Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng nhóm thanh niên Philippines cắm trại ở Trường Sa. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/12, Người phát ngôn Lục Khảng tuyên bố: “Trung Quốc thực sự thất vọng trước các hành động và tuyên bố của Philippines. Trung Quốc một lần nữa thúc giục ngừng phương hại hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời cân nhắc mối quan hệ Trung Quốc - Philippines.”

Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Biển Đông. Cục Hải sự Trung Quốc hôm 28/12/2015 ra thông báo cho hay: “Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28/12 đến 10/2/2016. Cấm tàu thuyền đi lại trong phạm vi 2.000m quanh giàn khoan”. Hải Dương 981 là giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Trung Quốc sản xuất, từng hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam năm 2014.

Trung Quốc xác nhận đang phát triển tàu sân bay thứ hai. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31/12, Người phát ngôn Đại tá Dương Vũ Quân xác nhận nước đang tiến hành tự thiết kế và đóng chiếc tàu sân bay thứ hai. Tàu sân bay này có tải trọng 50.000 tấn được đóng ở thành phố cảng Đại Liên, miền Bắc Trung Quốc. Về việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và hải quân Mỹ dự kiến tiến hành tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 2 năm 2016, ông Dương cho hay, “Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ việc này. Trung Quốc luôn cho rằng hợp tác an ninh quân sự giữa các quốc gia liên quan không nên phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.”

Trung Quốc xác nhận chuyến bay thử nghiệm ra Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 2/1 tuyên bố, “Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một sân bay ở Đá Chữ Thập và tiến hành bay thử tới sân bay này bằng một máy bay dân sự để kiểm tra các cơ sở trên đó có đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không.” Bà Hoa cũng ngang nhiên tuyên bố, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Trường Sa và Trung Quốc không chấp nhận cáo buộc căn cứ từ phía Việt Nam.”

+ Việt Nam:

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ở Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 2/1/2016 tuyên bố: “Hành động Trung Quốc thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.” Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

+ Philippines:

Máy bay Philippines bị Trung Quốc cảnh báo ở Trường Sa. Hải quân Trung Quốc đã phát tín hiệu cảnh báo một chiếc máy bay quân sự Philipines - chở bác sỹ và linh mục tới đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang do Philippines kiểm soát) vào ngày 27/12/2015. Sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines Fr. Joey Sepe cho biết, khi chiếc máy bay Philippines bay qua vùng trời gần bãi Đá Xu Bi, thì liên tục nhận được các cảnh báo đe dọa và thách thức qua radio từ Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, phi công Philippines vẫn tiếp tục hành trình và hạ cánh an toàn trên đảo Thị Tứ.

+ Mỹ:

Mỹ chỉ trích các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Về việc Trung Quốc tiến hành chuyến bay thử nghiệm ra sân bay ở Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ bà Pooja Jhunjhunwala hôm 2/1 bày tỏ lo ngại hành động này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng, “Điều cấp thiết hiện nay là các bên cần công khai cam kết ngừng việc cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông. Chúng tôi khuyến cáo tất cả các bên giảm căng thẳng bằng cách kiềm chế các hành động đơn phương ảnh hướng tới ổn định khu vực, đồng thời thực hiện các bước đi cụ thể tạo điều kiện cho các giải pháp ngoại giao.”

Quan hệ các nước

Việt - Trung lập đường dây liên lạc quốc phòng. Sáng 31/12, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc điện đàm với Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhân dịp Bộ Quốc phòng hai nước chính thức thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp. Hai Bộ trưởng đánh giá cao quan hệ hợp tác quốc phòng thời gian qua và cho rằng sự hợp tác đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, đáp ứng lợi ích của nhân dân mỗi nước; từng bước giải quyết thỏa đáng những bất đồng trên cơ sở các nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước.

Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Ngày 31/12, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố, Cộng đồng ASEAN đã chính chức được thành lập, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ASEAN. Ông Anifah Aman nhấn mạnh, điều này sẽ hỗ trợ tăng cường hơn nữa việc xây dựng cộng đồng và tiến trình hội nhập khu vực, cũng như thực hiện các cam kết theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng tiến lên phía trước.

Phân tích và đánh giá

Sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đang đẩy Việt Nam về phía Mỹcủa Simon Denyer

Để có thêm bạn bè và mở ra thị trường mới, Trung Quốc đang đổ hàng chục tỷ USD cho các nước ASEAN dưới hình thức cho vay và đầu tư trực tiếp, nhưng những nỗ lực này bất thành khi tiếp cận Việt Nam. Sự quyết đoán của Trung Quốc trong yêu sách trên biển đã làm nhiều người Việt Nam xa lánh Trung Quốc. Tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về Con đường Tơ lụa thời đại mới được Việt Nam đón nhận với sự nghi ngờ và hờ hững. Việt Nam đã gia nhập AIIB nhưng lại giữ khoảng cách với dự án Con đường Tơ lụa.

Một trong những lý do mà người Việt Nam mất lòng tin vào Trung Quốc là do sự bê bối của các nhà thầu Trung Quốc. Một dự án đường sắt đô thị do Trung Quốc xây dựng ngay ở Thủ đô Hà Nội đang chậm tiến độ 03 năm, đội vốn lên 57% và xảy ra nhiều tai nạn làm chết và bị thương dân thường. Các công ty Trung Quốc thường thắng thầu bằng cách chào giá rẻ một cách phi lý, sau đó thì đội chi phí lên.

Sự rạn nứt đỉnh điểm nhất gần đây trong quan hệ là khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014. Đây thực sự là cú sốc đối với Việt Nam và cho đến nay lòng tin vẫn chưa được khôi phục thực sự, trong khi đó, việc tăng cường quan hệ với Mỹ thì lại có động lực để tiếp tục tiến triển.

Trong năm qua, 08/16 Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản (BCT ĐCS) Việt Nam đã thăm Mỹ; sáu quan chức nội các Mỹ đã đến Việt Nam. Đặc biệt trong một động thái chưa từng có, Tổng thống Obama đã tiếp Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng vào tháng 7/2015 và dự kiến sẽ thăm Việt Nam trong năm 2016. Tháng 10/2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và hiện đang giúp Hà Nội tăng năng lực của lực lượng hải quân nhằm đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Biểu hiện rõ nhất của sự xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington là việc Việt Nam tham gia vào TPP, một hiệp định thương mại có 12 quốc gia thành viên do Mỹ đứng đầu mà không có mặt Trung Quốc. Với động thái này, Hà Nội mong muốn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, lịch sử và vị trí địa lý của Việt Nam khiến nước này không thể gây thù chuốc oán với Trung Quốc. Việt Nam sẽ không quay lưng với nguồn đầu tư từ Trung Quốc nhưng cũng sẽ lựa chọn hết sức cẩn thận, và dĩ nhiên sẽ không hết lòng tin cậy những kế hoạch của Trung Quốc.

Các lực lượng chống Trung Quốc đang gia tăng” của Richard Javad Heydarian

Áp lực ngoại giao và pháp lý, cùng với các vấn đề quân sự đang hạn chế những lựa chọn của Bắc Kinh. Dường như Trung Quốc đã có một năm đặc biệt khó khăn. Trong nỗ lực để tăng cường tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đã vô tình làm gia tăng số lượng các quốc gia chống lại mình. Nhiều người bình luận Trung Quốc đã châm ngòi chiến lược nguy hiểm, đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giữa những năm 1990, Gerald Segal - nhà khoa học chính trị người Canada - đã đưa ra khái niệm "chính sách kiềm chế", một sự thay thế hợp lý hơn cho kiểu "chiến lược ngăn chặn" trong Chiến tranh Lạnh, giảm bớt ý nghĩa mặt-đối-mặt và đánh giá cao ảnh hưởng về kinh tế của cường quốc đang lên như Trung Quốc. Do đó, một chiến lược kiềm chế là “để nói với Trung Quốc rằng thế giới chỉ muốn được bảo vệ bằng các phương pháp khuyến khích hành vi tốt, ngăn chặn hành vi xấu, và sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt khi không thể ngăn cản bằng biện pháp hòa bình. Một chiến lược kiềm chế có thể đem lại hiệu quả nếu các nước láng giềng và cường quốc ý thức được rằng họ phải hành động bằng cách phối hợp cả cứng và mềm đối với Trung Quốc”.

Hiện đang xuất hiện "chiến lược kiềm chế" chống lại Trung Quốc. Những quốc gia có quyền lực nhỏ hơn, như Philippines, đã phải dùng đến trọng tài quốc tế để tận dụng các quy định liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm chống lại sự coi thường trắng trợn của Trung Quốc đối với Công ước mà nước này đã từng ký. Theo cách này, Philippines hy vọng sẽ buộc Trung Quốc hành xử phù hợp hơn với luật quốc tế.

Các quốc gia không có tranh chấp như Singapore, nước hoan nghênh sự hiện diện thường trực của hải quân Mỹ tại khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc, cũng liên tục kêu gọi một giải pháp cho tranh chấp Biển Đông phù hợp với luật quốc tế. Điều này có thể được hiểu là lời ủng hộ vụ kiện của Philippines. Ngay cả ASEAN cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết cho giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên luật lệ.

Hiện Việt Nam đang lưỡng lự giải pháp pháp lý như của Philippines, tuy nhiên hiện nước này cũng đang thận trọng chuẩn bị cho tình huống của mình, thậm chí quốc gia không có tranh chấp như Indonesia cũng cảnh báo kiện Trung Quốc ra tòa.

Sau hơn một nửa thập kỷ thực hiện chính sách xoay trục, chính quyền Obama đã tăng cường các nỗ lực trực tiếp thách thức chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Sau nhiều lần do dự, cuối cùng Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông bằng việc cử tàu Lassen đi vào vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp.

Úc và Nhật Bản cũng tăng cường các hoạt động đối trọng Trung Quốc. Úc đã tham gia các cuộc tuần tra chung ở khu vực, lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể sớm tham gia vào hoạt động này. Rõ ràng một cơn bão đang được hội tụ để đối phó với các hoạt động theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Động thái của Ấn Độ trước sự lấn lướt của Trung Quốc” của Lakhvinder Singh

Kể từ khi khủng hoảng Biển Đông nổ ra tại Đông Á, đã có những cuộc tranh luận nghiêm túc về cách ứng xử phù hợp của Ấn Độ. Những gì diễn ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trọng tâm chiến lược của Ấn Độ.

Sự gia tăng quân sự chưa từng có của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm đảo lộn trật tự an ninh khu vực do Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới II. Để đối phó với tình thế này, nhiều chiến lược gia Ấn Độ bắt đầu đề xuất các sách lược chủ động như ủng hộ phong trào nổi dậy có vũ trang tại Tây Tạng hay cung cấp công nghệ hạt nhân cho các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, thay vì giúp giải quyết vấn đề, các cách tiếp cận cực đoan có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hiện tại, Ấn Độ không được coi là nước có lợi ích quan trọng tại khu vực. Do đó, để bảo vệ lợi ích của mình, Ấn Độ cần thông qua “Chiến lược can dự toàn diện (CES)” với Đông Á.

Hiện tại, Triều Tiên là cơ hội lớn nhất cho Ấn Độ. Nhiều khả năng Trung Quốc có thể tận dụng sự phụ thuộc từ phía Bình Nhưỡng để phục vụ chính sách đối ngoại của mình. Ấn Độ cần nhận thức tầm quan trọng chiến lược của một Triều Tiên thống nhất đối với bảo đảm hòa bình và an ninh tại Ấn Độ Dương để có những hành động phù hợp.

Tăng cường quan hệ hữu nghị với Nhật Bản - Hàn Quốc trong khuôn khổ đối thoại ba bên cần trở thành ưu tiên của Ấn Độ. Bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh giữa hai quốc gia đều có thể tác động nghiêm trọng tới bộ toàn khu vực Đông Á. Ấn Độ phải làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu khác biệt giữa hai cường quốc Châu Á này. 

Bên cạnh đó, Ấn Độ cần làm mọi cách để hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản nhằm duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông đối với tất cả các nước trong khu vực. Đến nay, Ấn Độ chủ yếu chỉ hỗ trợ bằng lời nói. Ấn Độ cần củng cố quan hệ quốc phòng song phương và cung cấp trợ giúp quân sự cho tất cả các nước Đông Nam Á. Hiện tại, ASEAN đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo khi Trung Quốc cố gắng chi phối tổ chức này để phục vụ lợi ích chiến lược của mình. Ấn Độ cần bảo vệ và hỗ trợ tính độc lập của ASEAN.

Dù hiện tại không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, Nga vẫn là nhân tố quan trọng tại Đông Á. Duy trì quan hệ chặt chẽ và lành mạnh với Nga cần trở thành ưu tiên hàng đầu với Ấn Độ bởi vai trò quan trọng trong duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương. Với cách thức gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Ấn Độ không thể một mình ứng phó mà cần tạo dựng mạng lưới đồng minh tại Đông Á để bảo đảm Ấn Độ Dương là khu vực tự do hàng hải cho mọi quốc gia.

“Một năm đánh dấu những chiến thuật cứng rắn ở Biển Đông” của Clifford Coonan

Với Trung Quốc, 2015 là năm tràn ngập thông tin về sự suy giảm của nền kinh tế thứ hai thế giới và hành vi bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Trong khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì về mặt địa chính trị, điểm nổi bất nhất chính là việc Trung Quốc ngày càng tự tin để theo đuổi những tham vọng ở khu vực, và những phản ứng cứng rắn của Mỹ.

Trong khi Trung Quốc mô tả các trang thiết bị nhân tạo chỉ là các trạm hải đăng thì Mỹ lại cho rằng đó là cại cho rằng đó hải đăng ng ngữ cảnh như này thì nên dịch "as" như một "to be" bành trướngác đường băng và máy bay ném bom có thể cất hạ cánh tại đây.  Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gửi thông điệp rằng: “Lãnh thổ là thứ không thể dựng lên được”. Tuy nhiên công cuộc xây dựng vẫn tiếp diễn. PLA đang xây dựng thêm 2 hoặc 3 bãi đáp sân bay trên các đảo nhân tạo mới xây trên đá Xu Bi và gần đá Vành Khăn ở Trường Sa,  trong khi trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11BH/ BHS.

Mục đích phòng vệ

Vẫn chưa thể chắc chắn Trung Quốc sẽ sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục đích gì. Giới quan chức Trung Quốc chỉ tuyên bố rằng, các các hòn đảo và sân bay sẽ được sử dụng cho “mục đích phòng vệ” và việc định nghĩa cụm từ này vẫn chưa được giải đáp. Trong khi đó, chủ tịch Tập Cận Bình lại quan tâm đến việc thúc đẩy và hiện đại hóa quân sự. Ngoài ra, vào tháng 3 năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua ngân sách để phát triển hải quân Trung Quốc (PLAN) nhằm “bảo vệ các lợi ích biển của Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Sách Trắng Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến bốn lĩnh vực an ninh trọng yếu" của Trung Quốc: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và hạt nhân. Trong khi ngôn từ của Sách Trắng vẫn còn mập mờ thì về cơ bản, PLAN đã chuyển trọng tâm từ “chiến lược phòng vệ xa bờ” thành sự kết hợp giữa “phòng thủ xa bờ và bảo vệ các vùng biển khơi”.

Tâm lý chiến tranh lạnh

Mặc dù chính sách “xoay trục châu Á” bị phân tâm do phải hướng sự chú ý vào Trung Đông, nhưng với căng thẳng thương mại ngày càng tăng đồng nghĩa với việc Mỹ thực hiện một số biện pháp can thiệp cần thiết để cho thấy rằng họ sẽ không dễ dàng từ bỏ châu Á. Vào tháng 5, Mỹ triển khai máy bay do thám quanh khu vực gần Trường Sa. Sau đó, tháng 10, Mỹ cho tàu Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ gây “tâm lý chiến tranh lạnh” và cảnh báo rằng các hành động của Mỹ có thể dẫn đến xung đột. Biển Đông sẽ vẫn là điểm nóng trong năm 2016. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift cũng cảnh báo về một nguy cơ chạy đua vũ trang có thể dẫn đến xung đột khu vực.

“Tranh chấp Biển Đông đặt Úc thế kẹt chiến lược” của Hugh White

Sự kiện Úc triển khai máy bay P3 Orion do thám trên quần đảo Trường Sa tranh chấp được lý giải là hoạt động “tự do hàng hải”, tương tự như việc Mỹ triển khai tàu Lassen. Hoạt động này rõ ràng là thách thức hành vi ngày càng cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, so sánh với nhiều sự kiện khác trong năm nay ở Biển Đông thì hành động này của Úc lại không phải như vậy.

Thực tế thì, giới quan chức Úc đã rất rõ ràng khi thừa nhận đây là hoạt động tuần tra thường xuyên trên Biển Đông – như một phần trong hoạt động mang tên Operation Gateway có từ sau Chiến tranh Lạnh, là một cam kết chiến lược lâu dài của Úc đối với an ninh biển Đông Nam Á. Hoạt động này vẫn được Úc thực hiện và thường bay qua hoặc gần Trường Sa nhưng không trực tiếp thách thức yêu sách của Trung Quốc.

Tuy Hoàn cầu Thời báo đã ra lời đe dọa Úc về những phi vụ tuần tra bay sát các đảo  nhưng chính phủ Bắc Kinh hầu như không có phản ứng gì, vì họ cũng thấy rõ là Canberra không thật sự có những hành động chống Trung Quốc như những lời nói về vấn đề Biển Đông. Điều này rõ ràng khiến cho nhiều người Mỹ thất vọng khi họ mong muốn những người bạn và đồng minh ở Châu Á sẵn sàng và ủng hộ Mỹ bảo vệ vai trò lãnh đạo chiến lược và vị thế ưu việt của Mỹ ở Châu Á. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

Mọi quốc gia châu Á, bao gồm cả Úc, đều muốn Mỹ duy trì sự hiện diện để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, song song với điều đó, họ cũng đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc. Họ hiểu rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế đầu tàu của châu Á, chìa khoá của thịnh vượng, và sẽ trở thành cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực. Trừ khi lối hành xử của Trung Quốc đi quá xa, các quốc gia châu Á đều không mong muốn rơi vào thế kẹt trong xung đột chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng hoàn toàn đúng với trường hợp của Úc. Úc đã tham gia AIIB của Trung Quốc và trớ trêu là hải quân Úc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật hải quân cấp cao một cách bất thường với hải quân của Trung Quốc, gần như cùng thời điểm với việc triển khai Lassen của Mỹ ở Biển Đông. Mới đây nhất, Mỹ đã không hài lòng khi biết được Úc đã quyết định ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc để quản lý cảng ở Darwin – nơi các đơn vị hải quân Mỹ được triển khai theo chiến lược xoay trục.

Giống như các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á, Úc đang gửi đi các tín hiệu rất nhập nhằng. Lời nói thì khuyến khích Mỹ chống lại Trung Quốc trong khi gần như không có một hành động cụ thể nảo. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro là Mỹ sẽ cảm thấy thất vọng, và họ sẽ tìm cách “phủi tay” và để châu Á tự đối phó với Trung Quốc. Nếu muốn tránh điều này và giúp củng cố vai trò của Mỹ ở châu Á thì tất cả cần đối thoại với Mỹ một cách rõ ràng và cởi mở hơn về chính xác những gì mình muốn và cách thức để thực hiện./.