Bản PDFtại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc điều tàu chiến hiện đại ra Biển Đông tập trận. Tàu khu trục Côn Minh Type 052D tháng này được triển khai tới Biển Đông để tham gia cuộc tập trận hải quân Joint Action 2014. Đây là loại tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống radar AESA với hệ thống phóng thẳng đứng với 64 ống phóng tên lửa, dùng để phóng các tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và tên lửa hành trình DH-10. Ngoài Côn Minh, tàu khu trục Hải Khẩu, thuộc Type 052C, và một tàu khu trục nhỏ Type 054A cũng được điều ra Biển Đông tập trận. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận này là nhằm phản ứng lại cuộc tập trận Lá chắn Dũng cảm 2014 tại đảo Guam của quân đội Mỹ.

Đài Loan dự kiến triển khai tên lửa trên đảo Ba Bình. Đài Loan đang xem xét khả năng triển khai tên lửa phòng không RIM-72C Sea Chaparral do Mỹ chế tạo trên đảo Ba Bình. Ngày 1/10, Thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Cao Thiên Trung đã thông báo tin trên cho ông Lâm Úc Phương, một Nghị sỹ thuộc Quốc Dân Đảng cầm quyền. Tên lửa RIM-72C của Mỹ hiện được đặt trên 6 tàu chiến lớp La Fayette của Pháp mà Hải quân Đài Loan hiện có. Tuy nhiên gần đây, Viện Khoa học Công nghệ Trung Sơn đã cải tiến thành công tên lửa không đối không Thiên Kiếm II dùng cho chiến đấu cơ Đài Loan F-CK-1 để có thể phóng đi từ tàu chiến. Do vậy, ông Lâm Úc Phương đề nghị thay thế tất cả các tên lửa RIM-72C bằng loại Thiên Kiếm II, và yêu cầu Bộ Quốc phòng Đài Loan xem xét việc triển khai loại tên lửa Mỹ trên đảo Ba Bình. Ông này cũng đề nghị Đài Loan có đường lối cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông.

+ Philippines:

Philippines chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông. Trong bài phát biểu tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Mỹ ngày 29/9, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho hay Philippines đã mời “một Quốc gia Thành viên” giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình theo UNCLOS 1982, “Tuy nhiên, nước này đã từ chối cùng tham gia và tiếp tục có hành động đơn phương nhằm thúc đẩy yêu sách mang tính bành trướng, vi phạm những quyền hợp pháp của Philippines và các láng giềng ven biển khác. Thay vì giải quyết tranh chấp biển hòa bình theo UNCLOS, quốc gia này tiến hành hàng loạt hành động cưỡng ép, nguy hiểm nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.” Ông Rosario cho hay Philippines thực sự quyết tâm trong việc tiến hành các biện pháp có thể theo quy định của luật pháp quốc tế để ngăn chặn xung đột leo thang và phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Philippines cảnh báo Trung Quốc sắp lập ADIZ trên Biển Đông. Một quan chức an ninh cấp cao của Philippines ngày 30/9 cho biết, “Trung Quốc đang đợi hoàn thành các dự án mở rộng cơ sở không quân và hải quân ở bãi Châu Viên, Gạc Ma và đá Lạc, rồi sau đó sẽ tuyên bố thiết lập vùng ADIZ ở Biển Đông.” Các hoạt động giám sát trên không do Bộ chỉ huy phía Tây của Philippines đối với các bãi đá ngầm này đều cho thấy hiện Trung Quốc đang có các hoạt động xây dựng lớn. Ngoài các hạ tầng hải quân và không quân, Trung Quốc còn đang xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như bể bơi và khách sạn trên các đảo nhân tạo này để đưa khách du lịch đến tham quan.

Philippines ngừng xây dựng ở Biển Đông. Trong một phiên điều trần về ngân sách tại thượng viện Philippines hôm 3/10, Bộ trưởng Quốc phòng nước này ông Voltaire Gazmin cho hay Tổng thống Benigno Aquino đã ra lệnh ngừng mọi kế hoạch xây dựng, trong đó có việc sửa chữa một đường băng ở quần đảo Trường Sa, “Chúng ta có quỹ cho việc xây dựng, ví dụ như ở sân bay Pagasa, nhưng việc này đang bị đình chỉ do vụ kiện Trung Quốc của chúng ta. “ Theo ông Gazmin, Philippines dừng mọi hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa vì muốn duy trì nền tảng đạo đức trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. 

+ Indonesia:

Indonesia tăng cường năng lực phòng thủ ở Biển Đông. Để tăng cường năng lực quân sự ở Biển Đông, Indonesia đang chuẩn bị thiết lập một phi đội chiến đấu cơ F16 ở Pekanbaru, quần đảo Riau và một phi đội trực thăng Apache gần Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro cho biết chính phủ đã quyết định đưa ra các biện pháp bảo vệ việc thăm dò mỏ khí đốt lớn tại khu vực khai thác thuộc Natuna, phía đông quần đảo Riau. Phát biểu bên lề lễ hạ thủy 5 tàu ​​tên lửa tấn công và một tàu tuần tra tốc độ cao tại cảng container Batu Ampar thuộc Batam- Riau hôm 27/9, ông Purnomo cũng cho hay sản lượng dầu khí ở Biển Đông là rất lớn, Indonesia đang lên kế hoạch phát triển việc thăm dò, khai thác khí đốt nên khu vực này cần được bảo vệ như một mục tiêu chiến lược quốc gia. Theo ông Purnomo, kinh phí đầu tư cho quốc phòng Indonesia đã tăng mạnh trong 5 năm qua, gấp 3 lần so với ngân sách đầu tư của nước này giai đoạn (2005-09) và 5 lần so với giai đoạn (2000-2004).

+ Mỹ:

Mỹ-Ấn cùng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Thông cáo chung đưa ra hôm 30/9 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ ông Narendra Modi tại Mỹ, đã “khẳng định mối quan tâm chung của hai bên trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực bởi điều này rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong tranh chấp biển, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biển, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông. Tuyên bố chung “kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong việc thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.”

Quan hệ các nước

Hội thảo quốc tế về an ninh biển tại Bỉ. “An ninh hàng hải tại Đông Á” là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra ngày 30/9 tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Đây là sự kiện do Viện Nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS) phối hợp với Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản tổ chức. Tham dự hội thảo gồm các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Australia và Liên minh Châu Âu. Trong khi đàm phán giữa các chính phủ vẫn chưa đạt tiến bộ đáng kể để giải quyết các tranh chấp, các cuộc thảo luận cấp chuyên gia có thể đưa ra các khuyến nghị để quản lý hiệu quả tình trạng này. Các đại biểu đều nhất trí để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải hiện nay cần phải tôn trọng luật biển, chủ quyền cũng như lợi ích của các quốc gia ven biển. Không được dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ. Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 1-2/10. Ngày 2/10, tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry, hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, nhất là từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện tháng 7/2013; trao đổi các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước thời gian tới. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình ở Biển Đông; cho rằng các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện DOC, tránh các hành động có nguy cơ làm leo thang tranh chấp và bất ổn ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Trước đó, ngày 1/10, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo “Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: thúc đẩy hơn nữa quan hệ sau hai thập niên bình thường hóa” tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng cách hợp tác với nhau.”

Hải quân Singapore và Australia kết thúc tập trận chung tại Biển Đông. Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết cuộc tập trận chung thường niên giữa Hải quân Singapore với Hải quân Hoàng gia Australia mang tên Singaroo, bắt đầu từ hôm 29/9, đã kết thúc vào ngày 3/10. Trong 5 ngày tập trận, các chiến hạm và trực thăng chiến đấu của 2 nước đã tiến hành nhiều bài tập 3 chiều – trên không, trên biển và dưới mặt nước, trong đó có các cuộc diễn tập phòng không và chống tầu ngầm.

Phân tích và đánh giá

“Trung Quốc tiếp tục xây đảo mới ở Biển Đông” của James Hardy Sean O'Connor. Theo IHS Jane, những hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một hòn đảo mới trên Đá Ga Ven thuộc cụm Nam Yết, Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đây Trung Quốc đã xây dựng một nền bê tông ở phía tây của rạn san hô này và trên đó có đặt các hệ thống phòng không và súng hải quân, cùng thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh của Công ty Vũ trụ và Quốc phòng Airbus chụp ngày 31/3 và 7/8 cho thấy, trong khoảng thời gian này, một kênh đào và một hòn đảo hình chữ nhật có kích thước 300mx250m đã được tạo ra. Cùng với mũi đất dẫn tới kênh đào, một diện tích đất rộng chừng 114 nghìn m2 đã được tạo ra. Cũng như cách thức xây dựng như ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên, Trung Quốc đã xây một bức tường chắn sóng bằng bê tông bao quanh hòn đảo mới. Việc nạo vét và cải tạo đất có thể do tàu hút bùn Tian Jing Hao thực hiện – con tàu 6.017 tấn, dài 127m, được xem là tàu hút bùn lớn nhất thuộc loại này trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Dựa trên hình ảnh ngày 7/8, việc xây dựng hòn đảo ở Đá Ga Ven không tiến triển quá xa như ở Đá Gạc Ma. Chẳng hạn, ở đây không có bến tàu hoặc nền móng cho các công trình xây dựng như ở Đá Gạc Ma, tuy nhiên ở đây có doanh trại, các container và vật liệu xây dựng. Các bức tường chắn sóng ở Đá Ga Ven và Gạc Ma đều cho thấy rằng, bước tiếp theo trong kế hoạch tạo lập cấu trúc các đảo của Trung Quốc sẽ là xây dựng đường băng  trước khi mùa mưa bão đến vào cuối hè sang thu. Trong các hoạt động cải tạo đất đai trước đây ở Biển Đông, chẳng hạn như ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã thực hiện mở rộng từng bước một. Bắc Kinh luôn cho rằng họ có quyền xây dựng thêm các đảo, tuy nhiên cách giải thích của họ đôi khi rất khó hiểu. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ngày 9/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Chúng tôi đã trả lời câu hỏi này nhiều lần trước đây, và bạn cần phải hiểu rõ lập trường của Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi tại Nam Sa (Quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước lân cận, và các hoạt động của Trung Quốc tại những đảo và bãi đá tại đây nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Trung Quốc và hoàn toàn chính đáng.” Khi được hỏi về mục đích của việc xây dựng gần đây là gì, bà Hoa trả lời là “để cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống cho người dân ở trên các đảo.”

“Tranh chấp trên Biển Đông: Cuộc chiến trên bản đồ” Từ lâu, các quốc gia ven Biển Đông đã đấu tranh với nhau bằng bản đồ và bây giờ, cuộc đấu này đang ngày càng trở nên quyết liệt. Tại một cuộc triển lãm tại Hải Phòng hồi tháng 6, Việt Nam đã trưng bày một số bản đồ cổ. Đến tháng 9, tại các cuộc  triển lãm ở Manila và Đài Bắc, Philippines và Đài Loan hy vọng thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trên giấy tờ, yêu sách của Đài Loan giống Trung Quốc, khẳng định chủ quyền trong bản đồ đường chín đoạn tự vẽ rất mơ hồ. Do đó, những gì mà Đài Loan có trong tay là rất đáng quan tâm. Quan trọng hơn, tuyên bố chủ quyền của Đài Loan lại đang gây bất lợi cho tham vọng thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc. Tại triển lãm Đài Bắc, lần đầu tiên chúng ta được thấy một phần nhỏ trong kho lưu trữ mà Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng mang theo, khi bị đội quân của Chủ tịch Mao Trạch Đông đánh đuổi khỏi Trung Quốc đại lục và phải chạy ra đảo Đài Loan vào năm 1949.  Phát biểu khai mạc triển lãm, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đã làm rõ những gì mà chính phủ Quốc Dân đảng từng tuyên bố vào năm 1947 khi khẳng định chủ quyền đối với các đảo bị Nhật Bản chiếm giữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Không giống như Trung Quốc vốn tuyên bố chủ quyền đối với tất cả mọi thứ (đảo, đá, bãi cát ngầm, rạn san hô, cá, dầu khí đốt và vùng biển rộng lớn) bên trong đường chín đoạn, ông Mã Anh Cửu nói tuyên bố chủ quyền của Đài Loan chỉ bao gồm các đảo và vùng biển bao quanh rộng từ 3 đến 12 hải lý. Ông Mã nói rằng Đài Loan “không có cái gọi là yêu sách đối với các vùng biển”. Nếu Trung Quốc chấp nhận cách giải thích của ông Mã, thì ít nhất đó cũng sẽ một điểm sáng cho các tranh chấp phức tạp và bế tắc hiện nay. Tuy vậy, dù khá nhiều học giả Trung Quốc có khuynh hướng đồng tình với quan điểm của ông Mã, giới chức Trung Quốc lại không hề tỏ ra vội vã trong việc chính thức thừa nhận vấn đề này. Và kể cả khi Trung Quốc thực sự chấp nhận, thì việc đi đến được một giải pháp cho các tranh chấp vẫn còn khá xa vời. UNCLOS chỉ có thể phân xử đối với các vùng nước gắn liền với đảo, chứ không thể xác định chủ quyền đối với chính các hòn đảo đó. Các bản đồ của Trung Quốc không phải là tài liệu duy nhất, cũng không phải là nguồn đáng tin cậy nhất. Một trong những bản đồ được trưng bày ở Manila thể hiện lãnh thổ Philippines bao gồm Bãi cạn Scarborough, thực thể được sáp nhập vào Trung Quốc trong năm 2012. Bản đồ này được vẽ từ năm 1636, xuất hiện trước bản đồ đường chín đoạn tới hơn ba thế kỷ.

“Nới lỏng lệnh cấm vũ khí giúp ích cho Việt Nam và Mỹ?” của Ankit Panda. Đúng như dự kiến, Mỹ đã thông báo nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Lệnh cấm này sẽ chỉ áp dụng cho những trang thiết bị giúp Việt Nam cải thiện an ninh biển của mình. Tuy nhiên, động thái này sẽ giúp quan hệ hai nước tiến thêm một bước nữa trong quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Với Việt Nam, quyết định của Mỹ sẽ giúp ích đáng kể cho kế hoạch hiện đại hóa năng lực trên biển. Việt Nam đã có chiến lược hiện đại hóa trị giá nhiều tỷ USD nhằm cải thiện năng lực quản lý và bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của mình khỏi sự xâm phạm từ bên ngoài. Đặc biệt, Hà Nội vẫn đang lo ngại về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Việt Nam hiện dựa chủ yếu vào Nga để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của mình. Trang thiết bị của hải quân Việt Nam hầu hết là di sản của những hệ thống từ thời Xô Viết. Gần đây nhất, Việt Nam phát triển năng lực chiến tranh tàu ngầm bằng việc mua thêm các tàu ngầm lớp Kilo tối tân hơn từ Nga, mục đích là để thực thi chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa trước những sự xâm phạm có thể có từ Trung Quốc. Trong danh sách những thiết bị mong muốn của Việt Nam, vị trí đầu tiên có lẽ là máy bay tuần tra Lockheed P-3 Orion. Hiện tại, năng lực giám sát trên biển của Việt Nam là khá khiêm tốn, chỉ có một số trực thăng và một máy bay chuyên dụng có khả năng cất, hạ cánh trên đường băng ngắn. Với Mỹ, gỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm giúp Việt Nam duy trì an ninh biển cũng phù hợp với chiến lược “Xoay trục Châu Á.” Không chỉ cam kết tái phân bổ nguồn lực của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương, sáng kiến “xoay trục” của Mỹ còn có mục đích trao quyền cho các quốc gia có mong muốn duy trì hiện trạng khu vực. Do đó, lợi ích quốc gia của Việt Nam, cũng song trùng với lợi ích của Mỹ tại khu vực. 

“Các nguyên tắc sẽ không giải quyết được tranh chấp Biển Đông” của Khanh Vu DucDuvien Tran. Trong chuyến thăm Australia gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất 4 nguyên tắc cho các bên có tranh chấp tại Biển Đông. Nói ngắn gọn, 4 nguyên tắc này kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng các sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế, trực tiếp tham vấn và đối thoại với nhau, và nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định. Nếu nhìn thoáng qua, có vẻ như không có lý do gì để không đồng ý với các nguyên tắc mà Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề chỉ nảy sinh khi các quốc gia có yêu sách sẽ muốn diễn giải các nguyên tắc trên một cách thấu đáo. Thứ nhất, lời kêu gọi các bên tôn trọng các sự thật lịch sử nhằm mục đích thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc về quyền sở hữu lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, và cả quần đảo Hoàng Sa (có tranh chấp với Việt Nam). Việt Nam luôn phản đối yêu sách quyền sở hữu lịch sử của Trung Quốc vì nhiều văn bản tài liệu liên quan cho thấy Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Thứ hai, về nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã nói rằng họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ phán quyết nào liên quan đến vấn đề chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ. Trong con mắt của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế không có tiếng nói trong tranh chấp giữa Trung Quốc và các bên có yêu sách. Thứ ba, đối thoại và tham vấn trực tiếp giữa các bên trước tiên cần phải có được sự đồng ý của bên kia. Philippines cho đến nay vẫn từ chối các cuộc đàm phán song phương, họ cho rằng những cuộc đàm phán như vậy sẽ có lợi cho Trung Quốc bởi Trung Quốc là một nước lớn với sức mạnh vượt trội. Còn về phần Trung Quốc, họ không muốn Philippines và Việt Nam quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Cuối cùng, ông Vương Nghị yêu cầu tất cả các bên tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định mà quên đi chính các hành động gần đây của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Sự kiện giàn khoan giữa Trung Quốc và Việt Nam mùa hè vừa rồi chính là một ví dụ điển hình. Tranh chấp Trường Sa quá phức tạp để Trung Quốc và các bên có yêu sách khác tự mình giải quyết. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc gần đây đã từ chối tham gia và vụ kiện của Philippines, có vẻ các cơ chế đa phương cũng không mấy tác dụng. Giải quyết tranh chấp Biển Đông cần nhiều hơn là 4 nguyên tắc chung. Cần phải có các hành động cụ thể thay vì các cam kết đơn thuần. Nếu không có một bộ quy tắc có tính ràng buộc được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo chính trị tại khu vực, tranh chấp này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, thâm chí hàng thập kỷ tới.

“Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc làm căng thẳng gia tăng tại Biển Đông?” của Phạm Duy Thực. Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào ngày 15/9 thông báo rằng giàn khoan HD-981 đã phát hiện một lô dầu khí mới có tên Lingshui 17-2, cách đảo Hải Nam 150km về phía Nam. Khu vực có khí đốt này - đang được phía Trung Quốc kiểm tra - ước tính ở độ sâu 1.500m. Động thái này cho thấy năng lực công nghệ hiện nay đã cho phép Trung Quốc khoan dầu tại bất cứ vị trí nào tại Biển Đông. Bước đi này của Trung Quốc cho thấy một vài điểm đáng chú ý. Thứ nhất, CNOOC đã trở thành nhân tố tích cực trong tranh chấp Biển Đông. Tháng 6/2012, CNOOC mời thầu quốc tế 9 lô dầu và khí đốt tại Biển Đông. Tuy nhiên, các công ty quốc tế thường do dự và không tham gia đấu thầu bởi khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, việc triển khai giàn khoan HD-981 tại Biển Đông cũng phần nào cho thấy vai trò của CNOOC. Đặc biệt trong buổi lễ ra mắt giàn khoan HD-981 tại Bắc Kinh, Chủ tịch CNOOC Wang Yulin nói với những người tham dự buổi lễ rằng các giàn khoan nước sâu là “lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược.” Trong khi đó, chuyên gia Michele Nash-Hoff cho rằng việc Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp của Mỹ, trong đó có F&G, là một vấn đề cần phải quan tâm bởi Trung Quốc đang sử dụng các công ty của họ như một công cụ chiến lược trong tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, các công ty đa quốc gia và quốc tế cần phải cẩn trọng hơn trước “khía cạnh chiến lược” trong các thương vụ khai thác và thăm dò dầu khí với các công ty Trung Quốc. Nói cách khác, giúp Trung Quốc xây dựng năng lực khai thác tại các vùng nước sâu chỉ là một phần nhỏ. Sâu xa hơn, các đối tác quốc tế của CNOOC cần phải biết rằng sự hợp tác của họ với Trung Quốc sẽ khiến căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, từ đó sẽ khiến chiến các thương vụ làm ăn của họ gặp khó khăn./.