Viên thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 26/5, Trung Quốc đã động thổ xây dựng ngọn Hoa Dương hình trụ và ngọn Xích Qua hình nón với cùng chiều cao 50 mét, kết cấu bêtông cốt thép và chu kỳ chớp 8 giây. Hai hải đăng này sử dụng Hệ thống nhận dạng tự động và thiết bị liên lạc tần số rất cao VHF. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc lại lớn tiếng về vấn đề Biển Đông. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/10, về thông tin Mỹ sẽ triển khai tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Chúng tôi hết sức quan ngại về thông tin trên. Cần nói rõ rằng Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ nước nào vi phạm không phận và lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông dưới danh nghĩa duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không. Chúng tôi hối thúc các bên liên quan không có các hành vi khiêu khích, và hành động trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực.”

+ Philippines:

Philippines tố Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông. Bình luận về ý định của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, “Mục tiêu của họ là thực hiện tham vọng bành trướng cả về kinh tế và quân sự. Về kinh tế là bởi đang có cuộc cạnh tranh toàn cầu về tài nguyên. Về quân sự là bởi Trung Quốc đang cố gắng thiết lập các hành lang phòng thủ. Họ muốn có một lực lượng hải quân mạnh, để làm được điều đó Trung Quốc cần có một cái ao riêng. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã quyết tâm biến Biển Đông thành cái ao của riêng họ.” Khi được hỏi liệu Philippines có thách thức Trung Quốc về mặt quân sự ở Biển Đông hay không, Ngoại trưởng Rosario cho biết: “Chúng tôi thực sự cho rằng, luật pháp quốc tế là một giải pháp cân bằng tuyệt vời. Nếu Trung Quốc muốn trở thành một nhà lãnh đạo khu vực có trách nhiệm, họ phải tôn trọng luật pháp.”

+ Mỹ:

Mỹ cảnh báo hành vi xâm phạm tự do hàng hải ở Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị về biển ở Sydney, Úc hôm 6/10, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Scott Swift tuyên bố, “Tôi nhận thấy một số nước coi tự do trên biển là thứ có thể chiếm được, thứ có thể đem ra và định nghĩa lại bằng nội luật hay diễn giải lại luật quốc tế. Một số nước tiếp tục áp đặt những cảnh báo và hạn chế không cần thiết đối với quyền tự do hàng hải ở các vùng đặc quyền kinh tế của họ, cũng như tuyên bố về quyền trên biển trái với UNCLOS. Xu hướng này thực sự đã đi quá xa tại các vùng biển tranh chấp.” Theo ông Swift, “Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải đối với tất cả các nước, vì từ kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, chúng tôi biết rằng nếu buông lỏng trách nhiệm và nghĩa vụ này, nguy hiểm lớn hơn nhiều so với lợi ích của một quốc gia.”

Mỹ sắp điều tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Tờ Navy Times hôm 8/10 dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết Mỹ có thể sắp triển khai tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Động thái có thể diễn ra trong vài ngày tới, nhưng đang chờ chính quyền Tổng thống Barack Obama thông qua lần cuối. Kế hoạch cử tàu chiến mặt nước tới khu vực này đã được đồn đoán kể từ tháng 5. Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho hay động thái này có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới. Trong khi đó, phát biểu tại một hội nghị ở Washington hôm 9/10, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris từ chối cho hay về việc Mỹ có tiến hành kế hoạch này hay không, “Đơn giản là tôi sẽ không thảo luận về các hoạt động tương lai. Nhưng Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ các nước

Philippines cáo buộc Trung Quốc phá hoại môi trường biển. Một tổ chức phi chính phủ, do cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Roile Golez đứng đầu, hôm 7/10 đã đệ đơn lên Liên Hợp Quốc (LHQ) và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) yêu cầu điều tra hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong thư gửi Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner, ông Roile Golez viết, “Hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với các rạn san hô, đặc biệt ở khu vực đá Vành Khăn, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven và Tư Nghĩa.Ông Golez nhấn mạnh những thiệt hại đối với các rạn san hô này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 triệu dân, những người phụ thuộc vào Biển Đông, nơi chiếm 10% sản lượng hải sản thế giới.

Mỹ - Philippines tổ chức diễn tập tấn công đổ bộ. Ngày 8/10, với sự tham gia của 40 lính thủy đánh bộ của Philippines và Mỹ, cuộc diễn tập kéo dài 45 phút đã diễn ra ở bên trong cơ sở huấn luyện của Lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines phía Nam thủ đô Manila. Kịch bản diễn tập là các binh sỹ thực hiện một chiến dịch giải cứu trên một hòn đảo bị đối phương chiếm đóng. Đây là một phần trong khuôn khổ cuộc Diễn tập đổ bộ Philippines kéo dài 8 ngày, kết thúc vào ngày 9/10.

Mỹ tăng cường viện trợ cho các nước Đông Nam Á. Phát biểu trong một cuộc họp báo qua điện thoại từ Washington hôm 8/10, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William Brownfield cho hay: “Mỹ sẽ viện trợ hơn 100 triệu USD cho các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia để tăng cường năng lực chấp pháp trên biển.” Khoản viện trợ mới gấp bốn lần khoản cam kết viện trợ trị giá 25 triệu USD mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố vào tháng 12/2013. Theo ông Brownfield, “Hành động này là minh bạch và không có gì phải bí mật cả. Chúng tôi cũng nhận thấy có các vấn đề khác trong khu vực nhưng sự hỗ trợ sẽ tập trung vào lĩnh vực chấp pháp biển.”

Phân tích và đánh giá

Chiến lược sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông” của Brian Andrews

Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tiến hành mở rộng, cải tạo đảo đá với tốc độ, quy mô chưa từng có nhằm mục đích thúc đẩy kiểm soát thực tế của nước này ở Biển Đông. Tuy vậy, trên thực tế, chính sách của Trung Quốc là một sai lầm cả về chiến thuật và chiến lược. Trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy những sáng kiến như Con đường Tơ lụa trên biển, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á để tăng cường phát triển khu vực, những hành động của Trung Quốc lại gây ra những rạn nứt và làm xói mòn vị thế của nước này tại Đông Nam Á.

Về mặt chiến thuật, những đảo đá được cải tạo sẽ trở thành những vết thương lâu dài trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Năm 1974, khi Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Việt Nam đã không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, và 40 năm sau, tàu thuyền Việt Nam vẫn tiếp tục thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo này. Chẳng có lý do gì để tin rằng những cấu trúc mới xây kia sẽ không phải đối diện với những sự thách thức như vậy.

Những hành động của Trung Quốc còn khiến cho các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore và Brunei cố gắng mở rộng năng lực biển của mình. Dù không thể thách thức sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng những trang thiết bị mới của họ cũng sẽ làm tăng nguy cơ và chi phí cho các hành động của Trung Quốc trên biển.

Về mặt chiến lược, hành động của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực đặt câu hỏi về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2002, Trung Quốc đã cùng với ASEAN ký kết DOC, ngăn chặn những hành động cải tạo đảo đá và gia tăng hiện diện quân sự. Trung Quốc hiện nay thể hiện rõ sự không tôn trọng cam kết này và đang tìm cách phá hoại sự đoàn kết của ASEAN. Các nước trong khu vực rõ ràng cần đặt câu hỏi liệu họ có thể tin tưởng Trung Quốc. Dù các quốc gia Châu Á đều mong muốn có một mối quan hệ tích cực và ổn định với Trung Quốc, nhưng điều đó là không đủ nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục con đường hiện tại.

Trước ảnh hưởng rõ ràng của những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ và các đối tác cần nỗ lực xây dựng và mở rộng các cơ chế hợp tác song phương và đa phương ở Đông Nam Á. Những mối quan hệ như đối tác toàn diện, hợp tác quốc phòng, thỏa thuận thương mại, chia sẻ thông tin tình báo sẽ cung cấp những phương tiện để gắn kết quan hệ giữa các nước, cho phép các quốc gia trong khu vực có đủ sự tự tin để chống lại những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Liu ASEAN có th tn ti trong s cnh tranh ca các nưc ln ti Châu Á của Amitav Acharya

Ngày càng có nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách coi sự thay đổi chính trị của các cường quốc ở Châu Á như một thách thức đối với ASEAN.

Một số chuyên gia cho rằng ASEAN không đủ thế và lực để đối phó với những thay đổi đó. Những thể chế khu vực của ASEAN như ARF, ASEAN+3, ASEAN+6 và EAS dường như không mấy hiệu quả. Thuật ngữ “vai trò trung tâm của ASEAN”, và thậm chí cả sự tồn tại của nó, đang có nguy cơ bị xóa bỏ. 

Tuy nhiên, thách thức của ASEAN không phải là về môi trường bên ngoài mà là về năng lực và đoàn kết nội bộ của ASEAN. Thực tế môi trường bên ngoài lại đang củng cố vai trò an ninh của khối.

Quan điểm truyền thống về bản chất chính trị giữa các cường quốc cũng rất hữu ích, giúp ASEAN nhìn nhận vai trò của mình trong khu vực. Giáo sư John Mearsheimer lập luận rằng các cường quốc đang nổi phải bành trướng để tồn tại, thông thường họ kích động xung đột để tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực. Số khác lại cho rằng sự ổn định quốc tế phụ thuộc vào số lượng các cường quốc và sự phân bổ các khả năng giữa họ. Một hệ thống đa cực thường dễ bị bất ổn và có nguy cơ xung đột cao hơn so với hệ thống lưỡng cực hay đơn cực. Những viễn cảnh này chỉ ra một tương lai ảm đạm đối với ASEAN. Việc Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực, cho dù cưỡng chế hay ôn hòa, cũng là tin xấu đối với gần như toàn bộ khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả các bên tranh chấp Biển Đông. Một hệ thống đa cực bị chi phối bởi các cường quốc cũng không mang đến chút không gian “dễ thở” nào cho các quốc gia yếu và nhỏ hơn.

Tuy nhiên, ASEAN là một tổ chức đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu và quản lý xung đột ở khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, cụm từ “cạnh tranh giữa các nước lớn” là sai lầm. Hợp tác có ý nghĩa sâu rộng tồn tại ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Thuật ngữ đa cực cũng lỗi thời. Đặc điểm nổi bật của thế giới và Châu Á ngày nay không phải là đa cực mà là đa tầng. Chủ thể ở đây không phải là các cường quốc hay các quốc gia, mà còn là các thể chế quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia và các mạng lưới xuyên quốc gia. Một trật tự đa tầng được đánh dấu bằng các mối liên kết khu vực và toàn cầu phức tạp.

Hiện nay, không có sự thay thế cho quyền lực của ASEAN ở Châu Á. Các cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương không có khả năng lãnh đạo các thể chế khu vực Châu Á bởi vì thiếu lòng tin và thiếu tính hợp pháp. Sự cạnh tranh trở lại của các cường quốc chắc chắn hỗ trợ cho “vai trò trung tâm của ASEAN”.

ASEAN không thể tận dụng lợi thế này mà không có sự thống nhất hoặc lãnh đạo. Vì vậy, ASEAN cần phải giảm bớt chương trình nghị sự của mình để củng cố sức mạnh và tập trung vào những vấn đề cấp bách của khu vực Đông Nam Á. Là đạo diễn và người lên chương trình cho ARF và EAS, ASEAN cần tập trung sự chú ý vào vấn đề Biển Đông, bất kể Trung Quốc nói gì và tăng cường chia sẻ trách nhiệm với các cường quốc bậc trung trong các thách thức toàn cầu và khu vực.

“Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung không đạt được kết quả về vấn đề Biển Đông” của Nguyễn Hồng Thao

Trong cuộc họp báo chung hôm 25/9, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc vẫn duy trì những quan điểm khác nhau về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong khi Tổng thống Obama bày tỏ những quan ngại về tự do hàng hải hàng không,  các hoạt động bồi lấp phi pháp và quân sự hóa khu vực tranh chấp của Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông từ thời cổ đại cũng như các quyền và lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên, ông Tập khẳng định Bắc Kinh không theo đuổi tham vọng quân sự hóa Biển Đông và nhấn mạnh các nước liên quan cần giải quyết vấn đề thông qua đàm phán trực tiếp.

Từ phát biểu của các nhà lãnh đạo có thể rút ra vài điểm đáng lưu ý:

Một là, Trung Quốc sử dụng từ “các đảo” trong hai tuyên bố “các đảo trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại” và “hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên các đảo ở Trường Sa không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có cố tình đánh đồng các đảo nhân tạo với đảo tự nhiên, hay nói rộng ra là Bắc Kinh khẳng định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo thay vì hành lang an ninh 500m.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ luôn khẳng định Mỹ có quyền cho máy bay bay hoặc tàu lưu thông qua những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép. Quan điểm của Mỹ là tàu hoặc máy bay có thể áp sát khu vực 500m bao quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc thay vì 12 hải lý như phía Bắc Kinh đưa ra.

Hai là, ông Tập cam kết không theo đuổi tham vọng quân sự hóa ở Biển Đông. Tuy nhiên cùng ngày, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất đường băng trên đảo nhân tạo, động thái có thể làm tăng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Liệu sân bay này có nằm ngoài cam kết “không quân sự hóa” của ông Tập?

Bà là, ông Tập Cận Bình cũng đề xuất giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình và hợp tác để tăng cường lợi ích. Tuy nhiên, Trung Quốc không coi những khu vực Bắc Kinh đang cải tạo bất hợp pháp trên Biển Đông là khu vực tranh chấp.

Trung Quốc luôn thúc đẩy về “phát triển chung” và “cùng chia sẻ lợi ích thông qua hợp tác” nhưng Bắc Kinh đang tập trung sức mạnh để giành lấy những vùng lãnh thổ của nước khác mà Trung Quốc cho rằng họ bị “mất”. Ông Tập khẳng định Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ lợi ích trên Biển Đông nhưng phản đối mọi sự can thiệp của Mỹ vì cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần sự giải quyết trực tiếp của các nước có liên quan.

Nếu diễn giải từ các tuyên bố của cuộc gặp thượng đỉnh, liệu có thể kết luận rằng Bắc Kinh đang nhân nhượng hai điểm với Mỹ - đó là phi quân sự hoá và quyền tự do hàng hải - để đổi lại sự công nhận (hay ít nhất là hạn chế chỉ trích) của Washington đối với chủ quyền của Trung Quốc với các thực thể và đảo nhân tạo trên Biển Đông?

Luật Ngân sách Quốc phòng năm 2016 - Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan ở Biển Đôngcủa Ankit Panda

Hạ viện Mỹ đã thông qua những điều chỉnh mà Thượng viện đưa ra vào tháng 6 về Đạo Luật Uỷ quyền Quốc phòng (NDAA) Tài khóa 2016 mặc dù trước đó, Lưỡng viện Mỹ đã không đi đến thống nhất bởi sự khác nhau giữa hai phiên bản của đạo luật. Phiên bản NDAA 2016 lần này có những điểm trùng lặp với các phiên bản trước về chi tiêu quốc phòng và khẳng định sự hỗ trợ của Mỹ với Đài Loan. Tuy nhiên phiên bản năm nay lại đưa Đài Loan vào danh sách các nước nhận sự “hỗ trợ và huấn luyện” chủ động của Mỹ ở Biển Đông.

Nghị quyết 1261 của NDAA 2016 vạch ra một điểm mới: “Sáng kiến Biển Đông”. Sáng kiến này xuất hiện lần đầu trong phần về “Các Vấn đề Liên quan đến Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ghi nhận bộ trưởng quốc phòng được phép hỗ trợ và huấn luyện cho Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Singapore, và cuối cùng là Đài Loan vì “mục đích tăng cường an ninh biển và nhận thức về các vấn đề trên biển của các quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông”.

Đặc biệt, NDAA 2016 cho rằng “Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Đài Loan trong việc tích hợp các trang thiết bị hiện đại và bất đối xứng để cân bằng với năng lực quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc. Các loại vũ khí cần được tăng cường bao gồm tàu tấn công nhanh, tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, hệ thống tu sửa đường băng khẩn cấp, mìn tấn công và tàu ngầm để tối ưu hóa hệ thống quốc phòng Eo biển Đài Loan.”

Một lưu ý khác là trước đó đã có nhiều đồn đoán về việc sửa đổi trong phiên bản  NDAA của Hạ viện, bày tỏ ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 (xem Nghị quyết 1257). Tuy nhiên, với việc hải quân Trung Quốc chấp nhận lời mời của Mỹ tham gia RIMPAC 2016, điều này khiến cho phiên bản điều chỉnh của đạo luật, Nghị quyết 1257 đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng loại bỏ lời mời Đài Loan tham gia RIMPAC. Điều này có nghĩa là Đài Loan sẽ không nhận được lời mời tham gia RIMPAC 2016.

Mặc dù sự tham gia tập trận RIMPAC của Đài Loan đã bị loại bỏ nhưng nghị quyết 1263 của NDAA lại ghi nhận rằng “lực lượng quân sự Đài Loan cần được phép tham gia vào các hoạt động huấn luyện song phương do Mỹ thực hiện nhằm tăng cường khả năng răn đe của Đài Loan”./.