I. Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc tiến hành dự báo thời tiết ở Biển Đông. Cục khí tượng Hải Nam, Trung Quốc hôm 26/5 cho biết cơ quan này bắt đầu tiến hành dự báo thời tiết đối với khu vực bãi cạn Scarborough, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thái Tần Ba - giám đốc trạm khí tượng tỉnh Hải Nam nói rằng: “Cải thiện dự báo thời tiết ở Biển Đông là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi lại cũng như hoạt động sản xuất ven biển.”

Trung Quốc sắp trình làng tàu hộ vệ tên lửa mới. Các nhà quân sự cho biết loại tàu hộ vệ tên lửa mới của Trung Quốc có thể trình làng trong "vòng vài ngày tới." Tới thời điểm này, có rất ít thông tin kỹ thuật được cung cấp về con tàu này. Tuy nhiên, người ta tin rằng, nó nằm trong lớp tàu trọng lượng 1.400-1.700 tấn. Thiết kế loại 056 trang bị súng 76mm, bốn bệ phóng tên lửa đất đối đất (SSM) số hiệu YJ-83 SSM - thiết kế mới nhất của Trung Quốc - và một bệ phóng tên lửa đất đối không FL-1000.

Trung Quốc phản đối bên thứ 3 "can dự" vào tranh chấp Scarborough. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc luôn thúc giục Philippines sửa chữa các sai lầm và tham gia các tham vấn ngoại giao nhằm làm dịu tình hình. Nỗ lực lôi kéo bên thứ ba của Philippines nhằm chia rẽ hay can thiệp vào vấn đề dưới bất kỳ hình thức nào chắc chắn sẽ làm phức tạp tình hình hoặc thậm chí thay đổi bản chất của vấn đề.”

Gần 100 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 23/5 cho biết tính đến 19 giờ (giờ địa phương) ngày 21/5, có 5 tàu chính phủ Trung Quốc (2 tàu hải giám 71 và 84, 3 tàu ngư chính 301, 303 và 310), 16 tàu cá và 56 tàu tiện dụng xuất hiện ở  khu vực bãi cạn. Đến hôm sau 22/5, vẫn còn 16 tàu cá Trung Quốc và số thuyền tiện dụng đã tăng lên con số 76.” Ông Hernandez cũng nói rằng Philippines đã gửi kháng thư lần thứ bảy cho Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát bãi Scarborough. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, “Bắc Kinh tăng cường kiểm soát tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough để đối phó với các hành động khiêu khích gần đây của Philippines. Hiện có khoảng 20 tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động ở khu vực này, số lượng tàu tương tự như những năm trước. Hoạt động của các tàu cá phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc cũng như lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc.”

Quan chức ngoại giao Trung Quốc ‘lên lớp’ phóng viên Philippines. Trả lời phỏng vấn tại lễ kỷ niệm 114 năm thành lập Hải quân Philippines, Đại tá cấp cao Trung Quốc Trần Phương Minh, Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Trung Quốc, đã “dạy dỗ” báo giới Philippines, “Đừng thêm thắt những tình tiết mới cho câu chuyện vì các bạn không phải là nhà văn hay tiểu thuyết gia. Các bạn là những phóng viên và việc nói sự thật là điều rất quan trọng. Tự do ngôn luận dù ở đâu đi chăng nữa cũng phải dựa trên sự thật. Chính vì vậy, mỗi nhà báo cần nhận thức đầy đủ hơn nữa về trách nhiệm đối với xã hội trước khi đưa ra bất cứ một thông tin nào.”

Trung Quốc cáo buộc Philippines "không chân thành" trong giải quyết tranh chấp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 24/5 cho biết, “Trong suốt thời gian xảy ra tranh chấp ở bãi cạn, Trung Quốc đã luôn tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, Philippines vẫn có các hành động khiêu khích buộc Trung Quốc phải đặt tình trạng báo động cao ở khu vực đó. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Philippines hãy tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngừng các động thái khiêu khích, và tỏ thái độ chân thành, đồng thời tiến hành các cuộc đối thoại ngoại giao nghiêm túc với Trung Quốc.”

Trung Quốc phản pháo phát biểu của ngoại trưởng Mỹ. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/5, khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng “Chúng tôi đã biết các thông tin liên quan và bày tỏ sự quan ngại về điều này. Theo những gì chúng tôi biết, các nước thành viên ASEAN không phải bên yêu sách và các nước ngoài khu vực đều đồng ý với quan điểm không can dự vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc theo đuổi phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với các nước liên quan trực tiếp.”

Đài Loan sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tổng giám đốc Cục An Ninh Quốc gia Đài Loan Thái Đức Thắng nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, khả năng hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là không thể xảy ra. Người đứng đầu Cục An Ninh Quốc gia Đài Loan cũng cho biết thêm rằng Việt Nam và Philippines cũng đã yêu cầu Đài Loan không hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông.

Philippines cần dừng hành động làm nóng Biển Đông. Philippines đang “ảo tưởng” có thể giành giật đảo Hoàng Nham với Trung Quốc. Trong thời quan qua, Trung Quốc đã luôn kiềm chế trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông với Philippines. Trong khi đó, Philippines lại đang “xâm lấn vào các hòn đảo, bãi cạn, vùng lãnh hải và cả nguồn lực của Trung Quốc ở Biển Đông.” Manila đã cự tuyệt những đề nghị thân thiện của Bắc Kinh “trong việc gạt những tranh chấp sang một bên và cùng nhau phát triển” và vẫn tiếp tục khiêu khích Trung Quốc. Bắc Kinh đã gửi lời cảnh báo đầy sắc lạnh đến Tổng thống Aquino rằng, “Trung Quốc sẽ không bao giờ bị dọa dẫm và sẽ dùng vũ lực để bảo vệ lãnh thổ nếu thấy cần thiết.”

+ Việt Nam:

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc sớm trả lại tàu cá. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNg55003TS và toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16/5 và chấm dứt các hành động tương tự. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cá QNg 66101 TS mà Trung Quốc bắt giữ ngày 4/3/2012.”

Việt Nam tham dự hội nghị chính sách an ninh ARF. An ninh biển và an toàn năng lượng hạt nhân là hai chủ đề nổi bật tại Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) diễn ra ngày 25/5 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị này. Đại diện quốc phòng của 27 quốc gia trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đã chia sẻ mối quan tâm và khẳng định tầm quan trọng của an ninh khu vực, trong đó nhấn mạnh đến an ninh biển.

+ Phi-líp-pin:

Tổng thống Philippines sắp đi thăm Mỹ. Ông Benigno Aquino sẽ tới Mỹ để gặp người đồng cấp Barack Obama vào ngày 8/6. Nhà Trắng cho hay: "Philippines là một người bạn và một đồng minh lâu năm của Mỹ. Tổng thống Obama chờ đợi việc cùng trao đổi với Tổng thống Aquino về các mối quan hệ chiến lược, kinh tế và con người giữa hai quốc gia, cũng như sự hợp tác của chúng tôi tại khu vực châu Á - Thái Bình dương."

Ngoại trưởng Philippines ‘Philippines tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình’. Trong một tuyên bố được đưa ra trước Hội nghị cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chủ đề “Vai trò Hoà giải của Các nước thành viên”, ông Del Rosario cho biết: “Cái giá của xung đột quá cao. Hoà giải và cơ chế bên thứ 3 có thể làm sân chơi trở nên bình đẳng… Vì thế, chúng tôi đang theo đuổi hướng đi này với hy vọng sẽ giải quyết được cuộc xung đột đang diễn ra ở Biển Đông.”

+ Mỹ:

Mỹ kêu gọi một bộ quy tắc ràng buộc ở Biển Đông. Joseph Yun, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về An ninh Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, Mỹ đã đề cập vấn đề này với các quan chức cấp cao ASEAN tại Manila khi cả hai thảo luận về những vấn đề hợp tác song phương và khu vực bao gồm cả an ninh hàng hải và Biển Đông. Theo ông Yun, đại diện của Washington tham dự Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 25, “Chúng tôi rất quan tâm và chờ đón ASEAN - Trung Quốc cùng làm việc về bộ quy tắc hành xử mà tôi nghĩ sẽ có ích cho tất cả mọi người.”

Ngoại trưởng Mỹ ‘Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá mức cho phép của UNCLOS.’ Ngoại trưởng Mỹ đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điều trần hôm 23/5 trước Uỷ ban đối ngoại thượng viện. Phiên điều trần này nằm trong nỗ lực vận động mà chính quyền Obama vừa bắt đầu để thúc đẩy việc thông qua công ước đã có 30 năm tuổi này. Bà Clinton cũng nói thêm rằng việc Mỹ không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ của nước này dành cho các đồng minh trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông và đặt quân đội Mỹ vào nguy cơ đối đầu ngày càng tăng với Trung Quốc.

Thượng viện Mỹ điều trần Công ước Luật biển 1982. Ngày 23/5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với sự tham gia của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey. Phát biểu tại cuộc điều trần kéo dài 3 giờ, ba quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã trình bày những lợi ích về kinh tế và an ninh của việc phê chuẩn UNCLOS, cũng như những thiệt hại mà việc chậm phê chuẩn gây ra cho nước Mỹ.

Lầu Năm Góc đánh giá chiến lược quân sự và tiềm lực Trung Quốc. Ngày 18/5, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo hàng năm trước Quốc hội Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc. Theo Lầu Năm Góc, tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể lên đến 180 tỷ USD hoặc ít ra không thể dưới 120 tỷ USD. Bản báo cáo nêu các đánh giá của ban lãnh đạo Bắc Kinh về môi trường chiến lược, trong đó Trung Quốc đang có “một thời cơ chiến lược” cần nắm bắt. Chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc mang nội dung dài hạn, toàn diện nâng cao năng lực của các lực lượng vũ trang đánh thắng “các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện tin học hóa”, hoặc các chiến dịch  quân sự khu vực cường độ cao, tin học hóa trong một thời gian ngắn. Trung Quốc đang nhắm mục tiêu tận dụng và sở hữu công nghệ quân sự theo cách hợp pháp lẫn bất hợp pháp, nước này tiến hành hoạt động gián điệp không gian mạng nhằm thu thập thông tin tình báo chiến lược của chính phủ và các công ty tư nhân Mỹ, đặc biệt là thông tin về an ninh không gian mạng.

+ Nhật Bản:

Tàu khu trục Hải quân Nhật Bản thăm Philippines. Ba tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản, gồm JS Kashima (TV-3508), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130) do Chuẩn Đô đốc Hidetoshi Fuchinoue chỉ huy, sẽ cập cảng Manila, Philippines ngày 28-5 trong chuyến thăm 5 ngày. Trong chuyến thăm này, phía Nhật Bản sẽ tham gia "các hoạt động thiện chí với Hải quân Philippines cùng các sinh hoạt xã hội với các cơ quan chính phủ Philippines."

+ Nga:

Nga thể hiện lập trường về Biển Đông. Đại sứ Nga tại Philippines Nikolay Kudashev tuyên bố Liên bang Nga phản đối các nước bên ngoài có hành động can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, “Nếu không thận trọng, chúng ta có thể sẽ bị coi là đang can thiệp vào tình hình nội bộ của các nước có tranh chấp trong khu vực Biển Đông.” Tuy nhiên, ông Kudashev nhấn mạnh, Chính phủ Nga “không thờ ơ” trước tình hình hiện nay ở Biển Đông, “Chúng tôi liên tục cam kết bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi là một phần của khu vực này.” Theo ông Kudashev, Công ước của LHQ về Luật biển “là cơ sở chắc chắn và hữu hiệu” trong quá trình giải quyết tranh chấp.

II. Quan hệ các nước

Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN. Từ ngày 24 đến 26/5, tại Phnom Penh- Campuchia, đã diễn ra các Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Các hội nghị đã kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với đối tác thời gian qua và thảo luận những vấn đề cùng quan tâm của khu vực. Đây cũng là bước chuẩn bị cho cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan (AMM-45, EAS, ARF-19…) sẽ diễn ra vào tháng 7 này tại Campuchia.

ASEAN hoàn tất dự thảo COC ở Biển Đông. Các quan chức cấp cao của ASEAN ngày 24/5 đã hoàn tất dự thảo những điểm chính để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy, người giữ vai trò chủ trì hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 7 tổ chức tại Campuchia, cho biết dự thảo này sẽ được trình lên Ngoại trưởng các nước ASEAN để đưa ra quyết định cuối cùng trong hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN vào tháng Bảy tới. Nếu được thông qua, ASEAN sẽ tiến hành đàm phán với Trung Quốc. Bà Rathchavy nhấn mạnh COC rất quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc.

Đàm phán cấp chuyên viên Việt Nam-Trung Quốc. Đàm phán vòng I cấp chuyên viên Việt Nam-Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã diễn ra trong hai ngày 21-22/5, tại Hà Nội. Hai bên khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” ký tháng 10/2011.

Philippines bổ nhiệm đại sứ ở Trung Quốc. Ngày 26.5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tái bổ nhiệm cựu đại sứ Philippines ở Trung Quốc. Bà Sonya Brady (70 tuổi), từng là Đại sứ Philippines ở Bắc Kinh từ năm 2006-2010, được tái bổ nhiệm làm đại sứ. Theo Abigail Valte - phát ngôn viên tổng thống Philippines, Ông Aquino muốn bổ nhiệm “một người am hiểu chính trị và văn hóa Trung Quốc.” Tuy nhiên, bà Brady vẫn chưa thể nhậm chức cho đến khi được Quốc hội Philippines thông qua.

III. Phân tích và đánh giá

“Bãi cạn Scarborough: Lối thoát nào cho tranh chấp?” Căng thẳng gia tăng tại bãi cạn Scarborough đã nâng vị thế của Philippines lần nữa - kể cả việc là đối thủ tiềm năng của Trung Quốc trong khai thác tài nguyên ở khu vực, lẫn là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ. Tranh chấp tại Scarborough chính là một phần của cuộc tranh chấp lớn hơn về việc ai thực sự “làm chủ” Biển Đông. Trong khi chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý, thì Scarborough cách đảo Hải Nam (điểm đất liền gần bãi cạn nhất của Trung Quốc) tới 550 hải lý. Vì thế khi tranh chấp xảy ra, người ta đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Tổng thống Philippines Aquino đã thừa nhận rõ ràng rằng nước ông không theo kịp quân đội Trung Quốc và họ không tìm kiếm cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Mặc dù lời đảm bảo tránh bất kỳ hình thức xung đột nào liên tục được hai bên đưa ra, nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc, và quan hệ hai nước tiếp tục xấu đi.

“Ranh giới mập mờ giữa sức mạnh “mềm” và “cứng” của Trung Quốc.” Mặc dù chính sách hiện nay của Bắc Kinh dường như muốn thể hiện là chính sách sức mạnh "mềm", nhưng nhiều nước vẫn coi đó là chính sách sức mạnh "cứng" của chủ nghĩa đế quốc. Cách hành xử hiện nay của Bắc Kinh không khác cách hành xử của các cường quốc đang nổi lên trong lịch sử: sử dụng ảnh hưởng lớn hơn đối với các nước láng giềng châu Á và bắt buộc các nước yếu hơn khuất phục và nhượng bộ. Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng thừa hiểu lịch sử và có thể tìm cách tránh né những bài học đau đớn. Điều này giải thích tại sao họ đang nỗ lực điều chỉnh để thích hợp với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và áp dụng nhiều biện pháp chống lại sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Họ cũng đang làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy khả năng bảo vệ các lợi ích quốc gia không rơi vào tay Trung Quốc. Vấn đề quan trọng là Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào trước sự chống đối của các nước láng giềng và sẽ thể hiện chủ nghĩa đế quốc "mềm" ra sao trong thời gian tới.

“Phản bác yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc” Thứ nhất, vào năm 1947, thế giới đã không phản ứng với việc đưa ra đường 11 đoạn trong bản đồ Biển Đông của chính phủ Trung Quốc bởi vì thế giới không chú ý tới tấm bản đồ đó, chứ không phải là đã công nhận yêu sách của Trung Quốc. Thứ hai, theo lập luận của Trung Quốc rằng Bắc Băng Dương là “di sản chung của nhân loại” thì Biển Đông cũng phải là di sản chung cho tất cả các quốc gia sinh sống ở đấy. Thứ ba, những người nói ngôn ngữ châu Đại Dương, cụ thể hơn là những người thuộc nhánh Malayo-Polynesian là những người đầu tiên thực hiện các chuyến đi biển tại Biển Đông. Thứ tư, Biển Đông vẫn luôn là một tuyến đường biển quốc tế kể từ thời tiền sử. Thứ năm, cho dù những người Trung Quốc là những người đầu tiên thực hiện các chuyến đi biển tại Biển Đông (điều này là không đúng), thì Trung Quốc cũng không thể tuyên bố chủ quyền tại vùng biển mà đang được sử dụng bởi nhiều quốc gia khác. Thứ sáu, các văn bản cổ đại của Trung Quốc đề cập đến các đảo ở Biển Đông không mô tả việc khám phá ra các đảo này. Thứ bảy, các văn bản cổ của Trung Quốc về các đảo tại Biển Đông đề cập các đảo này như là đảo của nước ngoài, không phải lãnh thổ Trung Quốc. Thứ tám, bản đồ chính thức của nhà Nguyên và nhà Thanh chỉ rằng điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Cuối cùng, nếu Trung Quốc nghiêm túc về vấn đề chủ quyền lịch sử, thì nước này cũng phải trao trả Tây Tạng và Tân Cương cho những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.

“Phê chuẩn Luật Biển nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ” của Ernest Z. Bower, Gregory Poling. Sự tín nhiệm đối với Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị đe dọa trước quyết định liệu có phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Không có đòi hỏi nào cấp thiết hơn việc Hoa Kỳ cần củng cố cam kết của mình đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt đúng đối với một trong những chính sách đối ngoại quan trọng nhất của thế giới và thách thức về an ninh: giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Hoa Kỳ không cần phải có quan điểm về yêu sách của các bên trong tranh chấp Biển Đông hoặc trong bất kỳ tranh chấp nào khác. Nước này chỉ cần đảm bảo bất cứ giải pháp nào đạt được đều nằm trong giới hạn của luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc hay bất kỳ bên nào khác được phép đơn giản là bỏ qua các quy tắc thuộc một khía cạnh của hệ thống – trong trường hợp này Luật biển – thì sau đó toàn bộ hệ thống sẽ mất đi tính hợp pháp. Thượng viện cần hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và phê chuẩn UNCLOS càng sớm càng tốt. Quả thực việc Mỹ thông qua UNCLOS sẽ quyết định liệu thế kỷ 21 có trật tự tương đối ổn định giống với cuối thể kỷ 20 hay sẽ là sự cạnh tranh hỗn loạn giống thế kỷ 19.

“Đường chín đoạn mơ hồ của Trung Quốc ở Biển Đông” của David Lague. Bắc Kinh thường xuyên đưa ra phạm vi tuyên bố chủ quyền của họ với cái gọi là đường 9 đoạn, bao trùm khoảng 90% trong 3,5 triệu km2 Biển Đông trên các bản đồ Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh không gặp khó khăn gì khi sản xuất ra những bằng chứng lịch sử để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền liên quan tới rất nhiều đảo, đá thì lại có rất ít tài liệu để chứng tỏ bản đồ 9 đoạn xuất phát từ đâu. Một lý do cho sự thiếu minh bạch này là, Trung Quốc đã ký vào Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Nếu Bắc Kinh xác định rõ các tuyên bố chủ quyền của mình để phù hợp với những quy định của công ước này, thì rõ ràng họ sẽ bị giảm bớt phạm vi lãnh thổ mong muốn và chính quyền sẽ đối mặt với những chỉ trích khi chủ nghĩa dân tộc dâng cao. Ở phương diện khác, nếu Bắc Kinh tối đa hóa phạm vi các yêu sách chủ quyền bao gồm toàn bộ hay hầu hết khu vực trong đường 9 đoạn, họ sẽ gặp khó khăn khi bào chữa theo luật quốc tế và gây phản ứng với những nước láng giềng. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục mơ hồ, nhất là trong bối cảnh nước này đứng trước sự chuyển giao lãnh đạo dự kiến vào cuối năm nay.

Mỹ trấn an đồng minh ở Biển Đông. Theo Tiến sỹ Storey, Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Singapore, chính quyền Obama có một chính sách mới mà họ gọi là ‘xoay chiều’, hay cân bằng lại các lực lượng quân sự với điểm đến chính có thể là Đông Nam Á chứ không phải Đông Bắc Á. Mục tiêu của Washington là trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á rằng Hoa Kỳ sẽ luôn có mặt để duy trì ổn định trong vùng. Tiến sĩ Ian Storey cho biết theo Luật Quốc tế, một quốc gia cần đưa ra cả ba loại bằng chứng: phát kiến địa lý, sự chiếm đóng, và quá trình quản trị liên tục và có hiệu quả khi đòi chủ quyền, "Khi Trung Quốc nói họ là “chủ sở hữu” các đảo trên Biển Đông từ thế kỷ thứ hai trước Công lịch thì điều đó gần như không có sức nặng gì về luật quốc tế cả. Các lều trại hay vài ba chiếc bình cổ được nói là từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên thực sự chẳng chứng minh được gì cả."

“Năm điều Lầu Năm Góc chưa nói về quân đội Trung Quốc” của Trefor Moss. Một là, kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn của Trung Quốc cụ thể ra sao? Vẫn không có đánh giá nào đáng tin cậy về kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn của Bắc Kinh. Hai là, Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là gì? Mặc dù Trung Quốc thông thường được cho là có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang sở hữu hoặc có kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều. Ba là, Năng lực của hải quân Trung Quốc ra sao? Không rõ liệu Trung Quốc có dự trù chỉ đóng một vài tàu sân bay như là chiến tích nổi trên biển hay thành lập một lượng lớn nhóm tàu sân bay tấn công kiểu Mỹ với sứ mệnh phô diễn lực lượng ở quy mô toàn cầu. Bốn là, Loại hình năng lực không gian mà Trung Quốc đang phát triển là gì? Chương trình phát triển máy bay không gian Thần Long và kết hợp phát triển hệ thống lực đẩy tiên tiến, sự tồn tại của chương trình này làm tăng nguy cơ chạy đua quân sự trong không gian với Mỹ. Năm là, Con hổ giấy hay rồng phun lửa? Hoạt động gián điệp không gian ảo của Trung Quốc tỏ ra hiệu quả trong việc thu thập bí mật quân sự của nước ngoài, nhưng không rõ có bao nhiêu bí quyết công nghệ này được ứng dụng hữu ích và thành công vào các chương trình, học thuyết quân sự của Trung Quốc.

“Vũ khí mới của Bắc Kinh tại Biển Đông” của Minnie Chan. Gần đây Bắc Kinh đã thực hiện một số động thái như hạn chế du khách đến Manila, cấm nhập khẩu một số mặt hàng hoa quả của Phi-líp-pin cũng như cử một số tàu thăm dò dầu khí đến Biển Đông. Cách tiếp cận đa dạng về chính sách trên các phương diện – ngoại giao, kinh tế và công nghệ  - đã được các nhà phân tích đánh giá cao bởi họ coi đây như là một chiến lược hiệu quả của Trung Quốc để khẳng định các yêu sách của nước này tới khu vực mà không cần phải dùng đến biện pháp tạo nên xung đột quân sự. Như Đại tá Li Jie thuộc Học viên quân sự Hải quân Trung Quốc nói: “Đánh bại các đối thủ như Phi-líp-pin hay Việt Nam thì quá đơn giản, nhưng điều này sẽ chỉ khiến Mỹ có lý do để bán vũ khí cho các nước đối tác trong khu vực châu Á - hoặc thậm chí tham gia trong tranh chấp với chúng tôi.”

"Biển Đông không phải là thùng thuốc súng" của Allen Carlson & Xu Xin. Rõ ràng Bắc Kinh đã khởi động chiến dịch dùng các biện pháp cứng rắn hơn đối với Manila. Tuy nhiên, mục đích của những động thái đó không phải là để khiêu khích xung đột quân sự, mà là nhằm gây áp lực để Philippines đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ. Rộng hơn, có hai nhân tố làm giảm khả năng leo thang xung đột. Thứ nhất, một số thành viên trong chính phủ Trung Quốc nhận thấy rằng chính sách hiện tại về Biển Đông của Bắc Kinh đã không còn hiệu quả và khả thi. Ngoài ra, những hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc tại Biển Đông có thể sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến điều mà họ coi là “giai đoạn cơ hội chiến lược” của Trung Quốc trong khu vực. Thứ hai, và quan trọng hơn, là ít có khả năng những đề xuất chính sách mới sẽ được công bố trước Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ không tìm kiếm rủi ro khi giải quyết các vấn đề với thế giới bên ngoài. Một khi đã có nhiều bất lợi, chiến tranh với một trong những nước láng giềng của Trung Quốc chỉ càng làm trầm trọng hóa tình hình, khiến ban lãnh đạo của nước này thêm bấp bênh.

Bản PDF tại đây