Bản PDF tại đây

+ Trung Quốc:

Giàn khoan Hải Dương-981 đến Myanmar hợp tác khai thác dầu khí. Cục hải sự Trung Quốc cho hay giàn khoan Hải Dương-981 xuất phát từ cảng Tam Á lúc 12 giờ ngày 1/1/2015, và di chuyển về hướng Singapore, đi qua các tọa độ 13.22.00N/110.50.00E; 07.30.00N/109.05.00E; 03.25.00N/ 105.40.00E. Theo báo chí Trung Quốc, giàn khoan này tới khu vực biển Myanmar để thực hiện hợp đồng thăm dò dầu khí mà hai nước đã ký trị giá 6 triệu USD. Trước đó, vào tháng 7/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã ra thông báo cho biết vào khoảng tháng 1/2015 sẽ đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực biển của Myanmar để thực hiện 2 lô dầu khí là AD-8 (có độ sâu 1.600 m), và lô AD-1 (với độ sâu 1.750m).

Trung Quốc điều tàu tiếp tế hiện đại ra Biển Đông. Ngày 5/1, tàu tiếp tế mới của Trung Quốc tên gọi Tam Sa I đã khởi hành từ đảo Hải Nam tới Tam Sa, bắt đầu chuyến đi phi pháp tới một loạt đảo tại Biển Đông. Tàu Tam Sa I với chiều dài 122 m, rộng 21 m, lượng giãn nước 7.800 tấn, sức chứa 456 người và có thể chở theo 20 toa moóc container tiêu chuẩn. Thời gian đi lại giữa Hải Nam và đảo Phú Lâm sẽ giảm từ 15 giờ xuống còn 10 giờ và Tàu Tam Sa I sẽ khởi hành mỗi tuần một chuyến theo lộ trình trên.

Trung Quốc thành lập 4 ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa. Ngày 6/1, Trung Quốc thành lập cùng lúc 4 Ban Vũ Trang Nhân của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” gồm Ban Vũ Trang Nhân Dân đảo Phú Lâm, Ban Vũ Trang Nhân Dân Thất Liên, một cụm gồm 7 đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ban Vũ Trang Nhân Dân của cụm Lưỡi Liềm, Ban Vũ Trang Nhân Dân của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Trung Quốc, các Ban này được thành lập nhằm cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Trung Quốc loan báo phát hiện dầu khí ở Biển Đông. Thông báo tối 6/1 của Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho hay tập đoàn dầu khí này tìm thấy trữ lượng dầu khí cỡ trung bình tại giếng Lăng Thủy 25-1. CNOOC nói giếng này có độ sâu 980 mét và có thể sản xuất trên 35 triệu feet khối/ngày. Trước đó, vào tháng 8 năm 2014, CNOOC đã tìm thấy một mỏ dầu khí lớn hơn cùng lưu vực có tên là Lăng Thủy 17-2 với khả năng sản xuất trên 56 triệu foot khối/ngày, nằm cách đảo Hải Nam chừng 150 km về hướng Nam.

Trung Quốc sắp hoàn tất việc cải tạo đất trên Đá Chữ Thập. Phát biểu trước báo giới hôm 6/1, Tướng Gregorio Catapang Jr, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines khẳng định: ”Khoảng 50% khối lượng công việc đã được hoàn tất”. Theo ông Catapang, đây là một sự kiện rất đáng báo động vì việc này có thể được sử dụng cho các mục đích khác ngoài mục đích hoà bình, và Manila đang theo dõi kỹ các diễn biến nhằm thay đổi hiện trạng này.

Trung Quốc trình làng tàu kéo giàn khoan khủng. Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Vũ Hán đã đóng mới con tàu này cho Công ty Shanghai Salvage theo hợp đồng trị giá gần 500 triệu NDT (khoảng 83 triệu USD). Tàu kéo giàn khoan Huahu có chiều dài 89,2 mét và chiều rộng 22 mét. Với lực kéo lên tới 296 tấn, con tàu này có thể kéo các giàn khoan nổi có trọng lượng vài nghìn tấn. Nó chủ yếu phục vụ trong công tác lai dắt, kéo các giàn khoan cũng như hỗ trợ hoạt động khoan dầu ngoài khơi ở Biển Đông.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chiều 8/1, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hiện Giàn khoan Hải Dương-981 đang đi trên Biển Đông và khẳng định: “Nhiệm vụ của các lực lượng chức năng Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.” Về việc Trung Quốc cung cấp các hình ảnh tại Đá Chữ Thập, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việc làm này của phía Trung Quốc đã vi phạm DOC, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông và không thay đổi được một thực tế là Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này”. Về việc Trung Quốc thành lập 4 bang vũ trang nhân dân ở Hoàng Sa hôm 6/1, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.”

+ Philippines:

Philippines chi 35 triệu USD mua sắm máy bay. Quân đội Philippines ngày 9/1 đã ký một thỏa thuận với hải quân Mỹ mua 2 máy bay vận tải C-130 để tăng cường khả năng phản ứng nhanh trong việc bảo vệ lãnh thổ và các chiến dịch nhân đạo. Phát ngôn viên của các lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Restituto Padilla cho hay: “Mỹ sẽ trợ giúp chúng tôi chi trả cho 2 máy bay này. Ngoài ra Bộ ngoại giao Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines khoảng 20 triệu USD trong Chương trình hỗ trợ tài chính quốc phòng nước ngoài.” Các máy bay vận tải, dự kiến sẽ được chuyển giao vào đầu năm tới, sẽ nâng tổng số máy bay vận tải C-130 của Philippines lên con số 5.

+ Indonesia:

Indonesia đánh chìm tàu cá Malaysia vì đánh bắt trái phép. Cảnh sát trưởng tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia Tướng Eko Hadi, cho biết cảnh sát tỉnh này đã đánh chìm chiếc tàu cá Malaysia biển số PKFA 7738 bằng chất nổ hôm 8/1 và hành động này đã được tòa án chấp thuận. Trong thông báo ra ngày 9/1, Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay Malaysia thừa nhận hành động của các nhà chức trách Indonesia là phù hợp với luật pháp và quy định của nước này, và hy vọng rằng giới chức trách Indonesia sẽ hành động với thiện ý tốt nhất cũng như đảm bảo sức khỏe của ngư dân Malaysia khi giải quyết với các sự cố tương tự trong tương lai.

Quan hệ các nước

Nhật Bản đề xuất hợp tác với Úc sản xuất tàu ngầm. Theo đề án Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất, Tokyo và Canberra sẽ phối hợp nghiên cứu phát triển vật liệu thép đặc biệt dùng cho tàu ngầm cũng như kỹ thuật liên quan đến vật liệu đặc biệt hấp thụ sóng âm, cùng xây dựng hệ thống sản xuất thân tàu. Phía Nhật Bản sẽ sản xuất và lắp ráp các bộ phận chủ chốt của thân tàu và phía Úc sẽ sản xuất một số linh kiện. Theo nhật báo Asahi, Úc đã có những phản ứng tích cực với đề án này và nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trong năm 2015. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản hợp tác với nước ngoài nghiên cứu, phát triển và sản xuất tàu ngầm.

Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia. Bộ Quốc phòng Indonesia và Cơ quan Sáng kiến Cải cách Quốc phòng Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác, xây dựng chiến lược quốc phòng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội Indonesia giai đoạn 2015 - 2019. Phát biểu trong lễ ký kết ngày 7/1, Thư ký Bộ Quốc phòng Indonesia, Tướng Ediwan Prabowo cho biết phía Mỹ sẽ cung cấp các thiết bị đầu vào có giá trị cho Bộ Quốc phòng, các cơ quan đầu não cũng như các lực lượng hải-lục-không quân của quân đội Indonesia. Trong kế hoạch hành động năm 2015, hai bên sẽ tập trung hợp tác tăng cường cải cách thể chế, bao gồm các dự án chiến lược, kế hoạch quốc phòng và phòng thủ tiềm năng ở cấp Tổng cục.

Tàu Trung Quốc đập phá tàu ngư dân Việt Nam. Theo thông tin của Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lúc 11h ngày 7/1/2015 tàu cá mang số hiệu QNg 96372TS do ông Lê Tân làm thuyền trưởng cùng 15 thuyền viên đang khai thác thủy hải sản tại tọa độ 16° 0 58’ Vĩ Bắc, 112° 12’ Kinh Đông trên khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 306 cùng một tàu lớn (không rõ số hiệu) uy hiếp, đe dọa cướp, phá toàn bộ ngư lưới cụ, trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 300 triệu đồng.

Phân tích và đánh giá

Căng thẳng biển Đông sẽ hạ nhiệt do giá dầu giảm?

Các chuyên gia nhận định rằng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ không được giải quyết nhưng có thể hạ nhiệt trong năm 2015, một phần là vì giá dầu giảm.

Robert Farley, giáo sư thuộc Đại học Kentucky, nhận định: “Giá dầu tiếp tục giảm sẽ khiến cho hoạt động khai thác năng lượng trên Biển Đông đem lại ít lợi nhuận, điều này có thể dẫn đến giảm căng thẳng trong khu vực”.

Giáo sư Dingding Chen thuộc Đại học Macau (Macau) nhất trí với nhận định của ông Farley, cho rằng có một sự tương quan giữa giá dầu và căng thẳng ở Biển Đông, “Tin vui đó là ... có thể việc giá dầu giảm sẽ khiến cho việc thăm dò và khai thác dầu mỏ ở Biển Đông không mấy hấp dẫn, từ đó giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với nước này trong ngắn hạn.”

Trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc, ông Nicholas Khoo dự báo quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và đồng minh Philippines, cụ thể là Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) vừa mới được ký kết, đã phần nào làm “mềm hóa” sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay kể từ khi EDCA được ký kết hồi tháng 4/2014, các tàu hải quân Trung Quốc tránh xa và không quấy rối tàu của Hải quân Philippines tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Khoo lưu ý: “Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng bàn về ý tưởng biến 2015 trở thành năm hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN”. Động thái này cho thấy có khả năng Trung Quốc và ASEAN sẽ đạt được thỏa thuận và đưa ra một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông trong năm 2015. Tuy nhiên, cũng theo ông Khoo, vẫn còn nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp trong năm 2015, ví dụ như vụ kiện của Philippines.

“Chính sách xoay trục phiên bản 2.0”

Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã đưa ra một báo cáo nhan đề “Pivot 2.0” kiến nghị các biện pháp để Chính phủ và Quốc hội Mỹ hợp tác duy trì sự can dự của Mỹ tại Châu Á trong năm 2016. Cụ thể, các kiến nghị như sau:

 i) Tổng thống nên bắt đầu ngay một chiến dịch nhằm có được sự ủng hộ của công chúng cũng như của quốc hội dành cho việc thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như cấp quyền xúc tiến thương mại (TPA) vào mùa hè 2015.

ii) Thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin mà Mỹ và Trung Quốc mới thống nhất gần đây và hướng tới một cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi cho việc xây dựng các thể chế khu vực – như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), cùng với đó là đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể khi Bắc Kinh thực hiện hành vi cưỡng ép hay không tôn trọng luật lệ.

iii) Xây dựng Báo cáo Chiến lược Đông Á, trong đó xác định rõ các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng; huy động nguồn kinh phí cần thiết cho hoạt động quân sự để sắp xếp lại lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương; và thông qua một nghị quyết ngân sách không ràng buộc, trong đó đề ra mức chi tiêu cao hơn mức trần ngân sách và chuẩn bị kĩ càng cho quá trình hòa giải (là quá trình lập pháp của Thượng viện Mỹ nhằm xem xét một dự thảo ngân sách nào đó).

iv) Cải thiện năng lực răn đe và quốc phòng của Mỹ - Hàn Quốc trước vũ khí tên lửa và tấn công mạng; giúp cải thiện quan hệ Nhật – Hàn Quốc; và lồng ghép vấn đề nhân quyền vào chính sách tổng thể dành cho Bắc Triều Tiên.

v) Bảo đảm rằng thỏa thuận khuôn khổ quốc phòng mới với Ấn Độ sẽ tạo ra tầm nhìn mới và rõ ràng hơn về tương lai hợp tác quốc phòng; lãnh đạo quốc hội cần quan tâm hơn tới quan hệ với Ấn Độ; tập trung vào việc nối lại đàm phán Thỏa thuận Đầu tư Song phương một khi Ấn Độ đưa ra mô hình đã được sửa đổi của họ; bổ nhiệm Ashton Carter vào chức vị bộ trưởng quốc phòng để tạo động lực cho quan hệ quốc phòng; và mở rộng sự phối hợp giữa Mỹ-Ấn Độ tại Châu Á, bao gồm cả vấn đề Afghanistan

vi) Tăng cường hỗ trợ cho hoạt động thiết lập dân chủ trước thềm bầu cử năm 2015 tại Myanamar; thể chế hóa hơn nữa Hiệp định đối tác Toàn diện Mỹ-Indonesia; sắp xếp một chuyến thăm của tổng thống tới Việt Nam; và huy động sự hỗ trợ của khu vực cũng như quốc tế cho vụ kiện của Philippinesphản phản đối đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Malaysia và Biển Đông: Liệu Kuala Lumpur có từ bỏ chính sách phòng ngừa?của Nguyễn Hữu Túc.

Khi đảm nhận chiếc ghế chủ tịch của ASEAN trong năm 2015, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Malaysia đó là giải quyết vấn đề Biển Đông, mà trong đó Malaysia cũng là một trong sáu bên có yêu sách. Tuy nhiên, liệu Malaysia có thể đạt được bước đột phá nào không khi mà nước này vẫn luôn luôn đặt việc duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình.

Trong một vài tháng qua, để đối phó với hành vi quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Malaysia đã cố gắng đẩy mạnh những nỗ lực của mình để hợp tác với các bên có yêu sách khác tại Biển Đông, trong đó có Brunei, Philippines và Việt Nam để cùng xây dựng một chính sách chung cho vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Malaysia cũng công bố các kế hoạch tăng cường năng lực của riêng mình.

Tuy nhiên, Malaysia vẫn đang áp dụng một cách tiếp cận tương đối an toàn trong tranh chấp Biển Đông. Kuala Lumpur dường như không muốn đánh đổi quan hệ vốn nồng ấm với Trung Quốc bằng việc liều lĩnh gây ra một cuộc đối đầu kiểu như những gì đã xảy ra giữa Trung Quốc với Philippines và Trung Quốc với Việt Nam.

Như tờ Wall Street Journal đã ghi nhận, quan hệ Malaysia và Trung Quốc vẫn tốt đẹp bất chấp thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, bao gồm cả tại vùng biển mà Malaysia có yêu sách, là bởi lý do hai nước này xa xôi về mặt địa lý và có sợi dây ràng buộc kinh tế mật thiết.

Trung Quốc và Malaysia không chỉ là những đối tác thương mại quan trọng của nhau mà quan hệ giữa hai bên còn ngày càng tốt đẹp qua từng năm. Malaysia là quốc gia ASEAN đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc tại thời điểm mà các quốc gia ASEAN khác còn đang quan ngại về những mối đe dọa tới từ Bắc Kinh. Kể từ đó, cộng đồng người Hoa tại Malaysia đã có vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối thương mại cũng như trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia.

Vậy, chính sách Biển Đông của Malaysia trong thời gian tới sẽ như thế nào? Việc cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực luôn luôn là một thách thức không chỉ của riêng Malaysia mà còn của các quốc gia ASEAN khác. Thất bại của các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia năm 2012 vẫn còn hiển hiện.

Chính phủ của Thủ tướng Najib nhiều khả năng sẽ không mô phỏng theo cách tiếp cận có tính đối đầu của Việt Nam và Philippines trừ khi Trung Quốc quyết định đi quá giới hạn bằng việc khẳng định quyền đối với các đảo và rạn san hô mà phía Malaysia cũng có yêu sách. Về phần mình, Trung Quốc sẽ đủ khôn ngoan để kiểm soát sự quyết đoán trong vấn đề Biển Đông để tránh việc đẩy Malaysia, một đối tác quan trọng tại Đông Nam Á, vào thế tiến thoái lưỡng nan, ít nhất là trong năm mà Malaysia nắm giữa chiếc ghế chủ tịch luân phiên.

Như Thủ tướng Najib đã tuyên bố rõ ràng trong bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La 2011, đó là dù cho Malaysia vẫn duy trì “cam kết tuyệt đối với lập trường chung của ASEAN” trong quan hệ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng nước này “cũng có quyết tâm không kém trong việc đảm bảo rằng quan hệ song phương không bị ảnh hướng và, mối quan hệ này tiếp tục ngày càng lớn mạnh”.

Do đó, bất chấp những nghi ngại về ý đồ của Trung Quốc và áp lực từ phía các quốc gia khu vực khác, Malaysia sẽ không từ bỏ chính sách phòng ngừa của họ trong năm mà họ giữa chiếc ghế chủ tịch ASEAN.

“Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để đối phó với Mỹ?” của Atul Aneja.

Một số nhà phân tích cho rằng lý do để Trung Quốc muốn ôm trọn Biển Đông không phải là nguồn tài nguyên dầu khí tại đây mà là nhằm phục vụ cho chiến lược lâu dài của Trung Quốc để đối phó với Mỹ, dựa trên học thuyết hạt nhân của nước này. Việc bảo vệ lực lượng hải quân, đặc biệt là nhóm tàu ngầm hạt nhân với vai trò giúp Trung Quốc có khả năng tiến hành đòn đáp trả và đảm bảo khả răn đe với Mỹ, dường như là lý do có sức thuyết phục hơn cho việc Bắc Kinh muốn ngăn cản các đối thủ tiếp cận tới Biển Đông.

Chỉ đến gần đây Trung Quốc mới sở hữu các tên lửa đạn đạo JL-2 có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm hạt nhân lớp JIN, tầm bắn 7.350 km. Một trang web quân sự của Nga cho biết khả năng thực hiện đòn đáp trả của Trung Quốc cũng đang được tăng cường với sự phát triển các tên lửa có tầm bắn xa 11.000 km, sẽ được bố trí trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Tang (096). Để có khả năng răn đe đáng tin cậy, những tàu ngầm và vũ khí có tầm bắn liên lục địa này cần phải được bố trí gần hơn để có thể bảo vệ tuyệt đối vùng bờ biển của mình.

Trên tạp chí Diplomat gần đây, chuyên gia Nhật Bản Tetsuo Kotani chỉ ra rằng chính vì nhu cầu bảo vệ lực lượng tàu ngầm hạt nhân quý giá trước một cuộc tấn công tầm gần của Mỹ, đặc biệt là từ lực lượng chống tàu ngầm chuyên dụng, khiến Trung Quốc nhắm tới tham vọng muốn thống trị Biển Đông. Việc bảo vệ căn cứ tàu ngầm dưới nước tại Đảo Hải Nam, với các lớp phòng thủ và yểm trợ trên không, bây giờ có nghĩa rất quan trọng cho nước này.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng đã phản ứng tương tự với Mỹ bằng cách thống trị Biển Okhotsk để bảo vệ khả năng thực hiện giáng trả thứ hai của mình. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô lúc đó triển khai 100 tàu ngầm, cùng 140 tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Kiev, để bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề hơn Liên Xô thời bấy giờ. Bởi vì không giống như Biển Okhotsk, Biển Đông là một tuyến đường hàng hải quốc tế rất tấp nập, và là một trong những tuyến huyết mạch chính của nền kinh tế và thương mại toàn cầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phần còn lại của thế giới.

Biển Đông 2015 có thể lạc quan, nhưng nên thận trọngcủa Richard Javad Heydarian.

Năm nay, Philippines sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, tại đó các nhà lãnh đạo của nước này sẽ có thể tiếp đón những người đồng cấp phía Trung Quốc, cụ thể là Chủ tịch Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị. Đây có thể sẽ là cơ hội để phục hồi quan hệ giữa 2 nước sau những tranh chấp "căng thẳng" trên Biển Đông và “cuộc chiến pháp lý” tại La-Hay. Hai bên sẽ khó có thể ký kết được một thỏa thuận quan trọng nào bên lề Hội nghị APEC, tuy nhiên, mục tiêu chính tại APEC đó là tạo tiền đề cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên sau khi Tổng thống Benigno Aquino rời nhiệm sở vào năm năm 2016, mở đường cho một nhà lãnh đạo mới thực dụng hơn, ví dụ như Phó Tổng thống Jejomar Binay lên thay. Ngay cả một ứng cử viên tổng thống tương lai khác, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Nội vụ ông Manuel “Mar” Roxas, một nhà cựu tư bản, cũng sẽ tìm cách hồi sinh mối quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư với Trung Quốc vốn đang gần như tê liệt. Philippines là quốc gia duy nhất tại Đông Á không có tên Trung Quốc trong danh sách các đối tác thương mại lớn của mình, điều này cho thấy quan hệ kinh tế giữa Philippines-Trung Quốc vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển.

Bên cạnh đó, cũng có tín hiệu khả quan cho ASEAN trong năm 2015. Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015 đó là Malaysia - một quốc gia năng động, không giống với Brunei, nước Chủ tịch trong năm 2014. Malaysia đang ngày càng thể hiện sự lo ngại đối với hoạt động tuần tra bành trướng chưa từng có của các tàu bán quân sự, các hoạt động xây dựng và hoạt động diễn tập hải quân của Trung Quốc trên Biển Đông. Không có gì thắc mắc khi Malaysia đang tự bảo vệ mình với việc cải thiện khả năng răn đe trên biển tại vùng thềm lục địa và vùng EEZ của họ. Không chỉ vậy, không giống như Việt Nam và Philippines, Malaysia đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp và gần gũi với Trung Quốc. Điều này sẽ mang lại cho Malaysia một sự kết hợp độc đáo giữa các sáng kiến cùng với vốn liếng ngoại giao để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

Nhìn chung, có nhiều lý để có thể lạc quan một cách thận trọng về khả năng năm nay sẽ đánh dấu một cột mốc ngoại giao mới trong vấn đề Biển Đông. Đây là thời điểm ASEAN cần phải đương đầu với thách thức và ngăn chặn một cuộc xung đột lãnh thổ âm ỉ có thể làm xói mòn sự ổn định khu vực. Nhưng tất cả còn phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của Trung Quốc – sức mạnh lớn nhất tại Châu, liệu họ có chấp nhận đặt lợi ích của tất cả lên trên thay vì theo đuổi một cuộc chơi bên được bên mất nhằm giành giật lợi thế chiến lược tại Biển Đông hay không?