Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Trung Quốc phản ứng trước tuyên bố Mỹ - Ấn về Biển Đông. Về việc tuyên bố chung gần đây của Mỹ-Ấn bày tỏ quan ngại về tranh chấp Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 26/1 tuyên bố: “Tình hình tổng thể ở Biển Đông là ổn định. Chưa từng có vấn đề đối với tự do hàng hải và hàng không ở đây và cũng sẽ vẫn như vậy trong tương lai. Trung Quốc hy vọng các quốc gia ngoài khu vực tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và duy trì sự thanh bình của vùng biển này.”
Quân đội Trung Quốc quyết tâm ‘giành chiến thắng trong các cuộc chiến cục bộ’. Về hoạt động tập trận và thao diễn của quân đội Trung Quốc năm 2015, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 29/1, người phát ngôn Dương Vũ Quân cho hay, “Quân đội Trung Quốc quyết tâm duy trì tiêu chuẩn cải thiện năng lực chiến đấu, tăng cường huấn luyện chiến lược và chiến dịch, tiến hành diễn tập phối hợp giữa các quân chủng, tăng cường huấn luyện tác chiến ban đêm trong môi trường điện tử phức tạp, tham gia hoạt động tập trận, diễn tập chung với quân đội nước ngoài, để củng cố năng lực chiến đấu nhằm mục tiêu giành chiến thắng các cuộc chiến cục bộ trong điều kiện thông tin hóa.” Trước chỉ trích của Mỹ và Philippines về hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc, ông Dương ngang nhiên cho rằng, “Việc Trung Quốc xây dựng và bảo trì hạ tầng cơ sở trên các đảo và đá ở Biển Đông là hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các quốc gia khác không có quyền chỉ trích những hoạt động xây dựng như vậy.”
+ Singapore:
Singapore: ‘ASEAN khuyến khích giải pháp hòa bình ở Biển Đông.’ Ngày 27/1, Ngoại trưởng Singapore ông K. Shanmugam cho biết ASEAN và Trung Quốc cam kết hợp tác sớm tiến tới COC, song mục tiêu của COC không phải là giải quyết những yêu sách chủ quyền chồng lấn, thay vào đó, ASEAN cần hướng đến và khuyến khích các giải pháp hòa bình. Phát biểu với truyền thông khi tham dự Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN ở Malaysia, Ngoại trưởng Shanmugam cho biết những ưu tiên của Singapore là đưa ra định hướng cho việc xây dựng cộng đồng và các mục tiêu hội nhập, trao đổi ý tưởng về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN hậu 2015. Theo ông Shanmugam, Singapore sẵn sàng hợp tác với Malaysia để đạt được mục tiêu chung về một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và đoàn kết, cũng như tìm ra những cách thức khác để củng cố ASEAN hơn nữa.
+ Malaysia:
Malaysia nâng cấp căn cứ hải quân gần Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Malaysia ông Hishammuddin Tun Hussein hôm 26/1 cho biết nước này sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống phòng không tại căn cứ hải quân RMN Kota Kinabalu nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Tuy nhiên, ông Hishammuddin không tiết lộ thông tin cụ thể về hệ thống phòng không sẽ được triển khai và chỉ cho biết rằng bất kỳ quyết định nào đều phải phụ thuộc vào yêu cầu Quân đội Hoàng gia Malaysia cũng như ngân sách từ chính phủ. Căn cứ hải quân Kota Kinabalu là nơi đồn trú của lực lượng tàu ngầm và tàu chiến của Malaysia, nằm khá gần vùng tranh chấp trên Biển Đông
+ Mỹ:
Mỹ hoan nghênh Nhật Bản tuần tra trên không ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, đô đốc Robert Thomas, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ, cho biết “Các đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực ngày càng mong đợi Nhật Bản đảm nhiệm vai trò duy trì ổn định. Nói một cách thẳng thắn, đội tàu cá, tàu tuần duyên và hải quân Trung Quốc ở Biển Đông đang áp đảo các nước láng giềng.” Nhật Bản không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên khu vực này chiếm đến 10% lượng hải sản đánh bắt toàn cầu và số lượng hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD lưu thông qua vùng biển này mỗi năm, trong đó một phần lớn là đến và đi từ Nhật Bản. Đô đốc Thomas cho rằng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản ở khu vực này sẽ rất thiết thực trong tương lai.
Tổng thống Mỹ: ‘Trung Quốc không nên bắt nạt các nước láng giềng’. Trả lời phỏng vấn với CNN ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy hòa bình mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Điều nguy hiểm đối với chúng tôi đó là một Trung Quốc bất ổn, đói nghèo và rạn nứt. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc phát triển không nên gây tổn hại tới các nước khác. Trung Quốc không nên bắt nạt các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines trong vấn đề tranh chấp biển, mà cố gắng giải quyết vấn đề này dựa trên luật pháp quốc tế.” Về việc Trung Quốc chỉ trích tuyên bố của Mỹ-Ấn gần đây, ông Obama nói: “Tôi ngạc nhiên khi biết Chính phủ Trung Quốc đưa ra những tuyên bố này. Trung Quốc không cần cảm thấy bị đe dọa khi Mỹ có quan hệ tốt với Ấn Độ.”
+ Úc:
Úc tặng Philippines 2 tàu đổ bộ cũ. Ngày 1/2, Úc thông báo sẽ trao cho phía Philippines hai tàu đổ bộ quân sự đã qua sử dụng để hỗ trợ công tác nhân đạo và cứu trợ. Các tàu này, Úc đã loại bỏ hồi tháng 11/2014, sẽ được tân trang lại với các thiết bị dẫn đường và an toàn mới trước khi bàn giao cho phía Philippines. Manila đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các tàu đổ bộ trong chiến dịch cứu trợ sau siêu bão Haiyan.
Quan hệ các nước
Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Trong hai ngày 27 và 28/1, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) và các cuộc họp trù bị của các quan chức cấp cao đã diễn ra tại thành phố Kota Kinabalu của Malaysia. Hội nghị tập trung thảo luận nhiều nội dung bao gồm: (i) trọng tâm và ưu tiên hoạt động của ASEAN trong năm 2015; (ii) đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, (iii) tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN; và (iv) trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Riêng về Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, trong đó có việc bồi đắp các đảo đá quy mô lớn; đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, thúc đẩy để sớm đạt được COC. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho hay, “Hội nghị chia sẻ mối quan ngại mà một số ngoại trưởng nêu ra về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông.” Tuyên bố của ông Aman cũng kêu gọi ASEAN tăng cường nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Nhật Bản, Philippines cam kết tăng cường hợp tác an ninh biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin có chuyến thăm 3 ngày tới Nhật bản và có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm 29/1. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay, “hai Bộ trưởng trao đổi và cùng chia sẻ về tình hình hiện nay ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Về vấn đề này, hai Bộ trưởng cho rằng phải giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vụ lực, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên biển cả.”
Việt Nam-Philipines hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược. Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm Philippines từ ngày 29-30/1/2015. Thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên bắt đầu trao đổi việc hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược cũng như nội hàm của mối quan hệ đó nhằm đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Về vấn đề Biển Đông, hai bộ trưởng bày tỏ lo ngại về những hành động lấn chiếm quy mô lớn đang diễn ra, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Hai bên tái khẳng định cam kết giải quyết các bất đồng ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Singapore - Indonesia nhất trí thúc đẩy quan hệ quốc phòng. Kết thúc chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu và người đồng cấp nước chủ nhà Ng Eng Hen hôm 30/1 ra tuyên bố chung tái khẳng định quan hệ hợp tác giữa lực lượng vũ trang hai nước. Hai bên đã đề xuất 4 sáng kiến mới đó là: (i) đẩy mạnh hợp tác thiết thực thông qua các mối liên kết hiện có giữa hai lực lượng vũ trang về những quan tâm an ninh chung; (ii) tăng cường tương tác song phương giữa giới chức bộ quốc phòng và quân nhân hai nước thông qua huấn luyện chung và các khóa học; (iii) tiến hành đối thoại thường xuyên giữa giới chức cấp cao Bộ Quốc phòng về các vấn đề khu vực và chiến lược cùng có lợi cho hai nước; (iv) tìm ra những sáng kiến mới dựa trên sự hợp tác giữa quân đội hai nước.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj thăm Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 31/1 đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc trong bốn ngày. Đây là lần đầu tiên bà Swaraj tới thăm Bắc Kinh kể từ khi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ hồi tháng 5/2014. Theo lịch trình, bà Swaraj sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị về một loạt vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, đồng thời tham dự hội nghị ba bên Nga-Ấn-Trung. Hai bên sẽ thăm dò khả năng tổ chức chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào cuối năm nay.
Phân tích và đánh giá
“Chính sách cưỡng ép tinh vi của Trung Quốc và phản ứng của các quốc gia khác: Những con số thống kê cho chúng ta thấy những gì?” của Christopher Yung và Patrick McNulty
Gần đây, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) công bố một báo cáo nhan đề “China’s Tailored Coercion and Its Rivals’ Actions and Responses: What the Numbers Tell Us.” Đây là báo cáo nằm trong loạt bài của CNAS nhằm mục đích xây dựng các chiến lược để răn đe, ngăn chặn và áp đặt những cái giá cho hành động khiêu khích tại các vùng biển của Châu Á.
Việc nghiên cứu chiến thuật của các quốc gia tại Biển Đông cho thấy một số mô hình thú vị về hành vi của các bên yêu sách. Sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự cho phép Bắc Kinh tận dụng rất nhiều các công cụ khác nhau để bảo vệ và thúc đẩy yêu sách trên biển. Trung Quốc là bên sử dụng thường xuyên nhất tất cả các thành tố của sức mạnh quốc gia để tìm cách gây ảnh hưởng lên các bên yêu sách khác, với chỉ một ngoại lệ các hành động pháp lý. Tổng số các hành động của Trung Quốc gần gấp đôi so với các hành động của Philippines. Tính từ năm 1995, các hành động quân sự và bán quân sự của Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng số các hành động loại này. Trung Quốc cũng là nước thường xuyên nhất sử dụng chiến thuật thông tin hay truyền thông chiến lược để định hình dư luận trong và ngoài nước. Số hành động kinh tế mà Trung Quốc sử dụng nhiều gấp đôi so với quốc gia xếp đằng sau là Philippines.
Các quốc gia có yêu sách khác ở Biển Đông cũng có những hành động đáp trả. Tất cả các bên yêu sách tại Đông Nam Á và Đài Loan đều sử dụng các công cụ quân sự và bán quân sự để bảo vệ hay thúc đẩy yêu sách của mình. Việt Nam và Philippines là các bên tích cực nhất trong việc tìm cách xây dựng liên minh trong ASEAN nhằm cân bằng lại áp lực ngoại giao từ phía Trung Quốc. Cả Việt Nam và Philippines cũng đã ký kết các hợp đồng khai thác dầu mỏ với bên thứ ba như là một động thái vừa để gây sức ép lên Trung Quốc, vừa để “quốc tế hóa” tranh chấp biển và vừa để đem lại lợi ích kinh tế trong nước.
Các bên có yêu sách thực hiện rất nhiều các biện pháp khác nhau tại Biển Đông để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của mình. Trung Quốc là quốc gia thực hiện phần lớn các biện pháp nhằm gây ảnh hưởng, nhưng Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng rất tích cực trong việc sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy lợi ích của mình. Trong chiến thuật cưỡng ép của mình tại Biển Đông, có vẻ Trung Quốc vẫn kiềm chế không thực hiện các hành động vượt quá ngưỡng cho phép mà có thể là tác nhân tạo ra một liên minh chống Trung Quốc mạnh mẽ hơn, trong đó bao gồm cả Mỹ. Ví dụ, vụ việc tại Bãi cạn Scarborough chỉ ra rằng Bắc Kinh sử dụng nhiều tàu chấp pháp hơn là các tàu của hải quân.
Tương tự, trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh vẫn cẩn trọng với việc không từ chối các cuộc đàm phán hay các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp, nhưng nước này vẫn giữ quan điểm rằng đàm phán song phương mới là cách thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc đồng ý về nguyên tắc rằng các biện pháp xây dựng lòng tin có vai trò quan trọng cho hòa bình và ổn định tại khu vực. Nhưng nước này không chấp thuận một bộ quy tắc ứng xử hay các biện pháp giúp hạn chế các hành vi cứng rắn, đây là những cơ chế có thể khiến Trung Quốc gặp phải những bất lợi rõ ràng.
Bắc Kinh cũng sử dụng một vài hành động kinh tế mang tính tích cực, bao gồm các hợp đồng kinh tế béo bở cho các bên có tranh chấp và thậm chí đã chấp nhận các thỏa thuận khai thác chung trong quá khứ. Nhưng Trung Quốc cũng nhanh chóng sử các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề khi các thỏa thuận kinh tế của họ không mang hiệu quả hay khi các bên có yêu sách có các hành động thách thức tham vọng biển của Trung Quốc.
Điểm mấu chốt đó là dường như Trung Quốc tự đặt ra một giới hạn trong việc sử dụng các hành vi cưỡng ép, có lẽ bởi Bắc Kinh nhận ra rằng các hành động vượt quá ngưỡng cửa này sẽ gây ra những tổn thất kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự to lớn. Câu chuyện Trung Quốc công khai sử dụng vũ lực với Việt Nam vào năm 1988, nhưng từ đó đến nay lại không làm như vậy, vẫn cần phải được nhắc lại. Kết luận này sẽ gợi mở nhiều vấn đề cho chính sách của Mỹ trong các nghiên cứu sau này.
“Các đảo ở Biển Đông có thể sẽ nằm trong chuỗi đảo thứ nhất của Trung Quốc”
Theo tạp chí quốc phòng Japan Military Review, thông qua hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông, Trung Quốc có thể đang tìm cách thiết lập chuỗi đảo thứ nhất nhằm chế ngự các căn cứ Mỹ ở Úc. Ông Saburo Tanaka, chuyên gia người Nhật chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, nhận định các căn cứ quân sự của Mỹ tại Úc đã trở thành mối lo ngại chính của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Các đảo được cải tạo tại Biển Đông sẽ giúp cho Trung Quốc vừa có khả năng bảo vệ tuyến tiếp tế bằng đường biển ở phía bắc Eo biển Malacca, đồng thời còn có thể ngăn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến vào Biển Đông từ biển Celebes. Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia.
Bản kế hoạch chi tiết do Viện Nghiên cứu và Thiết kế Số 9 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc rò rỉ trên mạng internet cho thấy PLA đang có kế hoạch xây cả căn cứ hải quân lẫn không quân trên 6 đảo và bãi đá ngầm tại Biển Đông. Trung Quốc được cho là đang xây dựng một đường băng trên Đá Gạc Ma, nơi nằm cách bờ biển phía bắc của Úc khoảng 3.200 km. Từ Gạc Ma, máy bay ném bom H-6 của Không quân PLA với tầm chiến đấu có bán kính lên đến 1.800 km có thể phát động một cuộc tấn công hướng vào Úc.
Các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore cũng sẽ nằm trong tầm tấn công của máy bay ném bom chiến lược H-6 Trung Quốc. Singapore có thể sẽ là mục tiêu chính của PLA bởi Hải quân Mỹ trong tương lai có lẽ sẽ điều thêm tàu chiến ven bờ tới đảo quốc này. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng các cảng có đủ điều kiện để các tàu có trọng lượng rẽ nước trên 5000 tấn neo đậu, điều này có nghĩa rằng tất cả các loại tàu chiến của PLA đều có thể được triển khai tại khu vực.
“Lập trường của Malaysia đối với tranh chấp trên Biển Đông” của Oh Ei Sun
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2015, Malaysia sẽ phải đối mặt với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa một số quốc gia thành viên với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, lập trường của Malaysia cần phải được đánh giá toàn diện hơn.
Gần đây, một số nhà nghiên cứu đã coi cách xử lý tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc của Malaysia là một dạng "bảo hiểm rủi ro", cân bằng giữa lợi ích quốc gia trong việc duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh và lợi ích của "khu vực". Dù việc coi cách tiếp cận của Malaysia là "bảo hiểm rủi ro" có thể phần nào chính xác, song vẫn cần phải có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò quốc tế của Malaysia.
Malaysia là một trung tâm thương mại sôi động tại khu vực, không chỉ vậy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Do đó, việc Malaysia không áp dụng phương pháp tiếp cận mang tính đối đầu hơn của Việt Nam và Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông, vì thế không làm người ta mấy ngạc nhiên.
Nhưng ngay cả khi thuật ngữ "bảo hiểm rủi ro" được dùng để mô tả cách thức xử lý tranh chấp trên Biển Đông của Malaysia, thì nó ít nhất cũng cần được hiểu trong bối cảnh lớn hơn. Không chỉ duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, Malaysia, không như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, cũng hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực. Tập trận chung (bao gồm cả diễn tập trong hoặc gần vùng biển tranh chấp) và nỗ lực chống khủng bố, tiếp tục là nền tảng cho hợp tác an ninh Mỹ-Malaysia.
Lập trường thân Mỹ của Malaysia, ít nhất là ở khía cạnh an ninh, do đó không mấy khác biệt với lập trường mà Việt Nam hay Philippines đã thể hiện. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng Malaysia và Trung Quốc được cho là sẽ tổ chức tập trận chung lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, chắc chắn Malaysia sẽ không bỏ qua sự đoàn kết của khu vực khi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Malaysia vẫn cam kết và đang chủ động thúc đẩy các giải pháp mang tính toàn khu vực cho cuộc tranh chấp này. Malaysia cũng không phản đối lựa chọn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách song phương với các bên tranh chấp.
Từ trước tới nay, Malaysia đều thể hiện sự linh hoạt trong cách thức xử lý tranh chấp như đàm phán trực tiếp, hòa giải, cùng phát triển hay để tòa án quốc tế phân xử. Hầu hết các biện pháp này đã được Kuala Lumpur thực hiện thành công trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia và Singapore .
Đối với cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia dường như ưu tiên hướng đến việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) cho các bên tuyên bố chủ quyền. COC được cho là sẽ tạo ra một khuôn khổ cho việc xử lý, nếu không muốn nói là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Là Chủ tịch ASEAN, Malaysia có khả năng đặt ưu tiên cao cho việc thông qua COC.
“Trung Quốc chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ 2?”
Trang blog của chính quyền và tờ báo chính thức của thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, hôm 31/1 cùng đăng tải bài viết cho biết một nhà sản xuất cáp điện tại đây đã "thắng gói thầu cung cấp nguyên vật liệu cho việc xây mới chiếc tàu sân bay thứ hai" của Trung Quốc. Các nguồn trên dẫn lại thông tin từ một hội nghị kinh tế và công nghệ của thành phố diễn ra hôm 30/1.
Ông Nê Lạc Hùng, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, nhận định thông tin này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng tàu sân bay hoặc "ít nhất đã hoàn thành khâu thiết kế".
Hồi tháng một năm ngoái, ông Vương Dân, Bí thư tỉnh Liêu Ninh, cũng tuyên bố tại cuộc họp của đại hội đồng nhân dân cấp tỉnh rằng chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang được xây dựng ở Đại Liên. Nhiều bản tin trong nước dẫn lại lời ông Vương khẳng định thành phố cảng này cũng đang chế tạo hai tàu khu trục hiện đại 052D. Ông Vương còn cho hay phải mất 6 năm để hoàn thành việc xây dựng tàu sân bay mới và hải quân Trung Quốc cuối cùng sẽ sở hữu 4 chiếc tàu loại này.
Theo ông Nhạc Cương, chuyên gia phân tích quân sự ở Bắc Kinh, một chiếc tàu sân bay là "không thể đủ" đối với nhu cầu của Trung Quốc và "cần ít nhất ba chiếc như thế để duy trì sự hiện diện của hải quân" nước này. Ông thêm rằng những căng thẳng gia tăng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông là lý do để Bắc Kinh phải đầu tư thêm nhiều tàu sân bay. “[Trung Quốc cần] ít nhất ba tàu sân bay, và chúng sẽ được biên chế cho ba hạm đội của nước này, để bảo đảm rằng hệ thống [tàu sân bay] tổng thể sẽ được vận hành. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay đó là mở rộng quy mô.”
“Mỹ nên tận dụng vai trò của EU trong vấn đề Biển Đông như thế nào?” của Bruno Hellendorff
Mặc dù không có một chiến lược cụ thể cho Biển Đông, nhưng các sáng kiến khác nhau mà EU thực hiện dựa trên một nền tảng chính sách có thể được tạm gọi là lập trường “ba không và bốn có”. “Ba không” gồm: không can thiệp quân sự; không với vai trò lãnh đạo trong hoạt động ngoại giao; không lựa chọn đứng về một bên cụ thể. “Bốn có” gồm: ủng hộ dành cho các sáng kiến đa phương hướng tới hòa bình và ổn định; ủng hộ các giải pháp ngoại giao và hòa bình đối cho tranh chấp; ủng hộ vai trò hòa giải dựa trên luật pháp quốc tế; ủng hộ việc trao đổi các thực tiễn và các sáng kiến hiệu quả nhất dựa trên kinh nghiệm của EU. Lập trường này dựa trên đánh giá thực tế về vai trò của EU, năng lực của họ, và những giá trị mà EU có thể mang lại.
Vậy, Mỹ nên tận dụng vai trò của EU như thế nào trong vấn đề Biển Đông? Mỹ nên thực hiện 3 bước đi chính sách để khuyến khích sự tham gia rõ ràng hơn của EU vào vấn đề Biển Đông, và để xây dựng sự phối hợp tốt hơn giữa hai bên. Thứ nhất đó là công nhận lập trường “bốn có ba không” của EU về Biển Đông như là một sự bổ sung hữu ích cho chính sách của riêng Mỹ. Khi làm như vậy, Mỹ sẽ có lý do để nói rằng chính sách tái cân bằng không có tính đối đầu và mở cửa với tất cả các quốc gia. Thứ hai đó là khuyến khích EU đưa ra một chiến lược nhất quán về Châu Á trong một chiến lược tổng thể toàn cầu, hay cụ thể là trong bối cảnh mà EU và Mỹ phải giải quyết nhiều vấn đề khác (như bất ổn tại Trung Đông, Ucraina, Châu Phi...). Động thái này sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Washington không lo sợ, và cũng không kiềm chế, sự tự chủ chiến lược của EU. Nói rộng ra, động thái này sẽ chuyển đi một thông điệp tích cực đối với các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Với ASEAN, nó sẽ cải thiện hình ảnh của Mỹ như một cường quốc ôn hòa. Với Trung Quốc, nó sẽ không giống với kiểu ngăn chặn theo phong cách cũ. Và cuối cùng, để duy trì hàng rào răn đe của mình, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần phải giữ đà phát triển của chiến lược tái cân bằng với việc làm sâu sắc các mối quan hệ đồng minh và đối tác tại khu vực, và đảm bảo sức mạnh vượt trội về quân sự tiếp tục được duy trì. Mỹ cũng cần phải nhất quán hơn trong ngoại giao công chúng và ngoại giao quân sự.
Cuộc cải tổ của giới tinh hoa hoạch định chính sách đối ngoại của EU là một cơ hội tốt để đưa quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương lên một tầm cao mới. Giới hoạch định chính sách đối ngoại tại Brussel, với rất nhiều khủng hoảng mà họ hiện phải đối mặt, giờ đã nhận thức được sự cần thiết của một kế hoạch dự phòng có quy mô lớn hơn. Người ta đang hy vọng rằng EU sẽ xây dựng một chính sách đối ngoại thực tế và nhất quán hơn dưới thời Chủ tịch mới, ông Federica Mogherini. Trên cơ sở này, có một vấn đề mà chính quyền Obama cần phải giải quyết ngay lập tức, đó là: thực thi Tuyên bố chung EU-Mỹ về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.