Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc làm phim tài liệu sinh thái Biển Đông. Báo chí Trung Quốc hôm 27/11 cho hay bộ phim được làm dưới dạng phim tài liệu với tựa đề “Beautiful South China Sea, My Home”. Trong buổi họp báo tại Hội chợ Du lịch Biển Quốc tế ở Hải Nam hôm 26/11, người đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ San hô và Sò Hải Nam ông Yao Hongzhao cho biết các thành viên của nhóm làm phim đều là những người tình nguyện, trong đó có một nhiếp ảnh gia dưới nước.

+ Việt Nam:

Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập trên biển khu vực Trường Sa. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 29/11 nêu rõ: “Việc Đài Loan tổ chức cuộc diễn tập trên biển mang tên “Nam Viện số 1” tại khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý thăm chính thức Paraguay. Đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Đặng Đình Quý dẫn đầu đã thăm Paraguay từ ngày 27/11-1/12 và tiến hành phiên tham khảo chính trị lần thứ II cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước. Tại các cuộc tiếp xúc và hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi sâu rộng về các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Phía Paraguay chia sẻ những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

+ Anh:

Chiến đấu cơ Anh sẽ bay trên Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện Washington hôm 1/12, đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho hay 4 máy bay Typhoon đang tham gia diễn tập ở Nhật Bản sẽ bay qua các khu vực tranh chấp ở Biển Đông nhưng không cho biết rõ thời gian cụ thể. Đại sứ Darroch cho biết thêm Anh cũng sẽ đưa vào hoạt động hai tàu sân bay mới vào năm 2020 và các tàu này sẽ hiện diện Thái Bình Dương, “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ mục tiêu của chính quyền Mỹ hiện tại và chính quyền sắp tới về việc bảo vệ tự do hàng hải và duy trì các tuyến đường biển và hàng không luôn rộng mở. Bất chấp việc Anh bận rộn Trung Đông nhưng chúng tôi vẫn đóng vai trò ở khu vực Thái Bình Dương.”

+ Mỹ:

Tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Trên mạng xã hội Twitter hôm 4/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chỉ trích việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và phô trương sức mạnh trên biển, "Trung Quốc có hỏi chúng ta rằng việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến cho các công ty Mỹ khó khăn trong việc cạnh tranh), áp thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào nước này (trong khi Mỹ không đánh thuế họ) hoặc xây dựng tổ hợp quân sự to lớn ở giữa Biển Đông... hay không? Tôi nghĩ là không!" Động thái trên của ông Trump diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phản ứng về cuộc điện đàm mới đây giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan.

Quan hệ các nước

Việt - Nhật đối thoại chính sách quốc phòng lần 4. Đối thoại diễn ra hôm 29/11 tại Tokyo dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và ông Ro Manabe, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Cùng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề an ninh biển, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ro Manabe cho rằng hai bên cần tiếp tục phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực này một cách thực chất. Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận tàu hải quân Nhật Bản vào thăm viếng các cảng của Việt Nam, cũng như sử dụng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại Cảng quốc tế Cam Ranh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn trên biển; hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp trên biển.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Đô đốc Paul Zukunft cho hay Mỹ đang nhắm tới vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nếu chính quyền mới ủng hộ ý tưởng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ “có thể giúp Việt Nam, Indonesia cùng các quốc gia Đông Nam Á khác phát triển năng lực chấp pháp trên biển, đồng thời giúp duy trì hòa bình và an ninh tại các vùng biển lân cận".

Đàm phán vòng 9 phân định vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam - Indonesia. Đoàn đàm phán phía Việt Nam do ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam làm Trưởng đoàn. Đoàn đàm phán Indonesia do ông Bebeb A.K.N Djundjunan, Vụ trưởng Vụ Chính trị, An ninh và các Điều ước lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Indonesia làm Trưởng đoàn. Từ ngày 28-29/11 tại Hà Nội, hai bên tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS năm 1982. Đây là vòng đàm phán tiếp theo của vòng 8 được tổ chức tại Indonesia từ ngày 22-24/3.

Phân tích và đánh giá

Sự thay đổi của Tổng thống Duterte nhen lên hy vọng thỏa hiệp của Renato Cruz de Castro

Trong những tháng gần đây, ông Duterte liên tục đe doạ Philippines sẽ tách khỏi đồng minh chiến lược duy nhất của mình. Các nhà phân tích an ninh đã đặt câu hỏi liệu rằng hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines có thể tồn tại trong 6 năm dưới thời một Tổng thống Philippines theo tư tưởng chống phương Tây. Những lo ngại này phần nào đó được xoa dịu khi Duterte rút lại một vài tuyên bố trước đây và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố rằng, liên minh an ninh giữa Mỹ và Philippines sẽ không chấm dứt và Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA sẽ vẫn còn nguyên hiệu lực.

Ngay sau lễ nhậm chức vào ngày 30/6 vừa qua, dường như vẫn còn khả năng Duterte sẽ đi theo chính của người tiền nhiệm Benigno Aquino, thách thức Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng sau khi Mỹ nêu lên những quan ngại về cái gọi là cuộc chiến chống ma tuý và tội phạm, khiến 5.000 người chết chỉ trong 5 tháng, Duterte đã chuyển hướng chính sách của mình. Những lời đe doạ sau đó nhằm tách Philippines khỏi đồng minh duy nhất của mình có vẻ có liên quan trực tiếp đến phản ứng tức giận của ông Duterte trước những chỉ trích ngày càng gia tăng từ phía Mỹ đối với những vi phạm nhân quyền tại Philippines.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, Duterte cũng cho biết ông sẽ xem xét lại tính hợp pháp của Hiệp ước EDCA, mặc dù Toà án tối cao Philippines đã tuyên bố Hiệp ước này hoàn toàn hợp hiến. Duterte tuyên bố rằng ông sẽ thúc đẩy “liên minh mới” với Trung Quốc và Nga nhằm chống lại những hệ quả từ việc tách ra khỏi Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước ngày 21/10 tới Bắc Kinh, Duterte tuyên bố tách ra khỏi Mỹ và tái thân thiết với Trung Quốc, đi kèm với một thoả thuận nhằm giải quyết song phương các tranh chấp trên Biển Đông. Có thể thấy, tuyên bố này là chiến thắng ngoại giao vĩ đại đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi trở về Manila ông Duterte lại tuyên bố rằng ông sẽ không cắt đứt hoàn toàn liên minh với Mỹ, ông cũng giải thích rằng, “chia tách” chỉ đơn thuần là nhằm hoạch định một chính sách đối ngoại mới. Về phương diện này, cuộc họp nội các ngày 8/11 đã thành công vì Duterte đã quyết định duy trì quan hệ đồng minh và vẫn thực thi Hiệp ước EDCA. Tuy nhiên, theo ông Lorenzana, các cuộc huấn luyện quân sự chung sẽ giảm quy mô thành các cuộc huấn luyện quy mô nhỏ cấp đơn vị, tập trung vào các lực lượng đặc biệt, chống khủng bố và chống ma tuý.

Giai đoạn này cho thấy chủ nghĩa chống Mỹ dưới chính quyền Duterte là mạnh mẽ nhất nhưng không hề lan rộng trong chính quyền của ông, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Các Lực lượng Vũ trang. Trọng tâm của các cuộc tập trận chung từ bảo vệ lãnh thổ sang chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai. Họ cũng có thể duy trì thành công EDCA phải rất vất vả mới đạt được. Với việc hợp tác ở cấp độ thấp hơn và Hiệp ước vẫn còn nguyên giá trị, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và Lầu Năm Góc có cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh bất chấp những lời thoá mạ khó chịu của ông Duterte. Họ vẫn đảm bảo sự tồn tại của quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines dù rằng cấp độ thấp hơn so với các chính quyền tiền nhiệm.

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Donald J. Trumpcủa Lee Seong-hyon

Chiều hướng quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ của ông Trump nhìn chung có thể được quyết định bởi 3 nhân tố: khoảng cách giữa lời nói và hành động của Trump, quan hệ giữa Trump và các cố vấn và khả năng Bắc Kinh bị cám dỗ để đưa ra các phép thử đối với Trump. 

Nhiều chuyên gia Trung Quốc trông đợi Trump sẽ ưu tiên các vấn đề nội bộ và do đó không đặt nhiều tâm trí vào cạnh tranh quyền lực với Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc sẽ ít bị đặt trong tầm ngắm của Mỹ hơn và có nhiều cơ hội để trỗi dậy. Họ cũng cho rằng Mỹ - Trung sẽ dễ đạt được sự đồng thuận trong các lĩnh vực còn bất đồng.

Trung Quốc coi Trump là đối tác có thể tiếp cận và đạt được thỏa thuận, ít nhất là cũng dễ dàng hơn so với Hillary Clinton. Nhiều học giả Trung Quốc coi việc ông Trump đe dọa áp đặt mức thuế quan 45% vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là chiêu bài tranh cử. Tựu chung, phía Trung Quốc coi chính quyền Donald Trump như cơ hội lịch sử hiếm hoi để tạo ra sự dịch chuyển cán cân trong quan hệ Mỹ - Trung. Một chuyên gia nói rằng “Trung Quốc cuối cùng đã thấy cơ hội để vươn lên”.

Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ không trở thành đối tác dễ dãi như Trung Quốc kỳ vọng. Ông Trump phê phán chính sách xoay trục Châu Á của Tổng thống Obama không phải bởi chính sách này được thực thi mà bởi việc thực thi không đến nơi đến chốn, khiến Trung Quốc thách thức sự lãnh đạo của Mỹ.

Phe Trump cáo buộc Tổng thống Obama “nói nhiều nhưng lại nhẹ tay” với Trung Quốc. Trump đã nhấn mạnh sẽ “tái thiết quân đội” và ủng hộ một “nước Mỹ hùng cường” với “quân đội mạnh”. Tuy khá thường xuyên thay đổi lời nói song ông Trump luôn nhất quán với cam kết xây dựng quân đội Mỹ hùng mạnh.

Một số ý kiến cho rằng quan điểm của Trump gắn với tư duy truyền thống của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là của Ronald Reagan, về duy trì “hòa bình thông qua sức mạnh”. Bản thân Trump đã sử dụng thông điệp này trong diễn văn ngày 7/9.

Có cơ sở để nhìn nhận Trump như người theo trường phái Machiavelli đề cao quyền lực tuyệt đối. Trump đơn giản là ngưỡng mộ quyền lực và sự kiểm soát, điều được phản ánh qua cách thức ông điều hành hoạt động kinh doanh. Trump không theo đuổi hợp tác cùng có lợi mà là con người duy thực đến tàn nhẫn, luôn muốn chiến thắng để thống trị.

Có quan điểm tại Trung Quốc cho rằng Trump theo đuổi “chủ nghĩa biệt lập” và sẽ tập trung vào các vấn đề nội trị. Nếu sự can thiệp của Mỹ vào các tranh chấp quốc tế như tại Biển Đông giảm đi, Trung Quốc sẽ có cơ hội lấn tới. Tuy nhiên, với sự tôn sùng quyền lực, Trump có thể sẽ tiếp tục chiến lược theo đuổi bá quyền đơn phương bằng cách duy trì các mối quan hệ đồng minh quân sự toàn cầu và củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ. Đối với các đồng minh như Hàn Quốc, Trump nhiều khả năng sẽ duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên song sẽ yêu cầu Seoul san sẻ nhiều hơn các khoản chi phí.

Làm thế nào để bảo vệ an ninh hàng hải và môi trường ở Biển Đông? của Lauren Dickey

Tại vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền nhạy cảm đang xuất hiện 2 thách thức lớn, đó là sự cần thiết phải có một cơ chế đảm bảo an ninh hàng hải linh hoạt và các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái trước nguy cơ suy thoái trầm trọng. 

Không gian biển là nơi đóng vai trò cần thiết trong sự phát triển của con người, bởi tại đây không chỉ có các tuyến đường vận tải hàng hóa trọng yếu mà còn là nơi có nguồn tài nguyên và hải sản dồi dào. Việc cải tạo địa hình hoặc xây đảo nhân tạo, cùng các hoạt động đánh bắt trái phép quy mô lớn có thể khiến con người phải trả giá cả về môi trường và kinh tế. 

Việc bảo vệ an ninh hàng hải và môi trường đòi hỏi phải có một sự nhất quán trong chính sách ngoại giao không đối đầu. Các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển hiện nay có mục đích là nhằm ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoặc những đối tượng khác xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp. Mặc dù nhiều quốc gia đã có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các hành vi này song hoạt động của lực lượng tuần tra bờ biển trên thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế, do số lượng tàu ít hay chưa có nhiều công nghệ giám sát tân tiến.

Một chương trình phổ biến thông tin về an ninh hàng hải và gìn giữ môi trường có thể là sự khởi đầu đầy hữu hiệu, song các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần nỗ lực hơn nữa, tìm ra những giải pháp hợp lý trong việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên tại vùng biển này. Chính phủ các nước Đông Nam Á trước hết cần tăng cường khả năng đảm bảo an ninh và môi trường tại các vùng biển chung. Việc thiếu vắng những giải pháp và cam kết từ phía lãnh đạo cấp cao nhất sẽ hạn chế đáng kể động lực cần có để triển khai các nỗ lực này. Từ đó, các nước tuyên bố chủ quyền có thể dựa vào DOC được ký năm 2002 để xúc tiến hợp tác trong việc bảo vệ môi trường biển. 

Những hướng dẫn của FAO về quản lý hoạt động đánh bắt cá có thể được coi là cơ sở để thiết lập cơ chế quản lý và các thỏa thuận khai thác hải sản, góp phần đảm bảo việc bảo vệ môi trường biển và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trong dài hạn. Các quốc gia ven biển phải tính đến những chiến lược nhằm đảm bảo cho thế hệ tương lai cũng được hưởng lợi từ biển. 

Tuy nhiên, hợp tác không nên bị giới hạn trong các hoạt động đánh bắt hải sản. Các quốc gia có thể bắt đầu cùng nhau đối phó, khắc phục và hạn chế sự suy thoái của hệ sinh thái tại các rạn san hô. Một trong những giải pháp được đề xuất là đánh chìm các tàu đánh cá bất hợp pháp, thay vì phá hủy chúng, để tạo thành các rạn san hô nhân tạo, tương tự những gì Malaysia đang làm. Các vùng biển tranh chấp cũng có thể trở thành một “công viên hải dương quốc tế”, một khu vực chung mà tất cả các bên đều được hưởng lợi.

Cuối cùng, Úc, Mỹ, và các đối tác châu Âu cũng có thể tham gia các sáng kiến nhằm bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải trong khu vực. Một cơ chế thực thi hiệu quả sẽ giúp các quốc gia trong khu vực đảm bảo luật pháp, giảm thiểu nguy cơ bị xâm chiếm bất hợp pháp và các hoạt động đánh bắt cá trái phép.

Donald J. Trump cần theo đuổi chính sách đối ngoại thực tếcủa John J. Mearsheimer

Trong suốt hơn 25 năm qua, các lãnh đạo Mỹ theo đuổi chính sách bá quyền tự do, kêu gọi mở rộng ô an ninh của Mỹ đến tất cả những nơi có yêu cầu và quảng bá những giá trị dân chủ hết mức có thể. Tuy nhiên, đây là chiến lược phá sản khi ngay lúc này, Mỹ đang phải tìm cách lật đổ và thúc đẩy dân chủ tại 6 quốc gia Trung Đông nhưng không nỗ lực nào thành công. Tại Châu Âu, Mỹ đang nỗ lực một cách ngớ ngẩn kéo Gruzia và Ukraine vào thế giới phương Tây chống lại nguy cơ tưởng tượng đến từ nước Nga, cản trở hợp tác Nga - Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chính quyền Trump nên theo đuổi một chính sách ngoại giao thực tế hơn. Chính quyền Trump nên tập trung duy trì sức mạnh tại ba khu vực quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia là Châu Âu, Đông Á và Vịnh Persian, ngăn chặn sự trỗi dậy của bá quyền khu vực.

Trên thực tế, sức mạnh của Đức sẽ giảm đi theo thời gian do sự già hoá dân số, trong khi Nga vừa lo dân số già hoá vừa có nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu khí. Chính quyền Trump cần khuyến khích các nước Châu Âu tự bảo vệ an ninh, đồng thời giảm dần quân đội Mỹ tại đây. Mặt khác, Trump cũng cần tăng cường quan hệ với Nga trong những lĩnh vực hai nước có chung lợi ích như chống khủng bố và hạt nhân Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng cần Nga để kiềm chế Trung Quốc. Với một lịch sử xung đột lâu dài tại biên giới, Nga sẽ dễ dàng ủng hộ các nỗ lực của Mỹ nếu Mỹ từ bỏ những chính sách đối ngoại như hiện nay.

Tại vùng Vịnh, Mỹ nên điều chỉnh cân bằng quyền lực khu vực từ xa và chỉ huy động quân đội khi một thế lực bá quyền thực sự có nguy cơ trỗi dậy. Washington cũng nên để Moscow đi đầu trong việc chấm dứt xung đột tại Syria khi mà chính quyền Assad thực tế không gây nguy hại gì đối với Mỹ. Trump cũng nên tăng cường hợp tác với Iran vì vũ khí hạt nhân của Iran thực tế chỉ để nhằm phòng ngừa khả năng Mỹ tấn công họ.

Điều đáng lo ngại là Trung Quốc thực sự có thể trở thành một thế lực bá quyền tại Đông Á trong tương lai. Chính quyền Trump cần nỗ lực hết sức để ngăn chặn Trung Quốc thống trị toàn khu vực. Lý tưởng nhất là Washington có thể để các nước Châu Á tự kìm hãm Trung Quốc, song chiến lược này thực tế sẽ không hiệu quả. Không chỉ vì Trung Quốc quá mạnh so với phần còn lại mà còn vì vị trí địa lý các nước láng giềng của Trung Quốc quá xa nhau khiến họ không thể tạo ra một liên minh hiệu quả.

Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng về chính sách đối ngoại của Trump, trong khi giới chuyên gia vẫn đang gây sức ép để Trump theo đuổi chiến lược tự do bá quyền mang lại  thêm khủng bố và những nỗ lực truyền bá dân chủ thất bại, những cuộc chiến vô nghĩa, những chết chóc và huỷ diệt tại Trung Đông. Và hơn tất cả, nó sẽ khiến Mỹ không thể tập trung đối phó với Trung Quốc bởi quân đội Mỹ đang căng trải khắp mọi nơi mà không có ưu tiên cụ thể .

Nguyên nhân Trung Quốc xuống nước trong vấn đề Biển Đông- Phân tích của Stratfor

Những vùng biển đang bị tranh chấp tại Biển Đông là một điểm nóng địa chính trị, song hiện tại nơi đây đang tương đối yên bình. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng 7/2016, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang tỏ thái độ hòa giải, nhất là xung quanh bãi cạn Scarborough – điểm nóng tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines. Bắc Kinh và Manila xem ra đã hướng tới một cơ chế kiểm soát chung xung quanh khu vực này. Cả hai nước đều đặt mục tiêu là đạt được một hình thức cùng tồn tại nào đó. Tất nhiên, kiểu dàn xếp này rất nhạy cảm, dễ bị gây áp lực ở trong nước.

Kể từ đầu tháng 11/2016, Trung Quốc đã lặng lẽ nới lỏng vòng vây phong tỏa hải quân xung quanh bãi cạn Scarborough. Nhằm mục đích hòa giải với Manila, Bắc Kinh không chỉ cho phép ngư dân và tàu thuyền của Phillipines tiếp cận khu vực này mà còn hỗ trợ cả việc đánh bắt cá. Tuy nhiên, nhiều điểm bất đồng chưa được giải quyết. Bắc Kinh vẫn giữ quyền kiểm soát ở mức độ nào đó xung quanh bãi cạn này, trong đó có cả việc tiến hành các cuộc tuần tra hàng ngày, trong khi Manila không từ bỏ nỗ lực ấn định biên giới trên biển. Mặc dù vậy, bất luận những vấn đề còn tồn đọng, Bắc Kinh và Manila xem ra đã có đủ lý do chiến lược để duy trì sự dàn xếp hiện nay, chí ít là trong thời gian hiện tại.

Bằng cách đưa ra một số nhượng bộ xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh còn thể hiện những khát vọng lớn hơn nhiều. Bắc Kinh phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ nhằm làm giảm sự can thiệp từ bên ngoài, dẫn đến việc quốc tế phải công nhận những lợi ích trên biển của họ. Ngay sau khi có phán quyết, Bắc Kinh đã tái khởi động những đề xuất về phối hợp thăm dò năng lượng, và giảng hòa với một số bên khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua những nhượng bộ đáng kể về kinh tế. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng thuyết phục Malaysia và Việt Nam quay trở lại các cuộc đàm phán song phương.

Sở dĩ Trung Quốc chuyển hướng sang sử dụng chiến thuật ngoại giao “mềm” phần nào là do Bắc Kinh đang có những thay đổi trong các toan tính chiến lược.

Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông từng bước mở rộng khả năng quân sự đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Do đó, Biển Đông ngày càng được quốc tế hóa, và theo góc nhìn của Trung Quốc thì có nghĩa là họ bị bao vây bởi các quốc gia thù địch. Đồng thời, Bắc Kinh hiểu rằng sự mơ hồ chiến lược xung quanh những tuyên bố chủ quyền trên biển của họ đã chạm tới mức giới hạn.

Không thể chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ từ bỏ hành vi quyết đoán trên Biển Đông. Thay vào đó, hiện trạng trên biển mới, được trợ giúp bởi phán quyết của tòa án, có thể khiến Trung Quốc phải xem xét lại những chiến lược nào là phù hợp nhất cho những lợi ích trung hạn của họ. Việc tiếp tục những hành vi ngạo mạn của Trung Quốc sẽ chỉ phản tác dụng./.