Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiếp tục phản đối vụ kiện của Philippines. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/12, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Việc Philippines đơn phương khởi xướng vụ kiện ở Biển Đông là sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp. Đây thực chất không phải hành động giải quyết tranh chấp mà nỗ lực xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Về vấn đề này, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ giải pháp mang tính áp đặt hoặc việc giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba.”

Trung Quốc đề nghị Nhật Bản thận trọng trong vấn đề Biển Đông. Trong cuộc họp tại Bắc Kinh với đoàn đại biểu Nhật Bản do ông Sadakazu Tanigaki, Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do dẫn đầu hôm 4/12, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Du Chính Thanh cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải “cẩn trọng” khi nói về vấn đề Biển Đông. Về các hoạt động xây dựng trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông Du cho rằng hoạt động này được thực hiện “trên lãnh thổ của Trung Quốc và là điều bình thường” đồng thời đề nghị “Nhật Bản không nên phản ứng quá mức. Trung Quốc và Nhật Bản phải thận trọng trong lời nói cũng như hành động, đồng thời duy trì các nguyên tắc để không trở thành mối đe dọa của nhau.”

+ Việt Nam:

Ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết ở Trường Sa. Theo thông tin ban đầu Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu nắm được, ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ngày 26/11 tại khu vực biển gần đảo Suối Ngọc. Đây là khu vực biển lâu nay ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt bình thường chưa bao giờ có sự việc bị tàu nước ngoài tấn công hay xua đuổi. Tuy nhiên vào ngày 28/11 tàu cá QNg 95861 đang đánh bắt hải sản thì bất ngờ bị một tàu nước ngoài áp sát. Một nhóm khoảng 5 người có vũ trang đã nhảy lên tàu, trấn áp và bắn chết ngư dân Bảy. Ngày 1/12, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc tàu cá QNg 95861 TS bị tấn công ở khu vực quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven Biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam.

+ Philippines:

Philippines tin tưởng vào vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines bà Abigail Valte hôm 30/11 cho biết: “Chúng tôi đã trình bày tất cả các lý lẽ để chứng minh điểm mấu chốt trong vụ kiện của chúng tôi, đó là đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở nào trong luật quốc tế. Chúng tôi đã có một vụ kiện có lợi và hy vọng rằng sau phiên tòa này chúng tôi sẽ có thể nhận được một quyết định từ tòa án trong khoảng sáu tháng tới. Theo bà Valte, “Vấn đề không chỉ là chuyện lãnh thổ, mà là việc đứng lên bảo vệ điều đúng đắn một nơi thích hợp.” Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đề cao vai trò của luật pháp quốc tế như một  “cán cân điều tiết hữu hiệu” duy trì sự công bằng giữa các nước dù lớn hay nhỏ, “Những hành động đơn phương của Trung Quốc và một bầu không khí đe dọa do Bắc Kinh tạo ra bấy nay đang xâm hại đến quyền và lợi ích của nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa. Ông Albert Del Rosario cũng chỉ ra những hoạt động cải tạo đảo xây dựng của Trung Quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng tới môi trường biển của một trong những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tin tưởng các quyết đinh của PCA sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông.

+ Mỹ:

Hải quân Mỹ khẳng định quyền tự do hàng hải. Phát biểu với các nhà báo Hàn Quốc đang đi thăm tàu USS Lassen tại căn cứ Yokosuka ngày 1/12, Người phát ngôn hải quân Mỹ Ron Flanders nhấn mạnh, “Tự do hàng hải là nguyên tắc căn bản nhất để phát triển lực lượng hải quân trên phạm vi toàn cầu. Đừng ngạc nhiên nếu Hải quân Mỹ triển khai các hoạt động tự do hàng hải tại Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và các vùng biển khác. Đây là biện pháp nhằm bảo đảm các bên đều tuân thủ luật pháp quốc tế.” Được hỏi về việc trao đổi liên lạc giữa tàu USS Lassen và các tàu chiến Trung Quốc khi  tàu chiến USS Lassen đi quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông vào tháng 10 vừa qua, ông Flanders tỏ ra thận trọng khi cho rằng đây là hoạt động mang tính chuyên môn, “Các tàu hải quân hiểu rõ về nguyên tắc tự do đi lại. Hải quân Trung Quốc cũng triển khai các hoạt động tự do hàng hải. Lực lượng hải quân Mỹ “sẽ đi tới bất cứ nơi nào theo mệnh lệnh, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Quan hệ các nước

Tòa cho Bắc Kinh 1 tháng để phản biện trong vụ kiện Biển Đông. Vòng điều trần thứ hai của Tòa Trọng tài Thường trực La-Hay về vụ kiện của Philippines đã kết thúc vào ngày 30/11, sau 5 ngày nghe phái đoàn Manila trình bày luận cứ. Trong một bản thông cáo, PCA đã tóm tắt các luận cứ đã được phái đoàn Philippines trình bày, đồng thời xác định rằng Manila có thể tiếp tục bổ sung tài liệu và trả lời các câu hỏi của Tòa trong phiên điều trần dự trù vào ngày 18/12. Đối với Trung Quốc, dù nước này tuyên bố không tham gia vụ kiện, PCA vẫn dành cho Bắc Kinh cơ hội phản biện bằng văn bản và gửi đến tòa trước ngày 1/1/2016. Cũng trong thông cáo báo chí trên, Tòa Trọng tài ghi nhận lập luận của Philippines rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nhân danh chủ quyền lịch sử hoàn toàn đi ngược lại với UNCLOS 1982.

Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đến Ấn Độ tập trận. Người phụ trách bộ phận thông tin - báo chí Quân khu miền Đông của Nga, Đại tá Roman Martov cho biết đội tàu trên gồm tuần dương hạm Varyag, khu trục hạm Bystryi, tàu chở dầu Boris Bytom và tàu kéo Alatau. Theo ông Martov, Chuyến thăm Ấn Độ và cuộc tập trận Indra Navy-15 sẽ kéo dài từ ngày 6-12/12. Cuộc tập trận sẽ được tiến hành cả trên đất liền và trên biển. Mục đích cơ bản của tập trận là hoạch định và hoàn thiện khâu tổ chức cũng như tiến hành hoạt động chung trên biển.

Hội thảo về cân bằng chiến lược ở Biển Đông. Chiều 1/12, tại thủ đô Canberra của Úc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Canberra đã phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề: “Cộng đồng quốc tế và cân bằng chiến lược ở Biển Đông.” Hội thảo thu hút gần 60 người tham dự, trong đó có 4 diễn giả chính là những chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á và Biển Đông. Cả bốn diễn giả đều nhất trí rằng Biển Đông đang phải đối mặt với cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc liên quan đến các quốc gia yêu sách và các cường quốc có lợi ích ở khu vực. Khu vực này chưa có sự cân bằng chiến lược hiệu quả cũng như các cơ chế để giúp tạo sự cân bằng. Thách thức đối với cộng đồng quốc tế hiện nay là làm thế nào để kiểm soát hành vi của Trung Quốc, trong khi các cường quốc khác hoặc là thiếu năng lực hoặc không muốn trực tiếp tham gia các cuộc tranh chấp này.

Đối thoại đối tác chiến lược Việt - Nhật lần thứ 6. Ngày 4/12 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã tiến hành Đối thoại Đối tác chiến lược Việt - Nhật lần thứ 6. Hai bên đã trao đổi ý kiến về chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh của mỗi nước, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Phân tích và đánh giá

Tranh chấp Biển Đông - FONOP thôi chưa đủ, Mỹ cần phải thực tế và tích cực trong vai trò trung lập” của Alex Calvo

FONOP (Freedom of Navigation Operations) thực sự là một trong những trụ cột cùng với hệ thống kinh tế tự do thời hậu chiến và Mỹ vẫn dựa vào đó để triển khai lực lượng của mình. Do đó, việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc thông qua FON (Freedom of Navigation) thực chất là mục tiêu chính sách quan trọng và trên thực tế các quốc gia biển khác cũng ủng hộ hoạt động này. Tuy nhiên, chúng ta phải tự hỏi liệu đó có phải là chính sách toàn diện?

Dù FON có trở thành hoạt động thường kỳ hay không và hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc không cản trở hoạt động lưu thông của tàu quân sự và tàu thương mại, thì chúng ta vẫn sẽ chỉ lừa dối chính bản thân khi cho rằng sẽ không có hệ quả gì nếu như không ngăn chặn Bắc Kinh. Trước tiên, việc mở rộng các đảo nhân tạo có thể gây thêm nhiều khó khăn cho Mỹ hoạt động trong khu vực nếu xảy ra tình trạng chiến tranh. Tiếp đến là với việc bỏ qua hành vi vũ lực trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 502 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có nguy cơ trở thành các quy định vô giá trị. Về vấn đề này, việc trung lập trong tranh chấp lãnh thổ có thể diễn giải theo hai hướng. Đến thời điểm hiện tại, trong vấn đề Biển Đông, trung lập nghĩa là Mỹ sẽ không đứng về bên nào về vấn đề yêu sách. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn phù hợp. Lực lượng của Philippines vẫn bám chốt trên tàu BRP Sierra Madre để bảo vệ bãi Cỏ Mây trước những hoạt động ngăn chặn tiếp tế của đối phương. Tuy nhiên, với sức mạnh của Trung Quốc, chiến lược này có thể sẽ không còn đủ khả năng duy trì. Ngoài ra, dù giữa Mỹ và Philippines có Hiệp ước Phòng thủ Chung cũng như sự hỗ trợ về năng lực, Mỹ hiện vẫn chưa thể hiện với Trung Quốc rằng việc đánh chiếm bãi Cỏ Mây sẽ được xem như là hành vi tấn công vào lãnh thổ của Philippines. Điều này sẽ tăng nguy cơ hiểu nhầm và va chạm.

 

Như vậy cần phải có một chính sách thay thế, đó chính là đan xen lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vào lực lượng của Philippines, đồng thời tuyên bố dứt khoát dù không đứng về bên nào trong vấn đề lãnh thổ nhưng Mỹ vẫn xem bãi Cỏ Mây (cùng các thực thể tranh chấp khác thuộc kiểm soát của Philippines) thuộc Hiệp ước Phòng thủ Chung. Tiếp theo Mỹ cần phải tích cực ngăn chặn hành vi thay đổi hiện trạng đồng thời kêu gọi các biện pháp hòa giải mà Mỹ ủng hộ, như tòa trọng tài. Tóm lại, Mỹ cần chuyển từ trung lập bị động sang chủ động; từ tuyên bố giải quyết hòa bình phù hợp luật quốc tế sang hỗ trợ đóng băng hiện trạng.

“Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì coi thường vụ kiện trọng tài về Biển Đông” của Greg Torode Manuel Mogato

Ngày 1/12, Trung Quốc tiếp tục bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines. Người phát ngôn Trung Quốc gọi hành động của Philippines là “một sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp, không phải là một nỗ lực giải quyết tranh chấp mà là một mưu toan phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông,” vụ kiện đó sẽ “không đi đến đâu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia hầu như đều cho rằng Trung Quốc sẽ phải “trả giá” trên trường quốc tế, nhất là khi tòa quốc tế phán quyết có lợi cho Manila.

Theo các chuyên gia pháp lý, giả thuyết về khả năng Philippines chiến thắng đã được dự báo từ đầu, khi PCA xem xét về thẩm quyền của mình, và đã công bố những luận cứ bác bỏ lý lẽ Trung Quốc đưa ra nhằm phủ nhận thẩm quyền của toà án quốc tế. Một khi Tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines, Trung Quốc sẽ phải chịu những sức ép nặng nề về cả phương diện ngoại giao lẫn pháp lý, vì nếu xem nhẹ kết luận của định chế trọng tài quốc tế, Trung Quốc sẽ bị “khắc họa” như là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế.

 Khi Philippines bắt đầu thủ tục pháp lý chống Trung Quốc vào năm 2013, ít ai chú ý đến vụ kiện, ngoại trừ các nước bị Trung Quốc trực tiếp chèn ép, hay các cường quốc có quan tâm đến Biển Đông như Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, dần dần nhiều quốc gia Châu Á đã bắt đầu chú ý hơn và ngày càng tỏ thái độ ủng hộ tiến trình pháp lý do Manila khởi xướng. Một số quốc gia đã yêu cầu được làm quan sát viên theo dõi vụ kiện là Việt Nam,  Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và gần đây nhất là Anh. Mỹ đã lên tiếng ủng hộ vụ kiện. Còn vào tháng 10 vừa qua, nhân viếng thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khuyến khích Trung Quốc chấp nhận ra trước tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Theo một chuyên gia, nếu phán quyết của PCA chống lại những điểm chính trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì chắc chắn các nước phương Tây sẽ có một sự thống nhất về lập trường và sẽ gây áp lực trên Trung Quốc, cả trong những cuộc họp song phương lẫn trên các diễn đàn quốc tế. Theo đó, “các nước khác sẽ sử dụng phán quyết như một cây gậy để đánh Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại nhạy cảm với toàn bộ vấn đề này như vậy”.  Việc Philippines thắng kiện Trung Quốc về Biển Đông sẽ góp phần thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận các chuẩn mực pháp lý quốc tế trong khu vực vốn cực kỳ quan trọng cho tuyến vận tải đường biển này.

Đánh giá vai trò chủ tịch ASEAN của Malaysia” của Sanchita Basu Das

Malaysia đã kết thúc nhiệm kỳ của mình bằng việc tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Malaysia chính là một trong những quốc gia thúc đẩy rất mạnh mẽ cho những sáng kiến phát triển hợp tác kinh tế thương mại khu vực. Tuy nhiên vẫn có một số hạn chế trong năm chủ tịch của Malaysia.

Dù ASEAN tuyên bố đã đạt được trên 90% mục tiêu của ACE, nhưng dường như điều này vẫn chưa mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Các doanh nghiệp vẫn phàn nàn về những quy định chồng chéo gây tổn thất cho họ khi thực hiện hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia. Người dân vẫn cho rằng các sáng kiến của ASEAN sẽ tăng thêm thu nhập và cơ hội việc làm cho họ. Cộng đồng quốc tế ngày càng công nhận vai trò của ASEAN, điều này được thể hiện khi có đến 70 đại sứ tại ASEAN được các quốc gia bổ nhiệm, cũng như việc thường xuyên mời tổng thư ký ASEAN và chủ tịch ASEAN tới dự các cuộc họp của G20. Tuy nhiên, năm chủ tịch ASEAN của Malaysia lại thiếu đi những sáng kiến và ý tưởng mang tính đột phá.

Về vấn đề Biển Đông, Malaysia đã không đáp ứng được kỳ vọng về việc đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia ASEAN với Trung Quốc. Dù đã thể hiện quyết tâm nhằm đưa ra những tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông nhưng ASEAN đã không thể đưa ra một tuyên bố chung trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào tháng 11. Lý do được cho là việc Trung Quốc tìm cách ngăn cản việc đề cập đến các hành vi của nước này trong vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc có các mối quan hệ kinh tế rất khăng khít với các quốc gia ASEAN, trong đó có cả Malaysia.

Tuy nhiên cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Malaysia. Hoạt động của ASEAN theo cơ chế ra quyết định đồng thuận và do đó bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bác bỏ một vấn đề hay quyết định mà khối muốn đưa ra. Như vậy, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên, cụ thể trong trường hợp này là Malaysia, chỉ đơn thuần là người điều phối, không thể chuyển hóa các mục tiêu của khối thành hiện thực nếu như có bất kỳ một quốc gia nào phản đối.

“Thế cân bằng quyền lực tại Châu Á – Thái Bình Dương: Nhìn rộng bàn cờ ra ngoài quan hệ Trung Mỹ” của Xenia Wickett, John Nilsson-Wright, Tim Summers

Về bối cảnh, hiện nay có rất nhiều dự đoán về cân bằng quyền lực tại Châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu xoay quanh sự phát triển của quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cách nhìn này quá đơn giản, không tính tới đầy đủ các nhân tố khác như Nhật, Ấn Độ… Cách tư duy “lưỡng cực” này không chỉ tạo ra rủi ro đối với các quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương mà còn có khả năng kích hoạt lại tư duy chiến tranh lạnh.

Về một số dòng tư duy chính tại Châu Á Thái - Bình Dương hiện nay: (i) Sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là nguyên nhân sâu xa của mọi sự thay đổi ở khu vực. Trong đó cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ trở nên ngày càng gay gắt; (ii) Sự thay đổi cán cân quyền lực tại Châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu diễn ra giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển; (iii) Tại Châu Á - Thái Bình Dương đang hình thành các trung tâm quyền lực khác nhau, nhưng không trung tâm nào có vị thế độc tôn; (iv) Châu Á là của người người Châu Á, do người Châu Á quản lý; (v) Sự năng động của khu vực được dẫn dắt bởi các mối quan hệ đối tác dựa trên các giá trị chung.

Về đánh giá tình hình khu vực trên các khía cạnh cụ thể: (i) Về quân sự: các mô hình sức mạnh truyền thống đang giảm dần vai trò trong bối cảnh các công cụ chiến tranh khác như chiến tranh mạng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đầu tư vào sức mạnh cứng vẫn là xu hướng ngày càng nổi bật ở khu vực. (ii) Về kinh tế: Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang giảm. Mỹ sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới. Tương lai của Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có nhiều ẩn số, phụ thuộc lớn vào chương trình cải cách “ba mũi tên’ của Thủ tướng Abe. Kinh tế Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn so với 3 nền kinh tế hàng đầu, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang dần vượt Trung Quốc. (iii) Dân số: Nhật, và tương lai là Trung Quốc phải đối mặt với các thách thức lớn từ già hóa dân số và mất cân bằng về giới. Dân số Mỹ đã bắt đầu già hóa, nhưng với tốc độ chậm, còn Ấn Độ đang có lợi thế dân số trẻ.

Về một số đặc điểm dự đoán của Châu Á - Thái Bình Dương năm 2030: (i) Các thay đổi ở khu vực sẽ diễn ra nhanh hơn và ẩn chứa nhiều bất trắc hơn, làm phức tạp quá trình chuyển đổi cán cân quyền lực giữa các cường quốc ở khu vực. Đáng chú ý, khả năng kiểm soát thông tin sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Thách thức tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng lớn. (ii) Quyền lực sẽ bị phân tán giữa các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. (iii) Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở nên phức tạp hơn, khó dự đoán hơn. Điều này khiến mọi quyết định đều tiềm ẩn tính bất trắc cao và có thể dẫn tới sự chần chừ trong việc đưa ra quyết sách của các quốc gia. (iv) Các quốc gia, công ty và các chủ thể khác ở khu vực sẽ ngày càng trở nên tùy thuộc lẫn nhau.

Về dự đoán cán cân quyền lực tại Châu Á - Thái Bình Dương năm 2030: Các quốc gia sẽ phải trở nên linh hoạt hơn và có tính thích ứng cao hơn, bao gồm cân bằng giữa đầu tư vào quốc phòng và đầu tư vào các lĩnh vực khác, xây dựng các mối quan hệ “đối tác” với các chủ thể phi nhà nước. Môi trường tại khu vực sẽ có đặc điểm phân tán quyền lực, theo đó không một hoặc hai cường quốc nào có vị thế vượt trội, mà sẽ tồn tại tình trạng có nhiều chủ thể có thể gây ảnh hưởng lên các vấn đề ở khu vực.

"Mô hình ưu tiên kinh tế có thể làm dịu căng thẳng Biển Đông" của Nophakhun Limsamarnphun

Nhằm giải quyết xung đột Biển Đông, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surakiart Sathirathai đã đưa ra ý tưởng: để vấn để lãnh thổ cho các thế hệ tương lai, đồng thời chuyển trọng tâm tập trung vào tiềm năng về lợi ích thương mại và kinh tế, những lĩnh vực này có thể xuất phát từ hoạt động phát triển chung tại các vùng có yêu sách lãnh thổ chồng lấn.

Thái Lan có lẽ đang cân nhắc tới việc tổ chức một cuộc hội thảo cho tất cả các bên yêu sách. Có thể Thái Lan sẽ đề xuất mô hình của Hiệp định Vùng Phát triển Chung giữa Thái Lan và Malaysia đã được thực hiện trong 25 năm qua làm một mô hình  chia sẻ và phát triển chung nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng yêu sách chồng lấn giữa các quốc gia. Thỏa thuận giữa Thái Lan và Malaysia là nhằm mục đích thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên phi sinh vật trong vùng chồng lấn vì lợi ích chung của hai bên. Vùng chồng lấn này hiện đang được Cơ quan Thầm quyền chung Malaysia – Thái Lan về khai thác và sản xuất dầu khí quản lý.

Hiệp định Vùng Phát triển chung giữa Myanmar và Bangladesh gần đây là một minh chứng khác cho cách tiếp cận hoà bình và không đối đầu. Trong khi lập luận ủng hộ cho cách tiếp cận này vẫn còn dang dở thì các lợi ích địa chính trị vẫn là một rào cản lớn cho cách tiếp cận này.

Theo ông Surakiart thì các bên yêu sách phải kiên nhấn và tuân thủ luật pháp để giải quyết những bất đồng. Những tiềm năng để các bên tạo ra một khu vực phát triển chung về thương mại, du lịch và lợi ích khác cần được khai thác. Cách tiếp cận này sẽ không “động chạm” gì nhiều đến lòng yêu nước, do đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để đạt được một hiệp định chia sẻ các nguồn lợi và các lợi ích liên quan./.