Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc phản đối các bên khai thác dầu khí ở Biển Đông. Trả lời câu hỏi của tờ Hindustan Times về phản ứng trước tuyên bố chung của Mỹ - Nhật - Ấn về quyền tự do hàng hải và hoạt động thương mại ở các vùng biển khu vực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/10 cho hay, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với khu vực đáy biển. Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí của quốc gia hay tập đoàn nào trong các vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc mà không được sự cho phép của Trung Quốc.” Bắc Kinh cho hay các cơ chế hiện nay đang vận hành tốt để kiềm chế những tranh chấp và Trung Quốc sẽ không cho phép các nước ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Đài Loan ngang nhiên tuyên bố sắp xây xong hải đăng ở Trường Sa. Phát biểu với hãng tin Kyodo, một quan chức của Cục Hàng hải và Cảng Vụ thuộc Bộ Giao thông và Thông tin Đài Loan tuyên bố Đài Bắc sẽ hoàn tất việc xây dựng trái phép ngọn hải đăng đầu tiên trên đảo Ba Bình vào ngày 30/9. Dự kiến, ngọn hải đăng chạy bằng năng lượng mặt trời trên sẽ được hoàn công trong ngày 30/9 hoặc 1/10 và sẽ đi vào hoạt động ngay sau khi vượt qua các cuộc kiểm tra. Theo Đài Loan, mục đích của công trình này là “củng cố chủ quyền và đảm bảo an toàn hàng hải.”
+ Việt Nam:
Việt Nam chỉ trích hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định, “Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới vào thời điểm này. Trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện việc bồi đắp và cải tạo quy mô lớn, biến đá ngầm thành các đảo rất lớn. Chúng tôi tin rằng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế cũng như DOC năm 2002.” Theo Chủ tịch Trương Tấn Sang, lo ngại của Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác là “điều rõ ràng và dễ hiểu, vì các hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.”
+ Philippines:
Philippines kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Trong cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bên lề phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định, “Với sự ủng hộ ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả phân xử trọng tài, Philippines hy vọng rằng kết quả cuối cùng của quá trình phân xử sẽ mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp.” Ông Rosario cũng nhắc lại lời kêu gọi của Manila về việc cần “thực hiện đầy đủ và toàn diện DOC, sớm tiến tới COC ở Biển Đông.”
+ Mỹ:
Mỹ đề cao giải quyết tranh chấp biển bằng luật quốc tế. Trong bài phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập về tranh chấp Biển Đông, “Mỹ không phải bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Chúng tôi cũng không phân xử vấn đề tranh chấp. Như tất cả các quốc gia có mặt tại đây, chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải, tự do của các hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, không phải bằng vũ lực. Chúng tôi sẽ bảo vệ những nguyên tắc này, đồng thời khuyến khích Trung Quốc và các bên tranh chấp giải quyết hòa bình tranh chấp.”
Mỹ tiếp tục nêu quan điểm cứng rắn về Biển Đông. Trong khuôn khổ cuộc gặp với các Ngoại trưởng ASEAN ở New York hôm 30/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tôi muốn nói rõ, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận các giới hạn về quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như những hoạt động hợp pháp khác trên biển. Bất kể đó là chiến hạm lớn hay tàu cá nhỏ đi chăng nữa thì nguyên tắc vẫn rất rõ ràng, quyền lợi của tất cả các nước đều phải được tôn trọng.”
Mỹ điều chuyển lực lượng sang Châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định triển khai 30.000 lính thủy đánh bộ Mỹ tới bang Hawaii và các địa điểm khác ở Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của sự bố trí lại binh lực này là nhằm rút ngắn thời gian quân đội Mỹ đối phó với các tình huống bất ngờ tại khu vực. Bên cạnh đó, trong vòng một tháng tới có khả năng Washington sẽ triển khai 4 hệ thống vũ khí chiến lược, trong đó có máy bay ném bom tàng hình B-2, các tàu ngầm và tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và các máy bay chiến đấu hiện đại F-22.
+ New Zealand:
New Zealand nhắc khéo Trung Quốc về cách hành xử trên biển. Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc hôm 28/9 nhân dịp kỷ niệm 5 năm hợp tác giữa Quân đội New Zealand và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee tuyên bố: “Hơn một nửa hoạt động thương mại trên biển của New Zealand đi qua Biển Đông. Trong khi chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp Biển Đông, nhưng New Zealand phản đối các hành động phương hại tới hòa bình và xói mòn niềm tin. New Zealand ủng hộ quyền của các quốc gia sử dụng các cơ chế quốc tế phân xử trọng tài cũng như giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương.” Theo ông Gerry Brownlee, “Tất cả các cường quốc sẽ càng trở nên lớn mạnh hơn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bằng cách nhận ra thế mạnh của mình, chân thành chia sẻ, xoa dịu những lo ngại của các nước nhỏ hơn.”
+ Pháp:
Pháp kêu gọi tôn trọng luật quốc tế trên Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Yomiuri Shimbun ngày 3/10, nhân chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định: “Lập trường của Pháp luôn gắn liền với việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển và quyền tự do hàng hải và hàng không. Để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, không có giải pháp nào khác hơn là đối thoại. Đây là thông điệp của Pháp gửi đến tất cả các nước liên quan, kể cả các đối tác gần gũi nhất của chúng tôi, trong đó có Tokyo và Bắc Kinh.” Theo ông Manuel Valls, “Pháp là một cường quốc trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, Pháp luôn nỗ lực hết mình vì hòa bình và ổn định của khu vực.”
Quan hệ các nước
Mỹ - Nhật - Ấn kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Bên lề kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 70 ở New York hôm 29/9, Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Ấn có tiến hành đối thoại ba bên. Thông cáo sau cuộc gặp viết, “Các ngoại trưởng khẳng định sự hội tụ chiến lược của ba nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế; quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở, trong đó bao gồm khu vực Biển Đông. Các ngoại trưởng tái khẳng sự ủng hộ đối với tính trung lập của ASEAN trong các cấu trúc an ninh và chính trị đa phương ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.”
ASEAN - Liên Hợp Quốc nhất trí cần giải quyết hòa bình các tranh chấp biển. Ngày 29/9, bên lề khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngoại trưởng các nước ASEAN đã họp với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon và Chủ tịch khóa họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ ông Mogens Lykhtoff để thảo luận về hợp tác giữa hai tổ chức và đặc biệt là tình hình tại Biển Đông. Trong thông cáo chung sau đó, hai bên “tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, kể cả ở Biển Đông, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Tàu sân bay hạt nhân của Mỹ đến Nhật Bản. Ngày 1/10, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đã đến căn cứ Hải quân Yokosuka của Nhật Bản để thay thế cho tàu sân bay George Washington, đã rời căn cứ này hồi tháng 5 và kết thúc sứ mệnh kéo dài 7 năm ở Nhật Bản. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách củng cố các mối quan hệ quốc phòng với Mỹ trong khuôn khổ luật an ninh mới, theo đó mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Quân đội Philippines - Mỹ bắt đầu cuộc diễn tập chung. Ngày 1/10, Philippines và Mỹ đã mở màn cuộc diễn tập đổ bộ Philippines (PHIBLEX) lần thứ 16 tại thành phố Taguig thuộc vùng thủ đô Manila. Theo quân đội Philippines, cuộc tập trận này nhằm hướng tới việc tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước, đồng thời cải thiện năng lực phối hợp tác chiến giữa các binh sỹ Philippines và Mỹ. Ngoài ra, mục đích khác nhằm nâng cao năng lực ứng phó của binh sỹ Philippines trong công tác cứu trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa, đặc biệt khi xảy ra thiên tai.
Phân tích và đánh giá
“Trung - Mỹ mắc kẹt trong bẫy phụ thuộc lẫn nhau” của Stephen S. Roach
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ ngày càng cần nhau để có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng, thì hai nước lại đang dần rơi vào bẫy phụ thuộc lẫn nhau.
Thứ nhất, về sự hình thành bẫy phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. Quá trình này bắt đầu từ thập niên 1970, khi kinh tế Mỹ chịu áp lực thiểu phát, còn kinh tế Trung Quốc đang vật vã chống đỡ với những hệ lụy của Cách mạng Văn hóa. Cả Trung Quốc và Mỹ khi đó đều cần các nhân tố hỗ trợ mới để phục hồi nền kinh tế. Trung Quốc cung cấp hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ, còn Mỹ cung cấp sức cầu cần thiết cho mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Đặng Tiểu Bình. Theo thời gian, Mỹ ngày càng dựa nhiều vào việc vay từ nguồn dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc để bù đắp cho các khoản tiêu dùng phung phí của mình. Trong đó, Mỹ chi tiêu quá nhiều nên cần nguồn tiền vay từ Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cần Mỹ tiếp tục tiêu dùng mạnh để có thể duy trì mô hình dựa vào xuất khẩu.
Thứ hai, vấn đề hiện nay là Trung Quốc đang muốn thay đổi khỏi mô hình quan hệ phụ thuộc kinh tế này, cụ thể qua việc nâng cấp nền kinh tế chuyển từ dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Đây là điều khiến Mỹ cảm thấy bất an. Sự bất an của Mỹ càng tăng khi Trung Quốc thay đổi cả về đối nội và đối ngoại, cụ thể là phô trương “cơ bắp” trên Biển Đông, đưa ra một loạt sáng kiến đối ngoại lớn, theo đuổi quá trình phục hưng đất nước dưới tên gọi “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.
Mỹ cảm thấy bất an khi kinh tế Trung Quốc chuyển đổi vì bản thân Mỹ chưa xử lý được vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Hiện, Mỹ không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc ở khía cạnh chính sách tài khóa, mà còn ở cả chính sách tiền tệ. Việc FED vừa qua không nâng lãi suất do lo ngại tình hình kinh tế Trung Quốc là ví dụ điển hình nhất.
Thứ ba, chuyến thăm vừa qua của Tập Cận Bình lại không phản ánh được những thách thức chiến lược mà hai nước phải đối mặt. Thay vào đó, nội dung của chuyến thăm khá phân tán và thiếu sự kết nối giữa các chủ đề thảo luận chính. Hơn nữa, ngay cả đối với những chủ đề thảo luận chính như an ninh mạng, kinh tế, chống biến đổi khí hậu thì tiến triển đạt được cũng rất khiêm tốn.
Trong bối cảnh Mỹ - Trung bị rơi vào bẫy phụ thuộc lẫn nhau, hai bên không thể “tách rời nhau” nhưng lại liên tục chỉ trích và bực tức lẫn nhau. Chuyến thăm vừa qua của ông Tập Cận Bình lại hầu như không có tác dụng giúp đưa quan hệ Mỹ - Trung ra khỏi tình cảnh hiện nay.
“Vai trò cân bằng ngày càng tăng của Ấn Độ ở Biển Đông” của David Scott
Dù về mặt địa lý không thuộc khu vực Biển Đông nhưng Ấn Độ ngày càng được công nhận là một bên cân bằng quyền lực ở Biển Đông.
Về lợi ích chiến lược
Ở cấp độ chính phủ, Biển Đông được xem là cửa ngõ mở rộng mối quan hệ với láng giềng của Ấn Độ. Năm 2007, tuyên bố Học thuyết Hải quân Ấn Độ về Chiến lược Quân sự Biển đã khẳng định Biển Đông là khu vực “lợi ích chiến lược” của Ấn Độ. Năm 2013, việc ngày càng coi trọng Ấn Độ - Thái Bình Dương là khung chiến lược đã khiến cho Biển Đông ngày càng gần gũi hơn về mặt địa chiến lược đối với Ấn Độ. Năm 2014 khi thủ tướng Modi lên cầm quyền, ông đã tăng cường chiến lược Hành động hướng Đông nhằm tăng cường vị thế kinh tế và quân sự của Ấn Độ ở Biển Đông.
Sự cân bằng của Ấn Độ
Sự cận bằng của Ấn Độ được thực hiện ở cả cân bằng bên trong và bên ngoài. Về cân bằng bên trong, Ấn Độ đang phát triển sức mạnh quân sự khi tăng cường năng lực hoạt động biển xa, vươn từ Ấn Độ Dương tới Biển Đông. Tầm ảnh hưởng sức mạnh biển của Ấn Độ còn được thúc đẩy qua việc thành lập Bộ Chỉ huy Andaman và Nicobar. Việc thành lập căn cứ hải không quân INS Baaz trên đảo Great Nicobar, cho phép Ấn Độ thực hiện hoạt động giám sát khu vực Biển Đông. Dù không thể ngăn chặn Trung Quốc hiện diện ở Ấn Độ Dương nhưng Ấn Độ đã đáp trả bằng việc hiện diện ở Biển Đông, khu vực sân sau của Trung Quốc.
Về cân bằng bên ngoài, Ấn Độ tăng cường mối quan hệ an ninh với các quốc gia cùng mối quan ngại về Trung Quốc, chủ yếu là thông qua các thỏa thuận về lĩnh vực biển và quân sự với Việt Nam, Philippines, Mỹ, Úc và Nhật Bản.
Các đối tác
Ấn Độ coi Việt Nam là “viên kim cương ở Biển Đông” của Ấn Độ. Trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng, hai bên đã ký thỏa thuận Khung Hợp tác năm 2003 và tuyên bố đối tác chiến lược 2007 đã tăng cường mối quan hệ quân sự hai bên. Việc hỗ trợ dịch vụ hậu cần cảng biển cũng được mở rộng với việc Ấn Độ được phép tiếp cận vịnh Cam Ranh. Dưới thời ông Modi, sự phát triển trong mối quan hệ có bước tiến lớn, điều đó được thể hiện trong các Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của tổng thống Mukheriee tới Việt Nam và chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam sang Ấn Độ vào năm 2014. Các tuyên bố chung đều nhấn mạnh đến tự do hàng hải, tuân thủ luật quốc tế.
Ấn Độ cũng tăng cường mối quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản và Úc thông qua việc tham gia vào các cuộc tập trận song phương, đa phương với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Nằm trong chính sách mở rộng hoạt động, chính quyền Modi cũng thiết lập đối thoại ba bên Nhật - Ấn - Úc ở cấp độ Bộ trưởng Ngoại giao. Chủ đề bao trùm cuộc họp đầu tiên của đối thoại là vấn đề an ninh biển, Biển Đông và việc tổ chức các cuộc tập trận hải quân trong tương lai.
Trong bối cảnh sức mạnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Ấn Độ sẽ ngày càng thể hiện vai trò cân bằng ở Biển Đông thông qua sự gia tăng hiện diện và tăng cường quan hệ đối tác an ninh ở khu vực.
“Cách tiếp cận mới cho liên minh Mỹ - Nhật” của Hitoshi Tanaka
Khi những chuyển dịch cơ cấu ở khu vực Đông Á: các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN đang phát triển mạnh mẽ; tầng lớp trung lưu ở Châu Á đang tăng lên; chi tiêu quốc phòng của Mỹ đang hướng tới “ổn định và thực chất hơn”, điều đó buộc Mỹ và Nhật Bản phải biến đổi liên minh thành một quan hệ đối tác đa diện hơn.
Nhật Bản cần phải tăng cường và củng cố lòng tin ở khu vực. Ông Abe nên công bố chính sách quốc phòng của Nhật Bản theo hướng tích cực - khẳng định chính sách này là để bảo vệ Nhật Bản và góp phần vào môi trường an ninh, hòa bình của khu vực - để xua tan bất kỳ nhận thức sai lầm nào ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mỹ phải vượt ra khỏi vai trò “lực lượng cân bằng từ xa” để phải trở thành “quốc gia lãnh đạo” cả về kinh tế, chính trị và an ninh ở khu vực. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ phải thiết lập một cơ chế bốn bên Trung-Nhật-Hàn-Mỹ để xây dựng lòng tin. Cơ chế này phải được đặt ở vị trí thuận lợi để tăng cường lòng tin chiến lược nhằm trấn an các nước về vai trò thay đổi của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và liên minh Mỹ-Nhật, thiết lập đường dây nóng quân sự cũng như các quy trình quản lý khủng hoảng nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm, thiệt hại trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Mỹ và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác an ninh ba bên với các đối tác như Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, là quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn, đồng thời nên có sự tham gia của Trung Quốc và Nga để có các phương án bảo đảm sự ổn định lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Mỹ cần phải xem xét lại xem liệu việc duy trì các lực lượng của Mỹ với mật độ cao trong một khu vực, có phải là chiến lược tốt nhất về lâu dài để thực hiện các mục tiêu của liên minh Mỹ-Nhật, nhất là trong bối cảnh sự hiện diện quân đội Mỹ ở Okinawa vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân địa phương, trong khi đang có xu hướng tăng cường hợp tác với các đối tác như Úc, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Nhật Bản và Mỹ cần bổ sung cho hợp tác an ninh của mình bằng cách can dự mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong những lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả các tổ chức tài chính đa phương, các hiệp định thương mại khu vực thế hệ mới, năng lượng và môi trường như AIIB, và TTP.
Với AIIB, Nhật Bản nên kịp thời tham gia với những lý do như thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về quản trị và minh bạch bên trong tổ chức này, thúc đẩy hợp tác giữa ADB và AIIB, đồng thời hạn chế vai trò chi phối của Trung Quốc trong tổ chức này.
Đối với TPP và RCEP, về lâu dài, TPP nên được sử dụng như một phương tiện để kích thích sự hợp tác với Trung Quốc. Trong khi đó, RCEP nên được sử dụng như một phương tiện không chỉ làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN+6 mà còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực.
“Trung Quốc đã sử dụng khoa học để tăng cường kiểm soát Biển Đông như thế nào?” của Sophie Boisseau du Rocher
Dư luận quốc tế thường nhìn nhận Biển Đông là khu vực của những căng thẳng an ninh triển miên và thiếu vắng hợp tác về khoa học. Tuy nhiên, hợp tác khoa học về vấn đề biển vẫn đang được thực hiện, thậm chí “hợp tác nghiên cứu và hiểu biết chung” còn được các quốc gia khu vực nhìn nhận như một phương thức cùng hợp tác để nhằm xoa dịu những căng thẳng về chính trị.
Rất nhiều dự án đòi hỏi thời gian và đầu tư tài chính lớn, nhưng chỉ có thể bắt đầu khi các bên đạt được thỏa thuận và tránh được mọi rủi ro cho quá trình vận hành. Trung Quốc liên tục đưa ra các đề xuất và ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực, bao gồm những phạm vi nghiên cứu rất sâu.
Tuy nhiên, hợp tác khoa học cần phải làm rõ bản chất thực sự về mối quan hệ bất đối xứng này. Trung Quốc không hề đưa ra những nỗ lực hợp tác công bằng cả về quy mô cũng như số lượng. Trung Quốc là người khởi xướng, điều phối và tài trợ tài chính cho các chương trình hợp tác khoa học trong khu vực. Nghiên cứu khoa học rõ ràng được xem như là một công cụ quyền lực hơn là một bài toán về hợp tác, và trong lĩnh vực hợp tác khoa học, Trung Quốc đánh vào những điểm yếu của các đối tác.
Trung Quốc dẫn dắt các chương trình nghiên cứu khoa học vì 3 lý do: (i) kiểm soát dữ liệu cho các khu vực nhằm hỗ trợ cho các toan tính của mình; (ii) sử dụng nghiên cứu nhằm phô trương sức mạnh như tàu lặn Giao Long là một ví dụ; (iii) tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc thông qua những lợi thế của việc nắm giữ các dữ liệu khoa học. Hợp tác khoa học trở thành một phương tiện chiến lược và là một công cụ phù hợp với chiến lược tổng thể về cưỡng chế phi quân sự.
Các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tận dụng sự phát triển nhanh chóng về sức mạnh quân sự và khoa học một cách đồng bộ để ngăn chặn đối thủ, tăng cường tính chính danh cho các lập luận, bảo vệ không gian và tuyến đường cung ứng của Trung Quốc. Sau 20 năm thực hiện, phạm vi nghiên cứu đã đem lại kết quả trong việc kiểm soát vấn đề ở Biển Đông, nhưng sự kiểm soát đó không phải là sản phẩm của hợp tác nghiên cứu khoa học, mà đó lại là kết quả của những dự án do Trung Quốc cổ xúy và lấn át. Như vậy, có lý do để đặt nghi vấn về mối liên kết giữa nghiên cứu và việc sử dụng chúng nhằm đạt được sức mạnh. Bên cạnh đó, hợp tác khoa học cũng không tăng cường được lòng tin cũng như tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán COC.
Chiến lược mập mờ được thể hiện rõ nhất là hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Các đảo nhân tạo không chỉ núp bóng hợp tác khoa học mà nó còn có tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Bắc Kinh không vì “lợi ích chung” mà thực chất là vì tham vọng của chính mình.
“Đã đến thời điểm Hải quân Mỹ đánh giá lại tầm quan trọng của tàu sân bay?” của George Will
Ở Biển Đông, Trung Quốc đang biến các rạn san hô, trong đó rất nhiều thực thể chìm dưới mặt nước biển khi thủy triều lên cao, thành các đảo nhỏ và tuyên bố chủ quyền cả bên trên vùng trời và xung quanh các thực thể này. Chính quyền Obama đã không đối đầu với các hành động của Trung Quốc khi không cử tàu đi vào vùng lãnh hải các thực thể mà Trung Quốc cải tạo.
Trong các trận chiến, tàu sân bay với mục đích ban đầu là hỗ trợ, thì giờ đây có lẽ việc xây dựng và vận hành chúng lại quá tốn kém và dễ bị tổn thương. Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu trên đất liền buộc các tàu sân bay phải tránh xa các mục tiêu, điều đó khiến cho đội tàu trở nên kém hiệu quả hơn so với các loại phương tiện chiến đấu không người lái (UCAV) với quy mô và chi phí thấp hơn. Tàu sân bay mới nhất, U.S.S Gerald R. Rord, được biên chế vào năm tới, tiêu tốn 12,8 tỷ USD. Cùng với đó là chi phí cho các loại máy bay đi kèm, sự hỗ trợ của năm đội tàu chiến đấu trên biển, một chiếc tàu ngầm tấn công và 6.700 thủy thủ đoàn. Chi phí cho hoạt động của một đội tàu sân bay là 2,5 triệu USD một ngày. Với chi phí đó, Trung Quốc có thể sở hữu 12.000 tên lửa chống tàu và một trong số tên lửa này có thể đạt được “sứ mệnh tiêu diệt”, vô hiệu hóa sứ mệnh chiến đấu của tàu sân bay trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, việc tính toán trong chiến đấu không nên chỉ dừng lại ở khía cạnh có thích hợp hay không. Hải quân vẫn là sự thể hiện hàng đầu về sự hiện diện quân sự Mỹ trên thế giới, đặc biệt là tàu sân bay. Hải quân Mỹ cho rằng, không nhất thiết phải có trên bảy chiếc, nhưng nếu giảm số lượng thì Hải quân sẽ không thể thực hiện rất nhiều sứ mệnh, từ duy trì tuyến đường thương mại cho đến việc hỗ trợ không quân trong vấn đề Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đối với Trung Quốc, nguyên tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc Jonathan Greenert cho rằng, tàu sân bay của Trung Quốc chỉ đang ở “bước sơ khai” nhưng tốc độ phát triển lại rất “phi thường”. Và trong bối cảnh chính trị Mỹ hiện tại, cả hai đảng của Mỹ đều cho rằng, Hải quân Mỹ phải được tăng cường hơn nữa. Chính quyền Obama đã kêu gọi tăng cường quy mô hạm đội tàu chiến đấu, từ 273 tàu hiện tại lên tới 300 tàu vào năm 2020.
Hải quân Mỹ đã chọn lựa duy trì và thể hiện nhận thức của quốc gia về vị thế và sứ mệnh của mình. Vì vậy, các ứng cử viên tổng thống, kể cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ nên bàn về những gì mà hải quân muốn./.